Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Hương Lan – Một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng của Tân Nhạc Việt Nam

Hương Lan (sinh năm 1956) là nữ ca sĩ người Việt nổi danh ở hải ngoại lẫn quốc nội. Bà được đánh giá là giọng hát bền bỉ với thời trẻ là dòng nhạc vàng, nhạc cổ truyền và cả cải lương là giọng ca trụ cột cho trung tâm Thúy Nga.

Hương Lan lúc nhỏ và thân phụ

Bà tên thật là Trần Thị Ngọc Ánh, sinh ngày 9 tháng 5 năm 1956 tại Sài Gòn, là con cả trong gia đình có năm người con. Thân phụ của bà là nghệ sĩ Hữu Phước, nghệ sĩ cải lương ở miền Nam Việt Nam thập niên 1960. Dưới sự giáo dục của thân phụ, bà khởi nghiệp ca hát bằng thể loại vọng cổ. Năm 1961, thân phụ bà đã đưa bà lên sân khấu và cùng diễn trong vở cải lương Thiếu phụ Nam Xương, khi chỉ mới 5 tuổi. Nghệ danh Hương Lan của bà được ghép từ chữ “Hương” trong Thanh Hương và chữ “Lan” trong Út Bạch Lan, nghệ danh của 2 nghệ sĩ thân thiết với gia đình.

Sự nghiệp âm nhạc của nữ danh ca Hương Lan

Khởi đầu sự nghiệp với tân nhạc

Năm 1966, bà khởi đầu sự nghiệp hát tân nhạc dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ Trúc Phương. Nhiều bài tân nhạc do bà trình diễn đơn hoặc song ca với các danh ca khác được phát trên đài phát thanh hoặc thu âm trên các đĩa nhựa. Ca khúc tiêu biểu của bà là Ai ra xứ Huế của Duy Khánh nhận nhiều sự chú ý và mến mộ bởi chất giọng ngọt ngào và thanh khiết. Bà được hầu hết các nhật báo cũng như tạp chí ở Sài Gòn lúc bấy giờ mệnh danh là “thần đồng”.

Từ cuối năm 1974, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã có những cuộc thương thảo nhằm thực hiện tuyển tập thu băng đầu tiên mang tên “Tiếng hát Hương Lan”, trong bộ băng nhạc Shotguns thời bấy giờ. Tuy nhiên, dự án này không thể thực hiện do thời cuộc đầu năm 1975.

Trở thành đào chánh cải lương

Đầu năm 1975, bà cùng cha được mời về diễn cải lương và tuồng cổ với đoàn Kim Chung. Thời gian này, bà thường diễn chung với kép hát trẻ lừng danh thập niên 1970 với nghệ sĩ Chí Tâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, cặp đôi Chí Tâm – Hương Lan là một trong những cặp diễn thu hút khán giả nhất ở Sài Gòn với các vở diễn “Hán đế biệt Chiêu Quân”, “Cây sầu riêng trổ bông”, “Nắng thu về ngõ trúc”…

Hương Lan và nghệ sĩ Thanh Nga trong 1 tuồng cải lương

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, bà vẫn tiếp tục sự nghiệp ca hát trong đoàn cải lương Văn Công với các vở Tình yêu và Bạo chúa, Cây sầu riêng trổ bông, v.v. Tháng 12 năm 1975, bà lập gia đình với nghệ sĩ Chí Tâm, khi mới 20 tuổi. Năm 1977, bà sinh hạ người con trai đầu, đặt tên là Henri Bảo Nhi. Năm 1978, bà sinh hạ người con trai thứ, đặt tên là Patrick Bảo Trang.

Vang danh trong cộng đồng hải ngoại

Trước đó, thân phụ bà, do có quốc tịch Pháp từ trước, nên đã sang Pháp định cư theo diện “hồi hương” sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Tháng 2 năm 1978, bà cùng chồng và người con trai được thân phụ bảo lãnh xuất ngoại định cư tại Pháp. Khi đó bà đang mang thai người con trai thứ 2.

Thời gian đầu ở Pháp, bà cùng chồng và hai con trai cư ngụ tại Saint Tolomon, ngoại ô thủ đô Paris. Cuộc sống chật vật, dù mới sinh hạ người con trai thứ 2, bà phải đi làm thuê ở nhà hàng kiếm sống, vừa hỗ trợ chồng có thể học tiếng Pháp và học nghề. Sang năm 1979, chồng bà may mắn xin được việc làm ở công ty Alcatel Thompson, một liên danh sản xuất bản mạch điện tử, nhờ đó cuộc sống gia đình cũng đỡ đần phần nào. Gia đình bà sau đó dọn về quận 13 ở Paris.

Vợ chồng Chí Tâm – Hương Lan

Hoạt động nghệ thuật của hai ông bà bấy giờ chỉ giới hạn khi thỉnh thoảng đi hát trong các buổi lễ của cộng đồng Việt Nam tại Pháp. Thời gian này, giữa hai người bắt đầu nảy sinh những rạn nứt và mâu thuẫn. Năm 1982, bà ly dị và dẫn hai con trai sang Mỹ.

