“Lầm” – Tiết lộ cho một cuộc hôn nhân tan vỡ, đầy thương đau của nhạc sĩ Lam Phương

Lam Phương là một trong những người nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam, ông đã để lại khoảng 170 tác phẩm tiêu biểu cho nền tân nhạc. Ông tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937, là con đầu trong một gia đình nghèo tại Kiên Giang. Sáng tác đầu tay của ông chính là bài hát “Chiều thu ấy” được sáng tác vào năm ông 15 tuổi, sau đó một thời gian ông đã sáng tác bài hát “Kiếp Nghèo” để nói lên sự mặc cảm của ông khi sống trong cảnh nghèo khó của gia đình và chính bài hát “Kiếp nghèo” đã khiến ông thoát nghèo, đồng thời đưa tên tuổi của ông đến gần với công chúng hơn.

Sau khi lớn dần, trải qua nhiều cay đắng của cuộc đời, những tác phẩm của nhạc sĩ Lam Phương ngày càng trở nên sâu sắc hơn, nó len lỏi tận sâu trong trái tim của người nghe, dần được nhiều người nghe yêu thích và đón nhận hơn.

Nhạc Sĩ Lam Phương
Nhạc Sĩ Lam Phương

Trước khi sang hải ngoại sau sự kiện vào tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Lam Phương đã có một cuộc hôn nhân vô cùng hạnh phúc và ông cũng đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Nhưng sau khi sang định cư tại Mỹ, khó khăn trong điều kiện kinh tế, vất vả kiếm sống bằng công việc tay chân, phần nào cũng ảnh hưởng đến sự hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ. Bộn bề trong cuộc sống mưu sinh, cuộc hôn nhân cuối cùng cũng đi đến hồi tan vỡ, chính vào thời điểm vô cùng chua xót cho chuyện tình cảm của bản thân, nhạc sĩ Lam Phương đã cho ra đời hàng loạt sáng tác có tiêu đề một chữ. Và bài hát “LẦM” có lẽ là ca khúc nổi tiếng nhất với câu hát được người nghe ngâm nga: “Anh đã lầm đưa em sang đây…”

Nhạc phẩm “LẦM” không chỉ là một bản tình ca sâu lắng, thiết tha, mà nó còn mang một sắc thái bi thương cho một cuộc tình tan vỡ nơi đất khách quê người. Tác giả biết mình đã sai khi mang theo vợ đến với vùng đất mới, bỏ lại tất cả tiền tài, danh lợi và cả sự nghiệp của mình. Biết sai nhưng làm sao mà sửa được lỗi này, vì cuộc tình này đã vỡ tan rồi còn đâu. Nếu trên đời có chữ “NẾU” thì liệu anh có làm như vậy không? Nhưng tiếc là không có chữ “NẾU” xuất hiện và mọi chuyện đã kết thúc trong bi thương.

https://www.youtube.com/watch?v=HQahHcFYe_A

Bấm vào hình trên để lắng nghe ca khúc do Elvis Phương trình bày.

“Anh đã lầm đưa em sang đây,

để đêm thường nghe tiếng thở dài

Thà cuộc đời yên trong lòng đất,

được trở về tiếng khóc ban sơ

Hơn là mang kiếp mong chờ

 

Anh đã lầm đưa em sang đây,

cho tâm hồn tan nát từng ngày

cùng điệu nhạc lâm ly huyền bí,

Dìu lòng người sang chốn đam mê

Đưa anh vào khổ lụy hôm nay…”

“Anh đã lầm đưa em sang đây” – Đưa Túy Hồng cùng mình sang Mỹ, có lẽ chính là sai lầm lớn nhất đời ông. Chính tay ông đã bóp chết cuộc hôn nhân được xem như mỹ mãn của mình. Chỉ vì vòng xoáy kim tiền làm lòng người thay đổi, chỉ vì quá vất vả nên người bạn đời đã đổi thay, không còn sự chung thủy như lúc ban đầu. Giờ đây, nằm cạnh ông chỉ có tiếng than thở về cuộc sống mưu sinh vất vả, những tiếng phàn nàn vì sự khốn khó trong cuộc sống của lứa đôi. Ông đau khổ, ông vật vả để hàn gắn nhưng đáp lại chỉ có khổ lụy vì người đã quá đam mê cuộc sống xa hoa.

Nhạc Sĩ Lam Phương và cô học trò Túy Hồng
Nhạc Sĩ Lam Phương và cô học trò Túy Hồng

Anh lầm vì đưa em sang nơi đất khách quê người, chính tay Lam Phương đã đẩy Túy Hồng vào con đường đam mê, tự tay đẩy bản thân vào những khổ lụy của cuộc sống, làm tâm hồn ông từng ngày tan nát.

