Hoài niệm về những tiếng rao hàng rong của xưa và nay

“Báo đây, báo mới đây,….báo đây….”

“Bánh mì nóng giòn, bánh mì nóng giòn đây….”

“Ai ve chai, đồ hư, đồ bể….bán không…”

Giữa một đô thành xa hoa và tráng lệ, lúc nào cũng nhộn nhịp với những âm thanh xe cộ hòa cùng nhịp sống vội vã của con người, những tiếng rao hàng ấy lại trở nên thân thương và quen thuộc, như một thứ quà đặc sản dễ thương nơi Sài Gòn đông đúc.

Có dịp quay trở về Sài Gòn, lòng bỗng dâng lên nhiều thứ cảm xúc lẫn lộn khi nhớ đến những tiếng rao xưa của “Quê hương trên đôi vai gầy”, đó là cả một nguồn cơn sự sống, là trụ cột mưu sinh của cả một gia đình nho nhỏ. Sài Gòn ngày nay đã ít đi nhiều những tiếng rao chào hàng, nhất là về đêm, không phải là không nhìn thấy hình ảnh của những người gánh hàng rong vác trên vai là cả một gia đình, đôi gánh nặng trịch đảo bước trên từng con hẻm nhỏ quanh co nhưng những tiếng rao quen thuộc của họ đã bị nuốt chửng bởi âm thanh người xe ồn ào, tiếng những chiếc truyền hình tivi lớn, tiếng những dàn âm thanh sập sình. Nếu là ngày trước thì chỉ cần nghe thấy tiếng rao hàng, chẳng cần nhìn đồng hồ ta cũng biết được độ khoảng giờ nào rồi, tiếng rao như một chiếc đồng hồ sinh học. Và tiếng rao ngày xưa ấy đã trở nên thân thuộc đến độ, hôm nào mà không nghe thấy người ta phải đắn đo suy nghĩ và lo lắng cho sức khỏe của người bán: “Sao hôm nay không thấy cô hàng đi bán ta?”, “Hôm nay bà tám có bệnh hay sao không mà không nghe tiếng rao vậy cà?”,…Để rồi khi tiếng rao hàng ấy lần nữa cất lên thì ta mới buông lòng xuống mà vui mừng như thể gặp lại người quen cũ. Tiếng rao nơi Sài Thành phồn hoa luôn có một sắc thái riêng, nhưng những sắc thái đó chỉ có ở thời Sài Gòn cũ, còn ngày nay, nhiều âm thanh rao hàng đã bị thay thế bởi những âm thanh máy móc hoặc tiếng lóc cóc leng keng của “hủ tiếu gõ”, hay tiếng xoành xoạch của những anh chàng “đấm bóp vắt hơi”,….

Những gánh hàng rong trên đường phố vào những năm 1890
Hình ảnh những gánh bán nho nhỏ bên trong một khu hẻm bình dân, những cô bán hàng dễ thương luôn túc trực nụ cười trên môi. Photo by Vĩnh Tân

Âm thanh rao hàng quen thuộc nơi Sài Thành

Bất cứ thời điểm nào trong ngày, dù sáng, dù tối thì những tiếng rao cũng vang vọng khắp ngỏ cùng cuối phố, nối đuôi nhau hợp xướng trên những nẻo đường thành phố. Từ tờ mờ sáng là đã nghe in ỏi đâu đấy tiếng rao như một lời thúc giục buổi sáng, chuẩn bị cho một ngày mới an lành. Nào là báo mới, rồi đến đồ ăn sáng, độ khoảng tầm 8 – 9 giờ thì lại nghe thấy các bác hay các chị đạp trên chiếc xe đạp thồ, hai bên hông xe là hai chiếc giỏ sắt chứa đầy thịt cá, thêm cả rau củ đang len lỏi từng con hẻm chào hàng khắp xóm: “Thịt, cá tươi đây bà con ơi, rau củ quả tươi ngon nhà trồng đúng điệu…”. Trưa trưa một xíu thì lại hòa mình với những âm thanh chào hàng có một không hai của những cô chú đồng nát: “Ai ve chai, đồ hư đồ bể bán là mua, ai ve chai lông gà, lông vịt bán đây…”, không thì lại là “Chổi lông gà, chổi lông gà đây…”.Trưa rồi thì chiều lại ăn bữa lỡ cùng cô chú bán bún, cháo lòng hoặc là mấy món ăn vặt như bánh tiêu, giò chéo quẩy, bánh chuối,….

Cuộc sống nơi Sài Thành dường như đầy đặn và nhộn nhịp hơn là khi sinh sống tại hẻm, những con hẻm nhỏ quanh co nhưng lại như một thành phố thu nhỏ với đầy đủ các hàng quán và tình nghĩa xóm giềng cũng thắt chặt hơn chứ không “kín cổng cao tường” như nhà mặt phố. Chỗ này là quán cóc bán nào là cà phê, nước giải khát; kia là xe trái cây hoặc xe chè đẩy đi lon ton từ đầu trên đến cuối hẻm; kế bên lại là gánh phở của cô năm, cô sáu bán được mấy đời,…Những gánh này đúng điệu ngon – bổ – rẻ, giá bình dân cho dân nghèo mà nhưng chất lượng thì “khỏi bàn”…chỉ một chữ “tuyệc”! Sài Gòn chính là như vậy, lúc nào cũng ồn ào và náo nhiệt, nhưng người Sài Gòn dễ thương lắm, vừa thân thiện lại hiếu khách và tiếng rao chính là một phần trong hồn sống của Sài Gòn, ai đến rồi sẽ ghi nhớ vào miền ký ức và mang theo mãi trong tim khi phải nói lời chào tạm biệt. Người người nói đó là đặc trưng Sài Thành, nhưng thực chất nó lại chính là một phần bản sắc văn hóa không thể thiếu.

