“Đêm Thánh Vô Cùng” – bài thánh ca không thể thiếu mỗi mùa giáng sinh yêu thương

Ca khúc này được nhạc sĩ Hùng Lân đặt lời Việt với cái tên thật thiêng liêng, nó thể hiện sự thành kính và trân trọng – “ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG”.

Nhạc sĩ Hùng Lân giảng dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc

“SILENT NIGHT” hay “ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG” không chỉ đơn thuần mang thông điệp của một mùa Giáng sinh an lành, mà nó còn là tiếng nói hòa bình cho nhân loại, một thông điệp mang đến tình yêu thương con người sâu sắc, sự bao dung và tha thứ, mong cầu một thế giới thanh bình không còn chiến tranh. Giai thoại kể rằng tại một thánh đường Nicola ở nước Áo, có một vị linh mục mang tên Mohr đã viết hoàn thành lời bài hát vào năm 1816, nhưng mãi đến 1818 mới tìm được người hữu duyên cùng hoàn tất phần nhạc bằng bản phối với guitar – Chính là nghệ sĩ Gruber. Thời điểm đón chào Giáng sinh nơi lễ đường, bài hát này không hề được các giáo dân chấp nhận, bởi với họ thánh ca là một điều gì đó rất thiêng liêng, nên những bản thánh ca chỉ được trình diễn bằng phong cầm mới tôn được sự tôn quý của nó. Nhưng do phong cầm đã bị hỏng, nên các giáo dân cũng dằn lại cơn nóng giận mà tiếp tục cho hết lễ và kết quả là họ đã bị mê hoặc bởi chính giai điệu và ca từ vô cùng ngọt ngào của bài hát. Chính từ đây mà ca khúc lan rộng khắp các giáo đường, họ truyền tai nhau để thưởng thức sự tinh túy của bài hát “SILENT NIGHT” – Và tháng 3 năm 2011, bài hát này đã được UNESCO công nhận là một kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

Còn về nhạc sĩ Hùng Lân người đã đặt lời việt cho bản thánh ca nhân loại, ông không chỉ là một giáo sư giảng dạy âm nhạc uy tín mà còn là người đặt nền tảng cho việc dùng tiếng Việt để hát Thánh ca. Ông là một nhạc sĩ danh tiếng trong giai đoạn âm nhạc 1954 – 1975, dòng nhạc ông theo đuổi đa phần là nhạc tiền chiến và nhạc thánh ca. Sinh ra trong một gia đình Công giáo, Hoàng Văn Cường (tên thật của nhạc sĩ) nên từ nhỏ ông đã chịu pháp Thanh Tẩy và có tên thánh riêng. 8 tuổi ông đã bắt đầu học nhạc và được tuyển vào ban hợp xướng cho nhà thờ Lớn ở Hà Nội. Những sáng tác của nhạc sĩ Hùng Lân phần lớn là thuộc thể loại vui tươi và trẻ trung, ông óc rất ít những bản nhạc mang hơi hướng ủy mị. Về những tác phẩm Thánh ca của mình, ông không làm người hâm mộ thất vọng khi để lại gần 100 ca khúc và được người nghe vô cùng yêu thích, với các giáo dân nói riêng và mọi người nói chung.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Đêm Thánh Vô Cùng do Thái Thanh thâu thanh trước 1975

“SILENT NIGHT” hay “ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG” đều là những bài Thánh ca Giáng sinh vô cùng nổi tiếng với giai điệu tràn đầy cảm xúc và ngọt ngào, nó đưa người nghe trở về mái ấm gia đình thiêng liêng và hạnh phúc trước sự chứng giám của Chúa Trời Giê – su. Một bầu trời đêm thanh khiết đến lạ như được gọt rửa hết mọi điều xấu xa trên nhân gian, một đêm sâu lắng và mênh mông khiến con người ta tưởng rằng đang chìm trong một khoảng không vô định. Đêm tối Chúa Trời giáng thế không thể là một đêm bình thường, mà nó phải là một màn đêm huyền diệu, dự báo con người không còn khổ đau và tăm tối trong tâm hồn. “ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG” một cái tên đã nói lên hết tất tần tật ý nghĩa của bài hát – “Đêm của Thánh đường, đêm vô cùng”.

“Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng

Ðất với trời se chữ Ðồng

Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ

Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa

Ơn châu báu không bờ bến

Biết tìm kiếm của chi đền….”

Khởi nguồn từ câu chuyện cổ tích về sự ra đời của Chúa Giê – su – người được sinh ra và đặt nằm trong một máng cỏ một hang đá vì Đức Mẹ Maria và ông Giuse đã không tìm được chỗ trọ qua đêm khi du hành. Ngày Chúa được sinh ra chính là một đêm tối, xung quanh chẳng tìm thấy ánh sáng, Đất và Trời như thống nhất thành một để tôn thờ một vị thánh tôn. Người hiển linh như toàn bộ kho báu đối với chúng con, không gì có thể sánh được, chúng con tôn kính Ngài vì đã cứu rỗi những tâm hồn gần như héo úa đến mục nát. Đêm đó đối với chúng giáo dân chính là một đêm Thánh của sự không cùng.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Elvis Phương trình bày.

