Gợi nhớ về Sài Gòn năm 1968 dưới con mắt của nhiếp ảnh gia Brian Wickham – Phần 1

“….Phượng Sài Gòn, hoa đẹp lắm

Đâu có nơi nào bằng đất quê hương

Anh phương xa, nhung nhớ muôn trùng

Hoa tên em, trang vỡ mong chờ

Tình thương vẫn thương

Màu hoa vấn vương…… lòng anh!!!”

Sài Gòn luôn là chủ đề lớn, là nguồn cảm hứng trong rất nhiều bài hát của nhiều nhạc sĩ tên tuổi. Cái tên Sài Gòn – “Hòn ngọc Viễn Đông” đã gắn liền với cái tên Việt Nam, bởi những hình ảnh đẹp và  thanh bình. Những con đường xưa qua nhiều lần thay đổi “tên họ”, những tòa nhà sang trọng với nhiều lần thay đổi công năng, sự tấp nập của đường phố cùng người người nhộn nhịp,….tất cả đã tạo nên nét đặc trưng của khu Đô thành phồn hoa. Hãy cùng Góc xưa, điểm lại những ký ức vụn nhặt qua bộ ảnh gợi nhớ “Sài Gòn năm 1968” của nhiếp ảnh Brian Wickham. 

Xe hủ tiếu của người Hoa ở Chợ Lớn

Đường Nguyễn Văn Sâm, Quận 1 (nay là đường Nguyễn Thái Bình), lên một tí là gặp đường Lê Công Kiều và Công Lý (sau này đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – Hình ảnh lạ mắt khi chiếc xe hủ tiếu tham gia giao thông

Hình ảnh học tan trường trên đường Nguyễn Du năm 1968 – Trong hình là góc ngã ba đường Cường Để – Nguyễn Du (nay là góc Tôn Đức Thắng – Nguyễn Du). Bên trái hình là Chủng viện Thánh Giuse, bên phải trước đây là tư dinh Đại tướng Lê Văn Tỵ, nơi hiện nay là tòa nhà 33 tầng Saigon Trade Center

Cảnh sát tại ngã tư đường Lê Lợi – Công Lý (sau này đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – Ảnh chụp tháng 11 năm 1968.

Đoạn gần với Thảo Cầm Viên Sài Gòn – Trong hình là cầu tạm cho xe cộ lưu thông khi cầu Thị Nghè đang trong quá trình xây dựng

Thời trang hiện đại của cô thiếu nữ trên đường Phạm Ngũ Lão

Quầy bán trái cây trong khu chợ trung tâm Sài Gòn

Xe lam đang di chuyển trên đường Lê Văn Duyệt – Xe lam là tên gọi tắt của hãng Lambretta của Italy, đây là loại hình công cộng tồn tại khoảng 30 năm trên đường phố Sài Gòn.

Xe Cocacola – Đây là một thương hiệu nổi tiếng dành cho giới trung và thượng lưu ở miền Nam trước năm 1975, còn giới bình dân thì chỉ dùng nước ngọt của thương hiệu con cọp BGI.

Xích lô máy từng là biểu tượng của Sài Gòn xưa, khi có thể bắt gặp ở khắp nẻo đường. Giao đoạn những năm 1960, xích lô máy bị cạnh tranh quyết liệt, bởi sự xâm nhập của xe Lam (rẻ hơn, chở được nhiều người hơn,…). Và từ sau năm 1975 vì sự khan hiếm của xăng dầu mà xích lô máy dần vắng bóng.

Chốt bảo vệ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, được đặt tại góc ngã tư Lê Văn Duyệt – Hồng Thập Tự (sau này đổi tên thành Cách Mạng Tháng 8 – Nguyễn Thị Minh Khai)

Vòng xoay Công trường Dân Chủ, hướng ảnh ở đường Lê Văn Duyệt (sau năm 1975 là đường Cách Mạng Tháng 8)

Xe nước giải khát trên đường phố Sài Gòn

Phà đón khách qua sông trên sông Sài Gòn

Ga xe lửa và đường Lê Lai nhìn từ tầng 5 Cư xá sĩ quan Mỹ Walling Hotel BEQ trên đường Phạm Ngũ Lão

Ga xe lửa nhìn từ tầng 5 Khách sạn Walling (BEQ) trên đường Phạm Ngũ Lão. Bên kia ga là đường Lê Lai và khách sạn Lê Lai, lúc này đang cho thuê làm cư xá của lính Mỹ. Chân trời phía xa về bên trái nhìn thấy tháp nhà thờ Đức Bà và tháp vi ba Bưu Điện Sài Gòn.

Nhà thờ Huyện Sĩ (hay còn gọi là nhà thờ Chợ Đũi khi được nhìn từ khách sạn Walling (Cư xá của lính Mỹ – BEQ)

Đại lộ Lê Lợi – Là đoạn đường được khởi lập dưới thời Pháp, ở khoảng cuối thế kỷ XIX, và chỉ trải qua hai lần đặt tên khi tính đến thời điểm hiện tại: Đại lộ Bonard dưới thời Pháp thuộc và đại lộ Lê Lợi từ sau năm 1955.

Đường Lê Lợi, góc ngã tư đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ. Bức ảnh được chụp hướng về Nhà hát Thành phố ở đường Tự Do (sau năm 1975, đổi thành đường Đồng Khởi).

