Cuộc đời và sự nghiệp của Minh Hiếu – Nữ ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng với chất giọng khàn đục trời phú.

Minh Hiếu là một nữ ca sĩ của dòng nhạc vàng nổi tiếng trước năm 1975, cô được trời phú cho giọng hát khàn đục, khá đặc biệt nên những ai đã từng nghe cô hát có lẽ sẽ không bao giờ quên được chất giọng ấy, nó không lẫn vào đâu được. Ngoài ra cô còn nổi tiếng bởi câu chuyện tình cảm của mình với người chồng là Trung tướng Nguyễn Phước Vĩnh Lộc, một câu chuyện tình tốn không ít giấy mực của giới báo chí.

Minh Hiếu tên thật là Nguyễn Thị Minh Hiếu, cô sinh năm 1942 ( có nguồn ghi cô tên thật là Đỗ Thị Lài sinh khoảng năm 1936, tuy nhiên hiện tại chưa có thông tin khẳng định chính xác) trong một gia đình nghèo tại miền Nam Việt Nam. Cha cô là một chủ tiệm hớt tóc tại Bình Long, ở dốc chợ cũ, gần ngã 3 Quản Lợi. Ông là một người thích âm nhạc và ưa ca hát, nên có lẽ cái sở thích đó đã truyền sang và ngấm vào người cô con gái nhỏ Minh Hiếu từ sớm. Cứ vào chiều tối, sau khi đã xong hoạt động cắt tóc hàng ngày, ông đã biến tiệm cắt tóc nhỏ của mình thành một nơi giao lưu văn nghệ với những người bạn và khách cắt tóc thường hay đến. Tại đây, mọi người sẽ cùng nhau ca hát và cũng tại nơi này Minh Hiếu bắt đầu hát trước khán giả khi tuổi còn nhỏ. Với giọng hát khàn đục đặc biệt của mình, cô sớm được những khách hàng cũng như khán giả tại quán của cha mình chú ý đến. Vì thế, trước khi trở thành một nữ ca sĩ nổi tiếng như sau này thì cô đã sớm nổi tiếng với giọng hát và nhan sắc nổi bật của mình ngay tại quê nhà, khi khách hàng thường xuyên tới cửa hàng cắt tóc của cha cô để thưởng thức tiếng hát cũng như ngắm nhìn nhan sắc mĩ miều trời phú của cô gái nhỏ.

Ca sĩ Minh Hiếu

Trong số khách tới nghe nhạc có nhạc sĩ Mạnh Giác, lúc bấy giờ ông là Trưởng ban văn nghệ của ty Thông tin Bình Long, nghe được giọng hát của Minh Hiếu cũng khá hay nên ông đã thu nạp cô làm học trò để luyện âm rồi tìm cách đưa cô về Sài Gòn để lập nghiệp. Tại Bình Long, ngoài Minh Hiếu ra thì nhạc sĩ Mạnh Giác còn thu nhận thêm 2 người nữa làm học trò nhưng 2 người này lại không mấy thành công và sự nghiệp âm nhạc không quá nổi bật.

Như vậy Minh Hiếu bắt đầu đi hát từ khá sớm khi cô tầm khoảng 14 tuổi vào khoảng đầu thập niên 1950 tại Bình Long. Sau đó cô vào Sài Gòn lập nghiệp tại các tụ điểm phòng trà, vũ trường. Nhờ nét đẹp mong manh cuốn hút cùng giọng hát đặc biệt làm say đắm lòng người Minh Hiếu nhanh chóng được mọi người biết đến và trở thành một trong những nữ ca sĩ phòng trà nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc bất giờ. Cô thường xuyên biểu diễn tại các quán bar, vũ trường lớn như: Anh Vũ, Bồng Lai, Tự Do, Hòa Bình,… Được biết ca khúc đầu tiên đưa Minh Hiếu tỏa sáng và lên đài cao danh vọng là “ Mảnh tình thương” của nhạc sĩ Mạnh Giác.

Ca sĩ Minh Hiếu

Minh Hiếu cũng nhanh chóng trở thành một trong những ca sĩ có dĩa nhạc bán chạy nhất ở miền Nam trong những năm thập niên 1950, 1960. Khoảng giữa thập niên 1960, Minh Hiếu cộng tác với một số hãng thu âm lớn ở Sài Gòn như Continental, Cô Sáu Việt Nam và Hãng dĩa sóng nhạc đã sản xuất và phát hành album studio solo đầu tiên của cô. Lúc bấy giờ, Minh Hiếu là nữ ca sĩ được nhiều người trong giới quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa hâm mộ nhất. Cô thường xuyên đi thăm các đoàn quân giải trí đóng quân tại các căn cứ quân sự khác nhau ở miền Nam, miền Trung Việt Nam và góp tiếng hát của mình như một lời động viên cho các anh em quân nhân.

