Giai thoại về những địa danh của Sài Gòn được cho là dùng để trấn yểm long mạch

Tua ngược đoạn băng kí ức, tôi sẽ kể cho mọi người nghe về những địa danh xưa và giai thoại “trấn yểm long mạch” tại Sài Gòn. Ai mà tới Sài Gòn ít nhiều cũng nghe qua những địa điểm nổi tiếng như Hồ Con Rùa, Dinh Độc Lập, Thuận Kiều plaza,… Bây giờ những nơi đó sầm uất lắm, nhưng chắc ít người biết đằng sau những địa danh đó là cả một thiên truyện dài, chắc là mọi người nghe xong cũng không tránh khỏi sởn gai óc.

Hồ con rùa

Các bạn mỗi lần đi ngang qua đoạn đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và Võ Văn Tần, bạn có để ý thấy một cái hồ nước lớn được xây thành hình bát quái, ở giữa có một trụ bê tông cao cắm thẳng xuống hồ nước. Đó chính là hồ Con Rùa – Một trong những địa danh trấn yểm long mạch Sài Gòn xưa. Hồ có tên chính thức là công trường quốc tế, là nút giao giữa 3 con đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và Võ Văn Tần. Từ ngày xưa tôi đã nghe kể hồ Con Rùa là cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái và được xây dựng chiếu theo lệnh của vua Gia Long. Sau cuộc nổi loạn vào năm 1833 – 1835 của Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng ra lệnh phá thành Bát Quái để xây dựng thành nhỏ hơn với tên gọi thành Phụng (thành Gia Định).

Hồ Con Rùa một trong những trấn yểm mạch Sài Gòn xưa

Đến năm 1859, thực dân Pháp sau khi chiếm được Sài Gòn đã phá hủy thành Gia Định. Vào năm 1878, tháp nước được xây lên ở vị trí hồ Con Rùa hiện tại để cung cấp nước cho người dân. Đến năm 1921, tháp nước này đã bị phá vỡ, còn con đường mở ra để nối đến đường Mayer, ngày xưa đường Mayer chính là đường Võ Thị Sáu ngày nay.

Thực dân Pháp cũng cho xây tượng đài có 3 binh sĩ làm bằng đồng với hồ nước nhỏ để đánh dấu cuộc chiến thắng làm chủ Đông Dương. Về sau vào năm 1956, chính quyền Việt Nam phá bỏ tượng đài, chỉ chừa lại hồ nước. Công trường cũng được đổi tên thành Công trường chiến sĩ. Đến khi người Pháp rút ra khỏi Việt Nam, Công trường Chiến sĩ trở thành vòng xuyến giao giữa các đường Duy Tân (đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay), Trần Quý Cáp (nay gọi là đường Võ Văn Tần – Trần Cao Vân). Rồi vào năm 1970 đến 1974, chính quyền Việt Nam trùng tu lại Hồ Con Rùa, dựng thêm rồi điều chỉnh 5 cột bê tông để nó xòe ra như bông hoa.

Nhưng lại có giai thoại khác kể rằng hồ Con Rùa được thiết kế có thêm hồ phun nước hình bát giác đều và con rùa đội bia. Cái trụ đứng giữa hồ là biểu tượng của bát quái đồ, Kim Quy với chiếc đinh lớn cắm xuống dưới để yểm đuôi rồng. Có một câu chuyện khác tôi cũng được nghe từ hồi bé, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lúc bấy giờ là người khá cuồng tín, sau khi nhậm chức tổng thống và dọn về dinh Độc Lập, ông luôn lo lắng về cương vị của mình. Vì vậy vào năm 1967, khi nghe tin có thầy địa lý ở Hồng Kông rất giỏi về phong thủy, ông liền mời vị ấy về Việt Nam để xem thế đất tại Dinh Độc Lập có hưng thịnh hay không.

