hững cách gọi “Thằng hai, con tám” – Những cách gọi thân thương của người Sài Gòn xưa

Người ngoại quốc thường nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, vì tiếng Việt chúng ta rất phong phú. Nếu ở bài trước chúng ta đã cùng nhìn lại công dụng của dấu gạch “nối” trong văn phạm miền Nam những năm 1975, thì ở bài viết này, chúng tôi mời các bạn đọc cùng tìm hiểu về một sự đa dạng khác của tiếng việt đó là – cách gọi “Thằng hai, con Tám”. Nhưng tại sao ở miền Nam chúng ta hầu như và không nghe cách gọi “Thằng cả”?  Và ý nghĩa thật sự của cách gọi đó là gì? mời các bạn theo dõi bài viết sau:

Trước hết là sự khác nhau về cách gọi ở các miền:

Như chúng ta thường biết, ngày nay ở một số vùng quê vẫn gọi tên theo thứ tự trong nhà. Nhưng tại sao ở những tỉnh thành phía Bắc, con đầu lòng được gọi là con cả (anh cả, chị cả, thằng cả) trong khi ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, con đầu lòng lại được gọi là con “thứ hai” như Anh Hai, chị Hai, thằng Hai, con Hai. Tìm hiểu về sự khác biệt ấy thì có 3 ý kiến lý giải khác nhau như:

Ý kiến thứ nhất:

Trong quá trình Nam tiến, đặc biệt là thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, do áp lực từ các cuộc tấn công của chúa Trịnh từ phương bắc và nhu cầu mở rộng đất đai về phương nam, các chúa Nguyễn đã bắt đầu một công cuộc mở mang bờ cõi nước Việt về phía nam với quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Từng đoàn người phương bắc lũ lượt kéo nhau về phương nam, trong đó người dẫn đầu là những anh Hai (tức những người con thứ hai trong gia đình), còn các anh Cả phải ở lại quê nhà để trông nom mộ phần của tổ tiên. Từ đó, ở miền Trung, miền Nam các con đầu lòng chỉ được gọi là anh Hai, chị Hai bởi ngầm hiểu rằng anh Cả, chị Cả còn ở miền Bắc.

Ý kiến thứ hai:

Cách gọi anh hoặc chị Hai của người miền Nam so với anh hoặc chị Cả của miền Bắc là do vấn đề tị húy. Khi bị Pháp chiếm làm thuộc địa, cơ quan cai trị ở mỗi xã miền Nam được gọi là Hội Đồng Tề, trong đó người đứng đầu được gọi là Hương Cả. Nếu gọi người con lớn nhất là Cả, thí dụ: “Thằng Cả đâu, vô đây biểu coi” thì vô tình đã gọi trùng với tên Hương Cả. Điều này có thể bị suy diễn là hỗn láo, mỉa mai và bị kết tội phạm húy. Vì vậy, người miền Nam tránh tiếng Cả mà gọi người con lớn nhất là anh Hai hoặc chị Hai.

Tuy nhiên, ý kiến thứ hai này có vẻ áp đặt, suy diễn bởi những anh Hai, chị Hai đã có từ trước khi thực dân Pháp xâm lược. Chẳng hạn, trong ba anh em nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ thì Nguyễn Nhạc – người anh lớn nhất, còn được gọi là Hai Trầu. Do vậy, chuyện tị húy với chức vụ Hương Cả là không hợp lý.

Ý kiến thứ ba:

Do thời xưa cha ông đi mở cõi vào miền nam phải đối diện với sự khắc nghiệt của tự nhiên, con cái sinh ra rất khó để nuôi dưỡng, nhiều người con đầu lòng sinh được chưa lâu thì đã bị chết do thú dữ hoặc bệnh tật. Vì vậy các bậc cha mẹ thường khấn vái trời đất thần linh để phụ hộ cho họ nuôi dưỡng con cái tốt hơn, và như một cách để đánh lừa ma quỷ, thay vì gọi theo thứ tự là con cả, con đầu… thì họ cố tình gọi là thằng hai, con hai… coi như đứa thứ nhất đã mất rồi để thần linh, ma quỷ không bắt con họ nữa.

Chính vì các lý do về vùng miền mà cách gọi con đầu lòng cũng khác nhau. Nhưng càng tìm hiểu, chúng ta lại càng bất ngờ hơn khi ngày ấy ở Sài gòn lại gọi thứ tự ấy tùy theo giai cấp.

