“Hoa rụng ven sông” (Phạm Duy) – Nhạc khúc du dương với những cánh hoa trôi mộng ảo trên con nước êm đềm

Nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ là người sáng tác nhạc tài ba mà còn là một nhà phổ nhạc thiên tài, mỗi bài thơ qua nốt nhạc của Phạm Duy dần trở nên có hồn hơn và bay bổng một cách lạ thường. Nó không chỉ mang đến cho người nghe cảm xúc mà còn mở ra một không gian chân thật, miêu tả sinh động cho từng câu chuyện mà thi sĩ muốn gửi gắm. Mỗi bài thơ có một rung cảm riêng của người viết, với những cảm xúc trong vần điệu thi ca, nhưng một khi được phổ nhạc, những rung cảm đó, những cảm xúc đó lại như được tiếp thêm đôi cánh mà bay xa hơn trong lòng người nghe nhạc.

Nhạc sĩ Phạm Duy

Phạm Duy đã phổ nhạc cho rất nhiều bài thơ của rất nhiều thi sĩ, có những người nổi tiếng nhưng cũng có những người vô danh, và qua âm nhạc của ông, danh tiếng của người thi sĩ trở nên gần gũi hơn với công chúng. Phạm Duy phổ nhạc thơ của Phạm Thiên Thư với 19 bài “Đạo ca”, “Ngày xưa Hoàng thị”,…Nguyễn Tất Nhiên với bộ tam khúc “Em hiền như ma soeur”, “Thà như giọt mưa”, “Hai năm tình lận đận”,…Vũ Hữu Định với tình khúc “Còn chút gì để nhớ”,…..và nhiều ca khúc phổ từ thơ trở nên bất hủ khác trong chặng đường âm nhạc của ông. Một trong những nhạc phẩm được Phạm Duy phổ nhạc và trở nên thân thuộc với khán giả là bài thơ “Còn chi nữa” của thi sĩ Lưu Trọng Lư trong tập thơ Tiếng Thu xuất bản năm 1939.

Từ bài thơ “Còn chi nữa”, Phạm Duy đã phổ nên ca khúc “Hoa rụng ven sông” với lời nhạc được thay đổi đôi chút so với nguyên tác để phù hợp hơn với âm điệu. Phạm Duy đã bắt được hồn thơ trong bài “Còn chi nữa” của Lưu Trọng Lư, như có chút quyến luyến và không nỡ với một điều gì đó còn sót lại. Đã bao giờ bạn bắt gặp hình ảnh này hay chưa: Những cây dại mọc ven hai bên bờ sông, chúng trở nên cao lớn rồi lại nở ra những nụ hoa dại không tên, đến khi hoa tàn, những cánh hoa rụng đầy, những cánh hoa ấy theo làn gió thổi mà nhẹ nhàng đáp xuống con nước trôi êm. Có những cánh hoa ủ ê mình dưới gốc cây, có cánh lại chẳng an phận mà đung đưa theo làn gió để cuốn mình trên mặt đất, thả tự do theo con nước mà trôi đến hạ nguồn. Phạm Duy là một người nhạc sĩ và ông đã làm tròn nhiệm vụ cùng đam mê của bản thân, thêm vào từng cánh hoa những âm điệu và tiết tấu, mang cho người nghe những cảm xúc mênh mang theo từng nhịp trôi của nước, của hoa và của trời đất. Bài hát như một câu chuyện tình yêu, với biết bao kỷ niệm, bao ký ức của một thời tuổi trẻ, người con gái với bến nước trong những buổi chiều lặng ngắm gió đưa từng cánh hoa trôi xuôi.

“Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời!
Giờ đây em ơi cơn mộng tan rồi!
Lòng anh tan hoang thôi vỗ tình ơi
Ngày như theo sông bóng xế chiều rơi…..”

https://www.youtube.com/watch?v=RbdTv15QF_o

Bấm vào hình trên để nghe  ca khúc do Lệ Thu và Khánh Ly trình bày.

