Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa – Nơi tầng lớp trí thức được tự do phát triển

Thời Việt Nam Cộng Hòa xem trọng quyền tự do giáo dục. Mọi người đề cao triết lý giáo dục “Nhân bản, Dân tộc, Giải phóng”. Đồng thời, họ cho rằng “nền giáo dục đại học được tự trị”, những ai có khả năng học tập mà không có phương tiện thì sẽ được hỗ trợ. Có thể thấy rằng từ thời Việt Nam Cộng Hòa, nền giáo dục đã được xem trọng và bảo vệ.

Hệ thống giáo dục thời đó dường như được giữ cho đến tận bây giờ, được chia thành 3 cấp bậc: Tiểu học, trung học và đại học. Các bậc học đều có mạng lưới các cơ sở giáo dục theo kiểu công lập, dân lập và tư thục. Về tổ chức quản trị các cấp bậc và cơ sở giáo dục thì được quản lý chặt chẽ từ trên xuống dưới, chính xác là từ trung ương cho đến địa phương.

Năm 1917, hệ thống giáo dục cho ba miền của Việt Nam là Bắc, Trung, Nam và cả Lào, Campuchia cũng được chính quyền thuộc địa Pháp thống nhất. Bậc học được quy định gồm ba bậc: Tiểu học, trung học và đại học. Chương trình học chủ yếu là của nước Pháp, chỉ có vài sửa đổi để phù hợp với Việt Nam. Thậm chí vào thời đó, tiếng Việt mình là ngôn ngữ phụ, còn toàn bộ đều sử dụng tiếng Pháp. Mãi sau năm 1945, khi Việt Nam đã được độc lập, chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ (còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn – Ban hành thời chính phủ Trần Trọng Kim) mới được áp dụng ở miền Trung và miền Bắc, còn miền Nam vẫn chưa được áp dụng.

Sở dĩ có điều này bởi vì miền Nam vẫn chưa hoàn toàn được thống nhất và vẫn phải chịu đựng trước người Pháp. Vì vậy, chương trình học của người Pháp vẫn được áp dụng tại miền Nam. Mãi cho đến giữa thập niên 1950, nền giáo dục tại miền Nam mới dần được thay đổi vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Chương trình giáo dục của Pháp đang dần được thay thế bởi chương trình dạy học của Việt Nam. Cũng từ đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam mới dần giữ vững được vai trò của mình.

Sau khi nền giáo dục Việt Nam được hình thành trở lại, những vấn đề về giáo dục đang đặt ra và được kể đến là như: Triết lý giáo dục là gì; Mục tiêu giáo dục nên đặt ra như thế nào; Chương trình học, tài liệu giáo khoa, phương tiện học tập; Làm sao để chuẩn bị cơ sở vật chất trang thiết bị thật tốt, vai trò của nhà giáo là gì, đánh giá kết quả học tập ra sao và tổ chức quản trị như thế nào là hiệu quả. Những vấn đề ấy đã được giải quyết bởi những người làm công tác giáo dục ở miền Nam, họ xây dựng công tác giáo dục một cách tốt nhất. Tất cả đều được hình thành ở nền Đệ Nhất Cộng Hòa. 

Với những nỗ lực hết mình của công tác xây dựng giáo dục, vào năm 1970, nền giáo dục của miền Nam Việt Nam đang dần được cải thiện và ngày càng tách rời khỏi chương trình giáo dục của Pháp. Chương trình giáo dục của Việt Nam chú trọng vào thực tiễn và cố gắng đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước hơn là chương trình học của Pháp – Đa số chú trọng về lý thuyết và đào tạo ít phần tử ưu tú cho xã hội.

Khoảng những năm 1973 – 1974, Việt Nam có khoảng 3.101.560 học sinh đi học bậc tiểu học, 1.091.779 học sinh học trung học và 101.454 sinh viên học đại học. Toàn bộ đều học tại các cơ sở giáo dục. Nạn mù chữ cũng dần được cải thiện khi có đến 70% dân số đã biết đọc chữ. Đến năm 1975, số sinh viên học tại các trường đại học tại miền Nam là được 150.000 người. Đó là chưa kể những sinh viên đi học tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Mặc dù ngân sách Quốc gia chủ yếu dành cho việc học Quốc phòng và Nội vụ, con số ước tính cho việc giáo dục chỉ khoảng 7 – 7.5%, còn về Quốc phòng là 40% và Nội vụ là 13% nhưng xét cho cùng thì nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa cũng đã có những bước phát triển vượt bậc. Nền giáo dục đã đào tạo được nhóm người có trình độ chuyên môn để giúp ích cho việc phát triển đất nước. Một số người còn được cử đi học tại các quốc gia phát triển và đã có sự nghiệp vững chắc. 

