Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (1944 – 2011) – Cánh chim đầu đàn của Ban Trầm Ca và là người sáng lập ra Phong trào Du Ca Việt Nam

Nguyễn Đức Quang là một nhạc sĩ đã có nhiều đóng góp lớn cho nền âm nhạc Việt Nam trong nhiều thập niên trước 1975. Ông là người đã góp công khai sáng Phong Trào Du Ca tại Sài Gòn năm 1966. Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang còn được biết đến qua nhiều ca khúc nổi tiếng do ông sáng tác như: Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ,  Bên Kia Sông, Chiều Qua Tuy Hòa, Về Với Mẹ Cha, Dưới Ánh Mặt Trời, Chuyện Quê Ta, Hy Vọng Đã Vươn Lên, Về Miền Gian Nan, Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương, … Âm nhạc của ông gắn liền với xã hội, con người, quê hương và đất nước. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận định: “Nếu Lê Uyên Phương viết bằng da thịt thì Nguyễn Đức Quang viết bằng lý tưởng.”

Nguyễn Đức Quang sinh ngày 11 tháng 2 năm 1944 tại Sơn Tây trong một gia đình có 6 anh chị em (ba trai, ba gái), ông là con trai thứ.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

Tháng 4 năm 1954, cha ông lúc này là một viên chức trong ngành giáo dục, được điều động vào Sài Gòn. Vì thế khi mới 10 tuổi, Nguyễn Đức Quang đã theo cha mẹ vào Nam sinh sống. Sau hiệp định Genève, gia đình ông bị chia cắt làm 2 nơi, ông và người em trai út sống tại miền Nam cùng với cha mẹ còn người anh cả cùng ba cô chị gái thì ở lại miền Bắc.

Năm 1959, cha của Nguyễn Đức Quang được điều động lên công tác tại Ty Tiểu học Đà Lạt. Và cha mẹ ông đã quyết định chọn nơi này làm nơi sinh sống lâu dài nên đã mua lại căn nhà số 33 đường Calmette (nay là đường Phạm Ngọc Thạch). Chính thành phố mộng mơ này là nơi Nguyễn Đức Quang đã sống một thời nhiệt huyết tuổi trẻ và cũng là nơi in đậm dấu ấn kỷ niệm trong ông, là nguồn cảm hứng để ông viết nên những bản tình ca sau này.

Tại Đà Lạt, sau hai năm theo học tại Trường Bồ Đề, kể từ năm đệ tam Nguyễn Đức Quang vào học trường Trung học Trần Hưng Đạo. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Tú tài II, ông theo học tại Viện Đại học Ðà Lạt, đến năm 1968 thì tốt nghiệp khóa 1 Chính trị Kinh doanh.

Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang Sinh Hoạt Với Học Sinh Kiểu Mẫu Thủ Đức

Từ thuở thiếu niên, Nguyễn Đức Quang đã tích cực tham gia các sinh hoạt đoàn thể, nhất là phong trào Hướng đạo. Năm 1964, ông đảm nhiệm chức Bầy trưởng Bầy Ngàn Thông của Đạo Lâm Viên. Và tinh thần Hướng đạo ấy đã được ông giữ mãi trong suốt cuộc đời, thể hiện qua nhiều sáng tác âm nhạc cũng như các hoạt động khác của ông.

Ngay khi còn trẻ, Nguyễn Đức Quang đã đam mê âm nhạc và thể hiện năng khiếu của mình qua các sáng tác. Nhưng khác với các nhạc sĩ đương thời khác thường bắt đầu quá trình sáng tác âm nhạc của mình bằng các bản tình ca thì ông lại viết ca khúc đầu tay của mình là một bài hát dành cho Hướng đạo có tên là “Gươm thiêng hào kiệt” vào năm 1961.

Trong những năm 1963-1964, khi những biến cố chính trị dồn dập xảy ra tại miền Nam, Nguyễn Đức Quang đã bắt đầu chuyển hướng sang sáng tác các ca khúc có chủ đề “Tuổi trẻ, Quê hương và Dân tộc”. Những suy tư của cả một thế hệ thanh niên được sinh ra và lớn lên trong thời chiến, những ưu tư đối với vận mệnh của cả dân tộc, sứ mệnh của những người thanh niên yêu nước được chất chứa trong hàng loạt bài hát về sau được gọi là Trầm ca (những bài hát trầm tư) và ca khúc tiêu biểu cho thể loại này là bài “Nỗi buồn nhược tiểu”.

