Đôi nét về anh “Bảy Chà” Ấn Độ ở Sài Gòn xưa – Kí ức về một cộng đồng Ấn Độ với biệt danh “Chà Chet-ty”

Trong bối cảnh một Sài Gòn đang vội vã lột xác quay lưng với quá khứ, thì kí ức về một cộng đồng Ấn Độ mà người Việt thường gọi với biệt danh “Chà Chet-ty” từng hiện diện nổi bật một thời ở trung tâm thành phố này cũng chóng nhạt nhoà.

Trên báo chí và văn học suốt thời thuộc địa ta thường thấy đề cập tới người “Sét-ty” và thường không thiếu những thành kiến về họ, vì đa số họ làm nghề ngân hàng và cho vay ngắn hạn, họ nổi tiếng là những người cho vay nặng lãi, mặc dù căn bản họ là những người làm ăn chân chính. Vài đơn cử về thành kiến ấy: “Cái hiểm-tượng ấy là cái hiểm-tượng bọn Chà-và cho vay, trong Nam-kỳ gọi là bọn “Xã-tri”, tức ngoài ta gọi là “Xét-ty.” (Phạm Quỳnh. trong Nam Phong Tạp chí, số 20,1919); hoặc: “Theo cái án của Chà Chet-ty nó truyền rao hôm trước đó, thì vốn lời có bốn chục ngàn, nếu mình không trả thì nó thi hành phát mãi ba trăm mẫu ruộng của mình.” (Hồ Biểu Chánh trong Đoá hoa tàn, tiểu thuyết, 1936); thậm chí thành một thành ngữ nói chung ai cho vay bạc nặng lãi cũng bị gọi là “sét-ty”: “Mấy bọn nhà giầu nghề sét-ty, Bo bo giữ của có làm chi?” (NPTC, số 16, Nguyễn Song Kim, 1918; “À thôi! Có nghề này chóng giàu mà nhàn: nghề “sét-ty” (NPTC, số 24, 1919).

Ngày nay trên một số đường phố dẫn tới chợ Bến Thành ở trung tâm Sài Gòn, chúng ta vẫn còn lạ mắt trước mấy ngôi đền Ấn giáo bất ngờ hiện ra, bên trên những diềm mái và đặc biệt các cổng tháp raja gopuram mỗi tầng chen chúc những hình tượng điêu khắc chư thần sống động với màu sơn sặc sỡ. Đặc biệt ngôi đền thờ nữ thần Mariamman mà người Việt gọi là Chùa Bà Đen trên đường Trương Định được tin là rất linh thiêng, hàng ngày vào những giờ mở cửa trong mùi tinh dầu đàn hương quyện với hương những vòng hoa nhài, không ngớt người Việt và Hoa vào làm lễ thành kính khấn xin, vị nữ thần này bảo trợ những phụ nữ trong chuyện tình duyên, thậm chí chiếu cố những phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài. Và nếu để ý, trên vài đường phố như Tôn Thất Thiệp (Ohier xưa) hay Hồ Tùng Mậu (D’adran xưa), ta vẫn có thể nhận ra một số dãy nhà có kiến trúc gọi là kittingi của cộng đồng Chetty, một thời là nơi để giao dịch thương mại, vừa làm nhà nghỉ hoặc chứa hàng hoá, con phố này xưa chính là khu đại lí giao dịch ngân hàng hoặc cho vay của người Chetty.

Bức tranh khắc năm 1872 (trong thời Tự Đức) miêu tả quang cảnh một ngôi chợ đa sắc tộc ở Sài Gòn cho thấy người Tamil đã sớm có mặt ở Nam Kì. Tranh vẽ khắc của D. Mailllart in trong tạp chí Le Tour du Monde (1875), gồm những minh hoạ cho cuốn du kí Voyage en Cochinchine (Chuyến du hành ở Cochinchine) vào những năm 1872-4 của bác sĩ Albert Morice

Danh xưng Chettiar mà người Pháp gọi là Chetty – do họ sống tập trung ở vùng được gọi là ‘Chettinad’ – thuộc chủng Dravidian, để chỉ một nhóm thuộc các đẳng cấp sống ở khắp miền Nam Ấn Độ.

