Hình ảnh Saigon xưa đi kèm với những chiếc Xế Điếc vào những năm thập niên 60-70

SAIGON 1954 – Nhà hát Thành phố

Đầu thập niên 40, Dân Saigon vẫn quen gọi những chiếc xe đạp là xe máy, tuy được bán ra khá nhiều nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu một chiếc. Nhiều gia đình phải dành dụm tích góp một thời gian dài mới sắm được, từ mua xe cũ cho đến mua xe mới. Thời đó, trừ một số ít người có xe hơi thì ai nấy đi đâu cuốc bộ, đi xa thì dùng xe ngựa. Ai có điều kiện sắm được một chiếc xe máy thì sung sướng biết bao, chủ động di chuyển đến nơi mình mong muốn, thênh thang trên các đại lộ vừa vui vừa hãnh diện.

Lúc đó tôi còn là một chú bé mới hơn 10 tuổi, nhớ như in khoảnh khắc bố dắt về một chiếc xe đạp kiểu nam được mua tại cửa hàng với giá gần 300 đồng bạc Đông Dương. Ngày nào bố không đi đâu, tôi lại mượn chiếc xe ra tự tập đi. Chân chưa đủ dài để ngồi trên yên hoặc khung xe đạp một vòng bàn đạp, tôi luôn chân phải qua dưới ống sườn ngang để chạm bàn đạp. Bọn trẻ con cùng lứa trong xóm mắt chữ o, mồm chữ a trầm trồ ngó tôi đang đạp chiếc xe mà tụi nó mơ ước.

Xe đạp Nam

Xe đạp ở Saigon kể từ thập niên 1940 trở đi không cần phải đăng ký và mang biển số cũng như kê khai lý lịch và cũng không cần phải mua những bảo hiểm đắt đỏ. Người mua xe chỉ cần sở hữu một tờ hóa đơn giấy do cửa hàng bán cung cấp hoặc giấy tờ viết tay do chính quyền địa phương thị thực là đủ. Có xe rồi, chỉ cần mua một ổ khóa nhỏ kèm theo sợi xích(gọi là khóa “ăn-ti-vôn” – đọc trại từ tiếng Pháp antivol – khóa chống trộm) khóa lại là xong. Mà khóa cho vui để tránh mấy đứa trẻ con nghịch ngợm thôi chứ thời đó hầu như không có trường hợp bẻ khóa trộm cắp xe.

Cửa hàng xe đạp và hóa đơn mua bán

Đến thập niên 1950 là thời kỳ hoàng kim của xe đạp ở Saigon. Số lượng xe đạp được sử dụng trong thành phố này tăng lên ngày càng nhiều, thầy thợ đều có một chiếc xe để đi làm. Các trường trung học, trường nữ như Marie Curie, trường nam như Taberd, Chasseloup Laubat hầu như học sinh đều dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển đến trường và về nhà.

Xe đạp trở thành phương tiện thông dụng và gần như nó là đôi chân của mỗi người trong gia đình người Việt. Những người từ tỉnh lẻ muốn lên Saigon chỉ cần đạp xe từ nhà ra bến xe đò, mua vé. Lơ xe đứng sẵn ở xe chờ để mang những chiếc xe đạp của khách hàng lên mui xe. Họ ràng buộc cho chắc chắn, còn hành khách thì ngồi gọn gàng trong ghế. Xe đến Saigon, lơ xe cởi dây thả xe xuống, khách nhận xe và đạp đi đến chỗ nào mình muốn đến, chẳng phải đi bộ như trước nữa. Ai nấy đều thấy quá tiện lợi, sử dụng xe đạp thay vì xe gắn máy bởi xe đạp nhẹ nhàng, mang lên mang xuống xe đò được.

Xe đò Huế – Quảng Trị – Đông Hà

Người dân Saigon từ thầy, thợ, học sinh, đàn ông cho đến đàn bà đều biết “cỡi” xe đạp. Tùy theo hoàn cảnh, địa vị trong xã hội mà người ta sắm những chiếc xe đạp phù hợp với mình. Việc di chuyển bằng xe thổ mộ cũng giảm dần, rồi sau đó thay vì chở người xe chỉ dành cho các tiểu thương vận chuyển hàng hóa từ quê, ngoại thành lên thành phố và ngược lại.

Nhà nào dù giàu hay nghèo đều phải có ít nhất một chiếc xe đạp, đặc biệt ngày đó những nữ sinh trong học trong tà áo dài trắng truyền thống tung tăng đạp xe với kiểu dáng thanh thoát… Để tà áo dài không bị dính vô các cây căm (nan hoa) khi di chuyển, bánh sau của xe đạp nữ có hai mảnh lưới đan với nhiều màu sắc rực rỡ che hết phân nữa bánh khiến chiếc xe càng nhìn càng duyên dáng.

