Khám phá Hòn Ngọc Viễn Đông những năm 1970 – 1971 qua 120 bức ảnh tuyệt đẹp của Sandy1618 – Phần 1

Ký ức về “Hòn ngọc Viễn Đông” chưa bao giờ là cũ đối với những người con Sài Gòn – Nào là chợ hoa Tết ở đại lộ Nguyễn Huệ, chiếc đồng hồ biểu tượng thành phố ở Chợ Bến Thành, những chiếc xe taxi “con cóc” di chuyển khắp nẻo đường Sài Gòn,…gợi lên cho chúng ta biết bao cảm xúc. Thêm lần nữa! Hãy cùng với Thời Xưa hoài niệm về những ngày Sài Gòn năm 1970 – 1971 qua loạt ảnh của nhiếp ảnh gia Sandy1618:

Chợ hoa Tết đường Nguyễn Huệ năm 1970 – Sẽ chẳng bao lâu nữa một đường hoa Nguyễn Huệ mới lại xuất hiện để chào đón mùa Xuân mới!
Bây giờ đời sống của người dân đã tốt hơn và cải thiện hơn rồi, nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể thấy lại những hình ảnh như thế này nữa!!!
Chợ hoa Tết đường Nguyễn Huệ năm 1970 – Tòa nhà cao phía xa chính là Palace Hotel. Đây chính là một khu vực trung tâm hành chính – thương mại – du lịch – giải trí quan trọng nhất của thành phố.
Dẫu có qua bao nhiêu năm thì chiếc áo dài trắng nữ sinh vẫn là đẹp nhất và là ký ức khó phai nhất trong lòng bao thế hệ!
Đường Triệu Quang Phục cạnh ngã tư Nguyễn Trãi – Triệu Quang Phục. Chiếc xe đẩy màu xanh nhỏ nhỏ gần với cổng ngay bên phải bức hình chính là xe bán nước sâm thời đó.
Cận cảnh xe bán nước sâm ở đường Triệu Quang Phục, Chợ Lớn năm 1970
Đường Đồng Khánh (nhìn từ ngã ba Phan Phú Tiên – Đồng Khánh) – Bên phải là nhà hàng Bát Đạt, rạp Tân Việt, quẹo trái là rạp Lệ Thanh.
Đường Lê Thánh Tôn, đốii diện Cửa Bắc Chợ Bến Thành
Những chiếc xe taxi con cóc, con bọ chạy rất đông trên đoạn ngã tư Phan Thanh Giản – Cao Thắng. Những chiếc xe này xuất hiện lần đầu ở Sài Gòn – Chợ Lớn là vào cuối những năm 1940 và thịnh hành vào khoảng 1950. Nhưng sau năm 1975, thì hầu như không còn thấy những chiếc xe có màu xanh dương và màu vàng kem này xuất hiện trên đường phố Sài Gòn – Chợ Lớn nữa….
Cùng với taxi “con cóc” thì xích lô máy cũng trở thành một phần trong ký ức của nhiều người dân Sài Gòn trước năm 1975. Nhưng sau đó vì do sự khan hiếm xăng dầu nên hoàn toàn vắng bóng trên những nẻo đường Sài Gòn.
Một góc chợ Bến Thành và bùng binh Quách Thị Trang
Chợ Bến Thành ngay vị trí góc giao giữa đường Lê Lai và đường Phan Châu Trinh
Chợ Bến Thành được khởi công xây dựng vào năm 1912 – Chợ nằm giữa các đường Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh – Lê Thánh Tôn – Công trường Quách Thị Trang.
Cầu xây bắc ngang từ chợ Bến Thành với công trường Quách Thị Trang, với ý nghĩa ban đầu là hỗ trợ cho người đi bộ nhưng ngặt cái leo lên leo xuống cũng đứt hơi nên hầu hết băng đại qua đường cho lẹ. Còn cái cầu trở thành chổ chơi cho con nít leo lên phá phách. Để riết mới thấy vô bổ nên sau này cũng dẹp cái cầu.
Chợ Tết chợ Bến Thành

Hình ảnh tháp đồng hồ ở cửa nam của chợ Bến Thành được xem là biểu tượng không chính thức của Thành phố. Xuất xứ của cái tên “Bến Thành” là do vị trí trước đó của chợ là nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định. Chợ cũ Bến Thành đã có từ trước cả khi người Pháp xâm chiếm Gia Định, nhưng đến năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ.

Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.

