“Khói chiều” (Nhật Ngân) – Cảnh buồn hay lòng buồn, người nhớ hay cảnh gợi nhớ về tình nhỏ nơi hậu phương xa xôi

Nhắc về nhạc sĩ có những sáng tác từ trước năm 1975 thì không thể thiếu Nhật Ngân, một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng cả trong nước lẫn hải ngoại với nhiều sáng tác bất hủ và được khán giả yêu thích cho đến ngày nay. Ông xuất hiện trong làng nhạc miền Nam từ những năm của thập niên 1960 với nhạc phẩm đầu tay là “Tôi đưa em sang sông” đồng sáng tác với Y Vũ. Sau đó ông lại thành công trên con đường sự nghiệp với hàng loạt tác phẩm xoay quanh chủ đề người lính như “Mùa xuân của mẹ”, “Xuân này con không về”, “Qua cơn mê”, “Một mai giã từ vũ khí”……Ngoài ra, trong sự nghiệp của mình ông còn từng hợp tác với nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh – Lâm Đệ – Nhật Ngân, thành lập từ năm 1962 đến năm 1975 thì vì nhiều biến cố mà tan rã).

Nhạc sĩ Nhật Ngân

Nhạc của Nhật Ngân chủ yếu theo đuổi ba chủ đề lớn: trước năm 1975 với đề tài người lính và phong cách nhạc trữ tình lãng mạn; sau năm 1975 và hoạt động chủ yếu là ở hải ngoại; cuối cùng là nhạc ngoại lời Việt. Nhạc khúc “Khói Chiều” cũng là một trong những sáng tác hay và điển hình cho chủ đề người lính từ trước năm 1975 của nhạc sĩ Nhật Ngân. Ca khúc là nỗi nhớ thương về miền quê nhà xa xôi nơi hậu phương của chàng chiến sĩ sa trường, nơi có mái ấm yên vui, có gia đình vợ con ngoan hiền và đáng yêu, có cánh đồng lúa lung lay dưới cơn gió chiều thoang thoảng mang theo hương sữa mọng ngang qua chóp mũi của người thôn làng. Nơi biên thùy xa lạ, ngẩng cao đầu nhìn trời mà hồi tưởng về miền viễn xứ xa, thấy lòng chợt bâng khuâng với những cung bậc cảm xúc đan xen, rối bời.

“Nhìn làn khói bạc
Vời vợi bay bay
Bay bay vời vợi
Qua từng cây xanh
Qua khung lưng ghềnh
Cơm chiều ai thổi
Mãi tận đâu xa
Ôi thật nhớ nhà…..”

Chàng chiến sĩ vẫn đang mải miết theo đuổi nhiệm vụ nơi biên thùy, chẳng lúc nào được ngơi tay và cũng chẳng bao giờ là nhẹ nhàng cùng thảnh thơi. Ngày ngày đối mặt với quân thù, mượn trời làm chăn, mượn đất làm giường, cùng bom đạn nói đôi lời tâm sự. Chỉ có những khoảnh khắc canh trực mới được thả chút hồn vào thiên nhiên, hòa mình với cây cỏ như một sự gọt rửa tâm can.

Hoàng hôn là sự kết thúc của một ngày, khi những tia nắng gay gắt ban ngày dần nhạt bớt, sự oi bức của ban ngày cũng giảm dần và thay vào đó là sự mát của trời đêm dần lên, vị trí của mặt trời cũng dần được thay thế bởi ánh trăng sáng rực. Nhưng đó chỉ là niềm vui của thiên nhiên đất trời khi được thay màu áo mới, còn đối với con người thì đó lại khoảng thời gian lắng đọng, cảm giác trong lòng cứ vương vấn những nỗi ưu sầu không tên. Chàng chiến sĩ nơi biên ải cũng thế! Ngồi trực gác lúc ban chiều, ngắm nhìn từng đợt khói lam bay ngày một cao, ngày một nhạt, xuyên qua từng tán cây xanh nơi núi rừng sâu thẳm, luồng qua khung cửa nhỏ, băng qua những ngọn núi cao….mà nhớ về buổi thổi cơm chiều nơi mái nhà thân yêu ở xa xa hậu phương. Từng đợt khói lam tỏa ra từ ống khói nơi mái nhà tranh, dựng thẳng trời như những cột mây cao ngất, có tiếng gọi cơm của mẹ, có tiếng cười đùa của những đứa trẻ thơ đòi ăn,….”Ôi thật nhớ nhà”, ngắn ngủi thôi nhưng chứa đựng biết bao nhiêu là tình cảm, chồng chất biết bao là nỗi niềm nhớ nhung về miền quê nhỏ. Nhưng nghiệp lớn chưa thành, chưa thể nào rời vị trí mà đoàn tụ cùng người thân và người thương. Những chiến sĩ quân khu, tuy nhớ, tuy mong chờ, nhưng vẫn dặn lòng cố gắng, gạt bỏ những tình cảm cá nhân mà hoàn thành nghĩa vụ với non nước, bờ cõi.