“….Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn

Nhấp chén phiền vương phong trần

Than ôi Chúa thương người đến quên mình

Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành

Ai đang sống trong lạc thú

Nhớ rằng Chúa đang đền bù….”

Lời cảm tạ mà nhạc sĩ đã dùng cả tâm mình để đền ơn, dù đó chỉ là lời bài hát nhưng nghe sao mà xuyến xao trong lòng. Sự ra đời của Chúa đã mang đến niềm kiêu hãnh cho giáo dân, nhưng cũng vì thế mà Chúa đã gánh hết mọi đau thương thay cho thần dân của mình, mỗi đêm đều ưu phiền lo toan: Phải làm gì để chúng sinh được êm ấm và an vui, phải thế nào giáo dân của mình không bị áp bức và đau thương….? Chúa đã quên đi bản thân mình, không màng đến sống chết của bản thân mà tình nguyện hi sinh để giữ lấy yên bình cho toàn thể nhân loại. Lúc sinh ra đến khi trường thành, Chúa đều không còn chỉ nhớ đến quê hương, mà chu toàn cho tất cả. Vậy nên “ai đang sống trong lạc thú, nhớ rằng Chúa đang đền bù….”, người nào còn đang vui vẻ chẳng màng đến xung quanh thì hãy nhớ đến Chúa đã hy sinh thế nào mới có chúng ta của ngày hôm nay. Hãy biết trân trọng từng giây từng phút để không cô phụ sự đáp đền của Chúa….

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

“….Tinh tú trên trời, sông núi trên đời

Với thánh thần mau kết lời

Cao sao hóa công đã khéo an bài

Sai con hiến thân để cứu nhân loại

Hang chiên máng rêu tạm trú

Bốn bề tuyết sương mịt mù”

Chúa theo lời của các vì tinh tú, vâng theo lời của các thiên thần mà hạ phàm trần, mở ra một thiên đường nhân gian cho toàn thể nhân loại. Sinh ra không phải trong nhung lụa hay sinh sống trong lâu đài cát điện, mà chỉ là “hang chiên máng rêu” mà thôi, nhưng người mang sứ mệnh “cứu nhân loại”. Mọi thứ đều đã được an bài, gian truân và vất vả mà Chúa phải trải qua để mang lại nền hòa bình và ấm êm cho nhân loại ngày nay đã đều được các thiên thần sắp đặt.

Mỗi khi nhắc đến “ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG” hoặc “SILENT NIGHT” người nghe sẽ được đắm mình vào khung cảnh của một đêm Giáng sinh tuyệt vời. Nhắm mắt lại và tưởng tượng đến một đường phố yên tĩnh, không gian chìm trong sự im lặng, những ngôi nhà san sát nhau vô cùng yên tĩnh, khắp mọi nơi như chìm trong tuyết trắng. Tuyệt hảo cho một khung cảnh xinh đẹp như mơ, như một câu chuyện cổ tích và khán giả như những hoàng tử và công chúa bước ra từ lâu đài. Khoảnh khắc 12 giờ đêm, nhà thờ vang lên từng tiếng chuông ngân dài và ca khúc “ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG” được cất vang bởi một dàn đồng ca, như một tiếng vọng đến từ thiên đường. Mùa đông lạnh giá, nhưng chính bài hát này đã tiếp thêm ngọn lửa nồng cháy trong lòng tất cả mọi người, làm cho lòng ta như ấm áp hẳn lên. Đó không chỉ là thời khắc thiêng liêng đối với những con người có đạo đang háo hức chúc mừng ngày Chúa Cứu thế ra đời, mà nó còn là thời điểm bắt đầu cho sự giao mùa, tiễn bước mùa đông và đón chờ một mùa xuân tươi mới sang. Nó là sự thành kính và biết ơn sâu sắc, nó như đánh lùi mọi tội ác và xóa sạch cái xấu ra khỏi thế giới nhân loại.

Bài hát chính là đại diện cho sự trường tồn vĩnh cửu của một tôn giáo. Dù đến với nhân loại đã từ rất lâu rồi, nhưng ca khúc vẫn được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn mỗi mùa Giáng sinh. Nếu Giáng sinh mà không nghe bài hát này chính là sự thiếu sót vô cùng lớn và mùa Noel ấy chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Đúng không các bạn?

Trích lời bài hát Đêm Thánh Vô Cùng:

Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Ðất với trời se chữ Ðồng
Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền

Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
Nhấp chén phiền vương phong trần
Than ôi Chúa thương người đến quên mình
Bơ vơ chốn quên nhà lúc sinh thành
Ai đang sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù

Tinh tú trên trời, sông núi trên đời
Với thánh thần mau kết lời
Cao sao hóa công đã khéo an bài
Sai con hiến thân để cứu nhân loại
Hang chiên máng rêu tạm trú
Bốn bề tuyết sương mịt mù

Viết một bình luận