Sau khi nghiên cứu vị trí đất đai, thầy địa lý khen dinh Độc Lập xây ở vùng đất Long Mạch rất tốt. Đầu rồng tương ứng với vị trí của dinh. Vì vậy Dinh Độc Lập còn được gọi là Phủ Đầu Rồng. Thế nhưng đất có thịnh hay không là do đuôi của con rồng nằm cách đó 1km (vị trí đó là Công trường chiến sĩ trận vong). Đuôi rồng vùng vẫy sẽ khiến sự nghiệp không bền, đặng phải tìm cách trấn áp nó. Nghe thấy thế, vợ chồng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu liền cho xây hồ theo hình bát giác, giống với bát quái đồ âm dương để trấn yểm đuôi rồng như thầy địa lý nói. Hồ được xây theo 4 đường đi bộ xoắn ốc hướng để trung tâm hồ là đài tưởng niệm và có hình tượng con rùa đội bia đá làm bằng hợp kim.

Hình ảnh con rùa đội bia đá

Ở giữa hồ có cột cao lên trên có hình bông hoa xòe, xem như là chiếc đinh lớn ghim xuống giữa hồ để yểm đuôi rồng lại. Đến năm 1972, Công trường chiến sĩ trận vong đổi tên thành Công trường quốc tế. Năm 1978, trong một vụ nổ đặt bom của một nhóm người chống đối chính quyền Việt Nam, tấm bia và con rùa bị phá hủy. Quả thật có chút tiếc nuối cho một chứng nhân lịch sử. Mặc dù chuyện đã xảy ra lâu nhưng người ta vẫn gọi bằng tên quen thuộc là hồ Con Rùa.

Ở giữa hồ có một cột cao nhìn như bông hoa xòe được xem là chiếc đinh lớn ghim đuôi rồng

Lại có một giai thoại khác nữa về hồ Con Rùa, người ta nói hồ gắn liền với nguồn gốc xây dựng Dinh Độc Lập. Dinh này do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, núi giả trong Thảo Cầm Viên làm bình phong, sông Thị Nghè làm lưu thủy. Sau khi người Pháp biết chuyện này đã xây dựng nhà thờ Đức Bà nằm phía bên phải của dinh để phá chữ Vương (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Pasteur và đường Phạm Ngọc Thạch bây giờ), thêm dấu chấm để thành chữ Chủ, xây thêm hồ Con Rùa để phun nước lên phá thủy. Còn một điều nữa chỉ có thầy phong thủy và những người biết về phong ấn mới hiểu rõ tường tận cách xây dựng của Sài Gòn xưa. Tỉ như bảo tàng chứng tích chiến tranh ở đoạn đường Lê Quý Đôn với Võ Văn Tần bây giờ, thì ngày xưa chỗ đó là chùa Khải Tường. Tương truyền chùa là nơi chúa Nguyễn Phúc Ánh trên đường trốn khỏi sự truy bắt của Tây Sơn đã ghé đến tá túc ở chùa này. Còn hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng) được sinh ra ở đây. Khi hoàng tử Đảm được sinh ra đời, có một thiên tượng lạ là chùa Khải Tường tỏa ánh hào quang đến 3 ngày 3 đêm. Nếu nhìn từ trên xuống, chùa Khải Tường sẽ thẳng trục với Dinh Độc Lập, chùa cũng vuông góc với hồ Con Rùa. Vậy nên việc trấn yểm này liên quan đến nhiều điều mà chưa ai hiểu hết được, tôi cũng chỉ được nghe kể lại như vậy thôi.

Dinh Độc Lập.

Còn nói đến dinh Độc Lập, tôi cũng đã kể ở trên, dinh này nằm ở vị trí đầu của con rồng nên địa danh này còn được gọi là Phủ Đầu Rồng. Thuở xưa có người kháo với nhau rằng dinh này nằm trên thế đất quá hung hãn nên những ai làm chính trị mà ở đây thì vận khí sẽ giảm, công việc cũng không tốt, cuối cùng cũng sẽ không ai tồn tại được lâu. Cũng vì lẽ này mà  tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mới vội vàng mời thầy địa lý về xem và xây dựng hồ Con Rùa để trấn yểm.