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền tây nam kì, tạo nên một thuộc địa đặt tên là Cochinchina và thiết lập một thủ đô hành chính của Indochine bên cảng sông Sài Gòn; hai cái tên này xác định sự thôn tính về địa lí chính trị của các đế quốc phương Tây thời ấy đang tranh giành với nhau trên bản đồ thế giới. Dựa trên sự khoanh vùng đó, cuối thế kỉ 19, Pháp đem người Tamil từ năm vùng nhượng địa dọc bờ biển nam Ấn như Pondicherry và Karikal, họ tới để chiếm một số những địa vị trong guồng máy chính quyền thuộc địa Pháp trong thời kì phôi thai.

Người Chetty
Phụ nữ Tamil ở Sài Gòn

Trong số những sắc dân gốc Ấn xuất hiện giữa quang cảnh đô thị Đông Dương, ngoài giới thương gia buôn bán vải vóc hoặc nhân viên hành chánh theo Kitô giáo đến từ nhượng địa Pondicherry, chẳng bao lâu sau đó, những người Tamil của cộng đồng Chetty từ thuộc địa Anh, vốn lúc đó đang có mạng lưới thương mại khắp Đông Nam Á cũng lại theo chân người Pháp mở rộng địa bàn của họ vào Việt Nam. Ngay trước Thế Chiến Một, người Ấn dưới nền thuộc địa Anh cũng đã bắt đầu thiết lập những trung tâm kinh doanh ở Sài Gòn và Hà Nội, và từ đó làn sóng nhập cư này tăng dần

Dân số người Ấn Độ vào những năm 1950 và 60 có khoảng 3000 – tới 4000, ở Sài Gòn có khoảng 1000 người Ấn Độ, trong đó khoảng 400 đến từ nhượng địa của Pháp ở Ấn Độ còn lại đến từ Bombay. Nhóm đến từ Bombay chủ yếu là những thương nhân người Sindhi và Gujarati sở hữu nhiều tiệm bán vải ở Sài Gòn và họ thành lập một hội thương gia. “Chà Bombay” là những người Ấn Độ giàu có bán vải và lụa ở các đường Lê Lợi, Hàm nghi và Đồng Khánh (nay là đường Trần Hưng Đạo 2) và ở hai bên chợ Bến Thành.

Người Việt Nam gọi những người Ấn Độ canh gác các cửa hàng lớn, các công ty và xưởng là “hach”, bắt nguồn từ “hadj”, danh hiệu của những người Hồi giáo đã hành hương đến Mecca. Đôi khi, người Việt Nam cũng gọi họ là “Anh Bay” có nguồn gốc từ từ “bey” hay “bay” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, để chỉ một sĩ quan cao cấp trong quân đội Hồi giáo. Có ý kiến thì cho rằng “ Chữ “Bay” trong tiếng Hindu có nghĩa là Chào Sir phát âm nghe như Bảy , Dân Saigon nghe mấy ông “Chà và” chào nhau ….Bay ! bèn bắt chước gặp Ấn độ cũng chào Bảy …tên gọi Bảy Chà có từ đó !”

Hầu hết người Ấn Độ sống trong cộng đồng riêng của mình và buôn bán một số mặt hàng nhất định. Người Chà – bao gồm người Hin-đu, Brahmin và Hồi giáo – thường bán vải và lụa ở đường Hàm Nghi, Lê Lợi và tự do (nay là đường Đồng Khởi) và ở trong chợ Bến Thành. Ở khu Chợ Lớn, người Chà có các cửa hàng bán vải lụa ở đường Tổng Đốc Phương (nay là đường Châu Văn Liêm) và trong chợ Bình Tây. Rải rác đây đó, người Ấn Độ cũng bán kẹo, rượu ngọt, rượu ngoại, đồ cổ, đồ mỹ nghệ và trang sức. Một vài người chủ Ấn Độ còn trưng bày đồ cổ, đồ lưu niệm, bưu thiếp và tiền xu cổ ở gian ngoài cửa hàng trong khi lại buôn bán ngoại tệ ở gian trong. Các cửa hàng của họ thường tập trung trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) và Charner (nay là đường Nguyễn Huệ).

Người Thổ Nhĩ Kỳ và người Pakistan sống ở đường Hamellin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm). Họ làm nghề bảo vệ, sửa mũ phớt và mở các nhà hàng phục vụ cơm, món cà-ri nấu theo kiểu Hồi giáo.Các nhà hàng Ấn Độ khác nằm trên đường Cây Mai, gần một nhà thờ Hồi giáo trên đường Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi) gần cảng Chương Dương, nơi có một nhà thờ nhỏ của cộng đồng người Mã-lai.

