“Chuyến Đò Vĩ Tuyến” – “Ranh giới” của hạnh phúc trong thời chinh chiến trước những năm 1975

Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho nền tân nhạc Việt Nam từ những năm 1950, ông được xem là người tiên phong cho nền tân nhạc hiện đại với hơn 170 tác phẩm để đời. Những năm trước 1975 thì hầu hết người người nhà nhà đều nghe nhạc của Lam Phương, thậm chí đâu đâu cũng nghe thấy người ta ngâm nga những giai điệu thuộc sáng tác của nhạc sĩ. Những tác phẩm của ông không đặc biệt tập trung vào một thể loại nào, mà nó rất đa dạng thể loại, đa dạng màu sắc. Nhạc phẩm của ông dường như được lấy toàn bộ từ cuộc sống hàng ngày, từ cuộc sống nơi vùng nông thôn chân chất, cho tới sự gian khó của người lính chiến binh. Mọi thăng trầm trong chiến tranh hay những vui vẻ, hoan lạc của cuộc sống xung quanh, những tình cảm mặn nồng đều được Lam Phương đưa vào bài hát một cách thuần thục, chân thật nhưng không mất đi sự lãng mạn, nhẹ nhàng nhưng không thiếu sự sâu lắng và da diết.

Nhạc sĩ Lam Phương
Nhạc sĩ Lam Phương

Có lẽ Lam Phương thành công nhất là trong lĩnh vực tình ca, bởi rất nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của ông đều là tình khúc, người ta cũng hay gọi ông là “cha đẻ” của nhạc tình. Nhưng đừng quên, trước khi dấn thân vào tình ca, Lam Phương cũng đã có nhiều sáng tác về người lính, về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc rất được người nghe đón nhận. Vào giữa thập niên 1950, ông bắt đầu nổi tiếng, tên tuổi vang xa bởi hai sáng tác để đời: “Kiếp nghèo” và “Chuyến đò vĩ tuyến”.

Chính xác thì bài hát “CHUYẾN ĐÒ VĨ TUYẾN” được sáng tác vào năm 1956, đây là bản nhạc với giai điệu Rumba Lente nhẹ nhàng, không xô bồ, không gấp gáp mà nó có sự từ từ chầm chậm để đi vào lòng người nghe một cách nhanh nhất. Đây là một bài hát được sáng tác vào sự kiện vĩ tuyến 17 bị chia cắt, hai miền Nam – Bắc bị tách biệt từ giai đoạn năm 1954 đến năm 1975. Trong thời gian này, Lam Phương sáng tác mạnh mẽ về chủ đề dòng người di cư từ Bắc vào Nam lập nghiệp, sinh sống, tránh chiến tranh,…. “CHUYẾN ĐÒ VĨ TUYẾN” kể về một cô gái lặng lẽ, đơn côi trên chiếc đò vắng người, đợi chờ người yêu có thể vượt sông Bến Hải để vào Nam tụ họp cùng mình trong đêm khuya hiu hắt. Nhưng chàng trai lại vì một lý do bất đắc dĩ nào đó đã bội ước cùng nàng, làm vỡ tan đi ước mơ sum họp của nàng, đập tan đi mái ấm hạnh phúc mà cô từng mơ ước nơi miền Nam trù phú, cá đầy ao, cua đầy đồng.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Chuyến Đò Vĩ Tuyến do Hoáng Oanh trình bày.

Hãy tận hưởng lại những giai điệu ngọt ngào nhưng lại chứa đầy chua xót cùng buồn bã của một cô thiếu nữ đợi chờ người yêu trong cảnh tượng chiến chinh, loạn lạc. Đợi chờ trong vô vọng, đợi chờ trong sự không hồi đáp:

“Đêm nay trăng sáng quá anh ơi

Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu

Lênh đênh trên sóng nước mông mênh

Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng

Vượt rừng vượt núi đến đầu làng

Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến

Phương Nam ta sống trong thanh bình

Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng…”

Dòng sông Bến Hải – Cây cầu Hiền Lương – Nơi vĩ tuyến 17 đã chia cắt đất nước ta thành hai miền Nam – Bắc, sự kiện này ghi dấu trong lịch sử nước nhà bởi nó là cuộc đại di cư của gần hơn nửa triệu con người phải rời bỏ quê hương, rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đi vào Nam, đến một vùng đất xa lạ, tuy có trù phú nhưng đâu cũng không bằng quê hình.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Chuyến Đò Vĩ Tuyến do Thanh Tuyền trình bày.

Trong bài hát, cô gái đã mong chờ thế nào, đã đợi chờ biết bao đêm trường nơi dòng sông bị chia thành hai màu nước, chỉ mong có thể xây dựng nên cuộc sống ấm êm cùng người thương. Hôm nay trăng sáng, em vẫn đợi chờ anh nơi dòng sông, con đò cũ, chỉ mong thấy được anh, em sẽ mang anh đến nơi miền Nam rộn ràng. Nơi đó ta có tất cả, có bình yên, có tự do, có hạnh phúc, có mái ấm của đôi ta, còn có cả em và anh. Em đã vẽ nên một viễn cảnh tương lai vô cùng đẹp đẽ, chỉ chờ có đôi ta chung tay thực hiện thôi, nhưng em đợi mãi nơi màn đêm lạnh lẽo vẫn chưa thấy được bóng anh. Em biết phải làm thế nào bây giờ?

