Có một huyền thoại về xe đạp mini – Tung hoành một thời trên cung đường Sài Gòn

Hiện nay hình ảnh người con gái tóc buông dài ngồi trên xe đạp mini, lượn vòng trên các cung đường Sài Gòn không còn thịnh hành như trước. Tôi cứ nhớ hoài những năm 1970 đến năm 1980, đó là khoảng thời gian xe đạp mini được nhiều người sử dụng nhất. Đặc biệt là các cô nữ sinh bận áo dài trắng thướt tha. Hồi đấy áo dài có tà hẹp và ngắn, chỉ khoảng tới ngang đầu gối cộng thêm quần dài ống rộng. Đằng sau lưng các cô là mái tóc dài đen óng ả, dài chấm ngang vai. Mỗi lần các cô bận áo dài, ngồi trên chiếc xe đạp mini đi lòng vòng khắp mọi nẻo đường Sài Gòn dưới những tia nắng soi qua kẽ lá là trông các cô cứ như những thiên thần áo trắng xinh đẹp.

Phải nói hình ảnh tà áo dài gắn liền với xe đạp là một bức tranh vô cùng tuyệt mỹ. Áo dài không cần quá ôm sát cơ thể nhưng lại xẻ 2 bên eo cao hơn lưng quần. Vì gọi là mini nên chiếc xe khá nhỏ nhắn, các cô gái không cần gắn tà áo dài sau vào lưng quàn hoặc đè lên yên, thay vào đó các cô ấy thả cho tà tung bay theo chiều gió, đôi lúc để lộ chiếc eo thon hoặc khoảng lưng trắng mịn màng, mềm mại. Mỗi ngày đều có một nhóm nữ sinh áo trắng đạp xe trên con đường, vừa chạy họ vừa cười nói vui vẻ, để lộ nụ cười xinh tươi đến nỗi các chàng trai phải ngoái đầu nhìn, chắc chắn là không ít người đã say mê hình ảnh cô nữ sinh xinh đẹp trong tà áo dài thướt tha, ngồi trên chiếc xe đạp mini thời đó.

Ngoài hình ảnh áo dài ngồi trên xe đạp thì không ngờ khi các cô bận quần ống loe rộng, mặc áo sơ mi, chân mang guốc để trên chiếc pê-đan của xe đạp lại mang đến hình ảnh dịu dàng, thanh tao đến thế. Xe đạp mini có vành bánh xe nhỏ, phần ghi-đông và yên xe khá cao nên khi ngồi sẽ mang lại cảm giác thoải mái hơn khi đạp. Vậy nên chiếc xe đạp mini này vô cùng phù hợp với người phụ nữ. Nếu giả sử như có cặp đôi nào đấy yêu nhau thì chiếc xe này đúng là quá hợp hoàn cảnh luôn. Chàng chở nàng ngồi trên xe đạp, đạp thong dong ta đi khắp nẻo đường. Nàng ngồi đằng sau nhẹ nhàng ôm eo chàng, nếu chẳng may có vật cản phía trước, chàng chỉ cần chống chân xuống là đã có thể dừng xe đạp lại, vô cùng an toàn, không sợ té ngã.

Xe đạp mini thời đó thường có màu đỏ hoặc trắng, vừa nhỏ gọn, màu sắc lại trang nhã nên nhà nào cũng có ít nhất một đến hai chiếc xe cho con cái đi học. Những ai khá giả thì có cả xe máy nhưng nhà nào có con gái thì họ thích chạy xe đạp hơn, vì nó nhỏ gọn, dễ dắt, dễ chạy, đi cùng đám bạn vừa đi vừa chuyện trò cũng vui. Còn xe máy thì những ai đi làm hoặc sinh viên thì mới chạy nó.

Xe đạp mini Nhật cũng huyền thoại một đời

Khi nói về xe đạp mini, người ta còn nhớ đến xe đạp mini Nhật. Đây là sản phẩm của Nhật, do công ty Maruishi sản xuất. Công ty này có lịch sử hình thành và phát triển hơn 130 năm, nổi tiếng trong nước và cả các nước trên thế giới. Xe đạp mini Nhật được tung ra thị trường vào những năm 1950 rồi dần dần phổ biến ra các nước ở Châu Á, trong đó có cả Việt Nam. Dòng xe này có được người ta gọi là xe đạp mama (nghĩa là xe đạp mẹ chở con).

Xe đạp mini này là cả một cuộc cách mạng với nhiều sự đổi mới. Xe có phần khung đằng trước uốn cong nên các chị em dễ dàng xuống xe, không sợ bị vấp gióng ngang như thiết kế của xe đạp lúc trước. Đặc biệt là rất thích hợp với những cô nàng bận váy. Đằng trước xe có gắn thêm cả giỏ xe để chị em để túi xách, đồ ăn khi đi chợ về. Nhờ có giỏ xe đằng trước này mới có hình ảnh “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa xe của tôi đi đâu?”. Thật không thể chối bỏ rằng hình ảnh này khiến bao chàng trai ngây ngất, chỉ một lần trót ngắm nhìn mà trong lòng cứ hoài nhớ nhung.