Do Ngân hàng Nông nghiệp thời Pháp thuộc chỉ ưu tiên cho vay có bảo chứng cho nên hơn phân nửa nông dân ở Đông Dương đã vay từ người Chetty và vào giữa những năm 1940 món nợ chưa trả của nông dân lên tới 9 triệu đồng. Thật ra, tỉ lệ tiền lời của Chetty so ra không “cắt cổ” bằng người Hoa cho vay tiền, mặc dù mức rủi ro mà họ có thể gánh chịu khi cho người nông dân vay mà không có bảo chứng, nhưng thương nhân Chetty vẫn nhận được những lợi lộc rất lớn.

Quầy đổi tiền , bán tạp hóa, hương liệu của mấy anh Bảy Chà trên đường Catinat

Người Chetty thiết lập việc kinh doanh và buôn bán trên một vài đường phố Sài Gòn, chủ yếu các phòng cho vay tiền nằm trên đường Rue Ohier (Tôn Thất Thiệp) trong những toà nhà gọi là kittingi theo kiến trúc ở các thuộc địa Anh mà ngày nay ta vẫn còn có thể thấy qua một số căn nhà thời trước còn sót lại, chẳng hạn trên đường phố Tôn Thất Thiệp (xem hình). Kittingi là những nhà dài, ngăn nhiều phòng. Mỗi người cho vay tiền chiếm một không gian với một cái tủ và một cái tráp gỗ của người thu ngân, và họ cất vào trong tủ vào cuối ngày khi xong việc. Mỗi nhà kittingi chức năng như một cộng đồng tự túc, có đầu bếp riêng, chỉ dành riêng cho nam giới vừa làm việc vừa ở, như vậy cũng xoá nhoà ranh giới giữa làm việc và cộng đồng. Tất nhiên rượu chè cờ bạc bị cấm, và phụ nữ không được ở trong kittingi.

Nhà người Chà Chetty trên đường Tôn Thất Thiệp

Tác giả Lê Văn Sâm có kể lại dịch vụ ngân hàng của người Chetty ở Sài Gòn: “Nơi khu tập trung Ohier (nay là Tôn Thất Thiệp) người Ấn đã khai sinh dịch vụ ngân hàng “thủ công nghiệp” gồm 3 dich vụ, đặt bàn đổi tiền lẻ, cho vay làm ăn gọi là tiền Chà Chetty và chuyển ngân. (…) Người Ấn đã đáp ứng với những bàn đổi tiền đặt khơi khơi hè phố để đổi với lãi suất nhẹ hều 0.02%. Sau đổi tiền là mở dịch vụ ngân hàng tư gia cho vay tiền Chà gọi là Chetty. Những công chức nhân viên tư chức có sổ lương, cửa hàng có môn bài, có hộ khẩu thời đó gọi là tờ khai gia đình…đều có thể đến xóm Chùa Ông vay bạc góp. Cũng nhờ hệ thống ngân hàng “dã chiến tư gia” này mà nhiều công nhân viên chức gia đình có thể mua sắm hay có vốn nhỏ để sinh nhai, giúp Sài Gòn phát triển dần lên. Nhưng còn thật bất ngờ và khâm phục về độ tín cẩn giữa hai bên ở xa cách phương trời qua dịch vụ chuyển tiền của người Ấn. Tỉ như người có nhu cầu xuất ngoại di tân Gia Ba (Singapore) muốn chuyển 5.000 USD qua trước, chỉ việc đến quầy của người Ấn giao tiền, người nhận chỉ xé một miếng giấy nhỏ của bao thuốc lá ghi ký hiệu gì đó không ai biết, cầm miếng giấy vụn đó đến nơi ở Tân Gia Ba là nhận được tiền.”

Năm 1939, một cuộc vận động của báo chí người Ấn ở Sài Gòn khuyến khích người đồng hương thuộc nam giới hấp thu Âu phục cho thích hợp với sinh hoạt trong thành phố, quanh khu chợ Bến Thành và trong những khu vực của cộng đồng Ấn (Rue Ohier). Phụ nữ Tamil thì khoác tấm sari màu sáng, tóc kiểu búi tóc dày và giắt hoa nhài hoặc cài trâm vàng, đeo bông tai và đeo khoen, có chấm son bindi (bằng tro đàn hương) giữa trán, thỉnh thoảng người ta thấy họ đi mua sắm hoặc đi đền thờ.

