Hồi ký của một người con gái đất Bắc tại Sài Gòn trước 75 (Kỳ 3)

T, bạn cùng Khoa học cũng hay đến đây. T đến vì tôi chứ không vì thư viện vì nhà T xa. Lắm lúc cũng chẳng học, vẽ lăng quăng hay viết lăng quăng mấy câu nho nhỏ gì đó cho tôi. Rồi tôi bị mất xe ở đây. Hôm đó tự nhiên thấy người rất khoẻ và sáng suốt, tôi say mê học. Thư viện về hết, chỉ còn mình tôi. Khi xuống thì chẳng thấy Honda, chiếc Honda mới toanh do gia đinh mới mua.

Năm 1967 – 1971

Tôi ghi danh Khoa Học, Chứng chỉ Lý Hoá Vạn Vật tức SPCN (Science-Physic-Chimie-Naturel). Nơi đây quy tụ nhiều người đẹp nhất Khoa học vì sinh viên xuất thân ban A. Còn chứng chỉ MGB hay MGP thì ít con gái hơn…

Chương trình học khá nặng. Buổi sáng thực tập đủ năm môn và chiều học lý thuyết. Tôi thích thực tập thực vật hơn các môn kia. Cắt ngang hoa dâm bụt hay lá gì đó xem được cấu trúc của nó duới kinh hiển vi rất đẹp. Tôi không thích thực tập địa chất. Toàn những mẩu đá vô tri giác. Tôi cũng không thích lý với những bài dây điện loằng ngoằng.Thực tập động vật tuy sợ nhưng cũng thích. M.ổ con vật ra và xem cơ thể bên trong rất thú vị. Chính ở đây là những mảnh tình trong sân trường đại học, vì có cơ hội tiếp xúc bạn trai. Chứ những ngày Gia Long hết đi xe hiệu đoàn đến xe đạp và mê học quá chừng đâu chú ý ai.

Năm đầu tiên đại học tôi chứng kiến vụ tết Mậu Thân. Sáng sớm nghe n.ổ mà ngỡ tiếng ph.áo. Khi nghe tin Sài Gòn bị t.ấn cô.ng, tôi bàng hoàng. Trời, thủ đô? Mấy ngày sau từ nhà nhìn về phía Gò Vấp thấy trực thăng thả roc.ket từng chùm. Lần đầu tiên cô bé nữ sinh chứng kiến tận mắt chi.ến tra.nh dù chỉ là một phần nhỏ. Thực ra trước đó có những lần các quán bar bị đặt mì.n n.ổ, x.ác người tung toé. Sau những ngày kinh hoàng, Sài Gòn của tôi lại như cũ.

Ngày đó chúng tôi đi học mặc áo dài. Thỉnh thoảng có cô mặc đầm và không ai mặc Tây cả… Nên sân truờng đại học tung bay bao tà áo muôn màu sắc. Cha mẹ khó nên tôi vẫn đơn giản áo trắng và ôm cặp như thuở Gia Long. Thỉnh thoảng mới áo màu. Vì vậy khi tôi mặc áo dài màu, các bạn thấy lạ. Chiều thứ bảy, tôi thường cùng cô bạn lang thang Sài Gòn để ăn hàng và ngắm phố phường. Hồi đó có lẽ không khí chưa ô nh.iễm nên con gái Sài Gòn tuổi mười bốn, hai mươi trông rất đẹp. Đẹp tự nhiên ở đôi mắt đen láy, nước da đỏ hồng. Có cô má đỏ au như con gái Đà Lạt .Tôi thích người đẹp nên hay ngắm con gái Sài Gòn trên hè phố. Tuổi học trò thích nhất là lang thang phố phường và ăn hàng. Đi học cũng thích thầy bịnh để được nghỉ rồi rủ nhau ra quán tán dóc. Thật ra bọn con gái chúng tôi siêng năng đi học nên thích vậy chứ một số ông con trai rất ít đến giảng đường. Mấy ông đó chỉ đi thực tập vì có điểm danh. Vả lại không đi thì sẽ không biết làm. Còn lý thuyết thì lâu lâu đáo vô một chút. Cuối năm bắt đầu ngồi tụng. Tất nhiên cour đâu bằng bài giảng của Thầy. Thế là các ông tướng này đi theo năn nỉ mấy cô như tôi cho mượn tập!