Tại Mỹ, bà tham gia sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng người Việt. Năm 1983, Trung tâm Thúy Nga mời bà tham gia thu âm và ghi hình cho tuyển tập chương trình Paris By Night, bà tham gia biểu diễn với 2 nhạc phẩm “Muộn màng” (tác giả: Tấn Phát, song ca với Tấn Phát) và “Trên đỉnh mùa đông” (tác giả: Trần Thiện Thanh). Sau khi chương trình được phát hành dưới dạng băng VHS, đã nhanh chóng phổ biến trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Cũng nhờ đó, bà có sự thành công trở lại trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

Trong những năm sau đó, bà trở một trong những giọng ca trụ cột của Trung tâm Thúy Nga. Bên cạnh đó, bà cũng biểu diễn và thu âm cho một số chương trình âm nhạc khác, được cộng đồng người Việt hoan nghênh. Thập niên 1980 từng được mệnh danh là “thập niên của Hương Lan”, khi bà liên tiếp thành công trên cả hai lĩnh vực tân nhạc lẫn cổ nhạc. Cặp song ca Tuấn Vũ – Hương Lan cũng được xem là cặp song ca lừng danh trong thị trường âm nhạc hải ngoại cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990.

Phụng sự cho nghệ thuật của quê hương

Trong một số bài phỏng vấn, Hương Lan vẫn thường cho biết rằng cuộc đời bà chỉ phụng sự cho nghệ thuật và mơ ước của bà là được trở về hát trên chính quê hương của mình. Năm 1994, lần đầu tiên bà trở về Việt Nam cùng với những nghệ sĩ hải ngoại Quốc Anh, Đức Huy và Thảo My. Hai năm sau, Hương Lan được phép trình diễn trước khán giả tại Việt Nam nhờ ở “thiện chí phục vụ khán giả và niềm ước mơ tầm thường của mình” được nhận biết.

Tháng 5 năm 2009, Hương Lan tổ chức liveshow của mình tại Việt Nam với tên: Ơn đời một khúc dân ca. Tuy có nhiều trục trặc về khâu dàn dựng, cả Hương Lan và khán giả đều không vừa ý với cách làm việc của ông bầu Hữu Lộc và sự cố về tiền thù lao của công ty Nụ cười mới, nhưng liveshow đã kết thúc tốt đẹp và thu hút đông đảo khán giả với giá vé mức cao nhất lên đến 1,5 triệu đồng/vé.

Hiện nay, tuy tuổi đời đã cao nhưng bà vẫn hoạt động tích cực, tiếng hát của Hương Lan vẫn có sức sống vượt thời gian trong lòng thính giả.

Cô lần đầu tiên tham gia gameshow là chương trình Ký ức vui vẻ mùa 2 với vai trò khách mời của một miền ký ức ở tập 7.

Đời tư của ca sĩ Hương Lan

Bà lập gia đình lần đầu vào cuối năm 1975 với người bạn diễn Chí Tâm. Tuy nhiên đến năm 1982, hai người ly dị khi đang định cư ở Pháp. Hai người có với nhau hai con trai.

Đầu năm 1986, trong buổi tiệc mừng sinh nhật của ca sĩ Elvis Phương, bà gặp ông Đặng Quốc Toàn, một kỹ sư cơ khí hàng không. Hai người nảy sinh tình cảm và chính thức đi đến hôn nhân vào năm 1988. Ông Toàn có ba người con riêng trước khi về sống với bà.

Hương Lan và chồng hiện nay – ông Đặng Quốc Toản

Bà được nghệ sĩ Hoài Linh xem như chị ruột vì từng đã dìu dắt anh ngay từ khi mới bước chân trong sự nghiệp nghệ thuật tại Mỹ.

Các tiết mục biểu diễn trên sân khấu

Hương Lan xuất hiện thường xuyên trong chương trình Paris By Night với những nhạc phẩm tình ca quê hương như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Chiếc áo bà ba, Điệu buồn phương Nam,…và gần đây là Cánh thiệp đầu xuân (Paris By Night 80), Mùa xuân của mẹ (Paris By Night 85), Tiễn người đi (Paris By Night 88), Chuyện chúng mình và Tàu đêm năm cũ (Paris By Night 98), Mắt Huế xưa. Trong liveshow Con cò bé bé của Xuân Mai, Hương Lan xuất hiện hai lần hát với Xuân Mai những bài hát như “Lặng sóng trùng dương” (theo nhạc bài Dạ cổ Hoài Lang), “Vườn cây của ba” (hát cùng Xuân Mai, Rich Anh Tuấn – em trai Xuân Mai và MC Thanh Bạch) trong liveshow Con cò bé bé 15; “Lòng mẹ” và “Ngàn năm ca dao mẹ” với Xuân Mai trong Con cò bé bé 16. (Paris By Night 78), Dạ cổ hoài lang (Paris By Night Divas), Chân trời tím (Paris By Night 100), Đây Thôn Vĩ Dạ, Quê nghèo (VSTAR 2013),…

Viết một bình luận