Cùng tìm hiểu dầu bác sĩ Tín – Tiền thân của dầu khuynh diệp OPC 

Từ cuối thập niên 1940 đến năm 1975, có một loại dầu đã từng nổi danh lẫy lừng vào thời điểm đó, hầu như ở nhà nào cũng dự trữ sẵn vài chai, người ta gọi đó là dầu bác sĩ Tín, chính là tiền thân của dầu khuynh diệp OPC “mẹ bồng con” ngày nay.

Dầu khuynh diệp “Bác sĩ Tín”

Trong thời gian du học ở Pháp, bác sĩ Bùi Kiến Tín đã không ngừng tìm hiểu các phương pháp bào chế thuốc của phương Tây. Vào năm 1941, bằng những gì đã học hỏi và tìm hiểu được, ông dồn hết tâm huyết của mình cho ra đời sản phẩm dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, sản phẩm này được rất nhiều người ưa chuộng ngay từ lần đầu bán ra thị trường. Để có được chai dầu khuynh diệp ưng ý, bác sĩ Tín đã thành lập Viện bào chế đông dược miền Nam. Trải qua nhiều năm mày mò nghiên cứu, cuối cùng chai dầu gió mang theo mùi hương dễ chịu cũng đến được với mọi người. Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín có màu xanh rất đặc trưng được đựng trong những chai thủy tinh nhỏ từ 5cc đến 100cc rất tiện lợi cho mọi người sử dụng. Có thể nói ông là vị bác sĩ Tây y người Việt đầu tiên ứng dụng các thành tựu, phương pháp điều chế thảo dược của phương Tây vào ngành Đông y Việt Nam. Ngoài dầu khuynh diệp, ông còn cho ra đời nhiều dược phẩm đông y khác như thuốc bổ huyết, thuốc trị táo bón, thuốc ho… các loại này đều có giá cả bình dân, phù hợp với tất cả mọi người.

Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín được bào chế bằng công thức đặc trưng riêng biệt bao gồm các nguyên liệu như dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu… và nguyên liệu chính không thể thiếu đó là tinh dầu khuynh diệp. Loại tinh dầu này có mùi rất đặc biệt, người bình dân hay gọi là “mùi bà đẻ” bởi vì nó được các “bà đẻ” cực kỳ ưa chuộng. Điều đáng nói ở đây là những nguyên liệu khác không khó để tìm ở Việt Nam ngoại trừ tinh dầu khuynh diệp với tinh chất Eucalyptol (lấy từ cây hồng tràm, tên khoa học là Eucalyptus) thì nước ta chưa thể trồng và chưng cất được.

Theo ông Lê Hữu Sanh, người làm thư ký riêng của bác sĩ Tín năm xưa, thì khi bắt tay sản xuất dầu khuynh diệp, ông chủ mình lúc đó đã chú ý tới những nhà sản xuất hương liệu của Hà Lan với các loại hương liệu được dùng làm nước hoa, sau đó ông phát hiện ở Bồ Đào Nha có sản xuất Eucalyptus. Nó có độ tinh khiết đạt đến 99,9%, khử được tất cả các loại độc tố có hại cho da. Vì vậy, để có thể sản xuất được một chai dầu khuynh diệp, bác sĩ Tín buộc phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, nhưng điều này đã làm cho dầu tinh diệp khi nhập về có giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với loại dầu được bán trong nước. Nếu dầu khuynh diệp trong nước bán 0,5 USD/kg thì dầu nhập về phải tận 9 USD/kg, dù giá cao hơn trong nước nhưng bác sĩ Tín vẫn quyết định nhập về. Ông Lê Hữu Sanh là người trực tiếp chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề khi nhập hàng về, ông chia sẻ: “Hồi đó dầu khuynh diệp nhập về bằng đường thủy, đựng trong các thùng phuy. Mỗi lần nhập khoảng 30 – 40 tấn, chiếm hai container. Mỗi năm tôi nhập dầu về cho ông ấy 4 – 5 lần. Tốn kém phải nói là khủng khiếp”. Nhưng cũng vì chi phí nhập khẩu quá lớn mà giá thành bán ra cũng cao hơn so với nhu cầu của người dân bình thường. Vấn đề này luôn khiến bác sĩ Tín trăn trở vì chỉ có tự sản xuất trong nước thì mới có giá nguyên liệu thấp dẫn tới giá thành sản phẩm cũng thấp, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Để có thể đáp ứng được nhu cầu của mọi người, ông muốn đưa cây khuynh diệp Eucalyptus từ nước ngoài về trồng với ý định chưng cất lấy tinh dầu khuynh diệp rồi pha chế cùng các nguyên liệu thảo dược khác. Khi có được tinh dầu này, việc bào chế ra dầu khuynh diệp sẽ dễ dàng hơn và giá thành cũng sẽ thấp hơn. Để có thể thực hiện được mục đích của mình, tại khu vực đồi Viễn bác sĩ Tín đã mua một miếng đất rộng 30ha, nằm dọc theo xa lộ Biên Hòa. Ông cho dọn dẹp, sửa sang lại khu đất này để trồng cây khuynh diệp, năm 1960 những giống cây khuynh diệp đầu tiên từ Pháp được đưa về trồng ngay tại đây. Sau khi trồng thành công ông tiếp tục ươm giống và mở rộng thêm 2 trang trại lớn khác nằm tại 181 và 183 quốc lộ 20 Dầu Giây – Đà Lạt, tại xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Hình thức quảng cáo độc đáo – Mua dầu khuynh diệp bác sĩ Tín trúng xe hơi Austin

