Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Trịnh – Người nhạc sĩ nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn trong nền Tân Nhạc Việt Nam

Trần Trịnh được người yêu nhạc biết đến là một nhạc sĩ nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn tại miền Nam trước năm 1975 và ở hải ngoại sau năm 1975. Tuy số lượng sáng tác của cố nhạc sĩ không nhiều nhưng các nhạc phẩm của ông đều thành công và tạo được ảnh hưởng lớn đối với người nghe như: Biệt Khúc, Lệ Đá (Hà Huyền Chi viết lời), Nhớ Về Một Mùa Xuân, Tiếng Hát Nửa Vời,… Ngoài các sáng tác của riêng mình, nhạc sĩ Trần Trịnh còn hợp tác thường xuyên với nhạc sĩ Nhật Ngân và lấy nghệ danh Trịnh Lâm Ngân. Hai nhạc sĩ đã cộng tác và cho ra đời nhiều ca khúc bất hủ như: Xuân Này Con Không Về, Qua Cơn Mê, Mùa Xuân Của Mẹ, Một Mai Gĩa Từ Vũ Khí, Hồn Trinh Nữ, Yêu Một Mình, Lính Xa Nhà,….

Trần Trịnh tên thật là Trần Văn Lượng, ông sinh năm 1937 tại Thái Lan nhưng lớn lên ở Hà Nội. Cha của Trần Trịnh là một nhân viên của tòa đại sứ Pháp, mẹ ông là một người phụ nữ Lào.

Năm 1946, tức năm Trần Trịnh được 9 tuổi ông theo gia đình vào Sài Gòn và theo học Trường Trung học Lasan Taberd ở đường Nguyễn Du nay là Trường Trần Đại Nghĩa. Khi học ở Tabert, ông rất ngưỡng mộ thầy dạy nhạc Rémi Trịnh Văn Phước, nên khi bắt đầu sáng tác nhạc, ông đã lấy họ của mình ghép với họ của thầy để tạo thành bút danh Trần Trịnh.

Năm 14 tuổi, Trần Trịnh bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tiên mang tên “Cung đàn muôn điệu” nhưng lúc này ông mới chỉ viết nhạc, 3 năm sau mới hoàn tất xong phần lời. Sau khi ca khúc được hoàn thành đã được nhiều ca sĩ hát và được nhà xuất bản An Phú phát hành vào năm 1954. Sau đó, ca khúc “Cung đàn muôn điệu” còn được sử dụng làm nhạc chuyển mục trong một chương trình tân nhạc cùng với một sáng tác khác của ông là bài “Chuyến xe về Nam” được phát hành năm 1955.

Nhạc sĩ Trần Trịnh

Năm 1955, sau khi đậu Tú Tài 2, Trần Trịnh được gia đình gửi lên Đà Lạt để ông vừa học vừa làm tại Nha Kiến Trúc Đà Lạt.

Năm 1957, Trần Trịnh thi hành nghĩa vụ quân dịch tại Trung Tâm huấn luyện Quang Trung. Để đánh dấu cho việc này, ông viết bài “Đôi Mươi”, ca khúc đã được ca sĩ Anh Ngọc trình bày lần đầu tiên. Tại đây, Trần Trịnh đã phục vụ 2 tháng ở liên đoàn A, 2 tháng ở liên đoàn B rồi sau đó ông vào phục vụ trong ban văn nghệ Trung tâm huấn luyện Quang Trung cho đến lúc về. Cũng trong thời gian này, Trần Trịnh đã phổ nhạc cho bài thơ Hai Sắc Hoa Ti – Gôn.

Trần Trịnh đã phục vụ 2 tháng ở liên đoàn A và 2 tháng ở liên đoàn B và sau đó vào phục vụ trong ban văn nghệ Trung Tâm huấn luyện Quang Trung cho đến khi về. Trong thời gian đó, ông đã phổ nhạc cho bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-Gôn.

Năm 1958, sau khi rời quân ngũ, Trần Trịnh trở lại Sài Gòn và theo học hoàn toàn về nhạc với thầy Rémi Trịnh Văn Phước. Những buổi tối, Trần Trịnh thường tới các phòng trà và vũ trường để biểu diễn Piano. Bên cạnh đó, ông còn tham gia ban Văn nghệ của Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Tại đây, Trần Trịnh đã gặp Nhật Ngân. Hai người đã cùng nhau viết rất nhiều ca khúc nhạc vàng nổi tiếng với bút danh chung là Trịnh Lâm Ngân. Những ca khúc nổi tiếng nhất của Trịnh Lâm Ngân phải kể đến là: Xuân Này Con Không Về, Hồn Trinh Nữ, Lính Xa Nhà, Lửa Mùa Hạ, Người Tình Và Quê Hương, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Yêu Một Mình…

Nhạc sĩ Trần Trịnh

Cũng trong năm 1958, Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng ban đại hòa tấu và hợp xướng Đống Đa trên đài truyền hình THVN.

