Hoàng Nguyên – Người nhạc sĩ lãng mạn tài hoa với ca khúc “Nước Mắt Đêm Xuân”

Hoàng Nguyên là một nhạc sĩ tên tuổi, tác giả của các ca khúc nổi danh như Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ. Ông tên thật là Cao Cự Phúc, sinh 03/01/1930 tại Diễn Châu – Nghệ An. Lúc nhỏ ông theo học trường Quốc học Huế. Đầu thập niên 1950, Hoàng Nguyên có tham gia kháng chiến nhưng rồi từ bỏ quay về thành phố. Năm 1952, ông tìm về vùng Đà Lạt trăng mờ trú ngụ. Tại đây Hoàng Nguyên hành nghề dạy học cho trường trung học tư thục Tân Dân. Hoàng Nguyên mặc dù thời kỳ này còn trẻ tuổi nhưng lại là một thầy giáo rất đạo mạo, có đời sống nội tâm rất phong phú. Năm 1956, trong một đợt lùng bắt ở Đà Lạt, do trong nhà có bản Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, người mà Hoàng Nguyên rất ái mộ, Hoàng Nguyên bị đàу ra Côn Đảo khoảng năm 1957 và có một mối tình ngang trái với con gái của vị Chỉ huy trưởng đảo Côn Sơn. Cuộc tình này cũng chấm dứt trong một thời gian ngắn.

Hoàng Nguyên được trả tự do về Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở trường tư thục Quốc Anh. Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học tại Đại học sư phạm Sài Gòn, ban Anh Văn. Trong thời gian học đại học, Hoàng Nguyên có quen biết với ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết. Mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên đã nhận ông làm em nuôi và nhờ ông dạy kèm cho con gái mình. Hai người yêu nhau và Hoàng Nguyên trở thành con rể của ông Phạm Ngọc Thìn. Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau đó chuyển về Cục Quân Cụ và được giao làm quản lý ban nhạc Hương Thời Gian của Anh Việt. Một số ca khúc nổi tiếng của ông trong thời kì này như Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ,Thuở ấy yêu nhau, Đường nào lên thiên thai,… và “NƯỚC MẮT ĐÊM XUÂN” là một tác phẩm của Hoàng Nguyên nói về tình yêu buồn của cô gái bị người yêu chia tay ở độ tuổi xuân thì. Ở độ tuổi thanh xuân của người con gái, cô nàng đã ngậm ngùi nhìn người yêu mình quay lưng bước đi mà không một lần nhìn lại. Có đáng hay không khi người phụ nữ hy sinh tuổi trẻ để yêu đương cùng một người mà chỉ đem lại khổ đau, có luyến tiếc hay không khi trong tim đang chồng chất những vết thương do bị ruồng bỏ?

“Đêm ấy xuân vào đời hoa bướm bay vào người

Để người quên khóc cuộc tình tê tái

Nhưng nước không về nguồn nên bướm hoa lại buồn

Bỏ người mà đi giữa lúc xuân thì”.

Tác giả viết ca khúc này để kể về một đêm của mùa xuân mới về. Cô gái đang khóc vì bị thất tình, cô bị người yêu chia tay khi đang ở độ tuổi “xuân thì”.Thường phụ nữ khi bị một nửa chia tay sẽ đau khổ và hay “khóc nhè hơn” đàn ông vì họ là phái yếu dễ bị tổn thương, hay tủi thân.Bình thường lúc yêu, được người yêu hỏi han, quan tâm, chăm sóc hàng ngày nhưng bỗng một ngày họ không còn được như vậy nữa. “Để người khóc cuộc tình tê tái”, “Nhưng nước không về nguồn nên bướm hoa lại buồn”. Tác giả ví cuộc tình này như nước với nguồn, nước bỏ nguồn chảy đi xa mãi mãi có khi là ra tới cả đại dương mênh mông không bao giờ quay lại.Ngay ở mùa xuân rực rỡ tươi đẹp mà “hoa bướm lại buồn” thì người sao vui cho được.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Giao Linh thâu thanh trước 1975

“Nước mắt đêm xuân hoen màu má giai nhân rồi

Nước mắt giai nhân u hoài chết trong tim người

Hờ hững xuân đời đêm tàn mà lệ chẳng rơi

Chợt mơ tới ai nghe hồn đau chơi vơi”.

Cô gái khóc “hoen màu má’, “nước mắt giai nhân u hoài chết trong tim người”. Cô gái buồn bã, thức tới lúc đêm tàn, cô khóc tới mức đêm tàn rồi mà lệ không rơi được nữa. Cô nhớ tới người yêu lại thấy đau lòng, xót xa không thể ngủ được, cô chỉ ngồi nghĩ về người yêu, nhớ những kỉ niệm xưa cũ khóc tới nỗi nước mắt không thể rơi thêm.

“Xuân đến không hẹn hò như bước ai tình cờ

Lạc vào hồn thơ một chiều xưa cũ

Nghe tiếng xuân vào đời tim đớn đau nghẹn lời

Tưởng chừng chân ai dẫm nát tim rồi”.

