Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Ngày hạnh phúc” và mối tình đẹp thuở ban đầu của Lam Phương – Túy Hồng

Ca khúc “Ngày Hạnh Phúc” của nhạc sĩ Lam Phương, được ông viết năm 1959 trong niềm hân hoan, tràn ngập hạnh phúc vì được nên duyên vợ chồng cùng nữ kịch sĩ Tuý Hồng. Với nhịp điệu vui tươi, hình ảnh trong bài hát đơn giản nhưng vẽ ra một khung cảnh yên vui thanh bình mà ai cũng mơ ước có được, mang lại cảm giác thư thái hân hoan, như là được nạp thêm năng lượng từ ánh hừng đông chiếu sáng, xua tan đi những đám mây xám ảm đạm bi quan , mang lại ý sống tươi đẹp muốn vươn lên trong cuộc đời.

Nhạc Sĩ Lam Phương
Nhạc Sĩ Lam Phương

Bài hát “Ngày Hạnh Phúc” lúc bấy giờ được chọn làm nhạc hiệu trình phát thường xuyên trên đài phát thanh quân đội hồi đầu thập niên 1960 vào mỗi 6 giờ sáng hàng ngày (tức 5 giờ sáng hiện nay, vì múi giờ Sài Gòn lúc đó là GMT+8), và đã trở thành giai điệu quen thuộc với hầu hết những người miền Nam trước năm 1975.

Để có một bài hát với những giai điệu tuyệt vời như thế này không thể không kể đến mối tình đẹp như mơ thưở ban đầu của Nhạc sĩ Lam Phương và cô học trò xinh đẹp, đa tài cô gái mang cái tên cũng rất đẹp – Túy Hồng.

Nhạc Sĩ Lam Phương và cô học trò Túy Hồng
Nhạc Sĩ Lam Phương và cô học trò Túy Hồng

Nhạc sĩ Lam Phương sinh năm 1937 tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang trong một gia đình nghèo khó. Ông trải qua một tuổi thơ đầy đau buồn và bất hạnh. Nhà nghèo, cha ông không chịu được cảnh cơ cực và phải lòng người phụ nữ khác nên đã đi theo tiếng gọi của tình yêu mới, bỏ lại 6 đứa con thơ dại cho người vợ không nghề nghiệp ổn định chăm nom. Cuộc sống khốn khó thuở ấu thơ đã ảnh hưởng rất nhiều đến con người ông sau này.

Lam Phương đến với nhạc bằng niềm đam mê mãnh liệt và theo học nhạc từ năm 10 tuổi. Năm 15 tuổi ông cho ra mắt sáng tác đầu tiên, ca khúc mang tên “Chiều thu ấy”. Nhạc phẩm này đã được công chúng biết đến, mang tên tuổi ông đến gần với mọi người hơn, cái tên Lam Phương nhận được sự chú ý nhưng chưa thật sự nổi trội. Đến năm 18 tuổi, Lam Phương mới trở thành nhạc sĩ có tiếng và xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong làng âm nhạc. Ông tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là ca khúc: Trăng thanh bình, Nắng đẹp miền Nam, Nhạc rừng khuya, Khúc ca ngày mùa… Đặc biệt, bài hát “Khúc ca ngày mùa” thành công vượt bậc hơn cả. Ca khúc này được viết theo thể loại nhạc đồng quê, nhịp điệu Mambo, với cung rê thứ. Các hãng đĩa nhựa tranh nhau ký hợp đồng với Lam Phương như: Dư âm, Sóng nhạc, Asia… để được thu âm bài hát “Khúc ca ngày mùa” của ông, tiếng tăm của bản nhạc mới đưa tên tuổi của ông lên tầm cao mới.

Trước khi yêu Túy Hồng, nhạc sĩ Lam Phương đã trải qua nhiều mối tình và đều bị đứt đoạn, khiến ông phải ôm nỗi đau thương. Tuy nhiên, Lam Phương sau vài lần gặp gỡ Túy Hồng ông đã  nhanh chóng phải lòng cô. Ông vốn là bạn thân của anh trai Túy Hồng nên mỗi ngày thứ Bảy và Chủ Nhật đều đến nhà bạn để dạy nhạc cho cô. Khi ấy, Túy Hồng là một cô gái trẻ đẹp với đôi mắt long lanh, làn da trắng mịn và gương mặt vô cùng thanh tú đã khiến cho trái tim Lam Phương lỗi nhịp. Túy Hồng cũng rất hâm mộ tài năng của người nhạc sĩ trẻ nên sau một thời gian làm việc chung, hai người nảy sinh tình cảm và đắm chìm trong tình yêu.

