Đôi nét về ca sĩ Châu Hà (1935 -2021) – Nàng thơ trong nhiều nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ Văn Phụng

Châu Hà một trong những ca sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam, cô nổi danh vào những năm giữa thập niên 1950. Ca sĩ Châu Hà sở hữu một giọng hát thiên phú và được đánh giá là giọng hát có kỹ thuật cao, chuẩn mực và chuyên trình diễn những ca khúc có trình độ cao về nhạc thuật. Bên cạnh việc hát đơn ca, cô còn cùng với hai người bạn thân là nữ ca sĩ Mộc Lan và Kim Tước đã làm nên ban tam ca nổi tiếng một thời, họ thường trình diễn trên đài phát thanh truyền hình. Ngoài khả năng tự trình diễn, nhóm tam ca này còn đảm nhiệm phần hát bè để thâu âm cho nhiều ca sĩ khác như :  Thái Thanh, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền,

Ngoài ra, Châu Hà còn được biết đến là người bạn đời gắn bó với nhạc sĩ Văn Phụng, cô là nguồn cảm hứng sáng tác trong rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của ông như : Suối tóc, Mưa trên phím ngà, Tôi đi giữa hoàng hôn,

Ca sĩ Châu Hà. Ảnh The Jimmy Show

Châu Hà tên thật là Trần Thị Hồng Tâm, sinh năm 1935 trong một gia đình khá giả. Cha cô vốn là một thương gia gốc Hải Phòng, còn mẹ là người Mỹ Tho ở miền Nam (dòng họ bên ngoại của cô rất mê cổ nhạc, có nhiều cậu dì ca vọng cổ rất hay).

Thuở nhỏ Châu Hà theo học trường dòng của các nữ tu tại Sài Gòn và quen hát Thánh ca. Cô còn được theo học đàn piano với thầy Nguyễn Văn Dung nổi tiếng nghiêm khắc, ông là người giỏi đủ mọi thể điệu như: nhạc Mỹ, nhạc Tây phương, nhạc Âu châu… Ông bắt Châu Hà học piano, mỗi ngày đàn 4 tiếng, cho nên cô rất vững về nhạc lý. Châu Hà từng chia sẻ: “Thầy dạy piano tên là Nguyễn Văn Dung. Ông rất giỏi. Ông giỏi đủ mọi thể điệu: nhạc Mỹ, nhạc Tây phương, nhạc Âu châu, nhạc gì ông cũng biết. Tôi học, tôi biết các bản nhạc của Mỹ là do ông và tôi biết lịch sử về nhạc Jazz cũng là tôi học ở ông. Học piano, tôi đánh 4 tiếng một ngày, hết một quyển exercise, ông đòi hỏi như vậy”

Ngay khi còn nhỏ, Châu Hà đã thích nghe nhạc ngoại, cô tự mở nghe nhạc suốt ngày đến nỗi thuộc hết nhạc của các ca sĩ lừng danh như Tino Rossi, Perry Como, Nat King Cole, Patti Page, Julio Iglesias,… Cô kể lại: “Ông Tino Rossi, ngày xưa tôi có một đĩa hát trong đó ông hát bản Tristesse của Chopin, J’attendrais, La vie en rose…khoảng đâu 6, 7 bài. Ngày xưa tôi thuộc hết những bản nhạc đó. Bài J’attendrais ông hát hay lắm. Giọng ông như là mây, như là gió, nhẹ như sương. Ông hát hơi thở của ông nó êm, nó mềm, nó tình tứ, hơi dài, ấm áp, trong veo. Ông Perry Como cũng thế. Ông Perry Como là người Mỹ, giọng ông cũng như vậy. Rồi ông Nat King Cole, bà Patti Page. Giọng Perry Como, Nat King Cole nghe đến là người cứ nhũn ra. Cận đại có Julio Iglesias nghe ông người mình nó mềm ra. Tôi cũng học nhiều ở họ, từ hơi thở, từ cái ngắt câu, từ cách ngân, phải có ngân, phải có nuance tức là có lớn, có nhỏ, có trầm bổng. Hát là cả một nghệ thuật rất khó, nếu trời không cho không làm được,”.

Danh ca Thái Thanh & Châu Hà. Ảnh The Jimmy Show

Nhờ có năng khiếu ca hát bẩm sinh cùng khả năng đàn piano thành thạo và rành nhạc lý, nên Châu Hà không gặp nhiều khó khăn gì trong việc ca hát. Dù gặp một bài mới, hay không có đàn kèm theo, cô vẫn hát được một cách dễ dàng. Châu Hà thích nhiều thể loại nhạc từ nhạc Tây phương, tới cổ điển lẫn hiện đại.