Bán trái cây trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Thinh, phía trước nhà may Lương Tân

Với nhiều người dân Sài Gòn xưa, có lẽ ấn tượng nhất chính là tiếng rao đêm của Sài Gòn, khi mà những bộn bề công việc được gác lại, những âm thanh nhộn nhịp ngựa xe của ban ngày lắng xuống thì tiếng ra đêm càng được vang xa, ngân dài trong những con hẻm vắng người qua lại, như trở thành lời ru đưa chúng ta chìm vào mộng ảo dịu êm.

Tiếng rao Sài Gòn như một bài hợp xướng có âm điệu và có vần nghe rất nhịp nhàng và lại hấp dẫn. Đằng sau sự vui tươi của cô hàng gánh và những tiếng rao ấy chính là nếp sinh hoạt của người dân thị thành từ rất lâu đời trước, khi họ phải chống chọi với gian khổ để vất vả mưu sinh kiếm sống! Tiếng lóc cóc leng keng của những chiếc xe đẩy qua, mùi thơm đồ ăn thức uống như đánh thức mọi người trong con hẻm nhỏ cùng tiếng rao nức nở như chiếc đồng hồ báo thức buổi ban mai…

Tiếng rao Sài Gòn ngày nay….

Ngày nay Sài Gòn được “bổ sung” thêm nhiều điệu rao mới: “Thịt ngon, cá tươi, rau củ xanh các bác ơi…”, dù mới hay cũ thì đây đều là những âm thanh rao hàng nơi khu phố bình dân, người rao có khi là một cô gái tỉnh lẻ vừa đến Sài Gòn mưu sinh nuôi anh em đi học, có khi là anh hàng trẻ quê miền Bắc xa xôi đạp một chiếc xe kéo, đằng sau là thau nhôm, sắt vụn, mũ bể, sách báo,….ui thôi biết bao nhiêu thứ. Đi theo sau đó còn có tiếng rao được “hiện đại hóa” bởi những chiếc máy cassette, cứ phát ra liên tục với âm điệu nghe sao mà vui tai lắm: “Bánh mì bơ sữa đặc ruột thơm ngon 5 ngàn một ổ, bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm ngon”, không thì lại là cái chất giọng lảnh lót cũng từ máy cassette: “Keo dính chuột – sản xuất bằng công nghệ hóa màu đã được kiểm nghiệm cực kỳ khoa học, không gây độc hại cho người”…Keo dính chuột thật sự là không gây độc hại cho người dùng, nhưng chính tiếng rao từ đường vang cho tận cuối ngỏ mới chính là liều “thuốc độc” cho người nghe, làm người ta nghiện, làm người ta nhớ mãi chẳng thể nào quên được. Rồi đâu đó nơi đầu hẻm, có một người đẩy theo một cái cân đo sức khỏe, đo chiều cao đi lòng vòng với đôi lời rao tự động: “Cân nặng 48kg, chiều cao 1m65, sức khỏe tốt…”. Lại có những tiếng rao khôi hài đúng như tính cách của người bán: “Ai chồng bỏ chồng chê, ăn cây kẹo kéo chồng mê tới già”, không thì “Chôm chôm khuyến mãi, mua một tặng một, tính tiền hai đây”…

Thời gian trôi dần, mọi thứ nơi Sài Gòn cũng dần trở nên hiện đại và những tiếng rao sinh động ngày xưa đã thưa dần, thay vào đó chính là những giọng rao được thu thanh sẵn và người bán hàng cứ thế bật lên cho nó phát đều đều để đỡ “nặng hơi mỏi cổ”, nó cứ lặp đi lặp lại những tiếng rao không hồn không cảm xúc nhưng lại giúp người bán đỡ phần nào vất vả. Đêm đến, Sài Gòn chìm vào bóng tối, những âm thanh ồn ào đường phố lắng dần, bỗng nhiên lại thèm nghe cái âm thanh rao vang xa xa của những ngày chưa cũ. Dù chỉ là những giọng giao đơn sơ và mộc mạc nhưng lại lưu dấu và lay động lòng người biết bao, nó cứ âm ỉ nơi đáy lòng làm thổn thức biết bao con tim của thế hệ xưa giữa chốn đô thành này.

“Có tiếng rao

nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao

Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao

Khuất sau hàng phố cao cao.

……

Có tiếng rao như lời Mẹ tôi, như lời chị tôi

Mang quê hương trên đôi vai gầy

Những trái ổi xẻ, những trái me,

đậu phộng luộc, đòn gánh tre!

Ai mua? Ai không mua?

Ai mua? Chỉ có lũ trẻ

Tý ơi! có chua không?

Tèo ơi! có đắng không?”

(Tiếng Rao – Võ Thiện Thanh)

Đoạn đường nằm ở Ngã ba Nguyễn Du và Đặng Trần Côn, gần Meyerkord BOQ. Bên trái là hàng rào của Hội Kị sĩ Sài Gòn. Một gánh hàng rong với các loại đồ uống lạnh trên đường phố Sài Gòn. Ly nhiều loại nước sirô được đựng trong gánh bên phải. Để chuẩn bị đồ uống, cô ấy đổ đá bào vào ly và rót đầy nước xi-rô và nước lên trên – tháng 3 năm 1966
Một khu chợ họp sớm với các loại đồ ăn, mỗi người mỗi gánh mỗi lời rao đặc biệt riêng để “tiếp thị” đến với khách của mình

Viết một bình luận