Lăng mộ cổ Giồng Ông Tố – Bí ẩn chưa lời giải cùng những câu chuyện kỳ bí tại đây

Năm 1998, khi giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng Trường tiểu học Giồng Ông Tố, Trường mầm non Vành Khuyên, các cấp ban ngành của UBND TP.HCM đã thực hiện giải tỏa nghĩa trang Nam Đào – một nghĩa trang cổ xưa nằm trên trục đường Nguyễn Tử Nghiêm, P.Bình Trưng Tây, Q.2. Nhưng việc giải phóng mặt bằng đều thất bại sau hai lần thực hiện và để lại nhiều lời đồn li kỳ về nơi đây.

Lăng mộ Giồng Ông Tố

Mời quý độc giả cùng Gocxua khám phá câu chuyện bí ẩn về lăng mộ Giồng Ông Tố qua bài viết sau:

Trước hết, chúng ta cùng ngược dòng thời gian tìm hiểu về tên Giồng Ông Tố:

Giồng Ông Tố là ai?

“Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải

Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai”

Đó là hai câu trong bài Gia Định phú của tác giả khuyết danh viết khoảng đầu thế kỷ 20, do nhà Nam Bộ học Vương Hồng Sển sưu tầm và chép lại trong sách Tập thành của ông.

“Giồng” là phương ngữ Nam Bộ, biến âm của từ “vồng”, tức một dải đất phù sa nổi lên ven sông, rạch tự nhiên hoặc do bàn tay người vun xới, đắp nên những luống, những vồng để trồng trọt. Đất vồng phù sa ven sông, rạch thường được trồng dưa gang, khoai lang, bầu, bí… Như lời một bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ: “Trên đất giồng mình trồng khoai lang/ Trên đất giồng mình trồng dưa gang…”. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh bắt đầu từ “giồng” như Giồng Trôm – một huyện của tỉnh Bến Tre; Giồng Riềng – một huyện của tỉnh Kiên Giang…

Vùng đất giồng hai bên rạch Ông Tố ngày xưa một phần tự nhiên do phù sa đắp bồi mà thành nhưng một phần cũng do bàn tay người nạo vét rạch, đào đắp nên để trồng trọt. Họ là những lưu dân người Hoa, người Việt và người Khmer do ông Trương Vĩnh Tố chiêu mộ đến đây vét rạch, đào kênh, lên vồng canh tác, dựng chợ, lập ấp từ cuối thế kỷ 17. Trương Vĩnh Tố là tướng của phong trào “phản Thanh phục Minh” thất bại, chạy từ Trung Quốc sang thần phục chúa Nguyễn, cùng đợt với hai bại tướng khác là Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài) và Dương Ngạn Địch. Hai ông Trần và Dương được chúa Nguyễn cho vào khẩn hoang, lập ấp ở vùng đất mới chiêu nạp của Chân Lạp. Trần Thượng Xuyên dựng nên Nông Nại Đại Phố (tức Biên Hòa ngày nay). Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến có công thành lập Mỹ Tho (Tiền Giang). Cùng đợt này còn có Mạc Cửu đến khai khẩn vùng Hà Tiên. Nhưng họ Mạc đến thần phục vua Chân Lạp trước, sau khi thành lập Hà Tiên đã bị quân Xiêm đánh phá nên Mạc Cửu mới dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn, được chúa Nguyễn phong làm tổng trấn, trấn giữ Hà Tiên.

Riêng trường hợp Trương Vĩnh Tố, do đến sau hai ông Trần, Dương vài năm, khoảng năm 1679 được chúa Nguyễn cho đến khẩn hoang vùng đất mới toàn rừng tràm, dừa nước “cây xanh nghịt nghịt” – bây giờ là khu vực giồng Ông Tố. Rừng rậm lắm cọp, báo; nước ngập nhiều cá sấu, muỗi mòng; đất lại lắm phèn, canh tác thất bát, dân cư dần bỏ đi. Trương Vĩnh Tố buồn sinh bệnh chết, được chôn cất cạnh mộ vợ trên vùng đất vồng bên bờ rạch. Con rạch từ đó mang tên Ông Tố. Cả vùng đất vồng hai bên rạch được gọi là giồng Ông Tố, đọc theo giọng Nam Bộ.

Hiện nay hai ngôi mộ đã hoang phế, điêu tàn nằm trong sân sau của hai nhà số 33 và 35 đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2. Mộ ông Tố nằm trong sân sau nhà số 33, chỉ còn một mảng tường đá ong đổ nát, tấm bia trên mộ chữ đã mất. Tấm bia bình phong lại nằm áp vào tường một căn nhà phía sau, có lẽ chữ cũng đã xóa mờ theo thời gian. Còn mộ bà, theo lời người hàng xóm, lại lọt qua sân sau nhà số 35. Những người sống quanh khu mộ cũng ít người biết thân thế ông Tố. Một người bảo có cô giáo ở Trường Tiểu học Giồng Ông Tố khi dạy học trò về tên trường đã bảo ông Tố là người chèo đò đưa Nguyễn Ánh qua sông Sài Gòn chạy trốn quân Tây Sơn!

Hai ngôi mộ cổ nằm cạnh nhau, qua thời gian đất đai được chia nhỏ cho nhiều hộ dân cất nhà dựng phố, vô tình đã ngăn chia bởi một bức tường chia đôi hai nhà.

Bị đột quỵ khi khai quật mộ cổ:

Năm 1998, khi giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng Trường tiểu học Giồng Ông Tố, Trường mầm non Vành Khuyên, các cấp ban ngành của UBND TP.HCM đã thực hiện giải tỏa nghĩa trang Nam Đào – một nghĩa trang cổ xưa nằm trên trục đường Nguyễn Tử Nghiêm, P.Bình Trưng Tây, Q.2.

