Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sư Nghiêm Phú Phi – Một trong những nhạc sĩ hoà âm nổi tiếng nhất trước năm 1975.

Nghiêm Phú Phi được biết đến là một trong những nhạc sĩ hoà âm nổi tiếng nhất Việt Nam trước năm 1975. Nhạc sư Nghiêm Phú Phi là một tài năng âm nhạc hiếm có, ông đã để lại cho đời những sáng tác hòa tấu khúc như “Divertimento 1”, “Divertimento 2”, “Apollo”, kết hợp dàn nhạc tây phương với nhạc cụ dân tộc trên nền nhạc ngũ cung qua những sáng tác như “Fantasia 1”, “Fantasia 2”. Bên cạnh đó, ông cũng là người đã soạn hòa âm cho những nhạc phẩm giá trị như “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương, “Trường ca Con Đường Cái Quan” và “Mẹ Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy, hoặc “Hội Trùng Dương” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Đặc biệt, bài “Nửa Đêm Ngoài Phố” của nhạc sĩ Trúc Phương do ông hoà âm đã góp phần đem đến tên tuổi cho người nhạc sĩ tài ba này và tên tuổi ca sĩ hát bài ấy là Thanh Thuý cũng được đưa lên theo. Nhiều ca, nhạc sĩ trước 1975 như Nhật Trường, Trầm Tử Thiêng, Hoàng Oanh… cũng nhờ đến sự giúp sức hoà âm của Nghiêm Phú Phi và Lê Văn Thiện mỗi khi muốn lăng-xê bài hát mới của họ.

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi

Ngoài ra, Nghiêm Phú Phi là người duy nhất được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tin cậy mời soạn nhạc cho các chương trình lưu diễn trong và ngoài nước theo sự ủy nhiệm của Bộ Văn hóa Việt Nam Cộng Hoà thời bấy giờ. Nhiều hãng đĩa, băng nhạc trước 1975 trong nước và cả sau này ở hải ngoại đều xem nhạc sư Nghiêm Phú Phi và Lê Văn Thiện như là “linh hồn hoà âm” không thể thiếu cho các tác phẩm âm nhạc.

Nghiêm Phú Phi sinh ngày 9 tháng 7 năm 1930 tại Sài Gòn. Cha mẹ ông là người thuộc tỉnh Hà Đông, vào Nam lập nghiệp từ cuối thập niên 20. Gia đình ông gồm cha mẹ, 2 người em trai và 4 người em gái đều nói tiếng Bắc nhưng ông lại nói rặt giọng miền Nam do giao du với rất nhiều người bạn miền Nam. Sau này ông và 2 người em trai của mình đều đi theo con đường nghệ thuật, 2 người em trai của ông là nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát và Nghiêm Phú Phúc.

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi

Từ nhỏ, Nghiêm Phú Phi đã theo cha mẹ về Bà Rịa ở cho đến khi học xong tiểu học mới trở lại Sài Gòn và học tiếp bậc trung học tại trường Pétrus Ký.

Một người trong gia quyến của Nghiêm Phú Phi là giáo sư Nguyễn Văn An nhận thấy ông có năng khiếu âm nhạc từ khi còn rất nhỏ nên đã hướng dẫn về nhạc lý căn bản và chỉ dẫn sử dụng đàn guitar và mandoline. Nhưng Nghiêm Phú Phi lúc bấy giờ lại tỏ ra không mấy yêu thích hai loại nhạc khí này mà lại tỏ ra gắn bó với cây đàn phiano mà ông mò mẫm tự học từ trước khi được giới thiệu theo học piano cổ điển nơi nhạc sư Võ Đức Thu – một tay dương cầm khét tiếng vào thời ấy.

Năm 15 tuổi, khi còn đang theo học tại trường Pétrus Ký, Nghiêm Phú Phi đã bắt đầu đi làm kiếm tiền vào ban đêm trong vai trò là một nghệ sĩ đàn Piano. Nơi ông đàn là một quán cà phê nhỏ trên đường Lagrandiere ( là đường Gia Long sau đó và bây giờ là đường Lý Tự Trọng). Cùng làm với ông tại đây có quái kiệt Trần Văn Trạch – lúc đó vẫn chưa nổi tiếng. Ngoài ra, còn có nhạc sĩ sử dụng Hạ Uy Cầm là Lê Ngác, trình diễn tại một nơi thường xuyên lui tới của những khách hàng phần lớn là người Pháp.

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi

Một thời gian sau vẫn với tiếng Piano quen thuộc, Nghiêm Phú Phi mở rộng tầm hoạt động của mình bằng cách sinh hoạt trong các vũ trường Sài Gòn, Chợ Lớn, ĐaKao. Cuộc sống của ông ngày càng gắn liền với những phím dương cầm, từ đó niềm mơ ước tiến xa hơn trong lãnh vực âm nhạc trong ông cũng ngày càng lớn dần.