Ca sĩ Minh Hiếu

Cũng chính vì Minh Hiếu được mệnh danh là một ca sĩ của Lính nên cô thường hát những dòng nhạc Lính và theo sát đời Lính. Đa số các lời mời đến tiền đồn cô đều đi, dẹp hết mọi sinh hoạt ca nhạc ở đại nhạc hội, phòng trà tại Sài Gòn để đến với Lính, mang tiếng hát của mình đến nơi tiền đồn hẻo lánh để xoa dịu những nổi vất vã, khổ cực mà những người lính đang gánh vác. Cũng vì lẽ đó mà cô luôn được giới quân nhân yêu quý và trân trọng. Trong một dịp ở Quân đoàn 4 tại Sa Đéc Minh Hiếu đã được gắn lon “ Hạ sĩ nhất danh dự” của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đây được xem là một phần thưởng mà giới quân nhân đã dành tặng cho cô ca sĩ trẻ để đáp lại những tình cảm mà cô đã dành cho họ. Cô từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng Đây là phần thưởng mà Minh Hiếu yêu quý nhất trong đời của mình”

Những ca khúc mà Minh Hiếu thể hiện thành công nhất và đưa tên tuổi của cô vang xa phải kể đến là: Mảnh Tình Thương (Mạnh Giác), Quen Nhau Trên Đường Về (Thăng Long), Ngăn Cách (Y Vân), Phố Đêm của (Tâm Anh), Em Là Tất Cả (Lam Phương), Màu Hoa Tím (Song Ngọc), Không Bao Giờ Ngăn Cách và Bảy Ngày Đợi Mong (Trần Thiện Thanh), Một Lần Trong Đời ( Duy Khánh).

Ngoài ca hát, Minh Hiếu còn tham gia đóng phim. Vào năm 1961, cô tham gia diễn xuất trong phim “ Thúy đã đi rồi” của Nguyễn Long, Minh Hiếu vào vai ca sĩ Thanh Thúy. Nhan sắc của cô lúc bấy giờ được ví như nữ diễn viên Elizabeth Taylor và cô được người thời bấy giờ gọi là Elizabeth Taylor của Việt Nam.

Khoảng năm 1965, trong một lần lưu diễn ở Pleiku, Minh Hiếu đã gặp Nguyễn Phước Vĩnh Lộc tại câu lạc bộ Phượng Hoàng của quân đoàn 2, lúc này ông đang là tư lệnh Quân đoàn 2, kiêm tư lệnh Vùng 2 chiến thuật. Phân vùng do ông cai quản là từ đèo Bình Đê, giáp ranh hai tỉnh Quãng Ngãi và Bình Định, chạy dọc duyên hải Nam Trung bộ, đến hết tỉnh Bình Thuận và cả một vùng Tây Nguyên, bản doanh của ông đặt tại Pleiku. Ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, Vĩnh Lộc đã phải lòng cô ca sĩ trẻ có nét đẹp mĩ miều, đằm thắm nên ông đã chủ động tìm gặp cô sau khi Minh Hiếu quay trở lại Sài Gòn.

Không lâu sau, Minh Hiếu trở thành phu nhân của Nguyễn Phước Vĩnh Lộc (mặc dù lúc ấy ông đã có vợ con). Sau khi kết hôn, Minh Hiếu từ bỏ hào quang ánh đèn sân khấu trong lúc cô đang ở đỉnh cao của sự nghiệp trong sự nuối tiếc của những người mến mộ tiếng hát của cô. Sau đó Minh Hiếu hầu như không đi hát và thu âm nữa nên các bản thu âm trước năm 1975 của cô còn lưu lại cho đến ngày nay chỉ là trong các dĩa nhựa, chứ không có trong băng cối.

Một số nguồn tài liệu cho biết, nhạc sĩ Lam Phương từng yêu đơn phương Minh Hiếu và đã cho ra đời 3 nhạc khúc dành tặng riêng cho cô: Biển Tình, Em là tất cả, Biết đến bao giờ; 3 ca khúc này đều được viết vào năm 1965 và khá được nhiều người yêu thích. Ngoài ra ca khúc bất hủ “Hoa Trinh Nữ” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng được cho là ẩn chứa chuyện tình của ông với ca sĩ Minh Hiếu thời đó.

Sau năm 1975, Minh Hiếu sang định cư tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ. Tuy không còn đi hát thường xuyên và hầu như rời xa hào quang sân khấu nhưng thỉnh thoảng cô vẫn góp mặt trong một số ít chương trình văn nghệ đại nhạc hội của Trung tâm Asia.

Nguồn tổng hợp

Viết một bình luận