Hồng Thập Tự – Một trong những con đường xưa hoa lệ bậc nhất Sài Gòn trước những năm 75.

Hồng Thập Tự là chữ thập đỏ, dấu hiệu của ngành y tế và cũng là cái tên của một con đường quen thuộc trước những năm 75 với biết bao nhiêu kỷ niệm. Nếu có ai hỏi rằng con đường nào gợi nhớ tới ký ức đi học thở xưa, con đường nào mà dân Saigon ai cũng quen ai cũng nhớ thì đó chắc hẳn là đường Hồng Thập Tự.

Hồng Thập Tự được coi là một trong những con đường hoa lệ bậc nhất Saigon xưa. Thuở còn đi học, ngày nào tôi cũng phải đi qua con đường này bởi nhà tôi ở ngay trường đua Phú Thọ. Vài năm đầu khi đi học, tôi sử dụng phương tiện xe buýt là chủ yếu. Lớn hơn, khi bắt đầu vào lớp đệ ngũ – tương đương với lớp 8 bây giờ tôi bắt đầu được ba mẹ cấp cho một chiếc xe đạp để đi học.

Sang đến lớp đệ tam – lớp 10 bây giờ thì tôi được sắm cho chiếc xe Honda PC 50 (lên tiên chứ chẳng chơi). Rồi khi học xong, tôi rời ghế nhà trường để vào quân đội, đơn vi gốc của tôi nằm ở đầu đường Hồng Thập Tự đối diện với cổng sau Thảo Cầm Viên nơi mà dân Saigon quen gọi là sở thú, kế bên cầu Thị Nghè. Được một hai tháng tôi được chuyển đơn vị lên Cao Nguyên, lính mới chân ướt chân ráo hứng ngay cái “Mùa hè đỏ lửa” nóng bỏng, tháng 4-1975…

Tôi may mắn sống sót từ vùng Cao Nguyên dông về Saigon sau gần một tháng trời đi qua Liên tỉnh lộ 7 – đây là một đoạn đường kinh hoàng bị bỏ hoang nhiều năm nối liền từ Cao Nguyên đến Phú Yên. Tôi được trở về đơn vị gốc vào đầu tháng 4/1975.

Tên đường Hồng Thập Tự tồn tại từ 22-3-1955 cho đến 14-8-1975. Đây được coi là con đường huyết mạch của Saigon. Trước đó những năm phong kiến đường được gọi là đường Thiên Lý. Vào thời Pháp thuộc họ đổi tên đường thành Stratégique, sau đó quy hoạch lại thành đường số 25. Từ 01/02/1865, đường được đổi tên thành Chasseloup Laubat. Cho đến thời Đệ nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đổi tên đường thành đường Hồng Thập Tự.

Cho đến ngày 14/07/1975, chính quyền mới đổi thành Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Thị Minh Khai chấm dứt cái tên Hồng Thập Tự…

Đoạn đường Hồng Thập Tự cũ, đi qua những công trình “để đời”.

Thảo Cầm Viên

Thảo Cầm Viên (Sở thú), được người Pháp xây dựng đã trên một trăm năm nay (1864-1865) là một trong 8 nơi bảo tồn động thực vật cổ nhất trên thế giới.

Từ ngoài cổng Thảo Cầm Viên nhìn vào có thể thấy Viện Bảo Tàng

Thảo cầm viên Sài Gòn không chỉ là thế giới cổ tích của trẻ em mà còn của nhiều người trưởng thành, một loại “đặc sản” không có đối thủ cạnh tranh. Học sinh ở miền Nam trước 1975 đều mơ ước được đến Sài Gòn, được vào xem Sở Thú.

Với những “cựu trẻ em” lứa tuổi U.50 và U60 về trước, Sài Gòn hấp dẫn nhất là Sở Thú. Thời đó, chưa có Suối Tiên và các khu vui chơi, chưa có internet. Sở Thú là tên gọi dân gian, còn tên khai sinh là Thảo cầm viên (TCV), có nghĩa là Vườn Cầm Thú Thảo Mộc.

Dinh Norodom – Dinh Độc Lập

Dinh Độc Lập được người Pháp xây dựng rất sớm tại Sài Gòn, từng là công thự đẹp nhất Á Ðông – nơi ở của những người quyền lực nhất và cũng là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử.

Toàn cảnh Dinh Độc Lập ngày nay
Toàn cảnh Dinh Độc Lập ngày nay

Sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam kỳ, năm 1868, chính quyền Pháp bắt đầu cho thiết kế và xây dựng tại trung tâm Sài Gòn một Dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ. Công trình hoàn thành sau 3 năm xây dựng với tên gọi là Dinh Norodom (tên một vị quốc vương Campuchia).

Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam bị chia cắt thành 2 quốc gia, miền Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, miền Nam là Quốc Gia Việt Nam (sau thành Việt Nam Cộng Hòa). Ngày 7/9/1954 Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện Pháp – tướng Paul Ely và đại diện Quốc gia Việt Nam – Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Trường THPT Lê Quý Đôn

Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay là một ngôi trường cũng xưa như con đường đi qua nó. Trường được xây dựng từ ngày 14-1-1874 lần lượt mang các tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi Collège Chasseloup Laubat (17-8-1928) theo như tên đường lúc đó (học giả Vương Hồng Sển đã học trường này). Sau năm 1954 trường đổi thành Lycée Jean Jacques Rousseau cũng vẫn do người Pháp quản lý. Từ năm học 1967-1968, trường được giao lại cho Việt Nam, trở thành Trung tâm Giáo dục Lê Quý Đôn (vẫn được học tiếng Pháp 8 giờ mỗi tuần) do người Pháp dạy. Sau ngày 30-4-1975 trường mang tên PTTH Lê Quý Đôn đến nay.

Còn tại sao từ ngày 22-3-1955, đường được đổi tên là đường Hồng Thập Tự – cái tên đáng nhớ nhất với tôi?

Số là tại miền Nam ngày 25-12-1951, Hội Hồng Thập Tự Việt Nam được thành lập tại Sài Gòn, nằm trên con đường lúc bấy giờ mang tên Chasseloup Laubat. Do vậy, đến ngày 22-3-1955 chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đổi tên nó thành đường Hồng Thập Tự.

Viết một bình luận