Tình đôi ta vốn như đóa hoa nở nơi ven bờ sông, sớm nở tối lại tàn, tình ta chóng nở cũng nhanh tan. Những cánh hoa nơi ven bờ sông ấy, giờ đây đã rụng rơi tơi bời, có cánh nằm ngay gốc cây, có cánh tung tăng trên mặt đất, có cánh lại được cơn gió cuốn đi muôn nơi, đến một miền xa hay phải chăng chìm dưới dòng nước cạnh đấy. Và em ơi “cơn mộng tan rồi!”, tình mình cũng cạn mất rồi, tàn như cánh hoa rũ, cạn như giọt nước cuối cùng đáy ly. Hai con người vốn từng yêu thương sâu đậm, giờ đây, chỉ như những “cánh hoa rụng ven sông” mà thôi. Người đi thì luyến tiếc, người ở thì chẳng kịp níu kéo, câu từ giã nói vội và dứt tình cảm bấy lâu.

Nguyên tác của bài thơ là “lòng anh đã rời rụng”, nhưng khi phổ nhạc, Phạm Duy đã đổi thành “lòng anh tan hoang”, rõ ràng, từ tan hoang cõi lòng này phù hợp hơn nhiều so với từ “rời rụng” trước đó của thi sĩ. Phù hợp với hoàn cảnh đìu hiu của sông nước, phù với khung trời tan tác của những cánh hoa rơi và phù hợp với cõi lòng lạnh vắng của người thất tình. Câu hát như sự da diết của một con tim thống khổ vì yêu thương quá nhiều nhưng kết quả của cuộc tình lại quá trái ngang.

“…..Còn đâu em ơi! Còn đâu ánh trăng vàng
Còn đâu ánh trăng vàng, mơ trên làn tóc rối?
Còn đâu em ơi! Còn đâu bước chân người
Còn đâu bước chân người, mơ trên đường chiều rơi?…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hà Thanh trình bày.

Sự nuối tiếc của chàng trai đã được nhạc sĩ Phạm Duy đẩy lên cao trào chỉ bằng đôi lời nhạc, nỗi buồn như càng được khắc sâu hơn và sầu bi càng thêm đậm hơn. “Còn đâu em ơi! Còn đâu ánh trăng vàng”, còn đâu những tháng ngày hai đứa kề cạnh ngắm trời đêm lung linh, còn đâu bóng trăng soi trên đỉnh đầu người con gái anh thương, còn đây những câu hẹn thề ta trao nhau của đêm trăng thanh tĩnh. “Còn đâu em ơi! Còn đâu bước chân người”, hôm sau bên cạnh anh chỉ còn là một khoảng không trống vắng, chẳng có hình dáng người xưa tay trong tay tung tăng dạo bước những buổi chiều hoàng hôn, chẳng còn người kề bên tai thủ thỉ những câu nói ân tình. Tất cả đều là đã từng, và giờ đây, có còn là gì nữa đâu “em ơi”!

“….Còn đâu đêm sang lá đổ rộn ràng!
Còn đâu sương tan trăng nội mơ màng?
Còn đâu em ngoan, tóc rối ngổn ngang
Tuổi em đôi mươi, xuân mới vừa sang…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Quang trình bày.

Người con gái mà chàng yêu, nàng vẫn còn ở độ tuổi mộng mơ và xuân thì, vẫn còn những ước muốn trẻ con nhưng đáng yêu và dễ mến. Nhưng chỉ chốc chốc nữa thôi, sự đáng yêu và ngọt ngào của nàng đã chẳng còn dành riêng cho chàng nữa, mà thuộc về một người khác, một hạnh phúc khác đã ôm nàng trong vòng tay, mà người đó lại chẳng phải là chàng. Còn gì đau đớn hơn khi người mình yêu lại sắp sửa trở thành người dưng, và sánh bước cùng một người khác về dinh để dựng xây một hạnh phúc mới, một mái ấm mới.

