Danh sách các rạp chiếu bóng của Saigon xưa trước những năm 1975

Nhu cầu thưởng thức văn hóa và giải trí của người Saigon đã nổi tiếng là rất phóng phú, từ những ngày đầu tiên thành lập nước, những người đứng đầu của VNCH đã cho xây dựng nhiều Rạp chiếu bóng trên Saigon mục đích là giúp cho người dân, người lính có nơi để giải trí, xem phim ảnh, những bộ phim kinh điển của thế giới… Hãy cùng xem những rạp chiếu phim nổi tiếng một thời của Saigon nhé.

Rạp Alliance Française

Rạp tọa lạc ngay đường số 6 Thái Văn Lung, quận 1. Là trung tâm văn hóa Pháp nên các bô phim được chiếu trong rạp đều là Phim của Pháp, hiếm khi thấy một người Việt Nam nào ghé vào rạp xem phim.

Rạp Alliance Française giờ là rạp chiếu phim Nghiệp Thắng. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông

Mặc dù vào thời đó người Pháp rất ghét người Mỹ nhưng đôi khi rạp cũng công chiếu những bộ phim Mỹ.

Rạp của Trung Tâm Văn Hóa Pháp chiếu toàn phim Pháp không có phụ đề Việt ngữ, hiếm khi thấy người Việt đi xem. Mặc dù mấy ông Tây rất ghét Mỹ, nhưng đôi khi có chiếu phim Mỹ.

Rạp Cinéma Catinat – đường Nguyễn Thiệp

Rạp Catinat nằm trong con đường nối liền đường Tự Do (Đồng Khởi) sang đường Nguyễn Huệ. Đây là rạp chiếu phim thường trực đầu tiên ở Việt Nam, và tất nhiên cũng là rạp chiếu phim thường trực đầu tiên ở Đông Dương.

Rạp Catinat chỉ chiếu lại những phim các rạp lớn chiếu rồi nên giá vé rất rẻ, giá vé đồng hạng 10 đồng, rạp còn bán 1 tập 10 vé giá 80 đồng, mua nguyên tập khán giả lợi được 20 đồng. Rạp xi-nê thuộc loại ‘tí hon’ này về sau chuyển đổi thành phòng trà ca nhạc với nhiều tên như Au Chalet rồi Đêm Màu Hồng, nơi ra mắt của ban nhạc Phượng Hoàng thời kỳ trước khi nhập với ca sĩ Elvis Phương.

Ca sĩ Elvis Phuong

Trên đường Tự Do (Đồng Khởi) có hai rạp được xem là xưa nhất và đẹp nhất là Majestic và Eden.

Rạp Eden nằm trong khu thương xá mua sắm Hành lang Eden (Passage Eden) nổi tiếng. Đến rạp, khán giả có thể đi vào từ phía đường Tự Do, Lê Lợi hay Nguyễn Huệ đều được cả. Cả hai rạp đều được xây dựng rất đẹp theo kiểu kiến trúc cổ điển của các nhà hát Paris, có chia lô để phân biệt giữa hạng cao cấp với hạng bình dân. Thời gian đầu khán giả toàn người Pháp và những người bản xứ giàu có, sau đó dần dần mở rộng cho tất cả các tầng lớp khán giả. Không ai ngờ người Việt đón nhận loại hình mới mẻ này quá nồng nhiệt, đến mức chỉ chưa đến chục năm sau, khán giả đến rạp xem phim chỉ toàn người bản xứ. Chẳng mấy chốc các chủ rạp người Pháp đã phải chuyển nhượng hoàn toàn việc kinh doanh rạp chớp bóng lại cho người Việt. Rạp chớp bóng nhanh chóng trở thành ngành kinh doanh cực kỳ béo bở, và phát triển với tốc độ kinh hồn. Chỉ cần làm chủ một rạp, chỉ sau vài năm đã có thể… xây thêm một rạp khác! Mà rạp hồi đó, sức chứa ít nhất từ 700 – 1000 chỗ là chuyện bình thường.