Lăng mộ cổ nay bị phủ rêu xanh

Trong quá trình thực hiện giải tỏa, khi tới một ngôi mộ song táng kiên cố, người dân cho rằng ngôi mộ rất linh thiêng, không ai dám đụng chạm. Tuy nhiên, những người thực hiện vẫn bất chấp, không báo cáo tình hình lên cơ quan chuyên môn và ngành văn hóa địa phương. Một tốp nhân công đã phá hủy một số bộ phận của ngôi mộ bằng tay chân, sau đó có người bị đột quỵ không hiểu vì sao nên không dám tiếp tục thực hiện. Đơn vị thi công chuyển sang dùng phương tiện cơ giới phá hủy tiếp phần còn lại và cũng gặp sự cố là máy xúc tự nhiên chết máy, sau đó gàu xúc gần rơi lìa ra khi thực hiện đến phần nấm mộ, buộc phải dừng thi công.

Sự kỳ bí đó kéo theo lời đồn đoán lan rộng trong khu vực lúc bấy giờ. Phòng Văn hóa – Thể thao, nay là Phòng Văn hóa – Thông tin Q.2 đã cử nhóm chuyên viên bảo tồn di tích – lịch sử văn hóa của Trung tâm văn hóa Q.2 xuống hiện trường để tìm hiểu và nghiên cứu. Ông Nguyễn Hải Đường, thành viên của tổ công tác, cho biết: ngôi mộ được xây dựng bằng hợp chất kiên cố, hiện đã bị phá hủy nghiêm trọng, 1 mộ bị mất bia. Bia mộ còn lại cao 1 m, rộng 0,5 m, dày 0,15 m, tạc bằng đá Non Nước màu trắng hồng, bị bể làm 4 mảnh, một mảnh đã bị mất, xung quanh bia khắc chạm hoa văn tinh tế với 33 chữ Hán có nội dung: Quốc hiệu Hoàng Việt, mộ Cung nhân Nguyễn thị, Chánh thất Hàn lâm viện Thị độc học sĩ họ Trần, tước hầu; bia được lập vào mùa thu năm Quý Mùi (1823) dưới triều Minh Mạng, do người cháu là Trần Văn Trường lập. Ông Đường cho rằng đây là chứng tích quý hiếm còn lại của cư dân Việt trong tiến trình chinh phục vùng đất Gia Định xưa. Ngoài ra không rõ cụ thể danh tính của ông quan họ Trần và phu nhân.

Nhờ có những đánh giá giá trị về mặt khoa học đối với di tích và nhiều lý do khác, ngôi mộ đã không bị giải tỏa cùng với một số ngôi mộ nhỏ khác nằm xung quanh. Sự linh thiêng của ngôi mộ đã được người dân và ngay cả Trường tiểu học Giồng Ông Tố ghi nhận. Để tránh học sinh chơi nghịch đụng chạm tới khu mộ, người ta đã xây bao quanh ngôi mộ một bức tường và tạo cửa, những ngày lễ tiết, nhà trường vẫn thực hiện thăm cúng.

Khi tiến hành khảo sát hiện trạng ngôi mộ cho thấy, đây là một loại hình lăng mộ dành cho các quan đại thần thời Nguyễn ở Nam bộ, nhìn về hướng đông bắc, bình đồ hình chữ nhật, rộng 6,1 m; dài 8,15 m, cao nhất phần bình phong hậu là 1,9 m. Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, cửa mộ, bệ thờ, hai nấm mộ song song hình hộp chữ nhật dẹt, bình phong hậu; bao xung quanh là hệ thống tường thành kết hợp với các trụ biểu búp sen.

Người ta đã xây bao quanh ngôi mộ một bức tường và tạo cửa
Nhà trường vẫn thực hiện thăm cúng
Bao quanh mộ là hệ thống tường thành kết hợp với các trụ biểu búp sen.
Hoa văn hai bên tường thành cổng vào ngôi mộ.
Bình phong hậu cao 1,9 m, trên có chạm khắc hình nhưng không còn nhận ra
Ngôi mộ được làm kiên cố nhưng nay đã bị phá hủy nghiêm trọng
Bao quanh mộ là hệ thống tường thành kết hợp với các trụ biểu búp sen.
Rêu xanh và cỏ mọc xung quanh lăng mộ cổ

Mộ của vợ chồng ông Tố ?

Sau khi phá hủy không thành, ngôi mộ cổ trong khuôn viên Trường tiểu học Giồng Ông Tố cũng không được trùng tu và phục dựng lại kiến trúc, vì thế mà nhiều cấu kiện kiến trúc bị phá từ năm 1998 vẫn còn nằm ngổn ngang, dễ thất lạc. Ngôi mộ được cho là linh thiêng nên không ai dám đụng chạm nữa, vì thế trở nên hoang tàn. Khi hỏi thăm hiện chiếc bia mộ đang được lưu giữ ở đâu, ông Lưu Chí Thành, cán bộ phụ trách về di sản văn hóa Phòng Văn hóa – Thông tin Q.2, cho biết do trước đây không quan tâm lưu giữ hồ sơ nên hiện giờ không biết tấm bia đang ở nơi đâu.

Tất cả những bí ẩn xung quanh lăng mộ trong khuôn viên Trường tiểu học Giồng Ông Tố và tấm bia thất lạc đang trở thành những bí ẩn không có lời giải.

Viết một bình luận