Cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3: Nhà Nguyên chưa nguôi hận, muốn phát động chiến tranh lần 4

Ngày 2.7.1290, Thượng hoàng Trần Thánh Tông qua đời. Nguyên chủ muốn nhân lúc Đại Việt có tang mà gây sự. Thừa tướng Hoàn Trạch (Oiyan) và viên Bình chương Bất Hốt Mộc (Bigmis) đã can ngăn, khuyên nên sai sứ sang Đại Việt trước, vì cớ tình hình nước Nguyên cũng chẳng khả quan để có thể nam chinh.

Trong khi nhân dân Giang Nam nổi dậy khắp nơi, Nguyên triều lại phải đối phó với một khó khăn lớn khác. Các đế chế Mông Cổ giờ đây đã không còn đoàn kết nhau như trước nữa mà bắt đầu có sự cạnh tranh. Hãn quốc Sát Hợp Đài và nước Nguyên thường xuyên xảy ra xung đột. Các vương tôn Mông Cổ ở phía bắc liên kết nhau chống lại Hốt Tất Liệt. Năm 1287, vương tôn Nãi Nhan (Nayan) cất quân chống lại Nguyên triều. Hốt Tất Liệt đã phải thân chinh đi đánh, bắt được Nãi Nhan. Những vương tôn khác sau đó tiếp tục nổi loạn. Hải Đô (Qaidu), cháu nội Oa Khoát Đài liên minh với Đô Oa (Duwa) đem quân từ Hãn quốc Sát Hợp Đài tấn công vào miền bắc nước Nguyên của Hốt Tất Liệt. Tình hình rất nguy cấp. Đến năm 1289, đích thân Hốt Tất Liệt lại phải cầm quân lên phía bắc chống lại, Hải Đô phải lui binh nhưng chiến sự giữa Nguyên và Hãn quốc Sát Hợp Đài vẫn diễn ra dai dẳng nhiều năm sau nữa. Cuộc chiến này đã làm suy yếu cả hai đế chế của người Mông Cổ.

Bên ngoài địch họa, bên trong nội loạn nhưng Hốt Tất Liệt vẫn không thể nguôi ngoai mối hận đối với Đại Việt, bất chấp cả việc Đại Việt đã chủ động nối lại việc triều cống sau chiến tranh. Ngày 2.7.1290, Thượng hoàng Trần Thánh Tông qua đời. Nguyên chủ muốn nhân lúc Đại Việt có tang mà gây sự. Thừa tướng Hoàn Trạch (Oiyan) và viên Bình chương Bất Hốt Mộc (Bigmis) đã can ngăn, khuyên nên sai sứ sang Đại Việt trước, vì cớ tình hình nước Nguyên cũng chẳng khả quan để có thể nam chinh. Hốt Tất Liệt sau khi cân nhắc đành phải nghe theo, năm 1291 sai sứ bộ do Trương Lập Đạo dẫn đầu sang Đại Việt. Sứ Nguyên đưa chiếu thư của Hốt Tất Liệt:

“Các vị tổ tông ta đã qui định rằng phàm các nước quy phụ, nước nào thân hành tới chầu thì nhân dân được an cư lạc nghiệp như thường, còn nước nào kháng cự không phục tùng, thì bị tiêu diệt, điều ấy khanh đã biết rồi. Cho nên ta sai sứthần qua mời thân sinh khanh qua chầu, rút cuộc không vâng lời, chỉ cho ông chú qua thay mặt chầu triều. Vì thân sinh khanh không vào chầu, nên ta phong cho người chú làm An Nam quốc vương và sai sứ thần là Bất Nhãn Thiếp Mộc Nhĩ đưa về nước. Cha khanh lại giết người chú và đuổi sứthần của ta, đến nỗi ta phải dấy binh qua đánh để hỏi tội, nhân dân của khanh bị chém giết thật nhiều mà quân ta cũng có tổn hại. Lúc đó Trấn Nam Vương Thoát Hoan còn trẻ tuổi, nghe lầm theo đường thuỷ tiến binh, nên Toa Đô và Ô Mã Nhi rơi vào tay khanh, nhân đó khanh mới được tạm yên đến nay. Khanh như biết thân hành sang chầu triều, thì những phù ấn, tước vương ta sẽ cho cả không tiếc gì, đất đai và nhân dân ngõ hầu được bảo tồn vĩnh viễn” (theo An Nam Chí Lược).

Chúng ta có thể thấy Hốt Tất Liệt đã thừa nhận thất bại của mình trong chiến tranh và phần nào thể hiện sự “khoan dung” của mình trong lời lẽ nhưng nhất nhất vẫn theo đuổi ý định bắt vua Trần phải sang chầu Nguyên triều, thể hiện sự thuần phục của Đại Việt đối với nước Nguyên.

Trương Lập Đạo sang chuyển chiếu thư, lại còn thêm lời biện bạch về thất bại của Thoát Hoan : “Trước kia Trấn Nam vương phụng mệnh đi đánh, không phải là ngài không có thể thắng được. Đó là do không dùng người hướng đạo, đem quân vào sâu, không thấy một người nào, sinh nghi rồi trở về, nhưng chưa ra khỏi nơi hiểm trở thì bị mưa to gió lớn, cung tên đều huỷ hoại, binh sĩ không đánh mà tự tan” (theo Nguyên sử).

Lời ấy của Trương Lập Đạo thật vụng về, làm sao phủ nhận được sự thực quân dân Đại Việt hoàn toàn có đủ thực lực để đánh đến cùng với nước Nguyên trong một cuộc chiến vệ quốc.

