Ký ức năm nào của những tấm postcard xưa vẫn lưu giữ kỉ niệm không quên

Có mấy ai trong chúng ta không biết đến những tấm postcard hay còn được gọi là bưu thiếp? Nó là những mảnh giấy dày dành cho văn bản mà không cần đính kèm phong thư, một mặt của bưu thiếp là hình ảnh và mặt còn lại để ghi địa chỉ người nhận kèm với một thông điệp nào đó từ người gửi. Dù chỉ là một bìa cứng hình chữ nhật nho nhỏ nhưng lại truyền tải những thông điệp to lớn, là tình cảm và tấm lòng của người gửi đến với người thân, bạn bè, hoặc với một người nào đó.

Ở hiện tại, bưu thiếp ít được sử dụng, bởi công nghệ kỹ thuật ngày càng hiện đại nên có mấy người còn làm công việc “nhàm chán” này để truyền tải thông điệp cho nhau, chỉ cần vài thao tác trên chiếc “di động” đã có thể gửi đi hàng trăm bức ảnh. Nhưng ở quá khứ, đây đã từng là một trong những cách truyền tải thông tin phổ biến nhất, trong đó có Sài Gòn. Vậy nên đã lưu giữ lại không ít hình ảnh Sài Gòn trên những tấm bưu thiếp cũ ngày xưa, những hoài niệm này có lẽ sẽ chẳng thể nào phai mờ được trong mảng ký ức tươi đẹp của người Sài Gòn xưa….Hãy cùng Góc Xưa, dành chút thời gian để chiêm nghiệm lại khoảng không quá khứ nhé! 

Thương xá Passage Eden vừa xây dựng xong năm 1952 – Khu thương xá này được giới hạn bởi bốn con đường trọng yếu của Sài Gòn thuở ấy: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Tự Do. Năm 2012, thương xá EDEN đã bị tháo dỡ trước nhiều tranh cãi, và tại vị trí này người ta đã dựng lên một cao ốc hoàng tráng.

Tiệm “cà phê hủ tiếu” đặc trưng của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn – Chỉ cần nhìn cách trang trí chiếc xe là có thể đoán được chủ nhân của nó là một người Tàu. Bởi họ có cách bày trí rất riêng biệt với những chiếc xe gỗ, thiết kế một cách rất thần kỳ. Phần trên của xe là tấm kính tráng thủy có những hình vẽ nhân vật như Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi,…trong truyện “Tam Quốc diễn nghĩa”.

Một góc chợ làng ở Nam Kỳ – Hầu hết là những sạp nhỏ, xung quanh là những gánh hàng được mang từ nhà ra.

Những đứa trẻ bốc vác ở chợ Sài Gòn năm 1905 – Dù nhỏ tuổi nhưng những cậu bé này đã phải tự lúc kiếm sống bằng cách bán sức lao động cho người khác.

Nhà hát Thành phố năm 1905 – Đây là nhà hát có mặt tiền hướng ra Công trường Lam Sơn và đường Catinat (sau này được đổi tên thành đường Đồng Khởi). Đây là một nhà hát thuộc loại lâu đời của thành phố theo phong cách Tây Âu, được xây dựng dưới thời Pháp thuộc năm 1900. Ban đầu, nhà hát này được mở ra chỉ mời những gánh hát từ Tây sang để phục vụ cho người Tây nên dân chúng Sài Gòn gọi đây là “Nhà hát Tây”. Dần đà nhà hát càng mất khách nhưng mức chi phí phục vụ lại một tăng nên chánh quyền đành mở cửa để người Việt tổ chức biểu diễn. Và ngày 18/11/1918, người Việt đã có buổi biểu diễn đầu tiên tại đây bằng vở ca kịch pha chút cải lương.

Grand Cafe de la Terrasse năm 1907 – Đây là một trong những quán cà phê đầu tiên và nổi tiếng của Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX. Đây cũng là vị trí khách sạn Caravelle Sài Gòn bây giờ, được xây dựng vào năm 1957 và khai trương vào đêm vọng Lễ Giáng Sinh năm 1959.

