Giải mã ý nghĩa một số địa danh tại Sài Gòn: Gò Vấp, Hàng Xanh, ĐaKao

Sài Gòn khi xưa lúc sơ khai còn là một vùng đất rừng rậm và hoang sơ, để rồi về sau với mệnh danh “Hòn ngọc viễn đông”. Sài Gòn sau hơn 300 năm, mang trong mình những kỷ niệm xa xưa và nhiều điều kỳ thú về tên gọi của một địa danh nơi đây. Mời các bạn đọc cùng Gocxua khám phá những điều thú vị ấy ngay sau đây.

Quang cảnh Sài Gòn năm 1930

Sài Gòn

Về tên gọi Sài Gòn có nhiều giả thuyết được đưa ra.

Theo cách lý giải thứ nhất: Địa danh Sài Gòn có trên 300 năm và từng được dùng để chỉ một khu vực với diện tích khoảng 1 km² (Chợ Lớn) có đông người Hoa sinh sống trong thế kỷ 18. Địa bàn đó gần tương ứng với khu Chợ Lớn ngày nay. Năm 1747, theo danh mục các họ đạo trong Launay, Histoire de la Mission Cochinchine, có ghi chép “Rai Gon Thong” (Sài Gòn Thượng) và “Rai Gon Hạ” (Sài Gòn Hạ). Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674, Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ “Lũy Sài Gòn” (theo Hán Nho viết là “Sài Côn”). Đây là lần đầu tiên chữ “Sài Gòn” xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán “Côn” được dùng thế cho “Gòn”. Nếu đọc theo chữ Nôm là “Gòn”, còn đọc theo chữ Hán thì là “Côn”. Theo phiên âm Hán-Việt thì Sài Gòn còn được gọi là Tây Cống. Sau đó, danh xưng Sài Gòn được dùng để chỉ các khu vực nằm trong “lũy Lão Cầm” (năm 1700), “lũy Hoa Phong” (năm 1731) và “lũy Bán Bích” (năm 1772), chỉ với diện tích 5 km². Ngoài ra theo một số nhà nghiên cứu thì Thụ Nại cũng từng là tên gọi của vùng đất Sài Gòn xưa trước khi Nguyễn Hữu Cảnh đến khai phá.

Khi Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, Thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam. Địa giới Sài Gòn lúc này bao gồm vùng đất Sài Gòn và Bến Nghé cũ. Sài Gòn cũng là thủ đô của Liên bang Đông Dương giai đoạn 1887–1901 (về sau, Pháp chuyển thủ đô Liên bang Đông Dương ra Hà Nội). Năm 1931 Khu Sài Gòn – Chợ Lớn được thành lập, bao gồm Thành phố Sài Gòn và Thành phố Chợ Lớn. Năm 1941 Chợ Lớn được sáp nhập vào Sài Gòn. Kể từ đó, Sài Gòn được xem là thủ đô và trở thành một trong những đô thị quan trọng nhất của miền Nam Việt Nam sau khi bị chia cắt vào năm 1954.

Bến Bỉ Quốc – Đầu đường Catinat (nay là Bến Bạch Đằng và đầu đường Đồng Khởi). Ảnh chụp năm 1921

Sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ trong sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản chính quyền và quyết định hợp nhất Đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định thành Thành phố Sài Gòn – Gia Định. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Việt Nam tái thống nhất và Quốc hội nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên “Sài Gòn – Gia Định” thành “Hồ Chí Minh”, theo tên Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách lý giải thứ hai là do nhiều người cho rằng, tên gọi Sài Gòn là được phiên âm từ “Prai Nokor” trong tiếng Khmer, nghĩa là “thị trấn ở trong rừng”. Sau này, dần dà đọc chệch từ “Prai” thành “Rai” rồi thành “Sài”, từ “Nokor” đọc lướt thành “Kor” và thành “Gòn” nên mới có Sài Gòn như hiện nay. Cũng theo thuyết thì ở Sài Gòn xưa, cư dân bản địa chủ yếu sống quanh vùng Chợ Lớn hiện nay. Thời đó, có một rừng gòn bao bọc khu vực người dân Khmer sinh sống, vì vậy, người ta gọi đất này là Prai Nokor – nghĩa là thị trấn trong rừng.

