Hùng Cường – một ca sĩ đa tài trong “Tứ trụ nhạc vàng” người được mệnh danh “Ông Vua Ba Ngôi”

Hầu như bất cứ ai yêu thích những giọng ca vàng trước năm 1975 chắc hẳn sẽ chưa quên được cái tên Hùng Cường – một trong bốn “ Tứ trụ nhạc vàng” – người được mệnh danh là “ Ông vua ba ngôi” bởi lẽ ông thành công cùng lúc với ba vai trò ca sĩ – diễn viên – nghệ sĩ cải lương. Mặc dù đã hơn 20 năm người nghệ sĩ đa tài ấy ra đi, nhưng những khán thính giả yêu mến người ca sĩ tài hoa ấy vẫn nhớ mãi một Hùng Cường điển trai và đầy tài năng ngày nào.

Hùng Cường sinh ngày 21 tháng 12 năm 1936 tại Bến Tre, ông tên thật là Trần Kim Cường. Quê ở Bến Tre, nhưng sau này ông theo gia đình chuyển lên Sài Gòn sinh sống và phát triển sự nghiệp tại đây. Ngay từ nhỏ, Hùng Cường đã thể hiện năng khiếu của mình khi còn là học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo, ông đã tự sáng tác và trình diễn những bài hát học sinh trong các lần hội diễn của trường. Và ông chính thức theo nghiệp ca hát sau khi học xong tú tài, ông đi biểu diễn tại các vũ trường như Kim Sơn, Baccara,…

Ca sĩ Hùng Cường

Hùng Cường bắt đầu nổi tiếng từ năm 18 tuổi, giai đoạn 1954 -1955, tên tuổi của ông đã vang xa với các nhạc phẩm tiền chiến như: Ông lái đò, Vọng ngày xanh, Sơn nữ ca, Đường xưa lối cũ,… Và tất cả những bài hát ông thể hiện đều được thu đĩa và đạt số bán kỷ lục ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Với vẻ ngoài điển trai cùng tài ca hát làm say lòng người, ông đã chinh phục được không ít trái tim của nhiều nàng thiếu nữ, vào thời đó ông được xem là người đào hoa vì có nhiều người tình nhất Sài Gòn thời bấy giờ.

Xuất thân và nổi tiếng từ ca sĩ hát tân nhạc, nhưng năm 1959 Hùng Cường bất ngờ xuất hiện trên sân khấu cải lương trong vai chính và đã thành công vang dội ngoài mong đợi của mọi người. Vai diễn đầu tiên của ông là Roméo, tuồng “Mộng đẹp đêm trăng” của soạn giả Việt Bằng Nguyễn Thanh Hiệp, được khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo, với các diễn viên gạo cội thời đó như: Ngọc Đáng, Ngọc Giàu, Kim Nên, Hoàng Kinh, Thanh Sang, Kim Nguyên, Thanh Kỳ…

Ca sĩ Hùng Cường

Đó là điều không thể ngờ tới bởi lẽ vào thời điểm đó, một người theo đoàn cải lương phải mất ít nhất 2 đến 3 năm tập luyện mới lên được vai phụ, rồi lại mất thêm vài năm nữa mới lên được vai chính nếu thật sự có tài và nhất là phải khổ luyện. Tuy nhiên, với nền móng nhạc lý vững vàng cùng với chất giọng đã được trui rèn và cố gắng khổ luyện trong thời gian ngắn, Hùng Cường đã mạnh dạn bước lên sân khấu cải lương và khẳng định ngay tên tuổi của mình. Đồng thời với vóc dáng “sáng” sân khấu, chất giọng tenor khỏe, lối diễn xuất vừa tự nhiên vừa tự tin và rất hợp lý, cùng những bài bản cải lương đã được luyện tập kỹ càng, Hùng Cường đã thành công vang dội ngay từ vai diễn đầu tiên. Kể từ sau vai diễn thành công đó, ông đã trở thành ngôi sao rực sáng trên sân khấu cải lương miền Nam. Lúc bấy giờ, Hùng Cường đã giúp cho tiếng tăm của đoàn Ngọc Kiều lên cao, đồng thời mang lại doanh thu đáng kể cho đoàn.

Mang lại thành công vượt dự kiến ban đầu, chủ đoàn Ngọc Kiều tiếp tục ký hợp đồng với Hùng Cường để hát vai chính trong kịch bản mới mang tên “ Tuyết phủ chiều đông”, khai trương tại rạp Viễn Trường ở Mỹ Tho, Tiền Giang, sau một tháng tập dượt Hùng Cường đã mướn riêng một nhạc sĩ cổ nhạc đến nhà ông luyện tập ngày đêm. Ngoài ra, ông phối hợp với soạn giả cải lương lồng vào kịch bản khá nhiều đoạn tân nhạc, khai thác đúng tài năng của ông và tạo điểm mới cho vở kịch. Vì thế “ Tuyết phủ chiều đông” của soạn giả Bạch Yến Lan cùng giọng hát mới Hùng Cường đã tạo nên một làn sóng chấn động mà người đời gọi là “ thánh địa cải lương” Mỹ Tho. Rạp Viễn Trường khi ấy đã thu hút người đến xem chật kín từ chỗ ngồi đến chỗ đứng, bên ngoài rạp, khán giả còn dư gần nửa rạp bên trong.