Rạp Eden quay mặt về hướng công viên. Ảnh: Internet

Ở Sài Gòn, chỉ duy nhất rạp Eden này mới có hai balcon. Thông thường, khi xem xi-nê tại đây, ngồi balcon 1 là hay nhất vì nhìn xuống vừa tầm mắt không mỏi cổ và không bị cái đầu của người ngồi hàng ghế trước che khuất tầm nhìn. Balcon 2 của rạp Eden thì nhỏ hơn và vì quá cao nên nhìn sâu xuống màn ảnh muốn cụp cái cổ nên phần đông khán giả chẳng màng để ý đến sự hiện hữu của nó, ngoại trừ dân đào kép Sài Gòn ‘yêu nhau đi trời hôm tối rồi’ thì chiếu cố rất nhiệt liệt và gọi đó là ‘pigeonnier’ (chuồng bồ câu).Ca sĩ Pháp Dalida đã có lần xuất hiện tại rạp Eden ‘bằng xương bằng thịt’ khi cô đến Sài Gòn.

Rạp Eden sau đó trở thành một phần trở thành phòng trà Tiếng Tơ Đồng, rồi bị xóa sổ hoàn toàn để trở thành Trung tâm mua sắm Eden Mall, và nay cũng đóng cửa để xây dựng khu thương mại.

Rạp Majestic – 13, 15, 17 Đồng Khởi, quận 1.

Majestic cũng là rạp hạng sang và đẹp. Rạp này nằm sát bên khách sạn Majestic ở cuối đường Tự Do gần bến Bạch Đằng, đối tượng xem phim chủ yếu là người Pháp.

Rạp Majestic hiện nay là nhà hàng Maxim’ Nam An.

Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Nơi đây được xây thành vũ trường Maxim tầng trên và sân khấu trình diễn ca vũ nhạc kịch tầng dưới do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách. Dường như sau 1975 có thời gian thuộc quyền khai thác nhà hàng của nghệ sĩ Bảo Quốc.

Rạp REX – góc đường Lê Lợi & Nguyễn Huệ

Ngày trước, miệt Sài Gòn (các quận trung tâm TP.HCM ngày nay) có nhiều rạp hát. Sang trọng nhất là rạp Rex trên đường Nguyễn Huệ

SAIGON 1966 – Rạp REX
SAIGON 1967 – Bên ngoài Rạp REX – Photo by Ken

Hai khay dựng đứng bên trái thường là bán kẹo với thuốc lá Mỹ, hay được giao cho mấy nhóc nhỏ đi lòng vòng mấy quán bar rạp hát dụ khị bán cho lính Mỹ. Những thứ mấy nhóc này bán bao giờ cũng mắc nên hầu như người Việt không bao giờ đụng tới.

Rạp Lê Lợi – 112 Lê Thánh Tôn, quận 1.

Rạp gần chợ Bến Thành, chuyên chiếu phim cũ nhưng tuyển chọn toàn phim hay và chỉ chiếu trong 1, 2, hoặc 3 ngày rồi đổi sang chiếu phim khác. Tuy nhiên, nếu hụt xem phim nào thì khán giả cứ kiên nhẫn chờ đợi, một thời gian sau thế nào phim đó cũng sẽ được chiếu lại. Cái hay là lịch chiếu phim được niêm yết trước để khán giả có thể chọn ngày đi xem.

Saigon 1970-72 – Rạp Cinéma LÊ LỢI, 112 Lê Thánh Tôn

Rạp Lê Lợi có thể nói là rạp duy nhất ở Sài Gòn chiếu phim theo phương thức này, một ít rạp khác có bắt chước phần nào nhưng rồi cũng không theo được hoặc sau đó phải thay đổi cách làm khác. Khách hàng thường xuyên của rạp Lê Lợi là những sinh viên, học sinh vì rạp chiếu phim cũ nhưng lại hay và giá vé rất nhẹ. Thời đó, đi học ngày hai buổi nên buổi chiều nào chán hoặc lười học bọn trẻ, trai cũng như gái, rủ nhau ‘cúp cua’ đi xem xi- nê ở rạp này. Cũng chính vì rạp này có nhiều nữ sinh đến xem nên các chị em rất hay bị thả dê tại đây.

Sau 1975, rạp Lê Lợi trở thành vũ trường, bar và liên tiếp thay đổi chủ. Nay là phòng trà Không Tên.