Lập Đao lại còn đe dọa: “Ngài chỉ cậy có núi biển hiểm trở và lam chướng ác liệt mà thôi. Nhưng người Vân Nam và người Lĩnh Nam thì tập tục giống nhau và tài nghệ sức lực ngang nhau. Nay đem quân ở đấy ra dùng, lại lấy thêm quân tinh nhuệ ở miền bắc, thì ngài chống được chăng? Ngài đánh thua chẳng qua lại trốn ra biển. Dân man di ở hải đảo [chỉ các nước phía nam Đại Việt] tất thừa cơ đến cướp bóc. Ngài thiếu ăn, chống không nổi tất phải khuất phục chúng. Làm bề tôi của chúng sao bằng làm bề tôi của thiên tử?” (theo Nguyên sử).

Thấy chưa lung lạc được, Lập Đạo lại gửi thư riêng cho vua Trần: “Phía bắc đến cõi Am Sơn, vốn là nơi thánh triều dựng nghiệp, phía nam ra quá Viêm Hải, hết thảy vua các nước xưng thần. Tù trưởng các vùng Hồi Hột, Tây Vực qua bãi Lưu Sa mà đến cống, quốc chúa các nước Cao Ly, Đông Di vượt biển Doanh Hải để vào chầu. Vua các rợ Khiết Đan, Tây Hạ, Nữ Chân, vì trái trời mà nước bị diệt, chúa các nước Côn Ngô, Thổ Phồn, Bạch Thất bởi theo mệnh nên được kết hôn. Các vua Vân Nam, Kim Xỉ, Bồ Chân gửi con trai làm chí tử, các miền Đại Hạ, Trung Nguyên, Vong Tống hết toàn bộ làm thần dân. Duy nước An Nam là nước bé nhỏ, ngoài mặt thì tùng phục, trong lòng chưa đổi thay …”(theo Nguyên sử).

Mặc cho lời lẽ của Hốt Tất Liệt vừa dụ dỗ vừa đe dọa, Trương Lập Đạo uốn lưỡi múa bút như thế nào, lập trường của triều đình Đại Việt vẫn không lay chuyển. Trương Lập Đạo phải về không. Sang năm 1292, vua Trần Nhân Tông sai Nguyễn Đại Phạp đi sứ sang Nguyên, nhân đó lấy cớ nước đang có tang thoái thác việc vua Trần sang chầu. Khi Nguyễn Đại Phạp đến Ngạc Châu, vào tỉnh đường gặp các quan hành tỉnh nước Nguyên có chạm mặt Trần Ích Tắc. Đại Phạp chào tất cả mọi người, chỉ không chào Ích Tắc. Hắn bèn hỏi: “Ngươi không phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương đó ư ?”

Đại Phạp trả lời: “Việc đời đổi thay, Đại Phạp trước vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương, nay là sứ giả, cũng như Bình chương xưa kia là con vua, nay lại là người đầu hàng giặc”

Trần Ích Tắc vốn muốn đem thân phận cũ thấp kém của Nguyễn Đại Phạp ra để trêu chọc, rốt cuộc lại bị làm nhục chốn đông người. Từ đó về sau, Ích Tắc luôn tìm cách tránh mặt sứ giả Đại Việt sang, không dám ngồi ở tỉnh đường nữa.

Đầu năm 1293, sứ bộ Nguyên do Lương Tằng, Trần Phu cầm đoàn sang Đại Việt. Chúng yêu cầu vua Trần Nhân Tông phải ra ngoài thành tiếp đón, vua lấy cớ có tang thoái thác. Bọn sứ Nguyên đành phải vào thành đọc chiếu thư của Hốt Tất Liệt : “… Nay khanh đã biết lỗi, dâng biểu thú tội, thì ta chẳng trách phạt gì nữa. Nhưng nếu mượn cớ con mồ côi đương có tang chế và đường sá xa cách, sợ chết dọc đường không dám đi chầu. Xét lại mượn những lời lẽ như trên là bất thông. Trong đời có loài vật gì cứ an toàn mãi ru? Trong thiên hạ có chỗ nào để người ta cứ sống hoài ru? Lời dụ nầy, khanh phải xem cho chu đáo, nếu dùng những lời xảo trá hư văn và chỉ chiếu lệ cống hiến lễ-vật, như thế thì đạo nghĩa còn đâu nữa?”

Tất nhiên cũng như các lần trước, vua Trần tìm cớ từ chối việc sang chầu. Bọn Trần Phu lại cố dùng thư từ qua lại để thuyết phục. Không thể bắt vua Trần sang chầu được, chúng lại viết thư kêu vua Trần cho thái tử sang chầu. Vua Trần cũng từ chối. Sứ Nguyên đành chịu, không làm được trò gì ở Đại Việt. Triều đình Đại Việt chẳng những kiên quyết từ chối yêu sách, còn tổ chức dàn quân rầm rộ để đón sứ, có ý thị uy với sứ Nguyên. Lương Tằng, Trần Phu ngoài mặt vẫn ra vẻ cứng cỏi, nhưng trong dạ đã mươi phần ngán ngại. Trần Phu viết trong thơ của mình:

Kim qua ảnh lý đan tâm khổ

Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.

Di hạnh quy lại thân kiện tại

Mộng hồi do giác chướng hồn kinh.

Tạm dịch:

Trông bóng giáo mác, tấm lòng đau khổ

Nghe tiếng trống đồng mà bạc cả tóc

May được trở về, thân mạnh khoẻ

Mỗi khi mộng đến chuyện cũ còn thấy hồn kinh sợ

Quốc Huy

Viết một bình luận