Hàn Châu – Người viết tiếp tâm tư của người lính tận mạc qua nhạc phẩm “Người Đầu Gió”

Có lẽ đã từ rất lâu, hai tiếng “Việt Nam” đã trở nên thiêng liêng bởi dòng máu Lạc Hồng đỏ thẳm đang chảy đều trong người mỗi chúng ta. Nó là linh hồn của ông cha ta từ hàng nghìn năm kết tinh được, có tinh thần của nhiều anh hùng không quản gian khổ hy sinh, có cả sức chịu đựng qua năm tháng của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã điểm tô thêm nét đẹp đất nước và gìn giữ lâu bền. Tuy có những lúc mỏi mệt chỉ muốn gục ngã bên đường hành quân, nhưng họ vẫn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ và rồi sau đó lại là những mong ước đất nước được thái bình, mơ mộng được quay trở về với những ngày, quay về mái ấm bình yên cùng gia đình đoàn tụ….Có lẽ thấu hiểu được nỗi lòng ấy của người lính mà nhạc sĩ Hàn Châu đã đem phần tình cảm và sự đồng cảm ấy viết ra thành nhạc khúc “NGƯỜI ĐẦU GIÓ” với mong muốn san sẻ được phần nào sự tiếc nuối và nỗi niềm nhớ nhung về nơi miền xa xôi ấy.

Nhạc sĩ Hàn Châu được biết đến nhiều với những sáng tác nhạc vàng cùng giai điệu Bolero nhẹ nhàng và sâu lắng, ông nổi tiếng sau hai khi được nhạc sĩ Hoàng Trang đặt bút danh Hàn Châu và đưa tên vào bản nhạc “Ngỏ hồn qua đêm”. Trước năm 1975, chủ yếu ông sáng tác những ca khúc có chủ đề về người lính, nhưng sau đó Hàn Châu lại ngừng sáng tác cho đến tận những năm 1980 mới bắt đầu viết nhạc lại và chủ đề tập trung về tình yêu và quê hương đất nước như “Tình nhỏ mau quên”, “Tội tình”, “Mèo hoang”, “Tình gần tình xa”,…

Nhạc phẩm “NGƯỜI ĐẦU GIÓ” là bài hát của nhạc sĩ Hàn Châu và Xuân Đan, được sáng tác vào năm 1969. Đây không phải là nhạc phẩm đầu tiên của nhạc sĩ, nhưng có thể nó lại là nhạc phẩm cảm xúc nhất của Hàn Châu khi nói về những tâm tư được chôn giấu trong lòng của người lính sa trường. Xa quê, thân trai một mình nơi rừng sâu hoang vắng, suốt ngày phải đối mặt với những trận địa hiểm nguy, tinh thần luôn căng thẳng và trong tình trạng đề cao cảnh giác trước quân thù. Hầu hết thời gian đều đặt vào việc nước nhà, nhưng hễ có thời gian thư thái thì tâm tư lại bay về nơi quê nhà xa xôi, nơi có mẹ già, có mái nhà tranh, có tuổi thơ mộng ước, có tình yêu xuân thì,….Bây giờ chỉ có thể hoài niệm mà thôi! Bài hát mở ra cho người nghe một không gian hoang sơ nơi rừng thẳm, nơi có nỗi buồn của người chiến sĩ và có cả niềm tin vào chiến thắng dân tộc.

“Những chiều mưa đầu núi,
Hồn dâng lên nhung nhớ,
Kỷ niệm trong gót giày,
Còn in trên đá sỏi buồn phiền…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thái Châu trình bày.

Mở đầu bài hát chính là khung cảnh buồn bã của những trận mưa đầu núi, không thê lương nhưng lại có chút sầu. Bởi nó gây cho ta một nỗi nhớ nhung khôn nguôi, nhìn màn mưa lòng người chiến sĩ dâng lên một chút nhớ về những kỷ niệm ngày xưa – “Kỷ niệm trong gót giày, còn in trên đá sỏi buồn phiền…” – Nhớ ngày nào còn tung tăng vô lo vô nghĩ nơi thôn nhỏ cùng chúng bạn, thẹn thùng nói những câu yêu thương tình đầu,…vậy mà giờ khắc này, bản thân chỉ có phiền muộn làm bạn đồng hành.

“…Tiếp nối tháng ngày mang niềm ước muốn đi xa,
Nghe tuổi thơ trải dài trên cồn đá…..”

Tự hào là người chiến sĩ Việt Nam, chàng trai với mong ước mang nền hòa bình về trên quê hương này, hoàn thành ước muốn của tất cả cộng đồng người Việt Nam nói chung, và mong sớm ngày hoàn thành nhiệm vụ trở về quê nhà, trở về với mẹ cha của chàng chiến sĩ trẻ. Chàng trai chấp nhận đánh đổi, chấp nhận để lại tuổi thơ của mình, đánh đổi những mộng mơ thời niên thiếu,…để chúng hằn lại trên những cồn đá, còn bản thân thì tiếp bước trên con đường hành quân cũ.