“….Còn đâu em ơi! Còn đâu giờ nhung lụa?
Mộng trùm trên bông, tình nồng trong gối…
Còn đâu em ơi! Còn đâu mùi cỏ dại?
Chút tình thơ ngây, Không còn trên đôi má..”

Đến cuối cùng chỉ còn lại những nuối tiếc và buồn thương khi tận mắt chứng kiến người thương lên xe hoa về nhà chồng, sự day dứt này, sự luyến thương cho mối tình không trọn vẹn này, có mấy người thấu hiểu được? Tình yêu đã hết rồi, người thương cũng “mộng trùm trên bông, tình nồng trên gối” mà quên hết những nghĩa tình xưa cũ của lứa đôi rồi. “Còn đâu giờ nhung lụa”, “còn đâu mùi cỏ dại”, còn đâu những yêu thương nồng thắm thuở ban đầu, vậy thì cứ coi đây chính là dấu chấm hết cho một cuộc tình vụng dại, chút ngây thơ ngày cũ sẽ chẳng còn lưu trên đôi má hồng xưa….Những e ấp, những hương vị nồng nàn đã từng lưu trên tóc, trên má, trên làn môi giờ sẽ chẳng còn nữa, có chăng cũng chỉ là một lời từ giã sau cuối để kết thúc một cuộc tình đầy xót xa.

Khi ca khúc “Hoa rụng ven sông” được trình diễn xong, người ca sĩ vừa dứt tiếng, cả khán đài sẽ vỗ tay và tiếng vỗ tay ấy có chút lưu luyến, bởi ca từ của bài hát quá hay và nó còn làm cho người ta có cảm giác nhớ nhà da diết. Từng cánh hoa trôi êm êm trên mặt nước, như đưa ta trở về với một miền quê nhỏ – nơi có cánh đồng xanh, có lũy tre làng lung lay trong gió, có cánh diều trẻ thơ tung bay mang theo bao ước mơ thơ ấu, có luống rau mẹ trồng trước ngõ, có cây cầu và con sông lộng gió, có câu hò điệu lý vang vọng mãi trong tim người tha hương….Có lẽ, có rất nhiều ca khúc đi vào lòng người, nó mang theo tình yêu của biết bao người trẻ thế hệ, dù đã yêu hay chưa yêu. Nhưng với ca khúc “Hoa rụng ven sông” vẫn mang đến một sự quyến luyến khó nói nên lời, xúc cảm cho những trái tim vẫn còn non trẻ. Và với những ai dù đã yêu hay đã đi qua những nhung nhớ, những xót xa trong tình yêu, sẽ đều ghi nhớ ca khúc này.

Lời bài hát Hoa Rụng Ven Sông – Phạm Duy & Lưu Trọng Lư

Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời!
Giờ đây em ơi cơn mộng tan rồi!

Lòng anh tan hoang thôi vỗ tình ơi
Ngày như theo sông bóng xế chiều rơi..

Còn đâu em ơi! Còn đâu ánh trăng vàng
Còn đâu ánh trăng vàng, mơ trên làn tóc rối?

Còn đâu em ơi! Còn đâu bước chân người
Còn đâu bước chân người, mơ trên đường chiều rơi?

Còn đâu đêm sang lá đổ rộn ràng!
Còn đâu sương tan trăng nội mơ màng?

Còn đâu em ngoan, tóc rối ngổn ngang
Tuổi em đôi mươi, xuân mới vừa sang…

Còn đâu em ơi! Còn đâu giờ nhung lụa?
Mộng trùm trên bông, tình nồng trong gối…

Còn đâu em ơi! Còn đâu mùi cỏ dại?
Chút tình thơ ngây, Không còn trên đôi má..

Viết một bình luận