Để nền giáo dục Việt Nam có được bước tiến đó, phải kể đến sự nghiêm túc với nghề của các giáo viên. Sự nghiên cứu giáo dục của những người làm công tác giáo dục, sự lãnh đạo của chính phủ và cả những đóng góp của những bậc phụ huynh. 

Triết lý giáo dục

Ba triết lý giáo dục: “Nhân bản, Dân tộc, Giải phóng” đã được đưa ra tại Đại hội Giáo Dục Quốc Gia (lần 1) năm 1958. Các phụ huynh, học sinh, nhân sĩ, đại diễn quân đội, đại diện ngành văn hóa,… Tất cả đều có mặt tại Sài Gòn để tham gia hội nghị này. Bạn có thể tìm hiểu những triết lý này trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa năm 1967 và Những nguyên tắc căn bản do Bộ Giáo Dục Quốc gia ấn hành năm 1959. 

– Triết lý giáo dục thứ nhất: Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục nhân bản

Triết lý nhân bản coi trọng con người, chấp nhận sự khác nhau của mỗi người và tôn trọng chúng, không xem việc khác nhau đó để đánh giá con người. Mỗi con người dù cho giàu nghèo, khác nhau về địa phương hay tôn giáo thì đều được đối xử ngang hàng với nhau. Nói chung, triết lý này lấy người làm gốc, mỗi người đều được đối xử và có cơ hội được học tập như nhau.

– Triết lý giáo dục thứ hai: Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc

Giáo dục để tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong gia đình, xã hội. Chúng ta cần học tập, giữ gìn và phát huy giá trị dân tộc qua nhiều thế hệ để chúng được tồn tại từ đời này qua đời khác mà không bị tan biến hay hao mòn giá trị.

– Triết lý giáo dục thứ ba: Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng

Giáo dục không nên chỉ gói gọn trong nước mà cần đem ra toàn thế giới. Chúng ta nên thu nhận kiến thức từ các nước láng giềng, áp dụng những khoa học tiến bộ để phục vụ, hỗ trợ cho nước ta để Việt Nam có thể vươn ra được thế giới.

Qua những triết lý giáo dục như ở trên, giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa còn đặt ra mục tiêu để giải quyết cho vấn đề sau khi học xong, những người đã đi học có thể làm được gì cho cá nhân, đất nước, nhân loại?

– Mục tiêu thứ nhất: Phát triển toàn diện mỗi cá nhân

Trong việc giáo dục, tinh thần đề cao cá nhân và những phát triển bản thân cũng được giáo dục vô cùng xem trọng. Thầy cô giáo sẽ giúp cho mỗi học sinh phát huy được hết năng lực của mình. Không chấp nhận việc thầy cô giữ lại thông tin hay cung cấp thông tin thiếu trung thực cho học sinh – sinh viên của nước nhà.

– Mục tiêu thứ hai: Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh

Thầy cô và nhà trường giúp học sinh hiểu rõ về bối cảnh xã hội, môi trường sống của người dân trong đất nước Việt Nam. Điều đó giúp học sinh thêm tin yêu nước nhà, gia đình và quê hương xã hội. Qua đó ca ngợi tinh thần đoàn kết, chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đồng thời, việc học Tiếng Việt cũng được đề cao. Thầy cô có nhiệm vụ giúp cho học sinh nắm và hiểu rõ để sử dụng Tiếng Việt được rõ ràng, chính xác. 

– Mục tiêu thứ ba: Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học

Để làm được điều này, nhà trường cho học sinh chia nhóm ra học để bản thân các học sinh có thể phát huy được khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề và nâng cao ý thức tập thể. Điều này giúp học sinh phát triển được óc phán đoán, tò mò và tinh thần khoa học để phát triển bản thân hơn. 

