Chú Hỏa – đại gia có hơn 20.000 căn nhà mặt phố, chủ dinh thự nay là Bảo tàng Nghệ thuật TP.HCM

Khi nhắc về những đại gia của Sài Gòn xưa, ngày ấy ai cũng biết đến câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”. Trong đó, tứ Hỏa là chú Hỏa – là một trong tứ đại danh hào,  đại gia có hơn 20.000 căn nhà mặt phố tại Sài Gòn.

Tứ Hỏa tức là “Chú Hỏa” – người mà sử sách ghi từng nắm giữ 40% chủ quyền bất động sản Sài Gòn – Chợ Lớn một thời, dù chỉ xếp ở chót bảng.

Vinh Viễn Đường, Huỳnh Văn Hoa hay Hứa Bổn Hòa

Theo các cuộc khảo cứu cho thấy cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, ở Sài Gòn – Chợ Lớn có tới 30.000 căn thuộc quyền sở hữu của Huỳnh Vinh Viễn. Lúc đó, dân cư Sài Gòn – Chợ Lớn chỉ khoảng 500.000 người. Với 30.000 căn nhà thì chiếm gần nửa Sài Gòn – Chợ Lớn. Vậy thì Huỳnh Vinh Viễn là ai mà lại có thể “một tay che hết nửa bầu trời” như vậy?

Năm 1960, cố học giả Vương Hồng Sển viết trong “Sài Gòn năm xưa” về Chú Hỏa: “Hui Bon Hoa, tục danh “Chú Hỏa”. Sớm nhập tịch Pháp nên ký âm theo Pháp ngữ làm vậy rồi gọi như vậy cho đến đời đời, không rõ theo Hán tự hà danh hà tánh?”. Nói khác đi, vào năm 1960, học giả uyên bác như Vương Hồng Sển vẫn chưa rõ danh tính Chú Hỏa.

Năm 2014, trên trang blog “Tây Cống cố sự quán” (Căn nhà ghi chuyện cũ ở Sài Gòn), tác giả Chen Bickun công bố một bài viết bằng tiếng Anh mà tôi rất để ý. Đó là bài “The True Story of Hui Bon Hoa and Uncle Hoa’s Mansion” (Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa) dựa vào tư liệu do chính dòng họ Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris – Pháp cung cấp.

Theo đó, Chú Hỏa (1845 – 1901), tên thật là Huỳnh Văn Hoa , hay còn gọi là Hui Bon Hoa theo tiếng Phước Kiến, Hứa Bổn Hòa theo âm Việt hóa vốn người làng Văn Tang, thuộc Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phúc Kiến, nay thuộc khu vực Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông là một thương nhân người Việt gốc Hoa với quốc tịch Pháp.

Chú Hỏa (1845 – 1901)

Ông sang Việt Nam khoảng năm 1863. Sở dĩ Chú Hỏa được gọi với tên là Hui Bon Hoa vì khi nhập quốc tịch Pháp, ông vốn là tín đồ đạo Công giáo nên đã lấy tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Trong đó, Hui Bon Hoa chính là tên Huỳnh Văn Hoa của ông được ký âm theo phương ngữ Phước Kiến. Về sau, các con cháu của ông đều mang họ Hui Bon Hoa nhưng chỉ khác tên Pháp đứng đầu. Theo thói quen, người Việt gọi tên cuối cùng, sau họ và chữ lót, nên Chú Hỏa trở nên huyền bí với vô vàn hóa thân.

Ông được biết đến là một trong tứ đại hào phú của Sài Gòn xưa vào nửa đầu thế kỷ XX mà dân gian từng tôn vinh: “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (Huyện Sĩ – Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương – Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường – Lý Tường Quan và chú Hỏa – Hui Bon Hoa). Tuy xếp thứ tư nhưng chú Hỏa là người có nhiều huyền thoại và để lại nhiều dấu ấn nhất, trong đó phải kể đến tấm lòng không chỉ thu vén cho riêng mình mà còn biết hướng tới cộng đồng của ông. Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong sự hình thành bộ mặt thành phố trong thời gian này. Theo nhiều sách ghi chép lại khi nói về Chú Hỏa là: “tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”.