Sau 1975, người Ấn Độ di tản khỏi Sài Gòn và chính phủ Ấn phải sắp đặt các chuyến bay cho họ hồi hương. Ngoại trừ nhiều người Ấn Muslim tìm cách ở lại, một bộ phận lớn những gia đình Ấn đã rời khỏi. Ngày nay chỉ còn khoảng 100 gia đình người Ấn thuộc trước 1975 còn lại ở Việt Nam, và họ vốn là những người Việt gốc Ấn lấy vợ Việt. Cộng đồng Ấn vốn có nhiều tài sản ở Sài Gòn, cũng như ở những thành phố khác như Đà Nẵng, Đà Lạt, Huế,… Sau chính sách quốc hữu hoá, tài sản của của họ bị tịch thu mà không có dấu hiệu sẽ được hoàn trả hoặc đền bù. Sau khi chính quyền Cộng sản tiếp quản, những ngôi đền Ấn giáo bị đóng cửa, bị biến thành nhà kho, trụ sở của công nhân viên, thậm chí thành nơi chế biến hải sản để xuất khẩu, cho tới đầu những năm 1990 mới được mở cửa lại do sự bang giao với Ấn Độ.

Những người Ấn quốc tịch Pháp đều được dành địa vị trong chính phủ và lợi thế kinh doanh bởi những nhà cầm quyền thuộc địa, như vậy khiến cho họ là đối tượng bị dân địa phương Việt dè bỉu và ganh tị, trong khi những người buôn bán nhỏ thì cung cấp và tạo ra một dịch vụ hữu ích cho dân thành thị ở Đông Dương. Sự sụp đổ toàn cầu về mậu dịch trong cuộc Đại Suy thoái khiến cộng đồng Chetty ở châu Á chịu sự tổn thất về tài chánh, và cuộc ‘Khủng khoảng Chetty’ báo hiệu sự cáo chung cho hơn một trăm năm vàng son của họ ở hải ngoại. Những thay đổi quy mô ở Đông Nam Á sau thế chiến Hai cũng vang lên hồi chuông báo tử, và nhiều nhà ngân hàng Chetty đã rút lui một cách lặng lẽ khỏi ngoại quốc để trở về quê hương xây lại cơ nghiệp.  Những người đến từ 5 vùng thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ thì theo người Pháp về Pháp hoặc sang định cư tại các thuộc địa của Pháp ở Châu Phi và Châu Đại Dương. Còn những người ở lại thì kết hôn với người Việt Nam, sống chung với cộng đồng người Việt và hoàn toàn hòa nhập vào cộng đồng người Việt sau hai hoặc ba thế hệ. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ người Ấn Độ hiện vẫn giữ quốc tịch của mình.

Chiến xa bằng bạc rước thần Murugan trong lễ hội Thaipussam của cộng đồng Chetty trước đền Sri Thendayuthapani trên đường Ohier ở Sài Gòn (nay là Tôn Thất Thiệp góc Nam Kì Khởi Nghĩa, Q.1, Sài Gòn). Ảnh bưu thiếp của A.F Decoly năm 1910

Và như thế, câu chuyện về một cộng đồng ưu tú lừng danh của Ấn Độ có một truyền thống và quá khứ vàng son về thương mại từ thời cổ đại mà nay vẫn còn được kể lại trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng ở trên quê hương của họ cũng như ở những nước Đông Nam Á, và họ vẫn tiếp tục thành công nổi bật về thương mại.

Một trong những người Ấn đầu tiên đến Sài Gòn là ông Adamssah, người Pháp gốc Ấn. Ông đến Sài Gòn rồi đi một mạch xuống Tân Hiệp Mỹ Tho, nay là Tiền Giang làm nghề góp tiền chợ. Sau đó cưới được con gái quan chánh tổng là Nguyễn Thị Tín. Hồi đó dân địa phương đồn đại rằng, chắc Adamssah có bùa mê gì đó, nên mới lấy được con gái chánh tổng, đẹp nhất vùng. Đôi vợ chồng khác màu da này rất mực thương yêu nhau, chí thú làm ăn, sinh cơ lập nghiệp. Một trong những người con của ông bà là Henry Adamssh, là người khai sinh cách chế biến thịt bò 7 món một thực đơn rau sống mắm nêm của thời khẩn hoang Nam bộ và sáng lập nhà hàng ăn bò 7 món Au Pagolac từ năm 1930, nổi tiếng kéo dài trên 80 năm đến nay để được xác lập kỷ lục “Thương hiệu tồn tại lâu năm nhất”.

Viết một bình luận