Cách gọi theo tầng lớp giai cấp:

Công chức, người có học là thầy Hai, người Hoa buôn bán là chú Ba, đại ca giang hồ là anh Tư, lưu manh là anh Năm… người lao động nghèo xếp thứ Tám, những người buôn bán “vốn tự có” thì xếp  thứ Chín…

Để lý giải điều đó, trước hết chúng ta cùng quay ngược về thời quá khứ ở Sài gòn những năm đầu thế kỷ XX. Thời đó, cách xưng hô thứ bậc trong xã hội rất phổ biến và phần nào phản ánh vị trí xã hội, giai cấp… một cách khá suồng sã và dễ chấp nhận.

Đứng trên hết là các “quan lớn” người Pháp hoặc các quan triều nhà Nguyễn, những người này thì không “được” xếp thứ bậc vì giới bình dân hầu như không có cơ hội tiếp xúc đặng xưng hô hay bàn luận thường xuyên.

Kế đến là các công chức làm việc cho chính quyền, họ ít nhiều là dân có học và dân thường hay có dịp tiếp xúc ngoài đời, là cầu nối giữa họ với các thủ tục với chính quyền, đó là các “thầy Hai thông ngôn”, hay “thầy Hai thơ ký”…

Hàng thứ Ba thuộc về các thương gia Hoa Kiều, với tiềm lực tài chính hùng hậu và truyền thống “bang hội” tương trợ, liên kết chặt chẽ trong kinh doanh, các “chú Ba Tàu” nghiễm nhiên là 1 thế lực đáng vị nể trong mắt xã hội bình dân Sài Gòn – Chợ Lớn thời đó.

Xếp thứ Tư là các “đại ca” giang hồ. Đây là những tay chuyên sống bằng nghề “đâm thuê chém mướn” và hành xử theo luật riêng, tuy tàn khốc và “vô thiên vô pháp” nhưng khá “tôn ti trật tự (riêng)” và “có đạo nghĩa” chứ không tạp nhạp và thiếu nghĩa khí như các băng nhóm “trẻ trâu” hiện đại. Các “anh Tư dao búa” vừa là hung thần, vừa ít nhiều lấy được sự ngưỡng mộ của giới bình dân và kể cả không ít tiểu thư khuê các thời đó.

Thứ đến là vị trí của giới lưu manh hạ cấp hơn: các anh Năm đá cá lăn dưa, móc túi giật giỏ, hay làm cò mồi mại dâm…

Bị giới bình dân ghét hơn đám lưu manh côn đồ là các “thầy Sáu phú-lít (police)”, “thầy Sáu mã tà”, “thầy Sáu lèo”. Chức trách là giữ an ninh trật tự, chuyên thổi còi đánh đuổi giới buôn gánh bán bưng bình dân, nhưng các “thầy Sáu” này cũng không từ cơ hội vơ vét ít tiền mọn “hối lộ” của họ để “nhẩm xà” ( tức uống trà).

Và trong giới buôn bán thì không thể thiếu chuyện vay vốn làm ăn, mặc dù người Tàu hay người Việt cũng đều có tổ chức cho vay. Nhưng phổ biến và “quy củ” nhất ở cấp độ trung – cao khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn thời đó là các “anh Bảy Chà và”, các anh này là các nhà tài phiệt người Ấn, vừa giàu vừa ít bị “ghét”, vừa ít nhiều có quan hệ qua lại với giới chức người Pháp, lại làm ăn đúng luật lệ, ít thừa cơ bắt chẹt lãi suất nên khá được giới kinh doanh tín nhiệm.

Xếp thứ Tám chính là lực lượng đông đảo nhất xã hội bình dân bấy giờ: họ là những người lao động nghèo chỉ biết bán sức lực làm vốn nuôi miệng, từ bốc vác, gánh nước bồng em, đến “sang” hơn tí là phu xe kéo…

Tuy nhóm này đông nhưng lại yếu thế nhất vì không có quyền thế, không có học, không có tiền như thầy Hai, anh Ba, lại là nhóm người hiền lành không bậm trợn phản kháng bạt mạng như các anh Tư anh Năm nên họ thường xuyên chịu sự áp bức, bắt nạt từ mọi phía. Cách để yên thân khả dĩ nhất với họ là khuyên nhau cắn răng nhẫn nhịn, quên đi để sống với câu nói được xem như “cẩm nang” là  “Bỏ qua đi Tám”. Họ sống cam chịu và nhịn nhục để mưu sinh qua ngày.

Và thứ bậc chót cùng trong xã hội thời đó: các cô, các chị Chín xóm Bình Khang chuyên “kinh doanh” bằng “vốn tự có”. Đây là tầng lớp thấp nhất, và là “nghề” bị khinh khi nhất trong xã hội bấy giờ.

Sài Gòn ngày nay đã không còn dùng cách gọi thứ tự để phân chia giai cấp, lối nói ấy cũng bị bỏ quên và dần vùi dập dưới lớp bụi thời gian.

Viết một bình luận