Giáo dục tiểu học thời Việt Nam Cộng Hòa

Bậc tiểu học thời đó có 5 lớp, bao gồm lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5. Đây là bậc giáo dục bắt bước – Theo quy định của hiến pháp. Có một điều kiện vô cùng giúp ích cho người dân có con em đến trường là toàn bộ trường công lập thời đó đều miễn học phí và các khoản khác liên quan. Từ đời Đệ Nhất Cộng Hòa đã bắt buộc trẻ em phải học đến lớp 3. Muốn lên lớp thì phải thi, nếu thi rớt thì phải học lại lớp đó, gọi là học đúp. 

Ca học tiểu học được chia thành hai buổi là sáng và chiều. Và được chia đều cho các lớp học, các lớp chỉ học một buổi sáng hoặc chiều, mỗi tuần học 6 buổi. Khoảng năm 1970, học sinh từ 6 đến 11 tuổi đều đi học, tỉ lệ học sinh được đến trường là khoảng 80%, tương đương với 2.5 triệu số trẻ em trong khoảng từ 6 – 11 tuổi. Trường tiểu học thời đó cũng lên đến con số hơn 5000 trường.

Với các trường công lập thì được miễn học phí, còn trường tư thục thì có một số trường sẽ thu học phí. Các bậc phụ huynh có thể cho con mình học tại bất kỳ trường nào. Trẻ em được 6 tuổi sẽ phải đi học ở các trường tiểu học.

Sách giáo khoa lịch sử bưu hoa Việt Nam thời VNCH

Lớp 1 (trước năm 1967 gọi là lớp Năm) sẽ học 25 giờ/1 tuần. Môn Quốc văn chiếm 9.5 giờ, môn Bổn phận công dân và Đức dục (Giống như môn Giáo dục công dân ngày nay) sẽ học 2 giờ. Lớp 2 (trước năm 1967 là lớp Tư) sẽ học thêm Địa lý và Sử Ký, môn Quốc văn giảm chỉ còn 8 giờ và môn Địa lý và Sử ký thêm 2 giờ. Lớp 3 trở về sau thì dành 12 – 13 tiếng mỗi tuần cho mỗi môn trong 3 môn: Quốc văn, Sử ký và Địa lý. Học sinh sẽ học 9 tháng và nghỉ 3 tháng cho mỗi năm, trong năm học khi có ngày lễ sẽ được nghỉ lễ. 

Sách giáo khoa lịch sử Hòa Lan thời VNCH
Sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa
Sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa

Giáo dục trung học thời Việt Nam Cộng Hòa

Khoảng đầu năm 1970, số lượng học sinh trung học ở Việt Nam đã đạt được con số 550.000 học sinh, chiếm hơn 20% số thanh niên từ 12 đến 18 tuổi. Số lượng trường trung học (không tính Vĩnh Long và Sa Đéc) là 534 trường. Các trường trung học nổi tiếng được kể đến thời đó là Petrus Ký, Trưng Vương, Gia Long, Lê Quý Đôn,… Những trường này tọa lạc tại Sài Gòn. Ở Huế có trường Quốc Học, ở Đà Nẵng có trường Phan Chu Trinh, Mỹ Tho có trường Nguyễn Đình Chiểu,… Tất cả trường công lập tại Sài Gòn và các tỉnh cũng áp dụng miễn học phí cho học sinh.

– Trung học đệ nhất cấp

Bậc học này bao gồm từ lớp 6 đến lớp 9 (trước năm 1971 là đệ thất đến đệ tứ). Để học trung học đệ nhất cấp, học sinh tiểu học sau khi hoàn thành lớp năm (trước năm 1971 gọi là lớp nhất) phải thi đậu mới được vào học tại trường này. Tuy nhiên để học được trường trung học công lập thì rất khó, đòi hỏi học sinh phải chịu khó ôn luyện thật kỹ càng. Học trường công lập sẽ không bị mất học phí nên tỷ lệ vào trường rất khó. Những ai không đậu sẽ phải học trường dân lập hoặc tư thục, và tất nhiên học trường này sẽ không được miễn học phí. Mỗi năm sẽ có 2 học kỳ (còn gọi là lục cá nguyệt). Kể từ lớp 6, học sinh sẽ được làm quen với môn ngoại ngữ, có thể là tiếng Anh hoặc Pháp. Sau này môn võ Vovinam (Việt võ đạo) cũng được đưa vào một số trường. Học sinh sau khi học xong trung học đệ nhất cấp sẽ phải thi lấy bằng qua hai phần thi là thi viết và thi vấn đáp. Đến năm 1966 – 1967, Bộ Quốc gia Giáo dục bỏ luôn kì thi trung học đệ nhất cấp.