Giai đoạn 1964-1965, khi phong trào công tác xã hội phát triển mạnh mẽ ở miền Nam, Nguyễn Đức Quang cùng với các bạn cùng chí hướng tham gia các hoạt động xã hội như: làm công tác xã hội, cứu trợ nạn nhân bão lụt, nạn nhân chiến tranh, … Lúc này những bài hát của ông bắt đầu được phổ biến trong các trại công tác xã hội, trong các đoàn thể thanh thiếu niên như Hướng đạo, Gia đình Phật tử, Thanh sinh công,… đáng chú ý nhất là trong Chương trình Công tác hè năm 1965.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

Giữa năm 1965, Nguyễn Đức Quang cùng với một số bạn đồng môn là cựu học sinh trường Trần Hưng Đạo gồm Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Quốc Văn, Hoàng Thái Lĩnh  thành lập một ban nhạc. Chỉ đơn giản với một cây đàn ghi-ta thùng và những giọng hát không chuyên nghiệp của những sinh viên gốc Đà Lạt, ban nhạc này đã nhanh chóng chinh phục được nhiều người hâm mộ. Với phong cách biểu diễn hoàn toàn mới mẻ, người đến tham dự không chỉ để nghe hát và vỗ tay hoan hô mà cùng hát với những người trên sân khấu, vì thế ban nhạc đi đến đâu là được đón nhận nồng nhiệt đến đó.

Tháng 12 năm 1965, ban nhạc của Nguyễn Đức Quang trở về thành phố Đà Lạt. Đêm 19 tháng 12 năm 1965, ban nhạc này đã chính thức ra mắt tại giảng đường Spellman – Viện Đại học Đà Lạt. Trong đêm diễn còn có sự tham gia của nhạc sĩ Phạm Duy với những bài “tâm ca” vừa mới sáng tác. Đêm 20 tháng 12, ban nhạc trình diễn tại giảng đường Thụ Nhân và lần này có sự tham gia của Phương Oanh (một trong những ca sĩ hát dân ca tài năng nhất của miền Nam thời đó). Sau lần trình diễn chung, ca sĩ Phương Oanh đã gia nhập ban nhạc và trở thành giọng ca nữ duy nhất của ban nhạc. Cũng sau hoạt động biểu diễn, ban nhạc lấy tên là Trầm Ca, cho nên ngày 19 tháng 12 năm 1965 có thể được xem là ngày ra đời của Ban Trầm Ca và cũng là sự khởi đầu của Phong trào Du Ca về sau này.

Ban Trầm Ca vào thời gian ấy hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết, Nguyễn Đức Quang kể lại: “Chúng tôi làm việc như điên cuồng, sáng tác, tập tành, đi trình diễn, đi huấn luyện. Chúng tôi không còn biết đến một điều gì khác ở cái tuổi 20 lúc đó. Tôi không hiểu nhóm tôi sống bằng cách gì. Hễ có nơi nào “ới một tiếng”, là chúng tôi khăn gói lên đường. Về phương tiện di chuyển thì nơi nào ới, nơi đó chịu trách nhiệm. Còn ăn uống thế nào cũng xong, ngủ nghê chỗ nào mà chả được”.

Click để nghe Hợp ca bài hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

Đầu năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy cùng với Ban Trầm Ca đi lưu diễn ở một số tỉnh thành miền Nam. Cuối năm 1966, Phong trào Du ca Việt Nam được chính thức thành lập như một “tổ chức thanh niên tự nguyện” với mục đích giáo dục thế hệ trẻ thông qua các hoạt động sinh hoạt văn nghệ và cộng đồng.

Năm 1967, Phong trào Du Ca tổ chức Đại hội lần đầu tiên tại Sài Gòn. Tổ chức thanh niên mới mẻ này đã phát triển rộng trên khắp các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam cho đến tận tháng 4 năm 1975 mới ngưng hoạt động.

Phong trào Du ca Việt Nam bao gồm nhiều bộ phận, trong đó phần sáng tác âm nhạc được giao cho “Xưởng Du ca”, do Trưởng Xưởng Du Ca phụ trách. Trong đó, Nguyễn Đức Quang nắm vai trò là Trưởng Xưởng Du Ca đầu tiên kể từ năm 1966 cho đến khi giao lại trách nhiệm cho nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu (tức Trần Tú) vào năm 1972.

Nói về dòng nhạc của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang chia sẻ:

“Các bạn trong nhóm tôi không có ai sáng tác, chỉ có mình tôi làm nhạc, hát cho các bạn tôi nghe. Tôi không đi vào những con đường cũ của các nhạc sĩ đàn anh.

