Ký ức từ trường Vẽ Gia Định đến Đại học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Vào đầu những năm thuộc thế kỷ XX, không chỉ ở Sài Gòn – Gia Định mà cả Việt Nam xuất hiện một loạt các trường học mang hình dáng mỹ thuật ra đời.  Vào những năm đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam một loạt các trường mang hình dáng mỹ thuật ra đời. Tuy nhiên, thời kỳ này đất nước ta vẫn còn nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Cả con người cùng với đất nước đều chìm vào thế bấp bênh và trôi nổi nên nghệ thuật cũng chẳng thể nào định hình nói chi là phát triển và trường tồn. 

Dù thế, những trường Mỹ thuật do dân Pháp lập ra lại mang theo ý đồ thống trị lâu dài đối với đất nước ta, vậy nên, những trường học cứ liên tiếp được thành lập chỉ trong một khoảng thời gian ngắn: 

– Năm 1901, trường Mỹ thuật đồ mộc Thủ Dầu Một được thành lập.

– Năm 1903, trường Nghệ thuật và Kỹ nghệ Biên Hòa được khánh thành. 

– Năm 1913, trường “dạy vẽ” hay còn được gọi là “Trường Vẽ Gia Định” cũng nối gót ra đời. 

Kỷ niệm 100 năm trường Vẽ Gia Định (1913 – 2013)

Trường Vẽ Gia Định được thành lập vào ngày 1 tháng 9 năm 1913, là tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. 

Sự phát triển của “Trường Vẽ Gia Định” đều có liên quan mật thiết và dưới sự hỗ trợ cùng giúp đỡ của những ngôi trường nêu trên. Kể từ khi thành lập, “Trường Vẽ Gia Định” ngày càng phát triển, nhưng sự phát triển chủ yếu là nhờ vào đội ngũ giảng viên có tâm huyết với nghệ thuật của trường. Đến năm 1917, trường đã được đổi thành một cái tên khác là trường “Trang trí Nghệ thuật Gia Định” – Đây là trường mỹ thuật duy nhất ở miền Nam Việt Nam được xếp vào bậc trung học chuyên nghiệp đệ nhất cấp và được công nhận là thành viên của Hiệp hội Trung ương Trang trí Mỹ thuật Paris. Đây được cho là cột mốc quan trọng của trường cũng như toàn thể sinh viên đang học tại đấy, vì đó là lần đầu tiên họ được tiếp xúc một cách trực tiếp với nền hội họa của phương Tây. Trường bắt tay vào những bước đào tạo mới, có hệ thống hơn, theo những phương pháp khoa học hơn thay vì cứ mặc nhiên như những phương pháp đào tạo truyền thống. Để tạo nên sự phát triển vượt bậc ấy, không thể không kể đến công của: Ông L’Helgouache, ông Garnier, ông André Joyeux, ông Claude Lemaire, ông Lưu Đình Khải, ông Đỗ Đình Hiệp… 

Trường Vẽ Gia Định, thập niên 1920

Năm 1940, trường vẽ Gia Định được đổi tên thành “trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định”, cũng từ đây mà chương trình đào tạo của trường cũng dần được cải thiện. Trường cho mở thêm những môn học khác như trang trí tổng quát, luật viễn cận,….đặc biệt là môn học ký họa. Cũng nhờ đó mà các sinh viên được thâm nhập sâu hơn trong thực tiễn cuộc sống, phản ánh trực tiếp cuộc sống của người lao động qua những tác phẩm nghệ thuật của mình. 

Vào năm 1945, đất nước ta nổ ra những sự kiện lớn, trong đó có cuộc “Cách mạng tháng Tám” và lời kêu gọi “Toàn Quốc kháng chiến”, không thể tách rời nên nhiều sinh viên không thể làm gì khác hơn là “xếp bút nghiên theo việc đao cung” như: Huỳnh Công Nhãn, Hoàng Trầm… và cũng trong khoảng thời gian này mà trường buộc phải tạm ngừng hoạt động. 

Đến năm 1946 khi mở cửa trở lại, trường đổi tên thành trường “Mỹ nghệ thực hành Gia Định” và năm 1951 thì lấy tên là trường “Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định”. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, tháng 10 năm 1954 chính quyền Sài Gòn đã quyết định thành lập trường “Quốc Gia Mỹ thuật Sài Gòn” – chuyên đào tạo về nghệ thuật tạo hình với chương trình học kéo dài 3 năm qua các chuyên khoa: Sơn dầu, Sơn mài, Lụa, Điêu khắc. Đây được xem là nơi mà các sinh viên từng học ba trường Bình Dương – Biên Hòa – Gia Định có thể nâng cao trình độ học thuật của mình. Mốc lịch sử quan trọng về đào tạo mỹ thuật ở Sài Gòn trong thời kỳ này là chủ trương nâng cấp về đào tạo của hai trường: Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định (tiền thân là trường Mỹ nghệ Gia Định). 

Trường Trung Học Trang trí Mỹ thuật Gia Định (nay là Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh) năm 1967

Năm 1971, trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định nâng thêm một cấp học nữa, trở thành hai cấp học: Cấp I học 4 năm, cấp II học 3 năm và tổng thời gian đào tạo sẽ kéo dài thành 7 năm. Trường cũng chính thức đổi tên thành “Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật”. Bên cạnh đó, trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn cũng nâng thêm một cấp học biến tổng số năm học trong trường từ 3 năm lên thành 7 năm. 

Sau sự kiện năm 1975, cả hai trường đã nhập thành một, Bộ Văn hóa Thông tin của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam cũng chính thức phê chuẩn để thành lập nên Ban phụ trách cho cả hai trường: Trường Vẽ Gia Định và Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, gồm 2 người là Nguyễn Phước Sanh và Cổ Tấn Long Châu, để chuẩn bị khai giảng năm học mới. Ngày 12 tháng 11 năm 1976, Bộ Văn hóa quyết định đổi tên trường thành Cao đẳng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Và ngày 29 tháng 9 năm 1981, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Việt Nam quyết định đổi tên trường thành Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trường Trung Học Trang Trí Mỹ Thuật, ngã ba Nguyễn Văn Học-Chi Lăng (còn có tên là ngã ba trường vẽ) năm 1966. Nay là ngã ba Nơ Trang Long – Phan Đăng Lưu

Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có hai hệ: hệ Đại học và hệ Trung học. Hệ Đại học có Đại học chính quy và Đại học tại chức. Hệ Đại học 6 năm (trước năm 1975) được thống nhất lại còn 5 năm; Trung học 5 năm thành 3 năm. Hiện nay, hệ Trung học đang dần được chuyển về các địa phương để được đào tạo theo chương trình thống nhất do Bộ văn hóa ban hành. Về cơ cấu lãnh đạo, từ năm 1974 đến nay trường đã qua 3 thời kỳ hiệu trưởng: Giáo sư Nguyễn Phước Sanh, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng và, hiện nay, họa sĩ Nguyễn Huy Long. Trong 30 năm qua, nhà trường đã đào tạo gần 2.500 học sinh, sinh viên – hiện họ đang hoạt động hầu hết ở các tỉnh Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn lại chặng đường hơn 100 năm qua đã trải qua vô vàn biến cố lịch sử, từ ngôi trường vẽ Gia Định nhỏ đến trường “Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh” – Nơi đây đã trở thành một vườn hoa tươi mát ươm mầm biết bao thế hệ nghệ thuật và đào tạo ra biết bao nhiêu tài năng cho vùng Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Viết một bình luận