Có một Sài Gòn Sài năng động qua bộ sưu tập ảnh của Richard E. Wood năm 1970 – 1971 (Phần 1)

Sài Gòn của năm 1970 – 1971 có gì qua ánh nhìn của Richard E. Wood? 

Những cửa hàng ven đường, những con đường nhộn nhịp người xe, những công trình kiến trúc xưa cũ, những khu chợ trời lúc nào cũng đông nghẹt người,…của Sài Gòn năm 1970 – 1971, tất cả được được nhiếp ảnh gia Richard E. Wood ghi lại. Hãy cùng Góc Xưa chiêm nghiệm và hồi tưởng về những ký ức tươi đẹp của ngày xưa! 

Nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc (Nhà thờ Ngã Sáu) được xây từ năm 1922 và hoàn thành vào tháng 5 năm 1928, có phong cách Kiến trúc Romanesque, được xây trên khu nghĩa trang Hoa kiều.

Tiệm giò chả Phú Hươngnằm trên góc đường Hiền Vương – Pasteur

Kiosk Trịnh Quân – Ở Sài Gòn trước năm 1975 chỉ độc nhất kiosk Trịnh Quân là thâu băng nhạc. Lại gần sẽ thấy một dàn máy Akai dùng để thâu nhạc từ băng khổ lớn xuống băng cassette. Đi ngang đây lúc nào cũng nghe nhạc Mỹ phát ra ì xèo. Khách lựa nhạc từ cái list chổ mấy bản trắng, rồi đưa một băng cassette không, vài ngày sau trở lại lấy hàng. Tiệm chỉ thâu nhạc trẻ Mỹ, hình như cũng có nhạc Pháp. Sau năm 1975 nhạc Mỹ bị cấm do là sản phẩm “văn hóa đồi trụy” nên tiệm cũng hết làm ăn.

Đường Nguyễn Huệ, hướng nhìn về Tòa Đô Chánh Sài Gòn

Công trường Lam Sơn – bùng binh Bồn Kèn (vòng xoay Nguyễn Huệ – Lê Lợi), tòa nhà trắng bên phải là Nhà hát Thành phố nằm trên đường Tự Do (sau năm 1975 là đường Đồng Khởi)

Tòa Hòa Giải nằm trên Đại lộ Nguyễn Huệ

Nhà thờ Tin lành nằm ngay góc đường Thống Nhất – Mạc Đĩnh Chi

Đường Công trường Công xã Paris, tòa nhà bên phải là Bưu điện Trung tâm Sài Gòn – Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn, được xây dựng thời Pháp thuộc năm 1886 – 1891, theo phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí phương Đông.

Góc đường Phan Châu Trinh – Lê Lai, đối diện góc trái chợ Sài Gòn

ng viên Chi Lăng – Công viên có từ thời Pháp thuộc, nằm dọc theo đường Đồng Khởi, trải dài từ ngã tư với đường Lý Tự Trọng đến ngã tư với đường Lê Thánh Tôn. Dưới thời VNCH, công viên nằm cạnh công sở của Bộ Quốc gia Giáo dục.

Chợ hoa Xuân Tân Hợi nằm trên đường Nguyễn Huệ

Những gánh hàng rong nằm dọc trên đường Bạch Đằng

Nhà buôn Đức Thành nằm trên đường Bạch Đằng

Đường Chi Lăng, sau năm 1975 được đổi tên thành đường Phan Đăng Lưu

Công trường Hồng Bàng, phía trước chợ Bà Chiểu

Một góc khác của Công trường Hồng Bàng, phía trước chợ Bà Chiểu

Chợ Bà Chiểu – Đây là một trong những khu chợ lâu đời của Sài Gòn, sơ khai là chợ Xổm và sau này là chợ trung tâm của tỉnh Gia Định và ngày nay là chợ trung tâm của quận Bình Thạnh.

Lý giải về cái tên của chợ Bà Chiểu – nhà văn Sơn Nam cho rằng Bà Chiểu là tên của vùng đất xuất hiện từ thời vua Tự Đức, tầm khoảng thời gian từ 1847 – 1883. Chiểu có nghĩa là”ao nước thiên nhiên” – Bà Chiểu là “nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên”.

Năm 1942, khi chợ Bà Chiểu được xây cất lại thì người ta mới chuyển mặt chợ ra đường Phan Đăng Lưu – Lê Quang Định. Bởi ông Trần Văn Chơi (biệt danh là ông Tư Chơi) nhà ông Trần Văn Chơi hiện nay là ban quản lý chợ Bà Chiểu, nhà ông Trần Văn Chơi giáp ranh với nhà ông Đốc Phủ Sứ Trần Quang Nhã (tỉnh trưởng Gia Định).

Chợ Bà Chiểu được chia làm 8 khu chính, bố trí cho gần 800 hộ kinh doanh 40 ngành hàng. Nơi đây bày bán mọi loại sản phẩm từ đồ gia dụng, quần áo, giày dép, nón lá tới nhu yếu phẩm hàng ngày và đặc biệt là đồ si.