Cũng trong thời điểm này, Lam Phương lại đang hợp tác với ban nhạc kịch lớn Dân Nam nên đã đề nghị Túy Hồng cùng với mình đầu quân về đoàn. Kể từ đó, Túy Hồng bắt đầu trình diễn những ca khúc của Lam Phương và vô cùng thành công với các ca khúc: Đèn khuya, Kiếp nghèo, Kiếp ve sầu, Tiễn người đi, nhất là hai bản Chiều tàn và Phút cuối.

Năm 1959, Lam Phương – Túy Hồng kết hôn trong sự vui mừng chúc phúc của mọi người. Lúc này trong niềm hạnh phúc trào dâng nhạc sĩ Lam Phương đã cho ra đời ca khúc “ Ngày hạnh phúc” để thể hiện niềm vui sướng khi được nên duyên với người mình yêu.  Hôn nhân của họ giống như cái kết viên mãn cho tình yêu đẹp của cặp đôi trai tài gái sắc. Sau khi kết hôn, sự nghiệp của Lam Phương – Túy Hồng ngày càng phát triển và đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp . Năm 1968, với sự khích lệ của chồng, Túy Hồng đứng ra thành lập đoàn kịch Sống – Túy Hồng.

Đoàn kịch Sống -Túy Hồng có một lợi thế đó là các vở kịch được lồng ghép với các bài tình ca do Lam Phương sáng tác. Sự kết hợp này đã mang đến một làn gió mới, tạo ra nét riêng đầy ấn tượng cho đoàn kịch Sống – Túy Hồng.

https://www.youtube.com/watch?v=40Vw1_ua6uk

Giai đoạn đó là những chuỗi ngày hạnh phúc của nhạc sĩ Lam Phương nên các nhạc phẩm của ông khá đa dạng về thể loại. Các vở kịch do Sống – Túy Hồng dựng kết thúc luôn có một niềm hạnh phúc nho nhỏ nào đó chứ không bi thương. Vậy nên, khán giả xem kịch Sống – Túy Hồng thường ra về với một tâm trạng khoan khoái, nhẹ nhõm. Lúc bấy giờ, cứ mỗi tối thứ Năm hàng tuần, đài truyền hình lại có tiết mục “thoại kịch” và những vở kịch của đoàn kịch Sống – Túy Hồng bao giờ cũng thu hút lượng đông người xem. Lúc ấy, truyền hình còn hiếm, người ta kéo nhau đến những nhà có tivi để xem kịch, trong nhà, ngoài ngõ,cửa ra vào hay ở ô cửa sổ  đều chật cứng người xem.

Cuộc hôn nhân hạnh phúc của Lam Phương với người vợ Túy Hồng trước năm 1975 đã giúp Lam Phương trở thành nhạc sĩ thành công nhất miền Nam về mặt tài chính, còn về Túy Hồng sức hút của cô cũng sánh ngang với Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng trên sân khấu kịch. Đó được xem là giai đoạn hạnh phúc nhất cuộc đời của nhạc sĩ Lam Phương. Đôi vợ chồng trẻ có tất cả những gì mà người đời mong ước: tiền tài, danh vọng, sự nổi tiếng và nhất là cuộc sống yên bình của đôi vợ chồng bên con thơ.

Sheet nhạc ngày hạnh phúc
Sheet nhạc ngày hạnh phúc

“Ngày hôm nay thanh thanh
Gió đưa cành mơn man tà áo
Làn mây xanh vây quanh
ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin
Đàn chim non tung tăng
như đón chào ngày vui thế gian
Chúc ai tìm được bến mơ
Mừng cho đôi uyên ương
sớm sum vầy trong hạnh phúc
Và đôi tay thân yêu
sẽ là nguồn sống của đời ta
Nhiều khi mong trăng lên
chung chén trà kể chuyện thuở xưa
Bên bếp hồng đùa vui trẻ thơ

Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền
Đêm về nghe con khóc vui triền miên
Lời ru trong đêm vắng với tình thương chứa chan
Còn mong ước gì vì ta vẫn bên nhau
Ngày em lo nương khoai
dưới mưa dầm anh lo cầy cấy
Dù cho bao gian lao
nhưng tình nghèo góp sức mà vui
Cầu cho mai sau
gió đưa thuyền tình về bến mơ,
Phút bạc đầu, đẹp lòng lứa đôi”

Viết một bình luận