Hình ảnh y tá

Đời sống đắt đỏ, vật giá leo thang hoài. Chi.ến tranh cũng vậy. Quay trái, quay phải, sau lưng, trước mặt, đâu cũng có người đi lính và ch.ết. Có năm sinh viên phản đối chính quyền, đã vô xé bài không cho chúng tôi thi. Sau này, điểm danh lại thì trời ơi… mấy tay kí.ch động, phá ho.ại đó toàn là dân nằm vùng. Tôi bắt đầu gửi bài đăng báo năm đệ tứ. Đăng và dấu nhẹm, không dám cho gia đình biết. Hai năm sau thì bận hai kỳ thi tú tài nên ngưng. Khi lên năm thứ hai đại học thì tôi lai rai viết lại. Thuở đó báo có số phát hành nhiều nhất là tờ Chính Luận. Thiên hạ đổ xô đăng quảng cáo ở đây rất nhiều. Báo có mục Chuyện Phiếm. Nội dung là viết linh tinh đủ vấn đề nhưng khuynh huớng là chỉ trích những việc… đáng bị chỉ trích. Tôi lấy bút hiệu Quỳnh Couteau. Tôi còn nhớ có mấy cây bút sinh viên của mục này: Quỳnh Couteau của Khoa học, Thảo gàn của Nha khoa, Thu hippy dường như văn khoa.

Tôi viết truyện tình cho báo Tiếng Vang . Tôi có thói quen mua từng ram giấy pelure đủ mầu và viết bài trên đó. Tương đối tôi viết khá dễ dàng, đặt bút là viết, hiếm khi sửa lại hay bôi xoá. Để bài mình được đăng nhiều và liên tiếp, tôi lấy khá nhiều bút hiệu. Nhưng tôi biết nhà văn Thanh Nam, người phụ trách trang đó biết là cùng một người .Vì cùng một nét chữ, cùng cách sử dụng giấy pelure hồng, vàng. Tiếng Vang gửi nhuận bút 500/bài, Chính Luận thì cao hơn 800/bài . Sau này tôi lai rai nhảy qua Sóng Thần của Chu Tử…

Tôi nhớ dường như sau một năm tôi có bật mí trong một truyện, các bút hiệu 1, 2, 3, 4… đều chỉ là một người! Có điều vui là các độc giả cũng ái mộ, gửi thư đến toà soạn xin làm quen. Vui hơn nữa là khi tôi đến toà soạn lãnh nhuận bút gặp Hồng Vân, cô con gái chủ nhiệm Quốc Phong. Cô này lúc đó thay thế nhà văn Thanh Nam phụ trách trang Truyện tình của bạn. Không biết sao chỉ gặp lần đầu, nhìn xa xa mà cô rất thích tôi. Hôm sau xuất hiện trên báo dòng nhắn tin của cô: “ PQ, hôm qua PQ đến mà chị không dám ra nói chuyện vì đang đau mắt. Nhưng thấy PQ xinh quá, giọng Bắc thật dễ thưong.” Giời ạ, sau dòng nhắn của cô thì thơ của độc giả ái mộ gửi đến quá xá luôn. Tất nhiên tôi vẫn dấu nhẹm mọi người trong gia đình. Nếu không, bố tôi cho ăn chổi chà về tội không học, lo viết chuyện đăng báo! Thực ra tôi vẫn chăm học. Viết truyện tình ngắn với tôi dễ ẹt! Chỉ mất chừng một giờ mà lại có 500 hay 800 để đãi bạn bè ăn hàng thì cũng thú vị. Tiếc là sau này Tiếng Vang tự đình bản và tôi quay qua viết cho Sóng Thần hay Dân Luận.

Hồi đó sinh viên chúng tôi hay ra thư viện để học. Thư viện khoa học thì nhỏ, muốn có chỗ phải đi sớm. Chỉ có môt điều tiện là ngay trong truờng thì sau đó vô giảng đường, không mất thời gian di chuyển. Còn thư viện đẹp là của ĐH Vạn Hạnh nhưng tôi ít đến vì xa nhà. Hai thư viện gần là thư viện Văn hoá Đức và Hội Việt Mỹ. Thư viện Văn hoá Đức nằm trên đường Phan Đình Phùng, nhỏ thôi, có máy lạnh, nhưng tệ hại là không có người giữ xe, xe cứ khoá để trong sân, thư viện lại ở trên lầu. Và tại đây, tôi có những kỷ niệm vừa vui vừa buồn. Những kỷ niệm nho nhỏ.