“…..Theo làn khói mong manh
Vời vợi bay vời vợi
Ôi bóng dáng thân yêu
Người vợ nơi quê nhà
Ngồi ôm con chờ đợi
Quá đỗi bơ vơ…..”

Làn khói mờ ảo lúc ban chiều, không chỉ hiện ra hình ảnh của thôn quê, của mái nhà tranh, của bữa cơm chiều, mà thông qua đó, chàng chiến sĩ còn hoài niệm người vợ nhỏ – một dáng hình thân yêu mà ngày ngày chàng nhớ, chàng thương. Người vợ bé nơi quê nhà, dưới mái lá liêu xiêu, tất bật với cuộc sống mưu sinh hàng ngày, lại phải chăm con cho chồng yên tâm nơi biên ải. Không một lời than trách, không một câu oán than, chỉ biết ngày ngày ôm con chờ chồng nơi mái hiên nhà xập xệ, một cảm giác bơ vơ cũng cô đơn như bủa vây lấy mái nhà đơn sơ….tình cảnh đó, ai trông thấy mà không xót thương, không động lòng cho được.

Những chinh phụ ấy sao quá đỗ kiên cường, chồng khoác chiến y lên đường ra biên ải, để lại mình nàng xoay xở trong khó khăn cùng mẹ già con thơ nhưng dường như có “phép thuật”, nàng chẳng quản ngại mà chu toàn tất cả. Chăm mẹ già từng miếng ăn giấc ngủ, dạy dỗ con thơ thành người hiểu biết lễ nghĩa, vun vén cho gia đình ấm êm để chồng yên tâm và chuyên tâm cầm súng đánh giặc. Tình cảnh vừa thương vừa tội, đây cũng là tình cảnh chung của tất cả người vợ xưa có chồng là lính, không một câu oán, chẳng một lời than, cứ âm thầm mà chịu đựng, âm thầm mà hy sinh.

“…..Khuất sau làn khói bay
Một người đang phiêu bạc
Mắt ngủ chân mây
Hồn neo góc biển
Một vực âu lo
Một vực buồn phiền….”

Có mấy ai biết được, đằng sau lớp khói dày với bữa cơm ấm êm của một gia đình không trọn chính là dáng hình phiêu bạc; người đi xa nhớ về quê nhà, người chiến sĩ biên quan nhớ người vợ hậu phương, người thương nhỏ nơi mái hiên đang ngóng chờ trong vô vọng. Người chiến sĩ lo vợ nhọc nhằn, thương người phụ nữ vì mình mà dãi nắng dầm sương; cô vợ hiền lo chồng rơi vào nguy hiểm, ngày ngày đối mặt với bom đạn mà không có ngày trở lại đoàn tụ cùng vợ con. Tất cả đều mang trong mình những nỗi lo riêng, đều chất chứa những ưu phiền không thể sẻ chia.

“……Đất trời bao la
Mà sao thấy hẹp
Tim nhỏ trong lòng
Gửi trọn quê xa.”

Đất trời bao la và rộng lớn, nhưng chẳng hiểu sao lại chợt nhỏ bé và hẹp vô cùng, người chiến sĩ tiền tuyến, cô vợ bé nhỏ nơi hậu phương – đôi người cách biệt hai phương trời nhưng vì tình vẫn ngự trị nơi tim nhỏ mà khoảng cách đôi uyên ương như gần hơn. Chàng chỉ mong nàng nơi phương xa sẽ hiểu và cảm thông khi có người chồng chẳng thể lo sợ chăm con, người cha không thể tròn trách nhiệm, chỉ biết gửi chút tình riêng theo làn khói lam chiều mà thoảng về miền quê xa vắng.

“Khói Chiều” không chỉ là một bài hát về làn khói bếp buổi hoàng hôn ấm áp, cảnh bếp ấm nhà êm của những người thôn quê; mà nó là cảm xúc, là nỗi lòng của người chiến sĩ thân chinh đang nhớ nhung về vợ con, nhớ nhung về quê nhà. Sự da diết trong từng câu hát và cả giai điệu khiến người nghe như đắm chìm vào những nỗi nhớ, nỗi xót thương, khó lòng dứt ra được.

Lời bài hát Khói Chiều – Nhạc sĩ Nhật Ngân

Nhìn làn khói bạc
Vời vợi bay bay
Bay bay vời vợi
Qua từng cây xanh
Qua khung lưng ghềnh
Cơm chiều ai thổi
Mãi tận đâu xa
Ôi thật nhớ nhà.

Theo làn khói mong manh
Vời vợi bay vời vợi
Ôi bóng dáng thân yêu
Người vợ nơi quê nhà
Ngồi ôm con chờ đợi
Quá đỗi bơ vơ.

Khuất sau làn khói bay
Một người đang phiêu bạc

Mắt ngủ chân mây
Hồn neo góc biển
Một vực âu lo
Một vực buồn phiền.

Đất trời bao la
Mà sao thấy hẹp
Tim nhỏ trong lòng
Gửi trọn quê xa.

Viết một bình luận