Một trong những dấu ấn về Chú Hỏa đó là tòa nhà tọa lạc tại số 97, đường Phó Đức Chính, Q1, TPHCM trải qua bao thời gian nhưng vẫn sừng sững với dáng dấp cổ kính, tĩnh lặng, thâm u, càng làm cho những giai thoại về chủ nhân và ngôi nhà thêm phần huyền hoặc. Dù hiện nay đã là trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật thành phố nhưng ngôi nhà vẫn chất chứa rất nhiều điều bí ẩn, gợi tò mò bởi nó gắn liền với nhiều huyền thoại cùng tên tuổi một đại phú người Hoa lừng lẫy của Sài Gòn trăm năm về trước.

Chú Hỏa gốc người Minh Hương – nhóm người Hoa rời bỏ Trung Quốc di cư sang nước ta khi triều đình Mãn Thanh tiêu diệt nhà Minh – được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17. Tương truyền, từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai, chú đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy khiến cho người đời sau còn nhắc.

Vận may gõ cửa, từ người mua ve chai bỗng chốc là đại gia Sài thành

Thiên hạ làm nghề lượm ve chai đã nhiều, nào thấy ai  “mua ve chai bán cẩm lai” mà làm giàu? Nhưng chuyện tưởng chừng không thể ấy lại xảy ra, đó là Chú Hỏa, vì thần may mắn đã mỉm cười với người này. Tương truyền, Chú Hỏa khi mới đến Sài Gòn lập nghiệp vào năm 1863 cũng chỉ từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai nhưng đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy. Chuyện kể trong một lần lượm ve chai, Chú Hỏa nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ. Có người lại nói rằng Chú Hỏa đã mua được bức tượng đúc đồng đen quý hơn vàng. Còn theo một số người khác, khi lê la hầu như khắp Sài Gòn – Chợ Lớn để thu mua những thứ bỏ đi của thiên hạ, chú Hỏa đã mua trúng đồ cổ, “chú thạo chữ Hán nên biết trong đám đồ người ta vứt ra có đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, thậm chí từ đời Hán”.

Tuy nhiên, việc chú Hỏa phất lên, tạo cơ nghiệp, giàu nứt đố đổ vách lại không phải như lời đồn đãi do ông mua được chuông đồng hay nhặt được túi vàng trong chiếc ghế cũ, hay buôn bán cổ vật mà là nhờ có vốn ban đầu, nhờ có óc nhìn xa, nhạy bén với thương trường và quyết đoán trong công việc cộng với cơ hội đưa đến và biết nắm bắt cơ hội đã làm nên tên tuổi của một Hứa Bổn Hỏa.

Cuộc đời Chú Hỏa thay đổi  bởi bước ngoặt khi ông trúng thầu. Ông đã mua được 20.000 máy truyền tin cũ khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá với một cái “giá hời”. Vì khi đó, các nhà thầu khác không ai hứng khởi với lô hàng ấy của Pháp, chỉ riêng Chú Hỏa, ông đã đặt cược và thành công. Chú Hỏa vốn có nghề phân kim nên dưới con mắt của doanh nhân Hứa Bổn Hỏa thì những thứ “vô giá trị” lại biến thành vàng, bởi 20.000 bộ máy truyền tin sau khi phân kim đã cho ông một số lượng vàng rất lớn.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, bấy giờ, chú Hỏa còn lừng lẫy khắp Đông Dương không chỉ bởi gia sản kếch xù mà còn bởi sự thức thời. Chú có hơn chục người con thì hầu hết được cho đi du học tại các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Nhật… Được biết, các con chú ai nấy đều học hành thành đạt, mỗi người đều được nhập quốc tịch, được lưu lại làm việc ở nước sở tại.

Theo nhiều người kể, nếu ai có dịp vào nhà chú Hỏa lúc trước giải phóng sẽ nhìn thấy đôi quang gánh đặt trong tủ kính, trưng giữa nhà như vật vừa trang trí, vừa là kỷ niệm thuở hàn vi.

Bước chuyển mình thành trùm nhà đất

“Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa” là câu truyền miệng nổi tiếng của người Sài Gòn xưa. Nếu như chú Hỷ là ông “vua tàu bè” có tàu Thông Hiệp chạy khắp Nam kỳ – Lục tỉnh lúc bấy giờ thì chú Hỏa là ông “vua nhà đất” với gia sản ước trên 20.000 căn nhà phố khắp khu vực Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn.