Nhận thấy người con trai cả có ý muốn theo đuổi con đường nghệ thuật nên gia đình Nghiêm Phú Phi đã cho ông sang Pháp để thi vào Viện Âm Nhạc Pháp ở Paris. Kết quả là ông thi đậu và đã tốt nghiệp ưu hạng về hoà âm vào năm 1954. Trong thời gian theo học nhạc tại Pháp, ông có soạn nhạc cho cuốn phim Việt Nam tựa đề là “Một Trang Nhật Ký”.

Nghiêm Phú Phi ở lại Paris cho đến năm 1958 mới trở về Sài Gòn và bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực sáng tác về nhạc giao hưởng. Công trình quan trọng nhất của ông là cho ra đời những bài giao hưởng, trong đó ông đã đưa vào âm thanh của một số nhạc khí cổ truyền của Việt Nam là đàn bầu, đàn tranh và đàn nhị.

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi

Tại Sài Gòn, Nghiêm Phú Phi tham gia tích cực các hoạt động trong lãnh vực chuyên môn của mình, từ dạy đàn piano, đàn trong phòng trà và các club Mỹ, đến đàn và điều khiển ban nhạc trong các đài phát thanh, truyền hình; đệm piano cho chương trình ngâm thơ; soạn nhạc cho các bộ phim,…

Năm 1960, Nghiêm Phú Phi cho ra đời bản hoà tấu mang tựa là “Divertimento I”, trong đó có sự phối hợp các nhạc khí dân tộc cổ truyền với dàn nhạc giao hưởng Tây Phương, từng được trình diễn nhiều lần trước một số đông khán giả ngoại quốc ở Sài Gòn. Và có một buổi trình diễn do chính phủ tổ chức, do chính Nghiêm Phú Phi điều khiển dàn nhạc mà qua đó có một nhạc sĩ người Úc là một thành viên của một cơ quan văn hoá của quốc gia này mong muốn được mang về nước phổ biến. Ngoài ra, còn có một lần “Divertimento I” được trình diễn tại rạp Đại Nam do Nghiêm Phú Phi chơi Piano và một nhạc trưởng nổi danh người Đức điều khiển ban nhạc. Sau lần đó người phê bình âm nhạc Pháp viết cho báo Jornal d’Etreme Orient đã mong muốn có thể phổ biến công trình sáng tác độc đáo này tại Paris.

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi

Tuy nhiên, không như những sáng tác về tân nhạc là những ca khúc rất được phổ biến trong quần chúng, những công trình về nhạc giao hưởng của Nghiêm Phú Phi được rất ít người quan tâm đến. Do đó, ông cũng không mấy thiết tha trong việc phổ biến những công trình sáng tác của mình. Ngoài ra, giá trị những sáng tác của ông chỉ có những người trong nghề mới thấu hiểu và tâm đắc được với những gì ông đã thực hiện bằng tất cả tâm huyết của một người nghệ sĩ sống hết mình với âm nhạc.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một trong số ít người cảm phục tài năng của nhạc sư Nghiêm Phú Phi. Trong những chuyến lưu diễn của Đoàn Văn Nghệ Việt Nam do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ hướng dẫn tại nhiều quốc gia trên thế giới, vai trò trưởng ban nhạc của Nghiêm Phú Phi đã góp phần vào sự thành công của đoàn này trước con mắt thán phục của những nghệ sĩ quốc tế. Nhất là những tiết mục trình tấu nhạc giao hưởng với sự kết hợp giữa đàn bầu, đàn tranh và đàn nhị. Nhận thấy tài năng đặc biệt của Nghiêm Phú Phi nên nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã liên tục yêu cầu ông sáng tác thêm nhiều bài giao hưởng khác với âm thanh của những nhạc khí dân tộc.

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi

Ngoài nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, tài nghệ của Nghiêm Phú Phú cũng rất được Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị quan tâm nên đã đặt ông sáng tác một số tấu khúc giao hưởng. Đó cũng là nguyên nhân bản “Divertimento II” được ra đời vào năm 1965. Đồng thời, Nghiêm Phú Phi còn nhận sáng tác cho đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do, ông đã viết nhiều tấu khúc cho đài này trong số đó được coi là giá trị nhất là “Suite I” viết vào năm 1970 và “Suite II” viết vào năm 1971.

Bên cạnh đó, Nghiêm Phú Phi còn là tác giả của những hợp tấu khúc giá trị khác như: Apollo 14 (viết năm 1971). Năm 1974, ông hoàn tất bài giao hưởng mang tên “Fantasia I” với nhiều âm thanh mới lạ, đến năm 1993 ông lại hoàn thành sáng tác “Fantasia II”.