– Trung học đệ nhị tam

Tương đương với lớp 10, lớp 11 và lớp 12 hiện nay (trước năm 1971 gọi lần lượt là đệ tam, đệ nhị và đệ nhất). Để vào được cấp bậc này, học sinh phải có bằng trung học đệ nhất cấp, tương đương với Trung học cơ sở hiện nay. Khi đi học, học sinh phải lựa chọn và tập trung học một số môn theo như bốn ban dự bị vào đại học. Bốn ban đó là ban A: Khoa học thực nghiệm, ban B: Ban Toán, ban C: Ban văn chương và ban D: Ban văn chương cổ ngữ (còn gọi là Hán văn). 

Đến khi học xong lớp 10 lên lớp 11 thì phải thi Tú tài I, lên lớp 12 thi Tú tài II. Đến năm 1972 – 1973 thì học sinh chỉ cần thi Tú tài phổ thông, không cần thi Tú tài I hay II nữa. Đề thi bao gồm những gì đã học, hoàn toàn không có giới hạn. Học sinh sẽ thi tất cả các môn, ngoại trừ môn Thể dục. Từ năm 1974 trở đi, lối thi viết luận cũng được đổi sang thành trắc nghiệm.

Nhìn chung thì số lượng học sinh đậu Tú tài ở trường công lập cao hơn so với trường Tư thục vì trước khi lên lớp 6, trường đã tổ chức thi sàng lọc học sinh. Vì vậy học sinh đủ điều kiện để học Đại học khá thấp. Đợt thi Tú tài là vào khoảng tháng 6 và tháng 8 hằng năm. 

Trường được phân chia cho nam sinh và nữ sinh

Về các trường cho nam sinh và nữ sinh chắc nhiều người cũng biết. Trường cho nam sinh chỉ có học sinh nam tại trường và ngược lại, học trường nữ sẽ không thấy bất kì bóng dáng học sinh nam nào. Những trường dành cho nam sinh được kể đến như: Trường Petrus Ký, trường Chu Văn An, Võ Trường Toản,… tại Sài Gòn; Trường Quốc học tại Huế; Võ Tánh ở Nha Trang,… 

Nam sinh trường Petrus Ký – Giờ học Địa Lý

 

Trường dành cho nữ sinh tiêu biểu là: Trường Gia Long, Lê Văn Duyệt, Trưng Vương tại Sài Gòn; Trường Nữ Trung Học Lê Ngọc Hân tại Mỹ Tho; Trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân tại Đà Lạt,…

Nữ sinh trường Lê Văn Duyệt

Đồng phục cũng được quy định chặt chẽ để tạo tính đồng nhất. Đối với nữ là áo dài trắng, quần dài màu trắng hoặc đen tùy chọn. Còn nam là áo sơ mi trắng, quần quy định màu xanh dương.

– Trung học tổng hợp

Trường Trung học tổng hợp đặt nặng vấn đề thực tiễn. Chương trình giáo dục này dựa trên quan niệm của triết gia John Dewey. Về sau nhà giáo dục người Mỹ James B. Connant tiếp tục kế thừa và hệ thống hóa để dạy cho các trường trung học Hoa Kỳ. Chủ yếu chương trình học hướng dẫn về kinh doanh, công nghệ kỹ thuật để học sinh có thể thực hành ngay sau khi ra trường. 

Từ thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng hòa, các chương trình học tổng hợp, đệ nhất và đệ nhị được gộp lại với nhau. Sau đó chương trình học được áp dụng tại một số trường như trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, trường Nguyễn An Ninh, Sương Nguyệt Ánh và các trường ở các tỉnh thành khác trong nước. 