Phan Thiet 1967 – Photo by Bob Kelly

Các loại xe đạp thời bấy giờ có kiểu dáng chắc chắn, loại phổ thông là xe nam với ghi đông (tay cầm) hình chữ U, hai tay nắm vểnh cao để người điều khiển không phải cong người khi đạp xe. Yên xe to, được trang bị lò xo dưới yên để giảm xóc, còn poọc-ba-ga (porte bagage) được làm bằng thanh sắt đặc rất cứng. Hai tay thắng được làm bằng thanh sắt đặc uốn lượn theo ghi đông, song son với cổ xe, xuống đến đầu thắng. Xe tuy cổ kính, nặng nề nhưng lại rất chắc chắn, người Hoa ngày đó thường dùng loại xe này để chở những hàng hóa nhỏ. Có người đồn rằng ống tuýp để hàn sườn xe được làm bằng ống tuýp nước vừa rẻ vừa chắc chắn.

Những chiếc xe phổ thông trải đều sắp Saigon thì nhu cầu sắm những chiếc xe thời trang, kiểu cách cũng bắt đầu xuất hiện. Các hãng xe cao cấp mang thương hiệu Reynold, Royal Stella, Peugeot được nhập khẩu từ Pháp để đáp ứng nhu cầu này. Giới thượng lưu chơi xe, thích nhất sườn xe được làm bằng chất liệu nhẹ và ưa chuộng nhất là hiệu Reynold với giá cao hơn những hãng khác. Trong giới đua xe đạp, sườn xe đạp đua được ưa chuộng chỉ có hai loại, nhất là tuýp Reynold, nhì là tuýp hiệu Tube.

Xe nữ thì thanh tuýp ngang của xe nam được hạ xuống, chéo từ cổ xe xuống gần bàn đạp của trục yên xe. Riêng xe Royal Stella và Peugeot thì thanh chéo này được làm bằng hai thanh tuýp song song, uốn lượn xuống gần trục bánh xe sau….Năm 1960 có giá cỡ 1.000 đồng.

Saigon 1967 – Cổng sau Lăng Lê Văn Duyệt, ĐL Chi Lăng – Photo by William Harrell

Các cửa hàng buôn bán xe và phụ tùng ở Sài Gòn nhái theo các kiểu cách xe nhập cảng, hàn khung xe… nhưng do kỹ thuật hàn chưa tốt và chất liệu ống tuýp thường dày hơn xe Pháp, nên trọng lượng xe thường nặng hơn xe nhập cảng cùng kiểu dáng, có khi nặng hơn gấp rưỡi, lại dễ bị đứt mối hàn ở cổ xe, khiến người điều khiển bể mặt, gãy răng là chuyện thường nhật …

SAIGON 1965 – Cảnh sát tuần tra đường phố bằng xe đạp – Trên vòng xoay Công trường Lam Sơn
Vietnam 1960s – Xe đạp Nam cùng cô bé nhỏ nhắn. Photo by Kim Jenkins
Saigon 1962 – Photo by Paul Naples – Đầu đường Hai Bà Trưng, hãng bia BGI
Những đứa trẻ tò mò đạp xe đi ngắm nhìn chiếc máy bay vận tải
Kiểu đạp xe truyền thống của phụ nữ mang áo dài tránh tà áo bị cuốn vào bánh xe
Phía sau xe luôn có sẵn ổ khóa để khóa xe. SAIGON 1960s
SAIGON 1952 – Xe đạp và xích lô đạp xoay vòng quanh một vòng xoay tại Saigon, “Paris của Phương Đông”
Xa xa là bãi giữ xe đạp cùng biển quảng cáo Hynos quen thuộc
Không chỉ quen thuộc với phụ nữ, xe đạp cũng là phương tiện đi lại chính của đàn ông
Một bức ảnh gần như đầy đủ các phương tiện đi lại ngày đó được chụp tại góc Nguyễn Huệ-Tôn Thất Thiệp, cạnh bên hông Tòa Hòa Giải
Những đứa trẻ thường rất thích lính Mỹ bởi họ rất thân thiện và luôn sẵn sàng kẹo bánh cho trẻ em trong vùng

Biên soạn: Thời Xưa.

Ảnh: Mạnh Hải Flickr.

Vui lòng không sao chép ghi chưa được sự cho phép của ban biên tập.

 

Viết một bình luận