Thư viện bé nên chỉ một thời gian, những sinh viên hay lui tới đều biết mặt nhau. Tôi còn nhớ có một sinh viên già nhất, rất lập dị. Anh để hàm râu dài và xồm xoàm. Nghe nói anh đang học Luật. Gặp tôi vài lần ở cầu thang, mỉm cười với nhau và thế là quen. Có lần tôi ngồi học và có cảm tưởng. Tôi nhìn sang thấy anh ở bên kia và đang vẽ ký hoạ tôi. Khi ra về, anh đưa và hỏi: “Hôm nay anh thấy em dễ thương lắm. Em đã lấy mất một buổi học của anh. Vì… vẽ em…”. Có khi anh bảo tôi: “Khi nào em lấy chồng, nhớ báo anh nhé ” – “Anh sẽ mừng gì?” – “ Một tạ muối” – “Kỳ vậy” – “Cho tình nghĩa vợ chồng của em đậm đà như muối.”

T, bạn cùng Khoa học cũng hay đến đây. T đến vì tôi chứ không vì thư viện vì nhà T xa. Lắm lúc cũng chẳng học, vẽ lăng quăng hay viết lăng quăng mấy câu nho nhỏ gì đó cho tôi. Rồi tôi bị mất xe ở đây. Hôm đó tự nhiên thấy người rất khoẻ và sáng suốt, tôi say mê học. Thư viện về hết, chỉ còn mình tôi. Khi xuống thì chẳng thấy Honda, chiếc Honda mới toanh do gia đinh mới mua, giá 72.000 đ (lương giáo sư lúc đó 23.000). Tôi hoảng hốt xuống phòng dưới của bảo vệ, hỏi rất ngây thơ:

– Bác thấy xe cháu đâu không?

Bác cười:

– Không, chắc lại bị ăn cắp rồi!

Tôi tái mặt. Bác nói tôi đi khai báo. Tôi đi bộ đến bót cảnh sát trên đường Mạc Đĩnh Chi gần đó. Lão cảnh sát thấy ghét. Lão ghi chép xong lời khai rồi cười cười:

– Thế cô có biết ai lấy xe cô không?!

Tôi đi bộ từ đó về nhà ở Gia Định. Thấy con đi về, không có xe, cha mẹ hỏi. Mếu máo. Bố mắng tơi bời. Mẹ thì không. Tôi nằm trên gác khóc suốt. Sao người ta ác thế, sao ăn cắp xe của tôi, khoá rồi mà. Ngày đó tôi ngây thơ và gà tồ kinh khủng. Không thấy tôi đi học hay đến thư viện Văn hoá Đức, T tìm đến nhà. Thấy mắt sưng, T hỏi. Rồi thì T nói: “Tôi sẽ đi hỏi cho LC. Tôi quen tên đầu đảng, trùm ăn cắp xe ở vùng…” Tôi tròn mắt. T, anh chàng đẹp giai, thông minh, đàn hay, vẽ giỏi quen trùm du đãng! Thấy tôi tròn mắt, T chỉ cười. Hôm sau T quay lại: “Bạn tôi không tìm được vì không phải vùng nó kiểm soát. Tụi nó rã xe nhanh lắm.”

Tôi nghỉ học mấy bữa. T lại tìm đến :

– LC à, LC lấy xe PC của tôi đi học đi. Tôi còn cái Mini Vespa mà.

Tôi đỏ mặt. T là vậy. Muốn nói gì là nói. Chẳng ngán ai.

Còn Hội Việt Mỹ thì thư viện to, đẹp. Đa phần tôi viết truyện tình đăng báo ở đây! Nhớ lại cũng vui. Khi báo đăng, tôi cắt và đem vào trường cho bạn xem. Bạn gái xem thì ít (nhỏ Mai không có tâm hồn văn chuơng) nhưng T xem thì nhiều. Có khi ngang đến độ bỏ giờ học, ngồi ở thềm của lớp để xem truyện cuả tôi! Bởi thế mấy chục năm sau, có người nghi ngờ, đoán rằng T, bạn ông ấy cũng chính là T ngày xưa của Khoa học, đã mét T. T tìm đọc và đã nhận ra văn phong của tôi. “Văn LC lúc nào cũng vậy. Vẫn rất nhẹ nhàng , thơ mộng”. Văn vẫn vậy nhưng cuộc đời thì không vậy, bao nổi trôi sóng gió cho cô nhỏ được một số ông ở khoa học gọi là “người có đôi mắt đẹp nhất phòng Hoá”!

Tình hình chi.ến sự ngày một leo thang. Tôi nhớ những sự kiện đăc biệt như:

– Vụ đầu cơ gạo của thương buôn Tàu và Tướng Kỳ đã “chơi ngon”, ra lịnh xử tử Tạ Vinh. Ông tướng này thuộc loại võ biền, ruột để ngoài da, phát biểu như cao bồi Texas. Chẳng cần biết sau này Tạ Vinh có bị xử t.ử thật hay không nhưng lập tức vụ gạo được ổn định.