“…Ơi ơi hò

Dòng sông mơ màng và đẹp lắm

Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ

Để tình ta ngày tháng phải mong chờ

Hò ơi . hò . ơi

Em và cùng anh xây một nhịp cầu

Để mai đây quân Nam về Thăng Long

Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng….”

Dòng sông đó đẹp lắm, vì nơi đó có em chờ đợi anh, nơi đó có anh đang từng ngày gần kề em. Em vẫn đợi chờ nơi đôi bờ sông ấy, nhưng hình như trời cao muốn thử thách tình ta, tạo ra cơn địa chấn mang tên chiến tranh để chia cắt hai ta ở hai nơi, cách nhau bờ vĩ tuyến. Anh hãy nhanh đến bên em, để tình ta đừng bị cách ngăn, rồi sau này em và anh sẽ cùng nhau xây dựng nên nhịp cầu bắt ngang bờ vĩ tuyến 17 nối liền hai miền ngược xuôi. Nếu có một ngày, người dân miền Nam đi qua nhịp cầu nhỏ này để về Thăng Long, thì em biết đất nước ta đã thật sự thanh bình, muôn dân sẽ được ấm no và đôi ta cũng được hạnh phúc trọn đời.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Chuyến Đò Vĩ Tuyến do Giao Linh trình bày.

“…Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi

Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy

Ai gieo chi khúc hát lâm ly

Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng

Bùi ngùi nhìn cách xa ngàn trùng

Giờ đây em điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm

Bao đêm thổn thức dưới trăng ngà

Hồn đắm say chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau.”

 

Nhưng sao anh vẫn chưa tới, chuyến đò đã mang anh đi đâu? Chỉ một lời lỡ hẹn của anh đã làm tim em lạnh giá, lạnh như chiều đông nơi biên thùy. Anh có biết em vẫn ngày ngày chờ anh, anh có biết em vẫn ngày ngày mơ tưởng cho tương lai. Tuổi thanh xuân của một cô gái, chờ đợi người yêu trong sự vô vọng, không một tung tích, không một lý do, thất hứa nơi hẹn thề đôi lứa. Nhìn về nơi xa, lòng em vẫn luôn bùi ngùi cùng thổn thức, “Giờ đây em điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm bao đêm thổn thức dưới trăng ngà”. Dù trách, dù hờn nhưng lòng em vẫn mong có một ngày, anh sẽ đứng dưới con đò trên dòng sông Bến Hải, an ủi sưởi ấm cho tâm hồn đang dần lạnh lẽo của em.

Ngày nay, khi đất nước đã giành lại được nền hòa bình vốn có, đất nước cũng đang ngày càng phát triển và vươn lên. Chúng ta đã xóa sạch được vết thương do chiến tranh để lại, không còn ngày ngày lo sợ đất nước vào tay kẻ xấu. Dù vết thương chia cắt kia đã lành lặn không còn vết sẹo, nhưng “CHUYẾN ĐÒ VĨ TUYẾN” mãi mãi là nhạc khúc êm đềm, sưởi ấm tất cả cõi lòng của người dân, nhắc nhở đất nước ta đã từng khó khăn là thế nhưng sự đoàn kết đã tạo nên sức mạnh dân tộc khổng lồ, là niềm tự hào của cả thế hệ.

Tại thời điểm đó, bài hát “CHUYẾN ĐÒ VĨ TUYẾN” được người nghe đón nhận rất nhiệt tình, đặc biệt là những người di chuyển từ Bắc vào Nam. Nữ ca sĩ trình bày thành công ca khúc này nhất chính là ca sĩ Hoàng Oanh, bài hát không chỉ đem tên tuổi của Lam Phương lan xa, mà còn đưa Hoàng Oanh được săn đón nhất, dù trước đó cô cũng đã nổi tiếng. Cô đã lột tả vô cùng xuất sắc cái hồn trong chất nhạc của Lam Phương, truyền tải toàn bộ cảm xúc chân thật của bài hát đến với người nghe.

Trích lời bài hát Chuyến Đò Vĩ Tuyến:

Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng
Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng
Ơ… ai… hò …
Giòng sông mơ màng và đẹp lắm
Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ để tình ta ngày tháng phải mong chờ
Hò… hớ …. hò …. hơ …
Em và cùng anh xây một nhịp cầu
Để mai đây quân Nam về Thăng Long
Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng !

Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi
Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy
Ai gieo chi khúc hát lâm ly
Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng
Bùi ngùi nhìn cách xa ngàn trùng
Giờ đây em điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm
Bao đêm thổn thức dưới trăng ngà
Hồn đắm say chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau
Ôi … ai … hò … Hò … ai … Ơi … hò ….
Ơi … ơi … hò …. Hò … ơi … Ơi … hò ….

Viết một bình luận