Rạp Casino Saigon – đường Pasteur

Casino Saigon là rạp hạng nhì, thuộc loại trung bình nên giá vé nới hơn rạp hạng nhất. Ngay bên cạnh Casino Saigon có hẻm Casino nổi tiếng không kém gì rạp xi-nê Casino. Phim chiếu ở Casino có thể dở hoặc hay tùy theo sở thích của người xem nhưng có điều ghé vào hẻm Casino người ta sẽ hài lòng với các món ‘khoái khẩu’ mang hương vị đất Bắc.

SAIGON 1966 – Rạp CASINO Saigon, đường Pasteur

Chủ nhân của các quán trong hẻm Casino đa số là dân ‘Bắc kỳ di cư’ nên có những món ‘tuyệt cú mèo’ như bún chả, bún thang, bún riêu, bánh tôm và dĩ nhiên là phở… Các quán tại đây không thuộc loại sang nhưng giá tiền lại hơi đắt, có lẽ vì nằm ngay trung tâm Sài Gòn. Hẻm Casino thuở ấy rộn rã nam thanh, nữ tú ra vào suốt ngày, nhất là mỗi chiều thứ bảy, cả ngày chủ nhật, sau khi cùng dòng người “bát phố”. Bây giờ “Hẻm Casino” chỉ còn là một trong vô vàn những nơi ăn uống của thành phố đông dân nhất nước này. Hoặc bạn có thể đổi món bằng cách băng qua đường Lê Lợi để thưởng thức dĩa bò bía đi kèm với nước mía Viễn Đông thì còn gì bằng.

SAIGON 1966 – by Mikey Walters – Rạp Casino Saigon, số 59 đường Pasteur

Rạp Casino Saigon sau đổi tên là Vinh Quang. Năm 2011 bị đập bỏ và thành làng ẩm thực Vũng Tàu. Hiện tại đang là 1 công trình xây dựng cao ốc.

Rạp Vĩnh Lợi – 121 Lê Lợi, quận 1.

Đi tới ngã tư Lê Lợi và Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) là rạp Vĩnh Lợi, bên cạnh Bệnh viện Sài Gòn. Rạp Vĩnh Lợi nổi tiếng trong giới ‘bê-đê’ vì đây là nơi bạn có thể bị bất ngờ vì một bàn tay xờ xoạng của một chàng ‘gay’ ngồi ngay bên cạnh. Khoảng đầu thập niên 60, có xảy ra một vụ nổ lựu đạn trong rạp, may mắn gần Bệnh viện Sài Gòn nên các nạn nhân chỉ cần bước vài bước được cấp cứu ngay. Nếu như Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì rạp Vĩnh Lợi có quán cơm Thanh Bạch cũng nổi danh không kém.

Le Cinéma Bonard – Rạp Vĩnh Lợi đường Lê Lợi

Rạp Vĩnh Lợi chuyển thành showroom xe hơi của hãng Daewoo rồi nay thành sàn giao dịch chứng khoán. Hướng về chợ cũ, đi ngang qua các hàng bánh mì nổi tiếng để đến đường Tôn thất Đạm, bạn có thể vào xem phim bình dân ở rạp Nam Việt. Rạp nhỏ và rất nóng nực.

Đi một đoạn ngắn tới đường Công Lý (cũng góc Lê Lợi) ta thấy rạp Asam mà dân Saigon thường gọi là “Á sẩm”. Sau đó có lẽ chủ rạp thấy tên “Á sẩm” mất gốc quá nên đổi lại là Hồng Bàng cho nó đúng điệu Giao chỉ. Ném về phương diện phim ảnh và cơ sở thì rạp này “ngang cơ” với Casino Saigon. Còn về tiết mục phụ diễn ăn uống, nếu Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì Hồng Bàng có tuyệt chiêu suông Thanh Thế rất nổi tiếng trong giới có tâm hồn ăn uống.