– Năm nào đó tôi tẩy chay không đi bầu khi Tướng Thiệu độc cử.

Vật giá ngày leo thang luôn. Thì như đã nói, quân Mỹ xài phung phí, “me Mỹ” xài vung vít. Chỉ còn giới trung lưu như giáo chức là khốn đốn. Tôi vẫn sống trong tháp ngà. Chiến tranh có làm suy tư thì chỉ trong phút chốc. Việc học cuốn hút. Và những ngày thứ bảy cuối tuần vẫn vi vút dạo phố Sài Gòn ăn quà. Tuổi học trò thích nhất là ăn hàng. Tiền bố phát hàng tuần eo hẹp lắm vì nhà giáo mà. Nên tôi đã bổ sung ngân quỹ ăn hàng bằng các bài viết cho Tiếng Vang, Sống, Chính luận.

Thời tiết Sài Gòn ngày ấy không như bây giờ. Vì tôi nhớ đi học phải mặc áo dài suốt ngày. Nhà xa, sáng học thực tập, trưa ở lại và chiều học lý thuyết. Có lẽ ảnh hưởng thời tiết chung toàn thế giới và cũng vì Sài Gòn không quá đông như bây giờ? Mấy cô bạn Gia Long cũ, bỏ đi làm từ khi đậu tú tài thì có cô vô Ngân hàng, lương rất cao. Cô thì làm cho hãng Pháp, lương coi như khoảng một lượng vàng một tháng. Lương chuẩn uý gần một lượng. Quân nhân được mua hàng rẻ gọi là quân tiếp vụ. Đa số mua xong, đem ra ngoài bán lại cho con buôn. Hồi đó có phong trào làm cho sở Mỹ vì lương rất cao. Thanh niên sinh viên lai rai bi.ểu tì.nh. Cứ “biểu”, cảnh sát biết hết ai là ham vui, ai là đ.ặc vụ nằm vù.ng.Tôi chưa bao giờ tham gia hay đi xem. Vì chăm học quá mà ? Nhưng đừng nghĩ rằng không nghe tiếng đ.ại bác trong tháp ngà! Vẫn nghe đấy chứ. Cũng có những niềm riêng khắc khoải. Nhưng mục tiêu phía trước phải đạt cho xong…

Tôi ra truờng năm 1971. Thân cư Mệnh nên suốt đời tự lo. Họ hàng, cha mẹ không giúp dù quen biết nhiều. Tôi viết bài “Ba lần văn bằng cử nhân đi xin việc làm” đăng trên Chính Luận. Nhà báo nói láo ăn tiền, bi th.ảm hoá thêm. Chàng Giám Đốc Nha Viện Trợ trực thuộc Tổng Nha Kế Hoạch viết thư mời cô cử đến cộng tác.

Thế là hết những ngày lang thang sân truờng đại học. Hết những ngày khúc khích với anh trên đường Khắc Khoan, nghe lá me xanh reo trên tầng cao, hết những chiều thứ bảy cùng cô bạn thân ăn hàng chợ Sài Gòn, hết những ngày trong giảng đường nhỏ giờ Thầy Thới, nghe được cả tiếng muỗi vo ve, hết cả những giờ xem hai phe chống và thích rượt nhau trong sân truờng khoa học.

Tôi bắt đầu vào đời. Từ ấy…

Sài Gòn của tôi có những nét khác hơn của thuở học trò. Nhưng vẫn là Sài Gòn của mưa nắng hai mùa, của áo lụa Hà Đông giữa trưa hè nóng bỏng, của tiếng chuông chùa Xá Lợi ngân nga. Của giáo đường nhà Thờ Đức Bà tung bay muôn màu áo chiều chủ nhật.

Sài Gòn với áo dài tha thuớt. Áo Sài Gòn không biết ngồi sau lưng Honda hai bên như bây giờ. Áo Sài Gòn không biết phóng xe ào ào như bây giờ. Áo Sài Gòn không cười hô hố trên đường phố như bây giờ. Áo Sài Gòn không cong cớn như bây giờ…

Và tôi, bao năm tháng trôi qua, vẫn một niềm hoài vọng về Sài Gòn ngày ấy…

Xin trả cho tôi nắng Sài Gòn

Thênh thang đường phố lụa Hà Đông

Xin trả cho tôi mưa ngày ấy

Và trả cho tôi cả cuộc tình…

Hoàng Lan Chi

Viết một bình luận