Không những Châu Hà có chất giọng hay, kỹ thuật tốt mà cô còn có cả một nghệ thuật chuyển tải âm nhạc qua nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Năm 1952, khi Châu Hà được 17 tuổi cô về quê cha ở Hải Phòng và sống ở đó vài năm. Cũng chính nơi đây đã tạo nên cuộc gặp gỡ định mệnh giữa cô và nhạc sĩ Văn Phụng, người gắn bó với cô cho đến hết cuộc đời sau này.

Châu Hà kể về cuộc gặp gỡ định mệnh ấy như sau: “…năm 1952, ba anh Văn Phụng mướn nhà của ba tôi. Một hôm anh Văn Phụng đến thăm ông cụ, anh nghe tiếng đàn của tôi, anh rón rén, anh tò mò, anh lên lầu. Lúc đó tôi ngồi đàn, hong tóc dài của tôi cho khô, tóc tôi dài chấm đất. Vừa đàn nhưng tôi thoáng thấy có bóng người nơi cửa, tôi quay lại tôi thấy anh Văn Phụng. Anh nói ‘Xin lỗi, tôi là Văn Phụng, con cụ Bảng dưới nhà, nghe tiếng đàn của cô tôi đánh bạo lên đây để làm quen.’ Lúc đó tôi không biết Văn Phụng là ai vì tôi ở miền Nam nhiều hơn ở ngoài Bắc. Ông hỏi tôi cô đàn bài gì đó? Tôi mới nói bản nhạc tên là ‘It’s a sin to tell a lie’ của Eddie Duchin một nhạc sĩ Mỹ tôi học ở miền Nam. Tôi đàn anh thấy hay quá. Ảnh bảo: ‘Vậy cô có thể cho tôi đàn nhờ một tí?’ Ảnh nhìn bản nhạc ảnh đàn hay lắm. Ảnh đàn xong rồi tôi mới thấy tôi múa rìu qua mắt thợ. Tôi khen ông thì ông đàn luôn bản nhạc ‘Suối tóc’. Ông đàn xong ông không biết đặt tên bài ấy là bài gì. Ông chỉ đàn âm điệu của bài ‘Suối tóc.’ Đàn xong rồi, ông quay ra nhìn tôi ông bảo ‘Mái tóc cô đẹp quá, thật là suối tóc.’ Tự nhiên ông buộc miệng ông nói như vậy. Thế từ đó đặt tên ‘Suối tóc’ cho bản nhạc đó. Thế thì thôi chúng tôi không gặp nhau nữa là vì năm đó là năm 52 mà mãi đến năm 54 mới di tản. Từ 52 đến 54 chúng tôi không có gặp nhau vì có quen nhau đâu, có bạn bè gì đâu. Lúc đó ông đã có vợ rồi. Tôi đâu có màng đến người có vợ. Lúc đó tôi mới 18 tuổi, còn trẻ quá… Người ta lầm, người ta tưởng thời gian đó chúng tôi đã lấy nhau rồi hay đã yêu nhau rồi bị gián đoạn. Cái đó không đúng đâu.”

Đến năm 1955 thì Châu Hà trở lại Sài Gòn, cô được ông Đoàn Văn Cừu – Tổng giám đốc Đài phát thanh Việt Nam dành cho suất mỗi ngày 1 giờ trình diễn trên đài phát thanh. Cũng trong giai đoạn đó, đài phát thanh mở ra 24 tiếng một ngày phát thanh thay vì 8 tiếng mỗi ngày. Vì thế tiếng hát Châu Hà cũng được phát liên tục, cô hát từ sáng cho đến tối và cứ thế Châu Hà trở thành tên tuổi quen thuộc với công chúng thời bấy giờ. Lúc này cô thường hát trong các ban nhạc của Nguyễn Hiền, Hoàng Trọng, Võ Đức Tuyết, Võ Đức Thu, Xuân Lôi Xuân Tiên…

Nhắc đến Châu Hà, không thể không nhắc đến ban tam ca nổi tiếng Mộc-Kim-Châu (Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà). Ban tam ca gồm 3 nữ ca sĩ trẻ này dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Hoàng Trọng đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng biệt trong vườn hoa tân nhạc Việt Nam. 3 giọng ca Châu Hà – Kim Tước – Mộc Lan mang 3 cá tính khác nhau nhưng khi hát chung thì lại hòa quyện vào nhau thành một, nhờ vào cách hòa thanh độc đáo cũng như kỹ thuật hát bè điêu luyện của cả ba người. Họ đã hợp tác với nhau một thời gian dài trong những chương trình phát thanh và truyền hình nhưng ít khi họ trình diễn trên sân khấu. Với khả năng vững vàng về nhạc lý, Mộc Lan, Kim Tước và Châu Hà đã giữ phần hát bè cho rất nhiều ca sĩ, trong số đó có nhiều ca sĩ lừng danh như: Thái Thanh, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Thanh Vũ,… để thu âm.