Ca sĩ Hùng Cường & Mai Lệ Huyền

Tiếp nối thành công, năm 1960 đoàn Ngọc Kiều dựng tiếp vở cải lương “ Màu tím đèn hoa giấy”, khai trương tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, rồi tiếp tục đi lưu diễn ở nhiều tỉnh, thị xã lớn ở miền Tây. Hùng Cường đóng vai Kha Phong – một kiếm sĩ Phù Tang, bên cạnh tài danh Ngọc Đáng mang lại một thành công mới cho đoàn cải lương. Hùng Cường trở thành “ngôi sao” cải lương rực sáng.

Cũng trong thập niên 1960, Hùng Cường cùng nghệ sĩ Bạch Tuyết kết hợp tạo thành cặp đôi cải lương huyền thoại “sóng thần” rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Cặp đôi Hùng Cường – Bạch Tuyết, đã có những kịch bản khá ăn khách như: “Trăng thề vườn Thúy”, “Má hồng phận bạc,” “Cung thương sầu nguyệt hạ”.

Riêng Hùng Cường, những vai để đời của ông có lẽ là vai tướng cướp Bạch Hải Đường trong vở hát cùng tên và vai công tử Vân Châu trong vở “Yêu người điên” là những tuồng khiến khán giả đánh giá cao tài năng của ông.

Sau khi thành công vang dội bên lĩnh vực cải lương, Hùng Cường vẫn tiếp tục gắn bó với sân khấu ca nhạc và lại làm người hâm mộ thích thú với một thể loại nhạc mới lạ lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn, nhiều người lúc đó gọi là “nhạc giật”, một dạng pop – rock đã được Việt Nam hóa. “Nhạc giật” với giọng ca Hùng Cường chỉ thực sự đạt đến đỉnh cao khi phối hợp cùng ca sĩ Mai Lệ Huyền. Hai người đã tạo nên một không khí mới mẻ cho nền âm nhạc thời đó khi thể hiện các ca khúc: Hai trái tim vàng, Gặp nhau trên phố, Vòng hoa yêu thương, Xây nhà bên suối, Vì chưa ngỏ ý, Túp lều lý tưởng … và đã làm sôi động giới trẻ miền Nam vào những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970.

Sau thành công với mảng ca nhạc và cải lương, Hùng Cường tiếp tục “lấn sân” sang mảng điện ảnh. Hàng loạt các phim do ông thủ vai chính được nhiều người xem chú ý thời bấy giờ như: Chân trời tím, Mãnh lực đồng tiền, Còn gì cho nhau, Nắng chiều, Ly rượu mừng, Vết thù trên lưng ngựa hoang,…

Cuốn phim đầu tiên Hùng Cường tham gia là “Chân Trời Tím” đã mang lại thành công về  mặt tài chánh, hơn thế nữa bộ phim này còn đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật vào năm 1971. Đồng thời, “Chân Trời Tím”  còn được gởi đi trình chiếu tại Ðại Hội Ðiện Ảnh tổ chức ở Dianard, Anh Quốc đó là lần đầu tiên một cuốn phim Việt Nam phụ đề Pháp ngữ mang tên Lhorizon Pourpre có vinh hạnh ấy.

Lúc mới bước chân sang điện ảnh, Hùng Cường bị châm biếm rất ác ý, chê bai là “cải lương” nhưng sau khi thành công với vai diễn trong phim đầu tiên “Chân trời tím” này, ông được nhiều hãng phim mời cộng tác và phim nào có tên ông cũng rất ăn khách. Trong đó có hãng phim Kim Thân đã trả thù lao khá cao để mời Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đóng cặp trong phim “Mãnh lực đồng tiền”.

Vào tháng 9 năm 1971, Hùng Cường cùng Kiều Chinh góp mặt trong phim “Bão tình” quay ở nha trang của hãng Trùng Dương Film và do Lưu Bạch Ðàn làm đạo diễn, “Bão Tình” đã ra mắt khán giả khoảng cuối năm 1971, đầu 1972.

Hùng Cường trở thành cái tên được săn đón nhất thời bấy giờ khi góp mặt vào nhiều cuốn phim nổi tiếng. Chỉ trong năm 1971, có tất cả 17 cuốn phim được đem ra trình chiếu thì trong đó 4 cuốn phim đã có mặt của Hùng Cường, và 4 phim đều có số doanh thu cao.

Ngoài thành công với các vai trò như ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ cải lương Hùng Cường còn là một nhạc sĩ tài năng. Số lượng ông sáng tác không quá đồ sộ nhưng những ca khúc ông viết được nhiều người yêu thích và mến mộ cho đến tận bây giờ, đa số là các sáng tác trước năm 1975 như: Đêm trao kỉ niệm, Về thăm xứ lạnh, Buồn nào hơn, …

https://www.youtube.com/watch?v=jtm_VdjXPW4

Nghệ sĩ Hùng Cường được mọi người công nhận là một nghệ sĩ đa tài bởi ông quá thành công trong nhiều lĩnh vực mà ít ai có thể sánh bằng.

Sau sự kiện tháng 4 năm 1975, ông vượt biên nhiều lần nhưng không được. Mãi đến ngày 28 tháng 2 năm 1980, ông vượt biên thành công và sang định cư tại Garden Grove, California và tiếp tục hoạt động âm nhạc tuy nhiên không có được hào quang như trước.

Người nghệ sĩ tài danh Hùng Cường trút hơi thở cuối cùng vào ngày 1 tháng 5 năm 1996 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, sau một thời gian nằm trên giường bệnh. Ông đã yên nghỉ ở tuổi 60.

Ông qua đời ngày 1 tháng 5 năm 1996 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, hưởng thọ 60 tuổi.

Viết một bình luận