Đây là tượng Trần Nguyên Hãn ở Công trường Quách Thị Trang trước cửa chợ Bến Thành. Năm 1968, quảng trường Quách Thị Trang được gọi là Công trường Diên Hồng, trước đó là Công trường Cộng Hòa, rồi sau đó là Quảng trường Quách Thị Trang, nhưng dân gian vẫn gọi là Bùng binh Chợ Sài Gòn.

Tòa Đô Chánh Sài Gòn, được xây dựng dưới thời Pháp thuộc và có tên là Dinh xã Tây, sau này trở thành Ủy Ban Nhân Dân Thành phố. Tòa nhà nằm trên đường Lê Thánh Tôn, đầu đường Nguyễn Huệ, hướng nhìn ra sông Sài Gòn và Bến Bạch Đằng.

Bùng binh Bồn Kèn, vòng xoay Nguyễn Huệ – Lê Lợi. Tòa nhà lớn màu trắng bên phải hình là thương xá TAX – Từng là trung tâm thương mại lớn và lâu đời của Sài Gòn, nhưng hiện tại công trình này đã bị tháo dỡ

Rạp REX nằm trên góc đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi, từng là rạp chiếu bóng sang trọng bậc nhất Sài Gòn

Giao thông trên đường Lê Lợi

Một góc chụp gần chợ Bến Thành

Người hành khất mù trên bùng binh chợ Sài Gòn

Công trường Lam Sơn, đối diện với Nhà hát Thành phố – Thời Pháp thuộc, phần công trường phía mặt tiền Nhà hát có tên là Place Francis Garnier. Đến năm 1955, khi nền Cộng hòa được thiết lập, công trường này mới được đổi tên thành Công trường Lam Sơn.

Nhà hát Thành phố (Opera House) – Được xây dựng năm 1900, với mục đích ban đầu là nhà hát phục vụ cho người Tây nên còn được gọi là Nhà hát Tây. Sau đó, lại bị trưng dụng làm Trụ sở Quốc hội. Sau khi Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ, nơi này có một thời gian trở thành Nhà Văn Hóa. Đến tận khi Đệ nhị Cộng hòa được tái khởi thì lại bị trưng dụng làm Trụ sở Hạ Nghị viện (Hội trường Diên Hồng thành Trụ sở Thượng Nghị viện). Phải đến sau năm 1975 thì mới được trả về đúng công năng nghệ thuật của nhà hát.

Các nhà sư đang xếp hàng di chuyển ở trạm xe buýt

Xe đồ ăn ở đường Phạm Ngũ Lão

Xe cây cảnh sát trên đường Nguyễn Huệ

Đại lộ Cách Mạng 1 tháng 11, sau này chính là đường Nguyễn Văn Trỗi

Những đứa trẻ đang ngồi trên lan can hình rồng ở Đền Kỷ niệm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Các cô gái đang ngắm nhìn tác phẩm nghệ thuật ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Nàng thiếu nữ trong chiếc áo dài hồng thướt tha, toát lên nét dịu dàng và thùy mị bên một hồ nước trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Cậu bé bán bong bóng dạo đang hòa mình vào đám đông để buôn bán trên đường Nguyễn Huệ

Xe đồ ăn vặt, nào là khô mực, khô bò,…trên đường phố Sài Gòn – Những chiếc xe ăn vặt này lúc nào cũng hút khách, bởi hương thơm không thể chối từ.

Những gánh hàng ăn vặt nghi ngút khói, nóng hổi vừa thổi vừa ăn…..

Đám đông đang xếp hàng rất ngay ngắn để mua sắm một thứ gì đó……

Một quầy hàng bán đồ trang trí, đồ chơi dành cho lễ Giáng sinh xưa…

Quầy trái cây trong khu chợ trung tâm Sài Gòn

Không giống với những người khác, có gánh hoặc có xe đẩy, cô này lại chỉ có cái thúng nhỏ với những chiếc bánh mì giò chả, bánh giầy, bánh giò….được xếp đầy thúng và mang đi khắp hết mấy quán bar khu Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Thinh….

Chợ sách cũ Sài Gòn – Góc ngã tư đường Lê Lợi – Công Lý (sau này là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa)

Những cửa hàng bán đồ gia dụng trên đường Lê Lợi

Dinh Độc Lập – Tiền thân là dinh Thống đốc Nam Kỳ được dựng bằng gỗ, đến năm 18638, Thống đốc Lagrandière mới cho xây dựng lại và hoàn thành vào năm 1871. Ban đầu lấy tên là Dinh Norodom và đại lộ trước tòa nhà cũng được gọi là đại lộ Norodom. Trải qua nhiều lần đổi tên, cuối cùng dừng lại ở tên Dinh Độc Lập do Tổng thống Ngô Đình Diệm đặt ở dưới thời VNCH.

Đường Phạm Ngũ Lão

Cầu chữ Y, nhánh cầu qua Quận 8, ở phía xa ta có thể nhìn thấy tháp nhà thờ Chợ Quán. Ngoài ra, trong ảnh ta còn có thể nhìn thấy hai nhánh cầu khác: Phạm Thế Hiển (nơi chiếc xe Lam đang chạy xuống) – Nguyễn Biểu (ở phía xa, bên phải của hình). Cái building lớn nằm phía bên phải của hình chắc là President 727 Trần Hưng Đạo  của Nguyễn Tấn Đời.

Ghe bán gạo nhìn từ trên cầu Chữ Y

Đường Trần Hưng Đạo – Ngay góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học là trường Tiểu học Nguyễn Thái Học

Viết một bình luận