Cũng khoảng năm 1955, Châu Hà gặp lại nhạc sĩ Văn Phụng khi ông từ Nha Trang vào Sài Gòn. Khi ấy Văn Phụng cũng lập ra ban tam ca nam với Nhật Bằng và Ngọc Giao, vậy là 2 nhóm tam ca của Văn Phụng và Châu Hà thường hội họp sinh hoạt văn nghệ. Dần dần Văn Phụng – Châu Hà nảy sinh tình cảm và ngày càng đậm sâu. Thời gian này, hầu hát những sáng tác của nhạc sĩ Văn Phụng đều đưa cho Châu Hà hát như: Mưa Trên Phím Ngà, Tiếng Dương Cầm, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn,…

Bấm vào hình trên để nghe tiếng hát của Châu Hà qua những ca khúc bất hủ

Đến năm 1963 thì vượt qua mọi trở ngại Châu Hà và Văn Phụng đã đến được với nhau, rồi kể từ đó họ sống và gắn bó với nhau cho mãi tận cuối đời. Ngoài những sáng tác trước đó, nhạc sĩ Văn Phụng còn sáng tác thêm nhiều ca khúc khác tặng vợ như: Yêu Và Mơ, Yêu, Tình, Tiếng Hát Với Cung Đàn, …

Sau năm 1975, gia đình Văn Phụng – Châu Hà sang hải ngoại và định cư tại Virginia, Hoa Kỳ. Họ chung sống với nhau hạnh phúc cho đến khi nhạc sĩ Văn Phụng qua đời vào ngày 17 tháng 12 năm 1999. Trước khi qua đời, nhạc sĩ Văn Phụng biết là ông sắp ra đi nên đã viết ra 3 ca khúc gửi lại vợ là “Vĩnh Biệt Châu Hà”, “Em ở Lại” và “Anh Đi”.

Ca sĩ Châu Hà và chồng là nhạc sĩ Văn Phụng

Sau khi chồng mất, nhiều năm liền Châu Hà không dám nghe lại nhạc của Văn Phụng sáng tác vì niềm đau xót khôn nguôi. Cô tâm sự: “Tôi nghe nhạc, tôi bị hoảng sợ ngay lập tức, suốt 7 năm trời. Nghe nhạc là bị, thế là đi nhà thương, tìm không ra bệnh lại về. Bảy năm như thế, không dám nghe nhạc của Phụng nữa bởi vì nó đau quá. Mình mất tình yêu của mình đau quá không muốn nghĩ tới nữa. Nghĩ tới vẫn còn thấy đau”.

Ca sĩ Châu Hà

Trên bia mộ của nhạc sĩ Văn Phụng, Châu Hà đã khắc lên bia mộ của chồng tên nhạc phẩm nổi tiếng Tiếng Hát Với Cung Đàn ( với ý nghĩa tiếng hát là Châu Hà cùng cung đàn là Văn Phụng). Hơn thế nữa, Châu Hà còn cho khắc tên mình lên bia mộ, nhiều người cho là điềm gở, nhưng cô mặc kệ, nói rằng nếu là điềm gở thì cũng may mắn cho cô vì cô sớm được đi theo chồng.

Ca sĩ Châu Hà

Trong suốt 10 năm trời sau đó, Châu Hà không đi đâu, chỉ ở nhà trong niềm thương nỗi nhớ về người chồng đã mất. Đối với cô, mất đi người chồng thân yêu thì cuộc đời của cô dường như không còn ý nghĩa gì nữa. Tuy nhiên, nhờ lời khuyên của cha xứ và mọi người, Châu Hà mới nhận ra rằng mình cần tiếp tục sống cuộc đời của mình vì ở cõi vĩnh hằng, người chồng mà cô thương yêu sẽ không yên tâm nếu thấy cô cứ mãi đau khổ, nhớ thương ông như vậy.Châu Hà bắt đầu biết tận hưởng niềm vui tuổi già và vui vầy bên con cháu. Những năm tháng cuối đời, Châu Hà sống tại khu nhà dành cho người cao niên-người hưu trí ở Tyson Corner, bang Virginia. Cô cho biết mình rất vui khi sống tại đây vì có nhiều bạn già 90 – 100 tuổi, cô là người trẻ nhất, 85 tuổi.

Ngày 15 tháng 8 năm 2021, ca sĩ Châu Hà qua đời tại Virginia do tuổi cao sức yếu, cô hưởng thọ 86 tuổi.

Viết một bình luận