Vụ cháy nổ bùng ra ở gần một con sông
Một vụ cháy lớn xảy ra
Những chiếc trực thăng Chinook đang cố gắng múc nước sông để chữa cháy

Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh – Chỗ này là bến đò thứ hai qua Thủ Thiêm ngoài phà lớn ở công trường Mê Linh.
Bên trái hình là Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh – Phía xa của hình là Bến Nhà Rồng

Đây không phải là nhà hàng sang trọng nhất ở khu vực quận 1, Sài Gòn – Nhưng nó lại là nhà hàng nổi tiếng nhất từ trước năm 1975. Nhà hàng này thường neo đậu bên bờ sông Sài Gòn tại bến Bạch Đằng, bên cạnh cột cờ Thủ Ngữ tại khu vực trung tâm của quận 1. Sức chứa lên tới 250 thực khách, đây được xem là một trong những nhà hàng quy mô lớn nhất Sài Gòn trước năm 1975. Khách hàng chủ yếu của nhà hàng chủ yếu là nhân viên quân sự Mỹ cùng với những quan chức của chế độ Sài Gòn. Một điều đáng tiếc là, sau năm 1975, nhà hàng lừng danh một thời của Sài Gòn đã chính thức chấm dứt sự tồn tại.

Những chiến hạm Mỹ gần bến Bạch Đằng neo trên sông Sài Gòn

Những chiến hạm mang số hiệu khác trên sông Sài Gòn

Bến phà Thủ Thiêm trên sông Sài Gòn – Phía xa là chiến hạm quân đội Mỹ
Tấm biển phía xa góc trái hình là tiệm “Pizza” và chỉ duy nhất tiệm này ở Sài Gòn. Nó ở trên đường Lê Thánh Tôn chỗ La Pagode ngó qua.
Xe Hóc Môn – Sài Gòn đang trên đường Lê Văn Duyệt hướng về phía Công trường Dân Chủ. Taxi trên đường Hồng Thập Tự tiến về phía cổng vườn Tao Đàn. Phía trước chính là ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Hồng Thập Tự.
Bảng quảng cáo của thương hiệu kem đánh răng “Anh Bảy Chà” Hynos của ông Huỳnh Đạo Nghĩa.

Hynos của những năm 1960 – 1970 không chỉ là thương hiệu độc chiếm thị trường miền Nam Việt Nam mà còn vang danh sang nhiều nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Ban đầu, Hynos là một cơ sở sản xuất nhỏ của một ông chủ người Mỹ gốc Do Thái, sau này được nhượng lại thương hiệu cho ông Nghĩa. Chỉ trong vòng 10 năm, ông Huỳnh Đạo Nghĩa đã đưa thương hiệu Hynos phát triển nhanh chóng, “qua mặt” các nhãn hàng quốc nội xuất hiện từ trước như Perlon, Leyna và thậm chí là các nhãn hàng ngoại nhập như Colgate (Mỹ), C’est it (Pháp).

Tuy nhiên, đến năm 1975, hãng Hynos được bàn giao lại cho Nhà nước, sáp nhập với Công ty Kolperlon thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan. Sau đó liên doanh với các công ty nước ngoài và đổi tên thành công ty Hóa phẩm P/S.

Cầu Chà Và năm 1970 – Đầu cầu phía bên Quận 8
Những chiếc ghe thuyền trên kênh Tàu Hủ – phía xa là cầu Chà Và
Những chiếc nhà tạm bợ nằm cập con rạch Bến Nghé
Cuộc sống ven rạch Bến Nghé, nước của con rạch “hơi” đen….
Thời điểm chụp bức ảnh này là nước trên con rạch Bến Nghé đã rút
Vị trí chụp ảnh này là đang đứng ở phía tay phải của tượng Phan Đình Phùng, Quận 5. Nhà cao tầng bên trái ảnh là khách sạn Phượng Hoàng,nơi đây ngày xưa là rạp Casino Chợ Lớn phục vụ cho người Hoa trong khu Chợ Lớn, tiếp đến là nhà hàng Bách Hỷ – rạp Đại Quang –  cơm gà Đông Nguyên – Khách sạn Trường Thành,….Góc đường đang bán những lá cờ vàng sọc đỏ (từng là quốc kỳ của QGVN từ 1949 đến 1955 và của VNCH từ 1955 đến 1975).
Tượng Phan Đình Phùng phía trước Bưu Điện Chợ Lớn – Những tòa nhà này nằm trên đường Khổng Tử (góc Tổng Đốc Phương-Khổng Tử)
Tượng đài Phan Đình Phùng ở vòng xoay Phan Đình Phùng là một trong bảy tượng đài còn lại từ trước năm 1975 đến nay.
Đường Nguyễn Văn Thạch nay là đường Nguyễn Thi, bên hông phải Bưu Điện Chợ Lớn, Quận 5.
Đường Phan Bội Châu bên hông chợ Sài Gòn

Viết một bình luận