Từ thời Pháp thuộc, dinh Độc Lập bắt đầu được xây dựng với tên ban đầu là Palais Norodom. Dinh có tên đó là vì nằm trên con đường Boulevard Norodom (lúc đó là đại lộ Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn), có người bảo như vậy. Sau này dinh được đổi tên thành dinh Độc Lập khi Pháp trao nền độc lập giả hiệu cho vua Bảo Đại.

Hình ảnh dinh Norodom xưa

Có những dẫn chứng cụ thể cho chuyện đồn đại những người sống tại dinh sẽ không thể giữ tính mạng hay chức quyền được lâu. Chẳng hạn là tướng Paul Ely khi làm cao ủy Pháp cũng cư ngụ tại dinh Norodom thì quân Pháp cũng bị thua tan tác ở trận Điện Biên Phủ đến nỗi phải quay về nước. Sau này ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống cũng được dăm ba năm rồi cũng bị đảo chánh đến mất mạng.

Ở trong dinh, ông Ngô Đình Diệm đã từng một lần xém bị chết ở trong đó. Chuyện là ngày hôm đó (27/2/1962), 2 phi công của phe đảo chính là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc của đội không quân Việt Nam Cộng hòa vừa bắn hỏa tiễn vừa ném quả bom vào dinh làm sập cửa trái. May mắn là không có thiệt hại gì nhiều nhưng ông Diệm quyết định phá dinh Norodom và xây lại nó. Ông thuê kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, ông Thụ là người tốt nghiệp trường kiến trúc có tiếng ở Paris, ông Thụ giỏi lắm, ổng là người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã, giải này nghe nói là học bổng dành cho những ai xuất sắc trong ngành nghệ thuật. Dinh được xây lại chưa lâu thì anh em ông Ngô Đình Diệm chết vào ngày 2/11/1963 do phe đảo chính hại. Đến khi ông Nguyễn Văn Thiệu thâu tóm được chính quyền thì mọi thứ mới dần ổn định. Đến năm 1966, dinh được khánh thành và ông Thiệu chuyển vào trong dinh ở. Ông Nguyễn Văn Thiệu là người sống được ở trong dinh khá lâu (từ tháng 10/1967 đến tháng 4/1975).

Khi thiết kế, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ rất coi trọng công trình xây dựng này. Vì vậy mọi sắp xếp từ nội thất cho đến tiền diện, tất tần tật được ông chăm chút và chọn lọc kĩ lưỡng, ông kết hợp hài hòa giữa với nghệ thuật kiến trúc hiện đại. Ông cố tình thiết kế dinh với nhiều tầng lầu ngang, dài giống nhau để giống chữ “Vương” trong hán tự. Nhưng ông cố tình cho thêm một tầng thượng nhỏ ở giữa tầng cuối một dấu phẩy trên đầu chữ “Vương” là thành chữ “Chủ”. Vị kiến trúc sư này thật sự có tầm nhìn sâu xa với nhiều ẩn ý, ý của ông ấy là những ai sống trong dinh thì chỉ mới là chủ, phải đối đãi với đất nước thật xứng đáng thì mới có thể trở thành vua.