Hầu hết những người làm thơ, viết nhạc đầu đời là những bài thơ tình, nhạc tình, và sống mãi với dòng nhạc đó. Phần tôi, sau những ngày tập tễnh với nhạc tình trẻ con, tôi quay hẳn sang một hướng khác không có mấy người làm. Nhạc của tôi sau này người ta gọi là nhạc cộng đồng, nhạc sinh hoạt, hay là một loại nhạc nào đó, một thứ tình cảm khác, một thứ tình cảm không phải chỉ dành cho hai người đang yêu nhau, mà là một thứ tình cảm thiết tha nói lên cái liên hệ giữa vùng đất và con người.”

Nguyễn Đức Quang hoạt động văn nghệ mạnh mẽ cho đến lúc sự kiện lịch sử năm 1975 xảy ra thì ông ngừng, do có thời gian phục vụ trong quân đội VNCH, mặc dù đã được biệt phái về ngành ngân hàng, nhưng ông vẫn phải trải qua một thời gian “học tập cải tạo” khoảng 3 năm.

Đến năm 1979, sau khi từ trại học tập cải tạo trở về, Nguyễn Đức Quang cùng vợ con rời Việt Nam sang tị nạn tại Hoa Kỳ. Rồi sau khi định cư tại Little Saigon – California, cuộc sống đã ổn định, Nguyễn Đức Quang lại tiếp tục hoạt động trong ngành truyền thông. Từ năm 1984-1988, ông từng là Giám đốc trị sự, Chủ bút và Tổng giám đốc của Báo Người Việt – tờ nhật báo nổi tiếng nhất của người Việt hải ngoại phát hành tại California – Hoa Kỳ.

Thời gian sau đó, Nguyễn Đức Quang sáng lập nên nhật báo Viễn Đông. Sau khi rời báo Viễn Đông, ông cộng tác với một số bạn bè lập công ty truyền thông và làm một số tờ báo khác. Trong những năm thập niên sau này, ông đã tìm cách để nối lại “vòng tay thân ái” giữa những thanh niên Mỹ gốc Việt với thanh niên trong nước thông qua các trại hè do Project Vietnam Foundation tổ chức.

Trong những năm cuối đời, Nguyễn Đức Quang trở lại với niềm đam mê âm nhạc, ông sáng tác ca khúc và gắn bó với hoạt động của Phong trào Du ca Việt Nam. Ngoài hoạt động sáng tác ca khúc mới, ông còn đi lưu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, từ Bắc Mỹ cho đến châu Úc, châu Âu.

Tháng 2 năm 2010, Nguyễn Đức Quang về Việt Nam và ăn tết tại quê hương. Trong chuyến hồi hương này, ông đã đi nhiều nơi, thăm lại những nơi chốn cũ, những ký ức mà không thể nào phai nhoà trong ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

Tháng 9 năm 2010, sau chuyến đi châu Âu, Nguyễn Đức Quang trở lại Hoa Kỳ để chuẩn bị cho những buổi trình diễn nhạc du ca. Nhưng trong quá trình tích cực chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt âm nhạc dự kiến tổ chức vào tháng 2 năm 2011 thì ông bất ngờ bị đột quỵ vì tai biến mạch máu não. Ngày 11 tháng 2 năm 2011, ông được đưa vào bệnh viện và một tháng rưỡi sau đó, ông đã ra đi vĩnh viễn vào 4 giờ sáng ngày 27 tháng 3 năm 2011 (giờ California – Hoa Kỳ) hưởng thọ 68 tuổi (tính theo âm lịch). Ngay buổi chiều hôm đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã được Hội đồng Trung ương Hướng Ðạo Việt Nam truy tặng Bắc Đẩu Huân Chương, huy chương cao quý nhất của phong trào Hướng Ðạo Việt Nam dành cho ông, người có công gìn giữ và xây dựng một phương pháp giáo dục thanh thiếu niên.

Có thể nói Nguyễn Đức Quang là con chim đầu đàn của Phong trào Du ca, ông đã để lại cho chúng ta một di sản âm nhạc phong phú thuộc nhiều thể loại, từ tình ca cho đến các bài hát sinh hoạt cộng đồng, tình tự dân tộc, lòng yêu quê hương, những suy tư của người dân một nước nhỏ muốn vươn lên để làm thay đổi số phận của dân tộc mình. Trong số các bài hát do ông sáng tác, nhiều bài hát đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều thế hệ thanh niên. Cuối năm 2007, ca khúc “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang được các thanh niên sinh viên học sinh yêu nước hát lên trong dịp tổ chức biểu tình để phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa.

Thoixua biên soạn

(Nguồn tham khảo từ bài viết của Mai Thái Lĩnh)

Viết một bình luận