“…Lời yêu thương nồng cháy

của hai mươi năm đầy

ngày yên vui hạnh phúc

ước vọng đến tương lai

đã vùi trong giấc ngủ say

cơn đau và vũng lầy

để anh đi, để anh viết

bằng yêu thương

bằng nước mắt

bằng con tim đọa đầy

tình quên trong mệt mài

để quên nỗi buồn còn đây…..” 

Ông biết, thế giới của ông giờ còn gì nữa đâu, nó đã mất hẳn rồi từ khi ông chọn lựa con đường hải ngoại. Tiền bạc, danh vọng, mọi thứ giờ chỉ còn là kỷ niệm. Kể cả những lời hứa yêu thương của đôi lứa, những nguyện ước hạnh phúc bên nhau trong tương lai cũng bị đẩy lùi vào sâu trong giấc mơ, vùi sâu vào cơn đau và đẩy ông vào vũng lầy của sự tuyệt vọng.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thái Châu trình bày.

Ca khúc “LẦM” được nhạc sĩ viết nên không phải bằng ngòi bút thông thường, mà nó được viết bằng tình yêu, bằng nước mắt, bằng sự tổn thương và bằng một trái tim nhỏ đầy máu, con tim đang đọa đầy. Giống như trong một câu hát của nhạc sĩ Anh Bằng có viết: “…Khi cố quên là khi lòng nhớ thêm…”, nhạc sĩ Lam Phương đã đau khổ như thế nào, đã vất vả như thế nào để quên đi người đã phản bội mình, ông quên người trong “mệt mài”, cố quên đi nỗi buồn lúc nào cũng hiện diện nơi trái tim này.

“…Con tim nào không hay đổi thay

Cuộc tình nào không lắm hận sầu

Ngọn đèn vàng lung linh hè phố

Điệu nhạc buồn văng vẳng đâu đây

Chỉ thêm làm giá lạnh đêm nay.”

Dẫu biết, trong cuộc sống mỗi người đều có sự lựa chọn riêng của bản thân, không ai có thể quyết định thay bạn được. Nhưng chấp nhận phản bội người mình từng cùng thề non hẹn ước, vứt áo ra đi để lại một trái tim với đầy vết cắt,…đấy là một loại tội lỗi đến nhường nào! Nhạc sĩ Lam Phương đã dìu dắt người nghe vượt qua cơn đau của trái tim đầy tổn thương, ông nói rằng “Con tim nào không hay thay đổi, cuộc tình nào không lắm hận sầu”, ông chấp nhận rằng lòng người luôn đổi thay, tình yêu phải có yêu mới có hận, có hận mới có nhớ thương về nhau.

Nếu nói niềm hạnh phúc của tình yêu là một liều thuốc cứu giúp con người ra khỏi những khô khan trong cuộc sống thì sự phản bội, lòng không chung thủy chính là con dao đâm vào tim những vết thương sâu không bao giờ xóa bỏ được. Ta đối xử với người như ruột thịt, ta trân quý người hơn trái tim ta, nhưng người lại chỉ coi ta là tạm bợ, khi tìm được nơi yên bề người lại phũ phàng đẩy ta ra xa.

Bấm vào hình trên để lắng nghe ca khúc do Nguyễn Hưng trình bày.Không biết nên vui hay nên buồn cho sự tan vỡ của cuộc hôn nhân này? Chính nhờ sự đau khổ, dằn vặt trong mối tình tan vỡ, đã thôi thúc nhạc sĩ Lam Phương cho ra đời hàng loạt sáng tác đi vào lòng người bằng sự trải nghiệm thực tế của ông. Ông biết được thế nào là đau đớn khi bị phản bội, ông biết đâu là tận cùng của nỗi đau khi một người thì cố vun đắp cho tình yêu, còn một người chỉ khăng khăng đạp vỡ. Những sáng tác sau này, ngoài nhạc phẩm “LẦM”, cũng đều truyền tải chung một nỗi niềm đau thương khi người cất bước ra đi, nhưng với nhiều phong cách khác nhau, truyền tải nỗi đau cũng ngày một sâu đậm. Cũng chính từ đây, con đường sự nghiệp của nhạc sĩ Lam Phương lại một lần nữa rực rỡ, sự tổn thương này như một ngòi nổ để Lam Phương càng thêm sáng – Tiếp bước trên con đường trở thành cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam.

 

Viết một bình luận