Từ dinh Norodom trở thành dinh Độc Lập

Khám Chí Hoà

Khám Chí Hòa hay còn gọi là nhà giam Chí Hòa rộng khoảng 7ha, địa danh này được Pháp xây từ năm 1943, kiến trúc của nó khá đặc biệt nên người ta gọi đây là nơi trấn yểm Sài Gòn.
Trại giam này được thiết kế  và  xây dựng bởi một kiến trúc sư người Nhật. Nhìn tổng quát thì nhà giam có 3 tầng và được thiết kế 8 góc cạnh đều nhau nhìn như hình bát quái. 8 góc này tượng trưng cho 8 quẻ lần lượt là càn, khôn, chấn, tốn cẩn, khảm, đoài, ly. Lối kiến trúc này khá độc đáo vì nó vừa thể hiện được đặc trưng cơ bản của phong cách thiết kế Pháp, vừa thể hiện được âm dương ngũ hành của phương Đông ta. Toàn bộ nhà giam chỉ có duy nhất 1 cửa vào, người đời gọi đó là cửa Tử, từng góc của nhà giam được xây bịt kín ở phía ngoài, bên trong thì toàn song sắt. Đi qua cửa của nhà giam là hệ thống đường hầm, các lối di chuyển thì được xây theo tử vi đẩu số của phong thủy.

Khám Chí Hòa với lối kiến trúc hình bát quái
Bên trong trại giam Chí Hòa

Nơi đây đúng là nhà giam có kiến trúc vừa lạ lại vừa khiến người ta sởn gai ốc. Khi đi vào, chúng ta sẽ như bị mất phương hướng vì chỗ nào cũng như chỗ nào, khó có thể tìm thấy lối ra. Bên trong có 8 khu hình tam giác chụm vào nhau tới đài phun nước ở giữa. Nếu nhìn từ trên cao, đài phun nước sẽ giống như một thanh gươm ghim thẳng xuống đất. Nếu thanh gươm này bị nhổ lên thì bát quái đồ sẽ bị phá vỡ, không còn giữ được sức để bảo vệ. Trong suốt quá trình lịch sử giam giữ của khám Chí Hòa, chỉ duy nhất có 2 vụ vượt ngục thành công.

Thuận Kiều Plaza

Thuận Kiều plaza là công trình cao với 3 tòa nhà bằng nhau, nằm trên trục đường chính Hồng Bàng Quận 5. Mọi người thường gọi 3 tòa nhà này là “tòa nhà 3 cây nhang”. Một số thầy tướng số gọi đây là tòa nhà nằm ở long mạch của Sài Gòn,  còn khẳng định rằng sau khi xây dựng xong sẽ đạt đến sự thịnh vượng, phát tài.

Hình ảnh Thuận Kiều Plaza xưa
Thuận Kiều plaza nay

Vậy mà giờ đây không hề thấy được sự thịnh vượng của nó mà chỉ thấy tòa nhà đang bị bỏ hoang bởi một số câu chuyện rùng rợn.

Xa lộ Hà Nội

Đây được người đời gọi là đất long mạch. Lúc trước đường xa lộ Hà Nội có tên là xa lộ Biên Hòa với chiều dài là 32km, chiều rộng là 21km. Đoạn đường kéo dài từ Hàng Sanh tới ngã ba Bến Đỗ (ngã ba chợ Sặt, Biên Hòa nằm ở đoạn ngã ba này). Hồi đầu, người ta dự định sử dụng xa lộ này làm đường băng dã chiến cho máy quân sự. Đến năm 1971, người ta chia đường ra thành 2 chiều. Nếu chúng ta nhìn từ trên cao xuống sẽ thấy đường này như con rồng uốn lượn qua cả sông Đồng Nai và sông Đồng Nai.

Hình ảnh xa lộ Hà Nội xưa

5 địa danh này ai ở Sài Gòn chắc cũng chẳng xa lạ gì nữa. Phải nói mỗi địa danh đều có những ý nghĩa lịch sử riêng biệt với những câu chuyện truyền cho cả thế hệ con cháu sau này. Những người Sài Gòn như tôi lắm lúc cũng ngồi nghĩ lại rồi cũng tự mình khâm phục Sài Gòn, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử đan xen nhiều câu chuyện li kì. Đi qua bao nhiêu năm, tôi vẫn trân quý từng ngõ ngách của thành phố này.

Viết một bình luận