Xe đạp mini tiện dụng là thế nhưng thật khó để nó trở nên phổ biến ở khắp người dân mình. Bởi vì xe thời đó khá đắt. Để “tậu” được chiếc xe này mà thuộc dạng mới keng thì hơi khó, xe có giá đâu đó khoảng 1 triệu 5 đến 2 triệu. Mà giá tiền này cái thời năm 90 tương đương với nửa cây vàng. Xe có giá trị như vậy nên cũng ít người được sở hữu. Mà nếu đã mua được xe rồi thì phải vừa ngắm xe lại phải vừa trông trộm. Do giá tiền đắt đỏ nên xe mini Nhật trở thành mục tiêu của đạo chích ăn trộm xe bán lấy tiền. Để có thể giữ xe được an toàn hơn, nhiều người trang bị hẳn một chiếc khóa dây Việt Tiệp để khóa xe lại cho chắc chắn.

Còn nếu gia đình nào không có kinh tế để mua xe mới cho con cái thì có thể đến những cửa hàng bán xe Nhật bãi, ở đó họ cũng có bán xe đạp mini Nhật nhưng là xe cũ. Tuy nhiên cũng hên xui may rủi. Hên thì mua được xe tốt, còn không thì mua trúng xe được chắp vá từ phụ tùng của Trung Quốc. Sau này xe đạp mini Tàu ra đời, xe này có giá thành rẻ hơn, chỉ tầm từ 400 đến 500 nghìn đồng 1 chiếc. Nhưng chất lượng thì dĩ nhiên không bằng xe đạp mini Nhật, chạy được vài năm là hư khung xe hay hỏng vành xe. Còn xe mini Nhật thì bền hơn, có khi chạy mấy năm chỉ hư mỗi cái lốp xe. Nhà ai có điều kiện thì người ta chọn xe đạp mini Nhật cho chắc chắn.

Còn nói về chiếc xe đạp mini cũ, ở miền Bắc những năm trước 1975, xe đạp mini hoàn toàn hãn hữu ở đây. Đa phần người ta chỉ thấy chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, hay còn gọi là “pơ giô con vịt”. Đến sau năm 1975, lâu lâu cũng hình ảnh các anh bộ đội vác khung xe đạp đi trên con tàu Thống Nhất. Ở Sài Gòn vẫn chuộng xe đạp mini hơn. Thời ấy có xe đạp mini Nhật nhưng mà đa số mọi người chọn xe đạp được sản xuất ở nhà máy bên khu Khánh Hội, những nhãn hiệu quen thuộc được mọi người chọn lựa có Lux, Motobecane,…

Sau này khoảng chừng năm 1975, khi mà đất nước rơi vào thời kì bao cấp, xăng dầu trở nên khan hiếm, mọi người không còn chạy những con xe như Velo Solex hay Mobylette, CNC,… nữa. Mà họ chuyển lại chọn xe đạp vì nó không tốn nhiên liệu, tiết kiệm biết bao nhiêu tiền bạc. Xe đạp thời đó chủ yếu được sản xuất trong nước từ các cơ sở tư nhân, các bộ phận của xe được lấy từ nhiều nguồn, có khi người ta còn lấy sắt từ thùng phuy ra để chế thành sườn xe, bánh xe thì bị vá nhiều lỗ, dây sên cũng lộn tới lộn lui. Mãi cho đến những năm 1980 qua đến 1990 mới chấm dứt câu chuyện này.

Sau những năm 1990, mọi người không chuộng xe đạp mini nữa, bởi vì nó có kích thước nhỏ, không tiện cho việc chở đồ nên mọi người chuyển qua chọn xe lớn hơn. Những năm sau 1990 mọi người vất vả làm ăn, vậy nên phải có công cụ vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi để họ tiết kiệm được thời gian của mình. Thế là xe đạp cỡ lớn được chọn lựa, xe đạp ấy vừa đi nhanh hơn, chở được nhiều đồ hơn. Giống như xe máy bây giờ, xe đạp hồi đó nếu gắn thêm cái ghế nhỏ đằng sau là có thể đèo được cả gia đình đi chơi, bao gồm: Chồng, vợ và một hoặc hai đứa còn. Thời đó, xe đạp là phương tiện phổ biến của mọi nhà giống như xe máy bây giờ vậy đó.

Rồi thời gian cũng trôi qua, xã hội cũng có những thay đổi. Xe máy Trung Quốc bắt đầu ồ ạt vào Sài Gòn. Những xe “hiệu Nhật” như cub, xe Daelim Hàn, xe Dream Thái,… cũng bị dạt sang một bên. Ở Sài Gòn sau này cũng xuất hiện thêm xe đạp Martin 107, xe đạp này cũng nổi tiếng cho đến tận những năm sau 2000. Lúc đầu xe được lắp ráp cỡ lớn, dần dần cũng được lắp ráp cỡ mini.

Hiện nay ít thấy bóng dáng của xe đạp mini ở trên con đường Sài Gòn, hầu như là không xuất hiện nữa. Hình ảnh nữ sinh chạy xe đạp cũng không còn nhiều như xưa mà đã thay thế dần bằng những chiếc xe đạp điện, xe máy điện, xe 50cc,… Bây giờ mấy dòng xe đó phổ biến quá, đời sống của mọi người cũng dư dả, mấy ai mà nhớ đến xe đạp mini cũ nữa. Cuối cùng thì hình ảnh “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” bây giờ chắc cũng không còn thấy nữa rồi.

Viết một bình luận