“…Có lần xa rừng núi, về rong chơi đây đó,
Phố nhỏ vang tiếng cười.
Và giai nhân vẫn đẹp rạng ngời.
Ta đưa mắt nhìn ta lòng bỗng thấy bâng khuâng,
Khi mình nay đã là anh lính rừng…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Khánh trình bày.

Đã từng, chàng chiến sĩ ấy đã từng rời xa nơi núi rừng mình từng gắn bó để trở về nơi đô thị phồn hoa, nhìn ngắm người người vui vẻ mà cười đùa, bắt gặp những giai nhân tuyệt sắc đang rạng ngời nơi phố nhỏ. Bất chợt chàng trai lại thấy có chút chạnh lòng, bởi người người đều được cạnh kề bên gia đình, vui vẻ nơi quê hương yên bình, thì bản thân lại là người lính rừng phải rời bỏ mái ấm đến miền núi xa xôi, rời xa gia đình đến với đồng đội bốn phương….

“…Nên trở về ru giấc ngủ,
Để quên đi hai mươi tuổi đời,
Không biết vui, không biết say cùng nhân thế, cùng người….”

Ở thời điểm của chúng ta hiện tại, tuổi hai mươi đầu đời là tuổi còn đang vùi đầu vào học tập, vui vẻ bên bạn bè, người thân. Nhưng trước năm 1975, khi đất nước còn đang chìm trong “bom bay lửa đạn” thì những thanh thiếu niên đã phải lên đường nhập ngũ, tiến thân vào con đường hành quân từ rất sớm, có người chỉ mới mười mấy tuổi đời. Còn người chiến sĩ trong bài hát, chỉ mới vừa tròn đôi mươi, nhưng tâm tư lại như một “ông cụ non” khi mỗi đêm về chỉ muốn vỗ về giấc ngủ bởi có mấy người chiến sĩ được ngon giấc tròn khi đất nước còn nhiều hiểm nguy. Vậy nên anh “Không biết vui, không biết say cùng nhân thế, cùng người” ….Cuộc đời người lính phải chăng đã quá tẻ nhạt?

“….Tôi về nơi đồn vắng, tìm vùi trong sương gió,
Đánh giặc quên tháng ngày,
Dù gian nan khắp nẻo đường dài.
Tôi xin trả lại ai đường phố trắng xa hoa,
Xin được vui với niềm vui lính rừng.”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Giang Tử trình bày

Trở về nơi rừng hoang đồn vắng để mong muốn những sương gió lạnh lùng có thể đẩy lùi những nỗi niềm mong nhớ của bản thân, mong muốn dẹp bỏ những tình cảm cá nhân làm ảnh hưởng đến tinh thần người chiến sĩ. Chỉ mong “đánh giặc quên ngày tháng” nhanh chóng kết thúc chuỗi ngày gian khó ấy, sớm ngày mang bình yên đến cho đất nước này, mang khải hoàn về với quê hương. Họ không quản ngày tháng khó khăn, dù hành quân trên những nẻo đường dài gian nan và vất vả, họ cũng chẳng nản lòng. Điều ước mong duy nhất trong họ lúc này chính là “xin trả lại ai đường phố trắng xa hoa” – Được đi trên những con đường đầy hoa, đầy sự hò reo vui mừng, đâu đâu cũng là sự hân hoan chứ không phải là tiếng khổ đau, than khóc của người dân.

Ca khúc “NGƯỜI ĐẦU GIÓ” là một trong những ca khúc gắn liền với tên tuổi của cố ca sĩ Duy Khánh. Nó không chỉ đơn thuần là một bản nhạc nghe để vui, để giải trí, mà nó là để thấu hiểu để cảm thông. Những người chiến sĩ cũng có trái tim, họ cũng biết buồn thương khi nhung nhớ về quê nhà, họ đã phải cố gắng thế nào để luôn giữ vững tinh thần mà chiến đấu vì quê hương dân tộc. Họ cất hết mọi tình cảm về quê nhà, về gia đình, về những tình cảm cá nhân mà toàn tâm toàn ý bảo vệ nền hòa bình cho tất cả chúng ta.

Trích lời bài hát Người Đầu Gió:

Những chiều mưa đầu núi,
Hồn dâng lên nhung nhớ,
Kỷ niệm trong gót giày,
Còn in trên đá sỏi buồn phiền.

Tiếp nối tháng ngày mang niềm ước muốn đi xa,
Nghe tuổi thơ trải dài trên cồn đá.

Có lần xa rừng núi, về rong chơi đây đó,
Phố nhỏ vang tiếng cười.
Và giai nhân vẫn đẹp rạng ngời.
Ta đưa mắt nhìn ta lòng bỗng thấy bâng khuâng,
Khi mình nay đã là anh lính rừng.

Nên trở về ru giấc ngủ,
Để quên đi hai mươi tuổi đời,
Không biết vui, không biết say cùng nhân thế, cùng người.

Tôi về nơi đồn vắng, tìm vùi trong sương gió,
Đánh giặc quên tháng ngày,
Dù gian nan khắp nẻo đường dài.
Tôi xin trả lại ai đường phố trắng xa hoa,
Xin được vui với niềm vui lính rừng.

Viết một bình luận