Từ năm 1965 trở đi ông khá bận rộn với các công việc hàng ngày trong vai trò Phó Giám Đốc (1965 đến 1970) và Giám Đốc (1970 – 1975) trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn – là nơi tốt nghiệp của rất nhiều nhạc sĩ nổi danh của nền âm nhạc Việt Nam. Giai đoạn này có thể được xem là thời kì đỉnh cao sự nghiệp của Nghiêm Phú Phi, như ông nói: “Trước năm 75, tôi làm việc một ngày 12 tiếng, một tuần lễ 7 ngày. Không có thì giờ ngồi không chơi. Vì vậy phải thức đêm, bỏ ngủ để làm những cái gì ngoài sinh họat bình thường”.

Và đương nhiên, khi nhắc đến Nghiêm Phú Phi không thể không nhắc đến nghệ thuật hoà âm của ông. Trong những thập niên 60, 70 ở Việt Nam, rất ít người biết đến những người nghệ sĩ hoà âm, tuy nhiên người hoà âm lại giữ một vai trò rất quan trọng trong vấn đề thành công của một nhạc phẩm khi trình diễn trước công chúng.

Ít ai biết được rằng những bài trường ca giá trị của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, phần lớn được giao cho Nghiêm Phú Phi viết hoà âm như trường ca “Ngày Trọng Đại” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ dưới nghệ thuật hoà âm của Nghiêm Phú Phi đã trở thành nhạc phẩm có giá trị hơn hẳn với những nét chấm phá độc đáo.

Các trường ca nổi tiếng khác của Việt Nam như “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương, “Mẹ Việt Nam” và “Con đường cái quan” của nhạc sĩ Phạm Duy, “Hội trùng dương” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương,…  cũng là do Nghiêm Phú Phi hòa âm khiến các bản trường ca này thêm phần đặc sắc và nổi bật.

Nghiêm Phú Phi được xem là nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất của miền Nam, và ông cũng là người hòa âm nhiều nhất cho các dĩa nhạc thu âm trước 1975. Không chỉ thể hiện tài năng ở các ca khúc nhạc tiền chiến, thính phòng, ông còn hòa âm rất nhiều ca khúc nhạc vàng, như bài “Nửa Đêm Ngoài Phố” của nhạc sĩ Trúc Phương hay “Nửa Hồn Thương Đau” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhờ vào cách hoà âm tài tình của Nghiêm Phú Phi đã đưa ca khúc đến với người nghe một cách trọn vẹn nhất. Ngay cả các trường hợp như Nhật Trường, Hoàng Oanh, Trầm Tử Thiêng,… khi mới viết nhạc cũng đã nhờ Nghiêm Phú Phi hoà âm cho các bản nhạc của mình.

Sau sự kiện lịch sử tháng 4 năm 1975, gia đình Nghiêm Phú Phi bị kẹt lại ở Việt Nam. Thời gian đầu, ông mở lớp dạy piano để mưu sinh ở 2 địa điểm là tại nhà thờ Huyện Sĩ và tại tư gia trong hẻm số 75 đường Phạm Đăng Hưng, Đa Kao. Nhưng những năm đầu tiên học trò theo học rất ít nên gia đình ông cũng khá khó khăn, chật vật. Sau đó vài năm thì số người theo học piano ngày càng nhiều nhờ tiếng tăm của ông trước đó nên đời sống gia đình ông có phần dễ thở hơn trước. Bên cạnh đó, ông và người vợ sau là bà Nguyễn Ngọc Sương cùng 2 người con gái của họ là Phi Yến và Phi Oanh cũng bắt đầu được người con riêng của bà Sương là Khu Đức Hưng ở Arthur, Texas tiến hành làm thủ tục bảo lãnh sang đó.

Nhạc Sư Nghiêm Phú Phi & Nhạc Phẩm Nắng Chiều Của Lê Trọng Nguyễn

Năm 1985, vợ chồng Nghiêm Phú Phi đặt chân lên Port Arthur, họ cư ngụ tại đây khoảng 3 tháng rồi sau đó về ở tại Orange Coutry, nam California. Sau khi đã ổn định cuộc sống, ông bắt đầu mở lớp dạy nhạc trên đường Bolsa, thành phố Westminter, thu hút được rất nhiều học viên theo học.

Cuộc sống của Nghiêm Phú Phi từ ngày sang Mỹ cho đến khi ông qua đời đã cho thấy ông không còn hăng say hoạt động nghệ thuật như trước kia, ngoài công việc hàng ngày là hướng dẫn những thế hệ tiếp nối đi theo con đường âm nhạc.

Sáng sớm ngày 16 tháng 1 năm 2008, nhạc sư Nghiêm Phú Phi đã ra đi mãi mãi để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho những người thân quen, bạn bè nghệ sĩ và cùng nhiều người mến mộ tài năng của ông, khép lại cuộc đời của một người tài hoa được nhiều người kính trọng.

Thoixua biên soạn

Nguồn tham khảo từ bài viết của Trường Kỳ

Viết một bình luận