Bùi Kiến Tín không chỉ là người bào chế dược phẩm mà ông còn là một nhà kinh tế tài năng với nhiều dự án khác. Vì vậy khi đi vào thương trường ông rất biết cách mang sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng. Ở tuổi ngoài 80, chuyên gia kinh tế tài chính – TS. Bùi Kiến Thành, con trai cả của bác sĩ Tín, vẫn còn nhớ cặn kẽ nhiều chi tiết về chuyện cha mình sản xuất và buôn bán dầu gió. Một trong số những điều mà ông Thành tự hào nhất về cha của mình là tài quảng bá thương hiệu và quảng cáo sản phẩm của ông. Bùi Kiến Thành kể ở cái thời từ năm 1942 đến năm 1956, khi một chiếc xe đạp được coi là cả một gia tài với nhiều người thì “ông papa” của ông đã mua một chiếc xe tải lớn, dài 7 – 8m nhưng không đóng tải mà dùng mặt bằng để chất lên đó một chiếc xe hơi Austin mới cáu. Gắn kèm trên chiếc xe là cái bảng to với dòng chữ Giải thưởng Bác sĩ Tín. Ai mua dầu của ông cũng được phát cho một con số đi kèm. Xe chạy từ Nghệ An, Hà Tĩnh xuyên suốt cho tới Cà Mau. Đồng hành với chiếc xe là đoàn múa lân đánh trống tùng tùng xèng. Một chiếc xe quá đặc biệt và tưng bừng đi đến đâu cũng đều có trẻ em, người lớn xúm lại coi rần rần. Xổ số trúng thưởng sau đó được tổ chức rất náo nhiệt, ngoài xe hơi Austin còn có mấy chục giải phụ là xe đạp. Đó là chiêu quảng bá mà bác sĩ Tín nghĩ ra để từ Nam ra Bắc ai ai cũng biết đến dầu khuynh diệp bác sĩ Tín cũng như là nhà thuốc của ông. 

Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín cứ thế mà nổi danh lẫy lừng, có năm nhà thuốc bác sĩ Tín có đến 25 triệu chai dầu khuynh diệp được bán ra thị trường, trong khi đó dân số Việt Nam lúc ấy chỉ có 20 triệu người. Từ lúc còn học bên Pháp, trong luận án tốt nghiệp của mình, bác sĩ Tín đã nêu lên vấn đề của dân tộc mình. Ông có mong ước được góp sức xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước hùng mạnh. Muốn đem những hiểu biết về y dược mà mình đã học được về giúp đỡ cho đất nước, góp phần nâng cao sức khỏe cho dân tộc, để dân số Việt Nam có thể nâng cao từ 20 triệu dân lên đến 50 triệu dân cho đúng với tầm cỡ của lãnh thổ.