Dinh Phó Toàn Quyền Đông Dương nằm ở góc đường Gia Long – Công Lý (sau này được đổi tên thành đường Lý Tự Trọng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Năm 1954, Quốc trưởng Bảo Đại đặt cho tên mới là Dinh Gia Long – Nơi đây từng có một thời gian là nơi ở và làm việc của gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm khi Dinh Độc Lập bị ném bom năm 1962.

Đường Gia Long năm 1908 (sau này được đổi tên thành đường Lý Tự Trọng), dãy nhà bên phải hình là Bệnh viện Quân sự của quân đội Pháp. Bệnh viện này được thành lập từ năm 1862 khi Pháp mới xâm chiếm Nam Kỳ. Năm 1925, bệnh viện chính thức đổi tên thành “Bệnh viện Grall” để vinh danh Giám đốc Y tế Nam Kỳ – bác sĩ Charles Grall. Sau năm 1975, bệnh viện chuyển giao lại cho nhà chức trách Việt Nam còn người Pháp thì hoàn toàn rút lui và sau đó, Bênh viện Grall đổi tên thành Bệnh viện Nhi đồng II – chấm dứt thời kỳ bệnh viện tổng quát và trở thành bệnh viện chuyên môn nhi khoa.

Góc đường Somme – D’Adran (trước năm 1975 thì có tên là Hàm Nghi – Võ Di Nguy, sau này thì đổi tên thành đường Hàm Nghi – Hồ Tùng Mậu) – Vị trí này chính là tiệm bánh Như Lan ngày nay.

Đám rước trong lễ hội của người Hoa – “Xe hoa” của trẻ em (do người gánh).

Người lái đò trên sông

Những chiếc thuyền chở cỏ của người nông dân, được chở đến nơi để rao bán

Một trường mẫu giáo xưa nằm ở góc đường Duy Tân – Phan Đình Phùng (sau này được đổi tên thành đường Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Đình Chiểu) – Ngày nay, vị trí này trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Chợ và đình ở Thủ Đức

Nhà hát Thành phố – Đã từng có khoảng thời gian dài, nhà hát bị sử dụng với chức năng tòa Trụ sở Quốc hội của chính quyền Đệ nhất Cộng hòa. Sau đó khi chế độ bị sụp đổ, nhà hát lại bị dùng làm Nhà Văn Hóa, đến khi Đệ nhị Cộng hòa tái khởi thì lại bị sử dụng thành Trụ sở Hạ Nghị viện. Mãi đến sau năm 1975 thì mới được trả về đúng công năng ban đầu là tổ chức biểu diện nghệ thuật.

Phối cảnh Đại lộ Bonard (sau năm 1955 đã được đổi tên thành đường Lê Lợi), bức ảnh nhìn từ Bùng binh chợ Sài Gòn.

Tiệm tạp hóa Trần Đăng, kế bên là cửa hàng sửa chữa nằm trên đường D’Espagne (sau này là đường Lê Thánh Tôn)

Rạch Ràu Hủ – là còn rạch dài nối từ ngã tư nơi giao với rạch Bến Nghé, kênh Tẻ, kênh Đôi đến ngã ba nơi giao với kênh Đôi và sông Bến Lức.

Rue Mac Mahon – Ban đầu, con đường này chỉ được đặt theo số tự là đường số 26, sau này thì gọi là đường Impératrice, rồi mới đến Rue Mac Mahon (dân Sài Gòn thời bấy giờ cũng hay gọi thuần Việt là đường Mặt Má Hồng). Sau đó, lần lượt trải qua các tên như Général De Gaulle, Maréchal De Lattre de Tassigny, mãi đến năm 1955 thì mới có cái tên chính thức là đường Công Lý (bởi con đường này đi ngang qua Tòa Pháp Đình Sài Gòn). Sau năm 1975, hầu hết những con đường thành phố đều được đổi thành một cái tên khác, và đường Công Lý cũng không ngoại lệ khi được đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Rue Catinat – Thời Đông Dương thuộc Pháp, đường này có tên là Rue Cartinat, thời Việt Nam Cộng hòa đổi thành đường Tự Do từ năm 1954 đến 1975. Sau năm 1975, chính quyền Việt Nam đổi tên đường Tự Do thành đường Đồng Khởi.

Viết một bình luận