Chợ Bến Thành năm 1930

Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Huỳnh Tịnh Của cũng bảo: “Sài tức là củi thổi, gòn là loại cây bông xốp nhẹ, nhẹ hơn bông thường, trong Nam thường dùng để dồn gối, dồn nệm…”. Cùng quan điểm, học giả Trương Vĩnh Ký đã quyết là xưa người Khmer có trồng nhiều cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính cụ cũng đã thấy loại cây đó. Vậy nên Sài Gòn đơn giản mang nghĩa “rừng gòn”.

Sài Gòn năm 1937

Hay còn nhiều cách lý giải khác về Sài Gòn như: “Cống phẩm ở phía Tây”, “vùng đất làm nên ăn ra”… Âu, lý giải nào cũng có… lý! Chỉ là ta thấy rằng, người dân bản địa đã thật tài tình khi đặt tên cho vùng đất này bằng sự thân thuộc trong đời sống tinh thần vật chất. Để rồi, qua 300 năm, Sài Gòn đơn thuần chỉ là tên cây, tên cỏ nhưng lại gắn liền mãi với người dân nơi đây.

Gò Vấp

Hiện nay, Gò Vấp là một địa danh hành chính quen thuộc ở Sài Gòn, một quận tập trung đông cư dân sinh sống. Gò Vấp còn được gọi Gò Vắp và theo một số nhà nghiên cứu thì đây mới là tên gốc, tên hiện nay (Gò Vấp) là do đọc trại ra. Có thuyết cho rằng, cái tên Gò Vấp ra đời bởi trước đây nơi này là một gò đất cao có trồng nhiều cây vắp (loại cây có nguồn gốc từ châu Á, cây thân gỗ lớn, thuôn thẳng, cao từ 15-20m, vỏ màu nâu đen, tán lá rậm). Loại cây này đã mọc nhiều thành rừng đã che chở cho đời sống của cộng đồng người Chăm, vì vậy, trong dấu tích tiếng Chăm vẫn gọi cây vắp là Krai.

Gia Định – Gò Vấp thập niên 1920

Sau này, người dân do đọc chệch âm và viết sai chính tả thành Gò Vấp như hiện nay. Còn về cây vắp, bấy giờ đã không còn trên địa bàn Sài Gòn, nhưng nhiều cư dân bản địa cho rằng: Ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn vẫn còn 2 cây vấp có tuổi thọ trên trăm năm.

Bên cạnh cách giải thích về loài cây vắp, dân tiểu thương tại chợ Gò Vấp lại kể: “khu vực đất thuộc quận Gò Vấp cao hơn so với các vùng khác. Đây được gọi là gò đất. Ngày trước đây ở đây cao, dân buôn bán nhà nghèo tụ họp thường bị rượt đuổi hoài, bỏ chạy thì vấp gò mà té nên gọi là Gò Vấp”.

Hàng Xanh

Tháp đồng hồ vòng xoay Hàng Xanh

Hàng Xanh là nút giao thông lớn ở cửa ngõ phía Đông của TP. HCM, Hàng Xanh quen thuộc với mọi người Sài Gòn. Hàng Xanh là tên một giao lộ lớn ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh giữa đường Điện Biên Phủ và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (nối với Quốc lộ 13). Thế nhưng, bạn có biết rằng, địa danh này hình thành là bởi sự đọc chệch, viết sai chính tả của người miền Nam? Có ý kiến cho rằng phải viết Hàng Sanh bởi vì trước đây, vùng này trồng rất nhiều cây sanh (một cây thuộc họ Dâu tằm), tiếng địa phương phát âm chệch thành Hàng Xanh.

