Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ Khánh Băng – Người nhạc sĩ thầm lặng tỏa sáng.

Cố nhạc sĩ Khánh Băng được biết đến là một nhạc công, một nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam Việt Nam với nhiều ca khúc để đời như: Sầu đông, Vọng ngày xanh, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi, Nếu một ngày, Vui trọn đêm nay…. Ông còn là một trong số ít những nhạc sĩ viết nhạc với nhiều thể loại nhất, đề tài viết nhạc của ông vô cùng phog phú và ở thể loại nhạc nào ông cũng để lại những dấu ấn riêng trong lòng khán giả.

Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, ông sinh năm 1935 tại Thắng Tam, Vũng Tàu. Từ nhỏ, ông đã yêu thích âm nhạc nên tự luyện đàn Mandolin (là loại nhạc cụ đàn có 8 dây). Lên 14 tuổi tức năm 1948, Khánh Băng đã tập tành sáng tác, thường sau khi hoàn thành bản nhạc nào ông cũng sẽ đều gửi lên Sài Gòn cho nhạc sĩ Võ Đức Thu để nhờ ông sửa chữa những chỗ còn sai sót, nhờ nhạc sĩ Võ Đức Thu chỉ dẫn và khuyến khích nên Khánh Băng càng có động lực để bước sâu vào con đường sáng tác nhạc.

Nhạc Sĩ Khánh Băng (bên trái)

Năm 1949, Khánh Băng lên Sài Gòn để học trung học ở trường Huỳnh Khương Ninh vì lúc đó ở Vũng Tàu không có bậc trung học. Lúc này, ông cùng vài người bạn như Tùng Lâm, Vân Hùng,.., lập thành một ban nhạc nhỏ, họ cùng nhau tập dượt nhạc thường xuyên và chơi văn nghệ miễn phí cho các đám cưới.

Được biết nghệ danh Khánh Băng là được ghép từ tên của hai cô bạn học cùng ông thời tiểu học, một người tên là Khanh, một người tên Băng, ông đã thêm dấu “sắc” vào chữ Khanh để thành nghệ danh Khánh Băng và nghệ danh này đã đi theo ông đến hết cuộc đời sự nghiệp.

Nhạc Sĩ Khánh Băng

Năm 1954, dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của nhạc sĩ Võ Đức Thu cùng sự động viên, khuyến khích của bạn bè, Khánh Băng đã tham dự cuộc tuyển chọn Tài Tử ở Sài Gòn được tổ chức tại rạp Nam Việt. Trong cuộc thi ấy, ông đã đậu và được vào làm nhạc công đàn Mandolin ở Đài phát thanh Sài Gòn.

Năm 1955, Khánh Băng được Tùng Lâm tiến cử với nghệ sĩ Trần Văn Trạch chơi đàn ở đoàn Sầm Giang lẫn ban kịch Dân Nam (của Anh Lân và Túy Hoa) và Đài phát thanh Pháp Á. Tháng 3 năm 1955 lần đầu tiên ca khúc của ông được trình diễn đó là bài “Nụ cười thơ ngây” trong chương trình thường trực của Đài phát thanh Sài Gòn.

Từ năm 1955 đến năm 1959, Khánh Băng xuất hiện thường xuyên trên các sân khấu đại nhạc hội và phụ diễn ca nhạc với những tiếc mục độc tấu guitar thùng (ông học thêm đàn guitar vào năm 1953).

Năm 1960, Khánh Băng bắt đầu chuyển sang chơi guitar điện và ông đi biểu diễn hàng đêm tại phòng trà ca nhạc do chính ông làm chủ trong khu giải trường Thị Nghè. Ông được xem là người Việt Nam đầu tiên sử dụng đàn guitar điện trên sân khấu vào những năm thập niên 1960.

Năm 1962, Khánh Băng thành lập ban nhạc với những thành viên ban đầu gồm Khánh Băng, Phùng Trọng, Dương Quang Định và Dương Quang Lê Minh. Và nhờ sự giới thiệu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với hãng dĩa Sóng Nhạc, dĩa nhạc đầu tiên của ông đã ra đời với những ca khúc do chính ông sáng tác như: Sầu Đông, Có Nhớ Đêm Nào, Lưu luyến, Đêm Cô Đơn…

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Sâu Đông do Khánh Băng sáng tác

Những ca khúc mà Khánh Băng viết trong giai đoạn này thường có tiết tấu nhanh, sôi động, thường được gọi là thể loại nhạc kích động. Những nhạc phẩm như: Sầu đôngCó nhớ đêm nàoTiếng mưa rơi… do ông sáng tác vào khoảng năm 1962 được coi là những bài nhạc trẻ đầu tiên ở Việt Nam. Riêng ca khúc “Sầu đông” còn được ông viết thêm lời Pháp Jonhny Mon Amour và có thêm lời tiếng Anh do một người khác viết. Ngoài nghệ danh là Khánh Băng, ông còn viết các ca khúc trữ tình dưới bút danh Anh Minh, Nhật Hà, Thủy Thanh Lam.

Năm 1964, ban nhạc của Khánh Băng là ban nhạc đầu tiên trình diễn trong dịp lễ khai trương của Đài Truyền Hình Việt Nam.

Năm 1966, ban nhạc gồm Khánh Băng, Phùng Trọng, Nguyễn Ánh 9, Duy Khiêm cùng với 2 nữ ca sĩ Mary Linh và Phước Vân được trao tặng Huy Chương Vàng do Hội ký giả tổ chức tại rạp Quốc Thanh.

Năm 1967, ban nhạc của ông trở thành ban nhạc thường trực của Đài Truyền Hình Sài Gòn, lúc bấy giờ thành viên ban nhạc cũng có sự thay đổi gồm: Khánh Băng, Phùng Trọng, Nguyễn Thành (saxo, Tenor), Thôi Phước (trumpet), Sầm Sơn (guitar bass).

Nhạc Sĩ Khánh Băng

Trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm 1996, trước khi bị mù do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, Khánh Băng sáng tác tầm khoảng hơn 100 bài hát. Trong đó có nhiều bài hát phổ biến như: Chờ ngườiChiều đồng quêTrên nhịp cầu tre,… mang phong cách nhạc đồng quê Nam bộ. Trong một cuộc phỏng vấn báo chí trên tờ báo Thanh Niên ông từng chia sẻ về số lượng mà ông đã sáng tác như sau: “Khó nhớ hết những bản nhạc tôi đã sáng tác. 500 thì quá ít mà 1.000 lại hơi nhiều. Tôi sáng tác từ thời còn mặc quần cộc nên cũng chẳng nhớ nhạc phẩm đầu tay là bài nào”. Điều đó cho thấy số lượng mà nhạc sĩ Khánh Băng đã sáng tác khá đồ sộ, ông dường như dành cả cuộc đời mình cho âm nhạc, cho việc sáng tác ca khúc.

Ngày 9 tháng 2 năm 2005, nhạc sĩ Khánh Băng qua đời tại nhà riêng quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Thi hài ông được an táng tại quê nhà Vũng Tàu.

Tuy đã ra đi mãi mãi nhưng những gì mà cố nhạc sĩ Khánh Băng để lại cho đời, chúng ta sẽ không bao giờ quên được, nhất là ca khúc “Sầu Đông” sẽ sống mãi cùng với năm tháng…

Nguồn tổng hợp

(Wikipedia, thanhnien.vn)

Viết một bình luận