Saigon 1970 by Mark – Rạp VĨNH LỢI, đường Lê Lợi

Rạp Hồng Bàng (còn có tên là Asam hay Á Sẩm) nằm trên góc đường Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trước là đường Công Lý). Sau 1975 cũng chịu chung số phận với rạp Nam Việt một phần vì ế ẩm, chủ sở hữu không chịu đầu tư, nâng cấp nên khán giả vào rạp xem phim hay bị nóng nực, ghế ngồi bị hư hỏng nhiều lại thêm rệp, chuột…, phần vì những rạp này nằm nơi chợ búa nên rất nhiều những khán giả là trẻ con hay nhưng người sống quang đó vào xem. Chính vì nhà gần nên việc đi xem phim không được xem trọng, những khán giả này ăn mặc xuề xòa, nói năng ồn ào thậm chí bọ trẻ còn chạy giỡn om xòm giữa và leo treo qua các hàng ghế gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến không khí xem phim của các khán giả đứng đắn khác.

Băng qua đại lộ Hàm Nghi thì có rạp Cathay trên đường Nguyễn Công Trứ.

Rạp Kim Châu – 15, 17 Nguyễn Thái Bình, quận 1.

Cách đó không xa là rạp Kim Châu trên đường Nguyễn Văn Sâm (nay là Nguyễn Thái Bình), góc Hàm Nghi, tương đối còn mới và chiếu phim cũng “xịn” lắm. Sau 1975, rạp Kim Châu còn hoạt động một thời gian, sau là sân khấu kịch của nghệ sĩ Hồng Vân, nay là nhà hát Bông Sen chuyên diễn cải lương.

Rạp Kim Châu trên đường Nguyễn Văn Sâm Quận 1 Saigon

Tiếp tục đi về hướng cầu Ông Lãnh gần chợ Dân Sinh có rạp chiếu bóng nhỏ tên là Kim Đô. Cô Kim Châu là con gái Bà Bút Trà Tô Thị Thân, chủ nhân báo SaiGònMới. Phu quân cô Kim Châu là tướng Nguyễn Vĩnh Nghi.

Rạp Đại Nam – 79 Trần Hưng Đạo, quận 1.

Phim chiếu tại Đại Nam có cả phim Tàu (Đài Loan, Hồng Kông), nổi bật nhất là Mùa Thu Lá Bay với đôi trai tài gái sắc Đặng Quang Vinh và Chân Chân. Đó là thời tiểu thuyết của nữ văn sĩ Quỳnh Giao, ăn khách không kém truyện võ hiệp hấp dẫn của Kim Dung như Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Lục đỉnh ký… (13)

Rạp này trên đường Trần Hưng Đạo gần chợ SG thường chiếu phim kiếm hiệp rất hay. Nhớ coi phim Hiệp Nữ (A Touch of Zen) với phim Tà Kiếm (Dương Quần đóng) ở đây. Những phim của nữ hoàng kiếm hiệp Trịnh Phối Phối như Hắc Hồ Điệp du nhập qua Sài Gòn đều được rạp này chiếu với phụ đề Việt ngữ nên rất đông khách. Còn coi phim Tàu trong Chợ Lớn tức anh ách là không có phụ đề, trừ phi dắt theo thằng bạn Ba Tàu nhờ nó dịch giùm. Đặc biệt ngoài cửa rạp có ông Tàu bán kẹo đậu phộng ngào đường rất là ngon.

Rạp Đại Nam nay trở thành khách sạn Đại Nam.

Rạp Long Thuận – 10 Trương Định, quận 1

Tôi cá với các bạn vào coi phim ở rạp Long Thuận (ngang ga xe lửa Saigon phía đường Lê Lai) mà dám ngồi ghế đàng hoàng. Tại sao lọa vậy? Thưa vì đó là mật khu của rệp. Hổng biết chúng theo con đường nào mà tràn ngập rạp. Từ chân ghế, mặt ghế, thành ghế đến lưng ghế, chỗ nào tụi nó cũng đóng chốt hết. Muốn an toàn thì phải ngồi chồm hổm kiểu cán ngố vào nhà hàng, mà bố ai ngồi chồm hổm trong suốt 2 tiếng đồng hồ cho nổi. Thôi thì tránh rệp không xấu mặt nào vậy.

SAIGON 1965 – Góc Trương Công Định-Lê Lai

Bìa trái hình trên là rạp Cinéma LONG THUẬN góc Trương Công Định – Nguyễn An Ninh

Mời quý vị xem tiếp phần 2: Danh sách các rạp chiếu bóng của Saigon xưa trước những năm 1975 – Phần 2

Viết một bình luận