Đường Tự Do – Thời Đông Dương thuộc Pháp, đường này có tên là Rue Cartinat, thời Việt Nam Cộng hòa đổi thành đường Tự Do từ năm 1954 đến 1975. Sau năm 1975, chính quyền Việt Nam đổi tên đường Tự Do thành đường Đồng Khởi.

Đường Hai Bà Trưng – Là tuyến đường quan trọng làm cầu nối giao thông của nội đô thành phố

Đường Tự Do – Công viên Chi Lăng

Chợ hoa tết trên đường Nguyễn Huệ

Nguyễn Huệ là một trong những con đường đẹp nhất Sài Gòn và có lịch sử phát triển lâu đời – Trước năm 1975, chợ hoa Nguyễn Huệ là điểm tham quan nổi tiếng của Sài Gòn, đón hàng vạn lượt khách mỗi dịp tết đến xuân về.

Tuy nhiên, cuối thập niên 1990, chợ hoa tết ở Nguyễn Huệ bất ngờ ngừng hoạt động, sau khi thành phố tiến hành quy hoạch lại và đưa chợ ra công viên 23/9

Chợ hoa Tết Nguyễn Huệ. Tòa nhà IMEXCO (Kỹ Thương Ngân Hàng) đang xây dựng – Những bức ảnh chợ hoa Tết Sài Gòn được người nước ngoài ghi nhận lại vào những năm 1970 – 1971 ở đường Nguyễn Huệ, có khi là chụp tại đại lộ Lê Lợi.

Đường Nguyễn An Ninh, nhìn về phía chợ Bến Thành

Xích lên phía trước một chút là vòng xoay Nguyễn Huệ – Lê Lợi, dãy nhà bên phải là Thương xá TAX – Một trong những trung tâm thương mại lâu đời tại Sài Gòn, tuy nhiên, hiện nay đã bị phá bỏ. Tiền thân của công trình này được xây dựng từ thời Pháp thuộc năm 1880, đến năm 1914 thì công ty Société Coloniale des Grands Magasins mở Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là SGMC). Mãi đến năm 1960 thì mới chính thức đổi tên thành Thương xá TAX.

Đường phố Sài Gòn trông khá đông đúc với hàng dài gánh hàng trong trên vỉa hè

Đường Tự Do đối diện nhà sách Xuân Thu. Nhận ra chỗ này nhờ tiệm bán hoa Lyne với hình vẽ “người đưa hoa” trên cửa.

Đường Tự Do – Đoạn này xe vừa chạy xe qua khỏi Continental Palace

Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía trước là ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hồng Thập Tự (sau này được đổi tên thành đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Thị Minh Khai). Bên phải là Sở Thú và trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, bên trái vào trong hẻm là hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ngã tư Hồng Thập Tự – Cường Để (sau này được đổi tên thành đường Nguyễn Thị Minh Khai – Tôn Đức Thắng),  mấy ông cháu ngồi ngắm cảnh đường phố, cạnh đài truyền hình, nay là ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Đinh Tiên Hoàng.

Tượng An Dương Vương – Thánh tổ Binh chủng Công Binh Quân đội VNCH tại Ngã sáu Chợ Lớn (hay còn được gọi là ngã sáu Minh Mạng). Ngoài ra, còn có một bức tượng đài An Dương Vương khác nằm ở công viên phía trước trụ sở Thượng viện (Hội trường Diên Hồng)

Các khóa sinh Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu chuẩn bị diễn hành bên cạnh Nhà thờ Đức Bà

Các khóa sinh Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu đang đứng xếp hàng trước vườn hoa trước Nhà thờ Đức Bà

Những tấm bảng quảng cáo được dán đầy khắp dọc đường Sài Gòn

Ga Sài Gòn

Những đứa trẻ tạo dáng chụp ảnh ở phía trước chợ Bến Thành

Kiosk Liên Hoa – phòng thâu băng dĩa ở đường Nguyễn Huệ

Cửa hàng bán hoa tươi Bạch Lan nằm trên đường Nguyễn Huệ, đoạn gần với thương xá TAX

Giao thông trên đường phố Sài Gòn

Những người bán hàng rong đang dựng gánh buôn bán ở phía trước công viên ở Công trường Lam Sơn

Công viên phía trước Nhà hát Thành phố, nằm trên đường Công trường Lam Sơn

Bức tượng đài hai binh sĩ Thủy quân Lục chiến VNCH được đặt giữa công viên trước Nhà hát Thành phố

Bức tượng đài hai binh sĩ chĩa sung về hướng Nhà hát gây ra nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng chĩa súng vào nhà hát (từng có thời gian là Trụ sở Quốc hội) là ngụ ý bảo vệ, nhưng cũng có người nói – thật chất là đang chĩa súng về hướng khách sạn phía sau nhà hát – bởi nơi đó từng là nơi trú ngụ của thành phần phản động.

Bức tượng này đã bị đám đông kéo đổ trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Công viên Đống Đa phía trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn – Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ điển ở Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909.

Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hôtel de ville (hay còn gọi Dinh xã Tây). Đến thời VNCH thì đổi tên thành Tòa đô chánh Sài Gòn vì là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô. Sau năm 1975, tòa nhà này là nơi làm việc của UBND Thành phố, HDND Thành phố và một số cơ quan khác.

Viết một bình luận