– Trung học kỹ thuật

Các trường này áp dụng dạy cả kỹ thuật và giáo dục phổ thông cho học sinh. Khi trúng tuyển vào trường này, học sinh sẽ được nhận học bổng, có thể là toàn phần hoặc bán phần. Giờ học của trường được quy định là 42 giờ và học sinh phải học 2 môn ngoại ngữ quy định là tiếng Anh và tiếng Pháp. 

Các trường có mặt ở các tỉnh thành trên cả nước. Về trường công lập, nổi bật là trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (tiền thân của trường là Trường Cơ khí Á Châu). Nay trường này được đổi tên là Trường Cao đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng; Trường Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường tộ. Về trường Tư thục thì có trường Trung học Kỹ thuật Bosco (nay là trường Đại học Công Nghiệp TP. HCM). 

Ngoài trường công lập và tư thục, dưới thời Việt Nam Cộng hòa còn có trường Quốc gia nghĩa tử. Học sinh chủ yếu của trường là con em của các tử sĩ hoặc phế binh của Quân Lực Việt Nam Cộng hòa. Mặc dù cũng là trường công lập nhưng học sinh được học trong trường là những học sinh hoàn cảnh đặc biệt. Trường được hoạt động từ năm 1963 ở Sài Gòn, sau này lan rộng ra các tỉnh Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Biên Hòa. So với các trường công lập do Bộ Quốc gia Giáo dục quản lý thì trường Quốc gia nghĩa tử do Bộ Cựu Chiến Binh quản lý. Tuy là trường học của các học sinh là con em của phụ huynh liên quan đến quân đội nhưng trường không dạy về quân sự mà chú trọng giáo dục phổ thông và hướng nghiệp. Tuy nhiên, sau năm 1975, trường Quốc gia nghĩa tử tại Sài Gòn và các tỉnh đã không còn tồn tại.

Giáo dục đại học thời Việt Nam Cộng Hòa

Để học trong các viện Đại học, trường Đại học và học viện thì học sinh phải thi đậu Tú tài II. Các trường đại học có chuyên ngành đặc biệt như Y, Dược, Nha, Kỹ Thuật, Quốc gia hành chánh, Sư phạm thì có kì thi chọn lọc gắt gao hơn. Bất kì ai có thành tích học tập tốt đều có thể vào học tại các trường Đại học. Giống như giáo dục tiểu học và trung học, khi học đại học ở các trường công lập, sinh viên cũng không phải đóng học phí, chỉ trừ một số trường và phân khoa đại học thì cuối năm mới thu tiền học phí của sinh viên. Ngoài ra, để khích lệ tinh thần học tập, các trường còn có những học bổng cho các bạn sinh viên.

Chương trình học cũng được chia thành 3 cấp:

Cấp 1 sẽ lấy bằng Cử nhân (học 4 năm) nếu theo các ngành nhân văn, khoa học (bằng cử nhân Triết, Toán,…) ; Sinh viên lấy bằng Tốt nghiệp nếu theo ngành chuyên nghiệp (bằng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, Học viện Quốc gia hành chánh,…) hoặc bằng Kỹ sư (kỹ sư điện, canh nông,…).

Cấp 2 là bằng Cao học (tương đương bằng Thạc sĩ ngày nay), sinh viên muốn lấy bằng Cao học thì học thêm 1- 2 năm, bằng Cao học còn có tên khác là Tiến sĩ đệ tam cấp.

Cấp 3 là bằng Tiến sĩ – Đây là học vị cao nhất trong 3 cấp. Để học Tiến sĩ, sinh viên học thêm 2 – 3 và làm luận án.

Riêng ngành Y, thời đó và bây giờ đều chú trọng cả lý thuyết và thực hành nên sinh viên học ngành Y phải học 6 năm hoặc hơn thế thì mới học xong và thi lấy bằng. 