 Đa Kao

Đakao – tên gọi mà biết bao người Sài Gòn đã quen mặt, một cái tên gây ấn tượng mạnh mẽ khi vừa nghe thì giống tên Việt Nam nhưng khi viết thì lại mang đậm dáng dấp phương Tây. Lịch sử đằng sau cái tên “nửa người nửa ta” này có gì đặc biệt?

Cầu sắt Đakao bắt qua rạch Bến Nghé

Thời xưa, có giai đoạn hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập lại thành “Địa phương Sài Gòn – Chợ Lớn” (Région de Saigon – Cholon) với tổ chức bên dưới là các hộ (quartier), tương đương cấp tổng ở các tỉnh. Người đứng đầu một hộ gọi là Hộ trưởng (Chef de quartier). Tên gốc của vùng đất Đakao ngày nay là Đất Hộ (đất của hộ hoặc đất do hộ quản lí). Trong sách báo và các văn bản thời trước, người Pháp đã phiên âm địa danh Đất Hộ thành Đakao. Trước năm 1975, địa bàn phường Đa Kao hiện nay tương ứng với phường Tự Đức thuộc quận 1, thành phố Sài Gòn. Tên phường được đặt theo tên con đường Tự Đức trên địa bàn phường lúc bấy giờ (nay là đường Nguyễn Văn Thủ).

Dakao năm 1902

Cầu Chà Và

Cầu Chà Và là một cây cầu bắc qua kênh Tàu Hủ, nối Quận 5 và Quận 8 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cầu có bề dài lịch sử hơn 100 năm, làm thông thương vùng Chợ Lớn giữa quận 8 và quận 5. Cầu Chà Và có chiều rộng khoảng 30m, chiều dài 190m, có thêm 2 nhánh phụ lên xuống đại lộ Đông Tây, đảm bảo các phương tiện đi trên cầu không giao cắt nhau nhằm hạn chế tối đa kẹt xe.

Cầu Chà Và năm 1955

Thật ra, Chà Và là cách người Việt phát âm chữ Java – tên một hòn đảo ở Indonesia. Chà Và dùng để chỉ người đến từ đảo Java, về sau dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm như Chà Bom Bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma Ní (Manila, Philippines). Thế mới rõ vì sao khu vực cầu Chà Và từng là phố chợ của người gốc Ấn Độ chuyên bán vải lại được gọi thành Chà Và. Ngoài ra, ở đầu cầu Chà Và phía quận 8 lúc đó có rạp hát Phi Long thường xuyên chiếu phim Ấn Độ phục vụ cư dân quanh vùng.

default

Bến Nghé

Bến Nghé là một địa danh tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa. Địa danh Bến Nghé xuất hiện khá sớm, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con sông, cuối cùng dùng để chỉ một địa phương (vùng trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay).

Rạch Bến Nghé năm 1968

Trong các sách chữ Nho, Bến Nghé được dịch là Ngưu Tân hay Ngưu Chữ; sông Bến Nghé là Ngưu Giang (Ngưu: trâu; Tân hay Chữ: bến; Giang: sông). Và có một thời, mỗi khi người ta nói “Đồng Nai – Bến Nghé” tức là nói đến cả vùng đất Nam Bộ

Để giải thích cái tên Bến Nghé, hiện có hai thuyết:

Thứ nhất, theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn “Phương Đình dư địa chí” (1900) thì tương truyền, sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế (nghé tức trâu con). Sách “Đại Nam nhất thống chí“, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.

Còn theo học giả Trương Vĩnh Ký, Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer – Kompong có nghĩa là bến, Kon Krabei có nghĩa là con trâu. Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà “người ta thường cho trâu, bò ra tắm” vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng “bến + tên thú” như: rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé).

Thị Nghè

Điểm qua tên của một số địa danh, kênh rạch, phường ở khu vực quận 1, người ta sẽ dễ dàng nghe đi nghe lại cái tên Thị Nghè, có khi xuất hiện dưới tên của một con rạch, cây cầu, lại có khi xuất hiện như một ngôi chợ, một nhà thờ. Ngoài ra, phần địa giới gồm một phần các phường 17, 19, 21 thuộc quận Bình Thạnh cũng được gọi là Thị Nghè.

