“Con Đường Mang Tên Em” (Trúc Phương) – Từ nhạc khúc của kẻ thất tình đến ca từ của dòng nhạc “sến”

Trong nhiều nhạc sĩ thành danh từ trước năm 1975 , có thể nói rằng: Trúc Phương là người có tên tuổi nhất của dòng nhạc vàng với nhiều nhạc khúc nổi tiếng được công chúng đón nhận nhiệt tình, đặc biệt là những bài hát có giai điệu Bolero. Nếu hỏi danh xưng “Ông hoàng nhạc Bolero” nên phong tặng cho ai, thì người đó chẳng ai khác chính là nhạc sĩ Trúc Phương, ông hoàn toàn xứng đáng với danh xưng này. Tuy nhiên, nhiều người bị nhầm lẫn điệu Bolero với khái niệm nhạc vàng. Nó được xem như một điệu nhạc riêng biệt và thường có tên gọi là dòng nhạc Bolero hay dòng nhạc trữ tình Bolero. Nó xuất hiện vào độ khoảng năm 2003 với mục đích tránh những cụm từ nhạc sến hay nhạc vàng, dù cùng mang trong mình một không khí nhưng điệu nhạc là hoàn toàn khác nhau. Nhiều người cho rằng nhạc sĩ Trúc Phương cũng sáng tác nhạc sến, nhưng danh xưng “Ông hoàng nhạc sến” đã trao cho nhạc sĩ Vinh Sử thì làm sao lại có sự đánh đồng sai trái như thế được. Bởi nếu thử so sánh dòng nhạc mà cả hai nhạc sĩ đang theo đuổi, ta sẽ nhận ra ngay nhiều điểm khác biệt, không hề có sự đồng điệu trong nghệ thuật tiết tấu giai điệu của hai người dù cùng sáng tác bằng một điệu Bolero.

Nhạc sỹ Trúc Phương

Khi nhạc sến được cho là một thể loại bài hát với ca từ dễ dãi, hời hợt trong giai điệu, thiếu chiều sâu về mặt ý nghĩa, như kiểu cách của một bài thơ lâm li bi đát như cải lương trên nền nhạc nhẹ. Thì nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương lại mang đến cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc, mỗi bài hát của ông mang một hay nhiều thông điệp trong cuộc sống, trong tình yêu,…từng ca từ, từng giai điệu đều được chọn lọc tỉ mỉ, từng ý vị tinh tế được sắp xếp kỹ lưỡng thì làm sao lại có thẻ đánh đồng như thế được. Điển hình là bài hát “Con Đường Mang Tên Em” bị nhiều người chê là một sáng tác “sến” của nhạc sĩ Trúc Phương. Vậy “sến” chỗ nào? Tại sao lại bị gọi như thế? Có đúng hay không?

“Con Đường Mang Tên Em” kể về một câu chuyện tình yêu tan vỡ của đôi lứa, từ lúc quen một người đến yêu rồi thương và kết thúc lại là một cuộc chia ly đẫm nước mắt. Làm quen, hẹn hò cùng nhau dắt tay trên lối mòn khiến nó trở thành “Con Đường Mang Tên Em”. Không có sự dàn trải cho một câu chuyện tình, mà nó chỉ đơn thuần là nhạc khúc mang theo tiếng lòng của kẻ thất tình, được thốt lên bằng những ca từ da diết được chắt lọc tỉ mỉ như một bài thơ tình tứ, đầy nỗi khắc khoải khôn nguôi.

“Trở lại chuyện hai chúng mình
Khi em với anh vừa biết đam mê tình yêu tràn trề
Đường mòn đêm vắng bước chân em nhớ tên……”

 Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Tuyền & Chế Linh trình bày.

Mở màn cho ca khúc chính là bức tranh của đôi tình lữ đang hẹn hò yêu đương, họ vẫn còn đang đắm chìm trong hạnh phúc khi tha thiết đón đưa nhau trên lối về quen thuộc – “Khi em với anh vừa biết đam mê tình yêu tràn trề”.

“Đường mòn đêm vắng bước chân em nhớ tên” – Ở đây tác giả chẳng nói nhớ tên ai, chỉ để cho người nghe một dấu chấm lửng vô cùng lớn. Dường như ông muốn bản thân người nghe phải cảm nhận về nó, tự đưa ra nhận định phán đoán riêng trong cách suy nghĩ của mình.

“…..Rồi thời gian qua lối này
Khi tay trắng tay, buồn vác lên vai hành trang đường dài
Vì đời nên giả mắt giai nhân cho đời…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Trường Vũ và Như Quỳnh trình bày.