Mùa xuân đến không có ai để cùng ra ngoài, cùng hẹn hò. Khi người ta ở một mình lại không có gì làm thì người ta thường hay nhớ về chuyện xưa cũ. Nhớ về những chuyện buồn thì “tim đau đớn nghẹn lời” như là “chân ai dẫm nát tim rồi”.

“Đem ái ân vào đời là chuốc thêm ngậm ngùi

Thì đường trần ai tình hay quên lối

Đem ái ân vào đời thương tiếc chi nụ cười

Chuyện tình người ơi nước mắt thay lời”.

Người ta thường nói: Trong tình yêu, ai yêu nhiều hơn thì người đó thua. Đúng vậy! Khi kết thúc một cuộc tình, người nào giữ trong lòng nhiều cảm xúc ái tình nhiều hơn, người nào lúng sâu hơn và yêu người kia hơn thì sẽ “chuốc thêm ngậm ngùi, không phải đau khổ hơn mà là sự dằn vặt vì chia lý kéo dài lâu hơn, thương tâm nhiều hơn. Cứ mãi như vậy thì không biết đến khi nào cô gái mới lại có nụ cười nở trên môi hay chỉ là những “giọt nước mắt thay lời”.

“Nước mắt đêm xuân hoen màu má giai nhân rồi

Nước mắt giai nhân u hoài chết trong tim người

Hờ hững xuân đời đêm tàn mà lệ chẳng vơi

Chợt mơ tới ai nghe hồn đau chơi vơi.

 

Khi trót yêu người rồi đừng nói chi đường dài

Đừng buồn vì ai nhiều khi gian dối

Khi trót yêu người rồi thì đớn đau ngọt bùi

Giận hờn buồn vui giữ lấy cho đời”.

Đoạn cuối của ca khúc “NƯỚC MẮT ĐÊM XUÂN” như một lời khuyên, lời nhắn nhủ của tác giả dành cho những cặp đôi yêu nhau. Không phải lúc nào yêu nhau, cũng đều toan tính mọi thứ cho tương lai, đặt mục tiêu quá nhiều hay quá lớn hoặc vẽ nên bức tranh hạnh phúc quá hoàn mỹ sẽ khiến con người ta không chạm tới được. Cũng đừng giữ quá nhiều ấm ức hay đau thương trong lòng, hãy mở lòng ra để còn chia sẻ cùng nhau, đừng dối gian nhau để tim nhiều đau khổ. Khi đã yêu thật lòng một ai rồi, những đớn đau ngọt bùi, giận hờn hay buồn vui hãy giữ lấy cho chính mình, đừng dằn vặt nhau quá nhiều, biết khoan dung, độ lượng và nhường nhịn nhau. Vì khi mâu thuẫn xuất hiện trong hành trình yêu đương, khi con tim cả hai không thể tìm được tiếng nói chung. Có thể tình yêu đó sẽ chấm hết và dẫn đến sự chia ly trong sự không vui của đôi lứa. Trong hành trình yêu thương, đôi khi sẽ có những kỷ niệm buồn tủi không đáng, hay những bi ai không ai mong muốn, nhưng cũng sẽ có những niềm vui khiến người trong cuộc mãi không thể quên. Vậy cứ giữ riêng cho mình đi, xem như níu giữ chút tuổi xuân về mối tình không có kết quả, xem nó như một phần của ký ức, để lâu lâu nhìn lại và thốt lên: À! Mình cũng từng nhiệt quyết vì một mối tình như thế!

Thường thì một đời, một sự nghiệp âm nhạc phụ thuộc vào tác phẩm được công chúng yêu thích. Có nhạc sĩ cả nghìn bài được một bài nổi tiếng, được công chúng ghi danh. Có nhạc sĩ trăm bài được vài bài, dăm bài nổi tiếng là để lại nhiều thế hệ yêu thích. Và có người qua đời, không để lại tác phẩm nào cả. Điều đó là công bằng, tác phẩm được sàng lọc qua thời gian.

Dù đã tạm biệt trần thế ở độ tuổi 43 vào năm 1973, tính đến nay cũng được hơn 45 năm, nhưng không vì thế mà nhạc khúc của ông bị quên lãng. Nhiều sáng tác của ông vẫn được công chúng yêu thích, được khắc trên đá, được hát vang rất nhiều trong cuộc sống thường ngày. Đó không chỉ là niềm vinh dự của người nhạc sĩ trong cuộc đời này, mà còn là niềm kiêu hãnh trong sự nghiệp sáng tác của ông. Quả thật, Hoàng Nguyên là người nhạc sĩ lãng mạn và rất tài hoa với sự nghiệp âm nhạc, điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua tất cả tác phẩm nghệ thuật của ông. Các thế hệ người nghe nhạc sẽ không bao giờ quên và sẽ đời đời biết ơn ông – Một người nhạc sĩ cũng là người lính chiến khu và những tác phẩm nổi tiếng của ông.

Viết một bình luận