Rạch Thị Nghè năm 1964

Theo quyển “Gia Định thành thông chí”, mục “Trấn Phiên An“, Trịnh Hoài Đức viết: (bà) “có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại, nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè”.  Cho đến ngày nay, cái tên Thị Nghè vẫn còn được giữ lại như một cách hậu thế ghi nhớ công đức của bà Nguyễn Thị Khánh.

Chợ Thị Nghè, phía bên kia rạch Thị Nghè là Sở Thú. Ảnh nhìn từ trên đầu cầu Thị Nghè năm 1967

Kênh tàu hủ

Kênh Tàu Hủ – Lò Gốm là một con kênh dài 9 km, nối từ ngã tư nơi giao với rạch Bến Nghé, kênh Tẻ, kênh Đôi đến ngã ba nơi giao với kênh Đôi và sông Bến Lức (Chợ Đệm). Với tổng chiều dài 22km, vắt ngang giữa TP.HCM và trải dài trên địa bàn 8 quận huyện. Tên gọi ấy khiến không ít người thắc mắc về nguồn gốc cái tên “nghe thôi đã thèm” trong khi quanh khu vực này không hề có truyền thống làm tàu hủ?

Kênh Tàu Hủ ngày ấy

Theo học giả Trương Vĩnh Ký (viết năm 1885) và Huỳnh Tịnh Của (viết cuối thế kỷ 19), thì đoạn phố đi ngang qua rạch Chợ Lớn được gọi là Tàu Khậu, đó là cách người Triều Châu phát âm từ “thổ khố” (khu nhà gạch), sau trại âm thành Tàu Hủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhìn kênh nước đen và những “món phụ gia” trôi nổi trên ấy, rất hôi thối, mà người dân liên tưởng đến tương chao, tàu hủ cho có phần… thi vị, nên gọi như vậy.

Thủ Thiêm

Đa số tên gọi cho các con đường, cây cầu, phường, chợ… ở Sài Gòn đều lấy tên những người có công với đất nước, thành phố hoặc đơn giản là chỉ với người dân của khu vực đó. Nhưng có vẻ như Thủ Thiêm không phải là một cái tên được đặt theo công thức trên.

Trước đây, “thủ” là danh từ chỉ đồn canh gác dọc theo các đường sông. Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa được cho là tên những viên chức được cử đến cai quản các thủ này và đã giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người dân gắn liền với nơi làm việc. Vì khá phổ biến thời trước nên “thủ” đã đi vào một số địa danh hiện nay như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Sài Gòn), Thủ Thừa (Long An) hay Thủ Dầu Một (Bình Dương). Còn Thủ Dầu Một thì ở thủ đó ngày xưa có một cây dầu mọc lẻ loi.

Lăng Ông Bà Chiểu

Tọa lạc tại số 1, đường Vũ Tùng thuộc phường 1, quận Bình Thạnh, Lăng Ông Bà Chiểu nằm tĩnh lặng và trầm mặc ngắm nhìn thành phố trẻ ngày một náo nhiệt, hiện đại hơn. Và nếu có ai đột ngột hỏi bạn rằng Lăng Ông Bà Chiểu thờ ai, vì sao lại có tên gọi như vậy, bạn có trả lời được không?

Lăng Ông Bà Chiểu

Lăng Ông Bà Chiểu(gọi tắt là Lăng Ông, còn có tên gọi khác ít phổ biến hơn là Thượng Công Miếu) là khu lăng mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Chính vì tên gọi đặc biệt mà nhiều người thường hiểu lầm rằng lăng này được lập ra để thờ Ông và thờ Bà tên Chiểu. Thật ra, đây là lăng thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt và do tục lệ kiêng cử tên, cho nên thường gọi là Lăng Ông. Lăng lại nằm kế bên khu chợ Bà Chiểu. Theo nhà văn Sơn Nam, tên Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Ðức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên, Bà Chiểu là nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên. Ở Thủ Đức cũng có vùng đất tên là Linh Chiểu.

Viết một bình luận