Nhưng rồi nhanh chóng trở về với hiện thực tàn khốc, khi đôi trẻ đã chẳng còn bên nhau, mỗi người mỗi hướng đi riêng, tự tìm hạnh phúc mới trên con đường dài phía trước. Khi xưa, cứ mỗi lần băng qua con đường ấy có em tay trong tay, ấm áp mà hạnh phúc, còn giờ đây chỉ có bàn tay trống vắng, một sự cô đơn lan tràn khắp cơ thể. Mang theo tay trắng, mang theo nỗi buồn làm hành trang để bước vào cuộc đời với bao điều phiền muộn.

Vì dòng đời đưa đẩy, ngăn cách câu chuyện tình của đôi ta, nên đành thôi “giả mắt giai nhân” lại cho đời, trả lại cho người ánh nhìn với người mới tốt hơn và hoàn hảo theo cách người nhìn nhận. Đột nhiên cảm thấy thương tiếc thay cho kẻ thất tình ấy, trước khi yêu anh vẫn là chàng trai với con tim đầy nhiệt huyết, khi yêu vào anh đã trở nên mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho người mình yêu, và kết thúc thì con tim lại mang đầy vết thương, bước vào đời với đôi bàn tay trắng.

“…..Nghe buốt giá lúc nửa đêm nhớ đêm
lửa ngun ngút lúc gọi yêu về tim.
Con đường tình sử nằm đây,
đèn khuya mắt đỏ còn đầy dấu xưa…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hoàng Oanh & Duy Khánh thâu thanh trước 75

Nửa đêm, trời khuya như đang lạnh dần nhưng chẳng bằng sự lạnh buốt nơi trái tim khi nhớ đến em. Trong lòng cứ như có một ngọn lửa cứ hừng hực cháy sáng, thôi thúc chàng tìm về tình yêu đã vỡ. Câu hát này rất hay, nó như một lời thơ đầy ý vị của một kẻ sĩ cùng khổ đang cố hết sức để tìm về thứ ánh sáng yêu thương của đời mình.

Nhạc sĩ Trúc Phương trân trọng đoạn tình cảm này, trân trọng người con gái ấy vô cùng, đến nỗi ông đã ca tụng con đường đó thành “Con đường tình sử”. Con đường thì vẫn yên tĩnh mà nằm đấy, nhưng những dấu chân xưa thì đã phai dấu theo năm tháng mất rồi, chỉ còn lại một “ánh mắt đỏ” vì nhung nhớ vẫn rõ ràng như ngày nào.

“…..Đường chẳng riêng hai chúng mình
Nên khi vắng anh đường đã thay tên, còn chăng kỷ niệm
lạnh đầy theo tiếng bước ưu tư đi tìm.”

Đường này đâu phải của riêng hai đứa, đó là cung đường tấp nập con người, nó chẳng còn là “con đường mang tên em” nữa, mà giờ đường đó đã “thay tên”, nó thành con đường kỷ niệm, con đường chứa đựng một câu chuyện tình dang dở của đôi ta. Khi “vắng anh” con đường ấy dường như không còn được trọn vẹn, mất em rồi anh chỉ biết thênh thang trên lối vắng, bước đi những bước chân vô hồn mà tìm kiếm bóng hình em trong nỗi ưu tư khắc khoải.

Nhạc của Trúc Phương thấm đẫm nhân sinh cuộc đời, những quan niệm về tình lữ của ông đã tạo ra một chất nhạc riêng không dễ gì hòa lẫn. Mỗi giai điệu, mỗi ca từ trong những ca khúc của ông đều là những cảm xúc chảy ra từ con tim, thấm thía vào từng nỗi cô đơn của kẻ si tình nhưng lại thất tình. “Con Đường Mang Tên Em” không chỉ là lời than thở của kẻ đang chìm vào bể khổ của yêu đương, mà còn là một hoài niệm đẹp được ghi dấu mãi trong lòng người nghệ sĩ tình si. Bài hát là những tâm tư tình cảm vô cùng gần gũi với công chúng, ca từ dễ thuộc, giai điệu nhẹ nhàng bắt tai, dễ đi vào lòng người nghe nhưng lại chẳng hề bình dân. Nên nó chẳng thể nào được xếp vào thể loại nhạc sến như cách mọi người vẫn áp đặt.

Trích lời bài hát Con Đường Mang Tên Em:

Trở lại chuyện hai chúng mình
Khi em với anh vừa biết đam mê tình yêu tràn trề
Đường mòn đêm vắng bước chân em nhớ tên.

Rồi thời gian qua lối này
Khi tay trắng tay, buồn vác lên vai hành trang đường dài
Vì đời nên giả mắt giai nhân cho đời.

Nghe buốt giá lúc nửa đêm nhớ đêm
lửa ngun ngút lúc gọi yêu về tim.
Con đường tình sử nằm đây,
đèn khuya mắt đỏ còn đầy dấu xưa.

Đường chẳng riêng hai chúng mình
Nên khi vắng anh đường đã thay tên, còn chăng kỷ niệm
lạnh đầy theo tiếng bước ưu tư đi tìm.

Viết một bình luận