Trên bao bì các loại dầu gió, dầu nóng xoa bóp và dầu cù là mà bác sĩ Tín bán ra đều thể hiện được tinh thần tự tôn dân tộc. Ông cho in trên bao bì là hình ảnh của một anh chàng lực sĩ đang nâng cao cả đất nước Việt Nam lên, phía bên dưới logo luôn là ba chữ “Đại Cường Việt”. Kinh doanh, trước tiên là để làm giàu, là điều hẳn nhiên, nhưng với bác sĩ Tín thì khác, ông Thành kể về cha mình: “Nhưng với ông papa tôi, làm giàu không chỉ cho cá nhân ông mà còn là làm giàu cho đất nước, cho ích nước lợi dân. Thí dụ, khi ông papa làm thuốc ho Bác sĩ Tín, ông đã có ý thức về chủ quyền với câu khẩu hiệu “uống thuốc ho Bác sĩ Tín thở không khí tự do”. Bán thuốc không chỉ để dân khỏe ra mà ông còn muốn xây dựng nhận thức, xây dựng ý thức chủ quyền cho dân”

Người vợ “nữ tướng”

Kết hôn từ lúc bà mới 15 tuổi, ông cũng chỉ 18, dù là hôn nhân mai mối cho môn đăng hộ đối nhưng vợ chồng bác sĩ Tín đúng chuẩn là một cặp “song kiếm hợp bích”, đồng vợ đồng chồng từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Là con gái của một đại điền chủ ở Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Hòa, vợ của bác sĩ Tín là một người có lý lịch rất đặc biệt. Bà thay người anh cả đi học xa, thay cha mẹ quán xuyến công việc nhà bao gồm cả việc trồng trọt, khai khẩn đất hoang. Từ năm 13 tuổi, cứ tinh mơ sáng mỗi ngày, bà đã thức dậy dẫn theo hàng trăm “quân” lên ruộng đồng các ấp làm việc. Ông Thành tự hào nói: “Bà má tôi có phong cách của một vị tướng, của một người lãnh đạo chứ không phải là một cô gái quê bình thường. Lấy chồng sớm, tiếp cận với ông papa tôi thì bà ảnh hưởng tầm nhìn của ông chồng. Bà là cô gái quê nhưng không phải ngồi ở đáy giếng mà nhìn lên trời và nhảy ra khỏi miệng giếng”.

Sau khi kết hôn, bà Hòa và ông Tín có 7 người con gồm 4 trai và 3 gái. Khi việc kinh doanh dầu khuynh diệp của bác sĩ Tín phát triển, bà đưa các em ruột của mình tức người em thứ bảy Nguyễn Phan là người vốn có tài quản lý vào Sài Gòn giao cho nhiệm vụ quản lý và điều hành nhà thuốc. Còn người em thứ tám Nguyễn Sang thì bà giao cho nhiệm vụ phân phối thuốc, đưa bốn đoàn xe chở thuốc về các tỉnh, từ Nghệ An trở vào. Ông Thành chia sẻ: “Bà má tôi không khác một nữ tướng điều quân khiển tướng, còn các cậu và mọi người xung quanh là “tá”. Bà không nói nhiều nhưng khi nói thì như quân lệnh, nói gì cũng đúng. Ai cũng sợ, cũng nể bà, kể cả ông papa tôi”, trong việc phân phối dầu bác sĩ Tín, bà đã đưa ra những cách thức mềm mỏng của riêng mình làm cho hàng triệu chai dầu có mặt ở những nơi mà ai cũng nghĩ sẽ qua kiểm soát rất nghiêm ngặt như chiến khu D, rừng U Minh…

Trước khi cho ra đời dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, ông Bùi Kiến Tín khởi nghiệp ở Quy Nhơn, sản xuất các loại thuốc ho, bổ huyết, thuốc trị táo bón… Bà Hòa luôn kề vai sát cánh, tích cực hỗ trợ chồng mình từ những ngày đầu tiên, luôn sẵn lòng giúp đỡ chồng bất kể việc lớn nhỏ. Khi bác sĩ Tín nói cần một cái nồi bằng đồng thật lớn để nấu thuốc thì bà không chần chừ liền nhận nhiệm vụ đi kiếm cho ra bằng được cái nồi như thế. Về quê nhân dịp ăn đám giỗ, bà Hòa không ngừng tìm kiếm và hỏi thăm để mua được chiếc nồi như ý chồng mình thì tình cờ gặp ông Bùi Thuyên, là cha ruột của nhà thơ Bùi Giáng. Nghe chuyện, ông Bùi Thuyên liền cho bà mượn cái nồi to của nhà mình đem về nấu thuốc. 

Mặc dù đến năm 1975, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín đã ngưng sản xuất, nhưng mùi hương đặc trưng của nó vẫn còn vương vấn mãi trong ký ức của người dân Sài Gòn xưa.

Viết một bình luận