Chuyện đời đau khổ của cố ca sĩ Ngọc Lan qua lời kể nhạc sĩ ‘Anh thì không’

Một trong số những người Ngọc Lan kính trọng, lúc sinh thời chị vẫn thường nhắc đến như người anh, người bạn lớn bởi có duyên sáng tác, thực hiện những album nhạc cho chị là nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng (tác giả Anh thì không và hơn 100 ca khúc nhạc ngoại lời Việt).

Câu chuyện của Ngọc Lan được ông nhớ lại khi tình cờ những ca khúc nhạc ngoại, lời Việt của ông được các ca sĩ trong nước thể hiện gần đây.

“Ngọc Lan vốn mê hát cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Do đó khi Trung tâm Mây Production tại Mỹ muốn tôi chuyển ngữ một bài hát riêng cho Ngọc Lan thể hiện tôi đã viết Anh thì không. Khi cầm ca khúc trên tay cô rất xúc động lẫn vui mừng vì được hát cả hai ngôn ngữ mình đam mê là tiếng Việt và tiếng Pháp”, nhạc sĩ nhớ lại.

Nhắc đến Ngọc Lan, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng xúc động kể về những ca khúc chuyển ngữ ông viết mà chị thể hiện thành công như Chuyện phim buồn (Sad movies), Đời ca sĩ (nhạc Hoa), Em đẹp như mơ (Elle Etait Si Jolie), Dòng sông tuổi nhỏ (La-Maritza)…

Có bài ông chuyển ngữ từ chính câu chuyện tình buồn của Ngọc Lan Nụ hôn dưới mưa (nhạc Nhật), Đời nghệ sĩ (nhạc Hoa). Chị cũng từng phát hành một album nhạc chuyển ngữ của ông.

Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng thời sáng tác Anh thì không

Về cuộc đời đầy khổ đau của Ngọc Lan, nhạc sĩ là người từng chứng kiến bao lần chị khóc. Ông kể: “Thuở còn đi hát trong ban nhạc thánh ca của nhà thờ Hạnh Thông Tây (Sài Gòn), Ngọc Lan có một tình yêu tuyệt đẹp cùng anh sinh viên y khoa năm 2. Tưởng rằng câu chuyện tình ấy sẽ bền lâu và đẹp mãi, nhưng không, nó đẫm nước mắt, buồn đau và quá nhiều chuyện thầm kín mà giờ nhạc sĩ không muốn nhắc lại. Chỉ biết rằng mối tình thơ mộng ấy đã tan vỡ sau thời gian hai người đến Mỹ định cư. Ngọc Lan thời điểm đau khổ chia tay người yêu đã đi hát ở những quán cà phê tại Mỹ, hát cùng ban nhạc có ca sĩ Don Hồ tham gia”.

“Ngày xưa cô chưa nổi tiếng lắm, chỉ từ đầu thập niên 1990 Ngọc Lan mới vượt lên đỉnh cao. Đài truyền hình Mỹ lúc này đã phỏng vấn cô nên càng nổi tiếng hơn. Lúc đó Lan nói với tôi rằng mình hát tình ca như một cách cầu nguyện cho cuộc đời và cho chính bản thân. Mỗi khi cô vào phòng thu, chưa cất lên tiếng hát là đã khóc. Những ca khúc cô hát quá đúng với cuộc đời, tâm trạng thật của mình nên luôn rơi lệ. Lên sân khấu cô cũng buồn là thế. Cô ấy hát, xử lý bài cực kỳ thông minh. Hát bằng cả tấm lòng và đặt hết tấm lòng mình vào. Tôi hay đùa với cô, chắc em hát cả ngàn bài cũng không mệt. Bởi cô hát như kể chuyện, rất nhẹ nhàng, thủ thỉ. Lan là người chuyên hát thánh ca tại nhà thờ”, nhạc sĩ trầm tư nhớ lại.

Ca sĩ Ngọc Lan (trái) và Như Mai với album Tình ca sĩ của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng Ảnh: TL

Khi muốn đổi lời hay chỉnh lời bài hát của nhạc sĩ chị đều đến nhà xin phép ông. “Cô vẫn hay mở đầu bằng câu: “Anh có thể cho em đổi lời phần này được không?”. Tôi bảo, em cứ hát cho anh nghe đoạn đó có hay hơn không, nếu hay anh cho phép đổi ngay. Cô cũng kể thật thi thoảng nếu hát nhạc chuyển ngữ tiếng Việt mà nhanh quá thường hay cắn vào lưỡi. Cả Ngọc Lan, Kiều Nga đều thích hát nhạc Pháp. Có lúc cô đùa là hát tiếng Pháp ít cắn lưỡi hơn”, nhạc sĩ kể.

Cũng không nhiều người biết Ngọc Lan không học chuyên trường Tây (như nhiều ca sĩ cùng thời), nhưng chị là ca sĩ có năng khiếu hát tiếng Pháp chuẩn. Song, cuộc đời chị đúng là quá bi ai. Sau khi nổi tiếng không bao lâu chị bị vướng căn bệnh có khối u trong não, mắt chị dần mờ đi cho đến ngày mất. Chị còn bị căn bệnh tiểu đường hành hạ nên rất hiếm khi lên sân khấu vì phải mang những dụng cụ y khoa hỗ trợ bên mình. Một cuộc sống nhiều khổ đau cho đến ngày vĩnh viễn ra đi.

Ca sĩ Ngọc Lan tên thật Lê Thanh Lan (sinh ngày 28.12.1956 tại Nha Trang, Khánh Hòa). Chị định cư tại Mỹ vào đầu thập niên 1980. Giọng hát Ngọc Lan được ví như sương mong manh, trầm buồn như chính cuộc đời chị. Khi đang trên đỉnh vinh quang tại Mỹ, chị lâm bệnh nặng và sau đó mất vào ngày 6.3.2001 tại một bệnh viện ở California, Mỹ lúc 44 tuổi. Chị được nhận xét là một danh ca tài, sắc vẹn toàn, một ca sĩ “hồng nhan bạc mệnh” đến giờ vẫn làm quá nhiều người tiếc thương khi nhắc đến tên chị.

Viết một bình luận