Năm 1963, Trần Trịnh và Nhật Ngân tham gia vào đoàn Tân Dân Nam của bà Túy Hoa và đi biểu diễn ở tỉnh lỵ Bình Long. Tại đây, Trần Trịnh phát hiện ra giọng hát của một cô nữ sinh trẻ làm lay động lòng người, nhưng lúc đó mới chỉ là viên ngọc thô cần được rèn giũa thêm – đó chính là Thu Cúc người sau này trở thành ca sĩ nổi tiếng Mai Lệ Huyền. Thế là Trần Trịnh đã mời Thu Cúc về Sài Gòn để có thể hướng dẫn thêm cho cô và để cô được thuận tiện theo nghiệp hát. Tại Sài Gòn, Mai Lệ Huyền trở thành học trò của nhạc sĩ Trần Trịnh, Nhật Ngân, Đinh Việt Lang và nhà thơ Vạn Thuyết Linh.

Thời gian đầu sau khi đi hát, Mai Lệ Huyền không hát nhạc Việt mà chỉ hát nhạc ngoại trong các club Mỹ nhưng sau khi nhận thấy giọng hát của Mai Lệ Huyền phù hợp với thể loại nhạc tươi vui nên Trần Trịnh và Nhật Ngân đã sáng tác một số bài hát để cô có thể trình bày cùng với ca sĩ Hùng Cường như: Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng,…

Năm 1964, Trần Trịnh kết hôn cùng với Mai Lệ Huyền, họ có với nhau một cô con gái tên là Lệ Trinh.

Năm 1968, Trần Trịnh gặp nhà thơ Hà Huyền Chi, cô đã nhận viết lời cho một nhạc phẩm của Trần Trịnh mang tên “Lệ Đá”. Sau khi ca khúc được phát hành lập tức được mọi người yêu thích và có số bản nhạc in phá kỉ lục.

Năm 1971, đạo diễn Võ Doãn Châu đã lấy tên “Lệ Đá” đặt cho cuốn phim mà ông thực hiện, trong đó nhạc nền là ca khúc “Lệ Đá” do ca sĩ Khánh Ly trình bày.

https://www.youtube.com/watch?v=0243MYOeleE

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

Sau năm 1975, Trần Trịnh vẫn ở Sài Gòn nhưng ông không viết nhạc nữa mà chỉ cộng tác với các đoàn hát cải lương hay gánh xiếc. Ban đầu, Trần Trịnh cộng tác với đoàn cải lương Cửu Long cùng với tay trống Phùng Trọng và một số nhạc sĩ khác. Sau năm 1975, ông cộng tác đánh Piano cho rất nhiều đoàn hát và đi lưu diễn ở nhiều nơi trong nước.

Đến năm 1982, khi các phòng trà được phép hoạt động trở lại, Trần Trịnh quay lại Sài Gòn làm nhạc trưởng tại phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn.

Cộng tác với phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn được 10 năm thì Trần Trịnh chuyển sang phụ trách ban nhạc cho vũ trường Maxim’s vào năm 1991. Năm 1994, ông xin nghỉ khi bị tai nạn xe máy và bị thương nặng ở chân. Cũng vì tai nạn này mà kể từ đó cho đến cuối đời, Trần Trịnh luôn phải dùng gậy khi đi đứng.

Sau khi tịnh dưỡng đến tháng 10 năm 1995, Trần Trịnh cùng với vợ sau và hai con qua Hoa Kỳ theo sự bảo lãnh của chị ruột ông.

Đầu năm 1996, gia đình Trần Trịnh chuyển từ San Fransico về Orange Country để có nhiều cơ hội cho hoạt động âm nhạc hơn, vì ở đây có cộng đồng người Mỹ gốc Việt và được xem là thủ đô của ca nhạc Việt Nam hải ngoại. Tại đây Trần Trịnh nhận làm hòa âm cho một số trung tâm băng nhạc và chơi nhạc tại một vài phòng trà của người Việt.

Năm 2002, Trần Trịnh được Trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 66 giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của ông cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân và Ngô Thụy Miên.

Nhạc sĩ Trần Trịnh

Về sau, Trần Trịnh chỉ tham gia “The Stars Band” là ban nhạc do Bác sĩ Phạm Gia Cổn thành lập và làm trưởng ban, trình diễn trong những sinh hoạt mang tính cộng đồng.

Ngày 10 tháng 10 năm 2012, nhạc sĩ Trần Trịnh qua đời tại California, ông hưởng thọ 75 tuổi. Tuy người nhạc sĩ tài hoa đã ra đi mãi mãi nhưng những nhạc phẩm của ông cũng như của Trịnh Lâm Ngân vẫn sẽ đọng lại trong lòng mỗi người quý mến ông và sẽ luôn ghi nhớ những đóng góp đáng kể của ông cho nền tân nhạc Việt Nam.

Viết một bình luận