Một số viện Đại Học Công Lập, Đại Học Tư Thục, học viện và viện nghiên cứu thời Việt Nam Cộng Hòa

– Viện Đại Học Công Lập:

+ Viện Đại Học Sài Gòn: Tiền thân là Viện Đại Học Đông Dương

+ Viện Đại Học Huế: Thành lập tháng 3 năm 1957

+ Viện Đại Học Cần Thơ: Thành lập năm 1966

+ Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức: Thành lập năm 1974

– Viện Đại Học Tư Thục:

+ Viện Đại Học Đà Lạt: Thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1957

+ Viện Đại Học Vạn Hạnh: Thành lập ngày 17 tháng 10 năm 1964 tại số 222 đường Trương Minh Giảng (Nay là đường Lê Văn Sỹ) tại Sài Gòn

+ Viện Đại Học Phương Nam: Cấp giấy phép năm 1967 tại 16 đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2), quận 10, Sài Gòn

+ Viện Đại Học An Giang: Thành lập năm 1970

+ Viện Đại Học Cao Đài: Thành lập năm 1971 tại Tây Ninh

+ Viện Đại Học Minh Đức: Cấp phép năm 1972 tại Sài Gòn

– Học viện và viện nghiên cứu

+ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh: Được thành lập từ thời Quốc gia Việt Nam

+ Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp

Ngoài ra còn có các trường chuyên môn như Viện Pasteur Sài Gòn, Viện Pasteur Đà Lạt, Viện Khảo Cổ…

– Trường Đại Học Cộng đồng

+ Trường Đại Học Cộng đồng Tiền Giang ở Mỹ Tho

+ Trường Đại Học Cộng đồng Duyên Hải ở Nha Trang

+ Trường Đại Học Cộng đồng Quảng Đà ở Đà Nẵng

Và một số trường Đại Học Cộng đồng khác

– Trường Kỹ Thuật và huấn nghệ:

+ Trường Quốc gia Nông Lâm mục

+ Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ

+ Học viện Cảnh sát Quốc gia

– Các trường nghệ thuật

+ Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch Nghệ

+ Trường Quốc gia Âm nhạc Huế

+ Trường Quốc Gia Trang Trí Mỹ Thuật

+ Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn

Đặc biệt, một số sinh viên học Đại học được cấp giấy phép du học nước ngoài. Sinh viên nước ta chủ yếu du học tại 2 Quốc gia là Pháp và Hoa Kỳ.

Ngoài Trường đào tạo học sinh cũng có trường đào tạo giáo chức. Một số trường tiêu biểu được nhắc đến là trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm Huế và Trường Đại học Sư phạm Đà Lạt.

Khoảng năm 1974, những ai đã đậu Trung học Đệ Nhất sẽ được theo học chương trình sư phạm cấp tốc, chuyên đào tạo giáo viên Tiểu học. Để có thể dạy Trung học, sinh viên phải theo học trường Đại học Sư phạm từ 2 đến 4 năm. Nhà trường sẽ tạo điều kiện cấp học bổng cho sinh viên ký hợp đồng sau khi ra trường sẽ làm việc 10 năm cho các trường công lập hoặc làm việc cho nhà nước. Các giáo sư giảng dạy tại các trường Đại học đều có xuất thân danh giá từ Viện Đại học Đông Dương tại Hà Nội trước năm 1954 hoặc được đào tạo ở nước ngoài.

Nếu xem lại kết quả học tập ngày xưa của học sinh – sinh viên, chúng ta sẽ ngạc nhiên là tại sao điểm lại thấp đến vậy. Điểm nằm ở mức cao cũng chỉ khoảng 7 – 8 điểm. Ngay cả Giáo sư Dương Thiệu Tống của trường Trung học kiểu mẫu Thủ Đức cũng đánh giá điều này có phải vì thời đấy các giáo viên không bị áp lực bởi thi đua đạt thành tích nên có cách cho điểm trung thực hay không? Hay phải chăng học sinh thời nay giỏi hơn? Hay do giáo viên thời đó quá khắt khe với học sinh? Liệu những điều này có lời giải đáp hay không?

Nhờ vào giáo dục, dân ta cũng có thêm nhiều kiến thức của trong và ngoài nước. Họ tiếp thu kiến thức nước ngoài qua những bài dịch thuật từ nguồn đáng tin cậy, có cơ hội đào sâu và học hỏi thêm nhiều điều giúp ích cho đất nước.

Tóm lại, dù cho chiến tranh vẫn chưa thực sự chấm dứt nhưng nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa vẫn là một nền giáo dục đúng đắn. Giáo dục đại học là tự trị nên nhà giáo có thể tự do giảng dạy những kiến thức cho học sinh – sinh viên để tầng lớp trí thức ấy có thể đứng lên chống lại những cái xấu, chống lại chính quyền đang dần sụp đổ.

Viết một bình luận