Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoài An (1929 -2012) – Người viết nên những ca khúc bất hủ như: Câu chuyện đầu năm, Tấm ảnh không hồn,…

Hoài An là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc vàng trước năm 1975, ông là nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của nhạc vàng. Nhắc đến nhạc sĩ Hoài An, công chúng thường nhớ đến những bài nhạc xuân bất hủ như: Câu Chuyện Đầu Năm, Tâm Sự Ngày Xuân, Ngày Xuân Thăm Nhau hay những ca khúc tình tự quê hương Trăng Về Thôn Dã, Tình Lúa Duyên Trăng, Tình Mùa Hoa Nở… đặc biệt là những tình khúc vô cùng nổi tiếng như: Trước Giờ Tạm Biệt, Tấm Ảnh Không Hồn… do ông sáng tác.

Hoài An tên thật là Nguyễn Đắc Tịnh, sinh năm 1929 tại Hải Phòng. Trong sáng tác ngoài sử dụng bút danh Hoài An, ông còn sử dụng bút danh Trang Dũng Phương để ký tên trong một số bài nhạc như: Trước Khi Trả Lời, Chúng Mình Vẫn Còn (viết chung với Lê Hoài), Thiên Duyên Tiền Định (viết chung với Nguyên Lễ – tức nhạc sĩ Hoài Linh)… Đặc biệt có một số ca khúc được ông ghi tên sáng tác dưới cả hai nghệ danh là Hoài An – Trang Dũng Phương như: Ngày Xuân Thăm Nhau, Ngày Về Thăm Quê Anh, Không Bao Giờ Nhạt Phai…

Nhạc sĩ Hoài An

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn từng nhận xét về nhạc của nhạc sĩ Hoài An như sau: “Nhạc Hoài An mộc mạc nhưng trữ tình, giản dị, dễ thuộc, gần như ai cũng có thể nhớ và hát được, dù người ta có không phải là ca sĩ chăng nữa. Có thể coi nhạc Hoài An một nửa là dân ca, một nửa là tình ca”.

Về dân ca, nhạc sĩ Hoài An là một trong những nhạc sĩ tiên phong sáng tác thể loại nhạc đồng quê. Vào giữa thập niên 1950, Hoài An cùng với các nhạc sĩ khác như: Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy cùng nhau hăng say sáng tác những bài ca yêu đời, ca ngợi quê hương, đất nước nơi có đồng lúa, trăng thanh, gió mát mô tả cuộc sống yên ả, thanh bình trên mảnh đất miền Nam hiền hòa hiếu khách. Một số nhạc phẩm tiêu biểu về thể loại dân ca do Hoài An sáng tác là Trăng Về Thôn Dã, Tình Lúa Duyên Trăng, Dựng Một Mùa Hoa, Hương Nhạc Đồng Quê… mang nhịp điệu Nam Mỹ như mambo, rumba.

Nhạc sĩ Hoài An

Về tình ca, nhạc sĩ Hoài An có những ca khúc đã trở thành bất hủ là Trước Giờ Tạm Biệt hay Tấm Ảnh Không Hồn.

Đặc biệt hơn nửa thế kỷ qua, cứ mỗi độ tết đến xuân về thì những bài hát nhạc xuân do nhạc sĩ Hoài An sáng tác lại được vang lên khắp mọi góc phố, nẻo đường như dấu hiệu báo một mùa xuân mới bắt đầu: Câu Chuyện Đầu Năm, Tâm Sự Ngày Xuân, Ngày Xuân Thăm Nhau, Thiên Duyên Tiền Định (viết chung với nhạc sĩ Hoài Linh).

Nhạc sĩ Hoài An sống khá kín tiếng nên có rất ít thông tin về ông. Chỉ biết rằng ông từng có một khoảng thời gian tham gia trong ban hợp ca Lửa Hồng được thành lập từ trước năm 1954 ở Hải Phòng. Ban nhạc này hát trên đài phát thanh và trong ban “Lửa Hồng” có 1 danh ca thế hệ đầu của tân nhạc là ca sĩ Ánh Tuyết (đã qua đời năm 2017).

Hoài An cũng từng tham gia trong ban nhạc “Sông Ngự” với nhiều nhạc sĩ có tiếng khác là Phó Quốc Lân, Huyền Linh. Cũng trong thời gian này ông cùng Phó Quốc Lân sáng tác ca khúc Dựng Một Mùa Hoa, cùng Huyền Linh sáng tác Hương Nhạc Tình Quê, đó đều là những bài hát ca ngợi cuộc sống mới trên vùng đất mới mà họ vừa di cư vào từ giữa những năm thập niên 1950.

Nhạc sĩ Hoài An và vợ

Hoài An là một người nghệ sĩ rất chung tình, ông kết hôn cùng vợ sau 6 năm quen biết và hẹn hò. Họ sống với nhau hơn 60 cuộc đời và có với nhau 11 người con, trong đó 8 cô con gái đều được mang họ đệm là “Mai” như Mai Thảo, Mai Dung, Mai Loan, Mai Trâm, Mai Ly…. Tiết lộ về chuyện tình hơn 60 năm cùng chồng, vợ nhạc sĩ Hoài An chia sẻ: “Chúng tôi quen nhau khi cả hai còn nhỏ. Tôi 15, 16 tuổi, còn anh ấy hơn tôi hai tuổi. Khi đó, tôi làm nhiệm vụ trông nom các em thiếu nhi. Khi quen nhau, anh giúp tôi dạy hát, tập kịch cho các em thiếu nhi. Thi thoảng, chúng tôi hẹn hò đi chơi riêng. Thời ấy, đèn đuốc không có nên chúng tôi chỉ gặp nhau vào đêm trăng sáng. Đó cũng là lý do anh sáng tác bài hát “Trăng về thôn dã” (….) Có lần anh ấy bảo tôi là nhìn thấy ba em anh sợ quá. Rồi anh ấy sáng tác bài “Anh muốn đến thăm em” với ngụ ý không ngại đường xa mà chỉ sợ nhà không quen”.

Nhạc sĩ Hoài An là một người hết lòng vì gia đình, yêu thương vợ con nên trong suốt cuộc đời ông không có bóng hồng nào khác ngoài vợ. Vợ nhạc sĩ Hoài An tâm sự: “Một người nghệ sĩ ra ngoài làm việc nhiều khi mình không thích người ta mà người ta thích mình. Thế nhưng, tôi chưa từng thấy một người phụ nữ nào bên ngoài của ông”.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài An cùng gia đình ở lại trong nước, ông sống tại nhà riêng ở quận Tân Bình với vợ con, thời gian này ông không gặp gỡ công chúng và báo giới.

Ngày 15 tháng 3 năm 2012, nhạc sĩ Hoài An qua đời vì bệnh phổi tại nhà riêng và được an táng tại nghĩa trang Đa Phước, Bình Chánh.

Thoixua biên soạn

Viết một bình luận