Chú Hỏa đã đầu tư kinh doanh thị trường nhà đất, và chiếm lĩnh thị trường bất động sản mà Sài Gòn thời đó hầu như vẫn còn bỏ ngõ với số vốn có được từ việc bán 20.000 cái máy truyền tin phế thải. Ông trùm bất động sản Hứa Bổn Hỏa đã nhìn ra tiềm năng của một vùng đất hoang phế, còn nhiều ao hồ quanh con rạch ngay trung tâm Sài Gòn đang có kế hoạch sang lấp để xây chợ Bến Thành. Chính ông đã tung tiền ra mua toàn bộ vùng đất mới sang lấp quanh vị trí xây chợ và khi chợ Bến Thành xây xong, Hứa Bổn Hỏa có trong tay 20.000 cái nền nhà thuộc khu đất vàng, và ông lập tức biến nó thành 20.000 căn nhà phố cho thuê để hốt bạc dài dài. Bằng cách mua trước những khu đất sắp quy hoạch, xem ra mẹo làm giàu Chú Hỏa cũng chẳng khác gì thời nay. Vậy thì khi nói về Sài Gòn xưa, những người như ông, dù từ phương nào đến, cũng chung lưng đấu cật, sẻ chia, thậm chí là tiên phong góp phần tạo ra bộ mặt Sài Gòn – Chợ Lớn. Bây giờ không còn nhiều nhưng đi đâu cũng thấy dấu ấn của ông còn lại, mà dãy nhà góc đường Võ Văn Kiệt – Phó Đức Chính chẳng hạn thì nay vẫn còn khá nguyên vẹn.

Bằng cách “đón gió” như trên, Chú Hỏa đã mua cả vùng đất sình lầy đối diện Quảng trường Quách Thị Trang ngày nay. Ít năm sau, người Pháp xây chợ Bến Thành, khu này trở nên tấc đất tấc vàng. Nhiều người vẫn giữ được hình ảnh dãy phố 1 trệt 1 lầu đối diện Quảng trường Quách Thị Trang thời Pháp thuộc, phía sau bến xe buýt, nay đã bị giải tỏa.

Chú Hỏa có ba người con trai: Huỳnh Trọng Huấn (1876-1934), Huỳnh Trọng Tán (1877-1934) và Huỳnh Trọng Bình (1892-1951). Trừ người con út Huỳnh Trọng Bình được sinh ra tại Sài Gòn, hai người anh Huấn – Tán được sinh ra tại Phúc Kiến (Trung Quốc) và họ theo cha đến Sài Gòn lập nghiệp. Chú Hỏa là người làm ăn chân thành, cẩn trọng và luôn hướng về cộng đồng. Noi gương cha, hai người con trai lớn của chú cũng thế. Gia đình Hui Bon Hoa phất lên nhanh chóng vì họ luôn biết đoàn kết vì lợi ích chung và có tầm nhìn. Phần lớn những dãy phố mang tên gia đình Hui Bon Hoa khắp Sài Gòn thuở ấy được xây trên những vùng đất đầm lầy hoang hóa, được chú Hỏa và các con mua lại với giá rất rẻ. Bởi chính họ đã nhìn ra được “quy hoạch Sài Gòn tương lai” nên mới có những ý tưởng “đắc địa” như vậy.

Chăm chỉ làm ăn, biết tổ chức, điều hành năm 1925, Tổng công ty Bất động sản Hui Bon Hoa được thành lập để quản lý gần 20.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn- Chợ Lớn và đặt trụ sở tại tòa nhà chính giữa mang tên “Huỳnh Vinh Viễn Đường” trong ba tòa nhà xây dựng năm 1920.  Chú Hỏa đã trở thành một “doanh nhân” nổi tiếng trong tốp tứ đại phú hào với số tài sản kếch sù không chỉ để lại cho gia tộc, mà còn góp phần làm nên một “huyền thoại kinh doanh ngành bất động sản” của Sài Gòn.

Chỉ riêng ngành bất động sản với những công trình xây dựng lớn còn tồn tại trong đời sống xã hội cũng như văn hóa của một thành phố mà ông đã chọn làm nơi ngụ cư, xem như quê hương thứ hai của mình cho đến ngày khuất bóng, Hứa Bổn Hỏa cũng đã để lại cho người đời sự ngưỡng mộ hiếm có.

Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: “Hui Bon Hoa có nhiều con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc. Nhờ giữ gìn có phương pháp cho nên sự nghiệp Hui Bon Hoa ngày càng đồ sộ thêm mãi, không sứt mẻ mảy may nào. Sơ khởi, chú Hỏa nghe đâu hùn hiệp với một người Pháp bao thầu khuếch trương các tiệm cầm đồ (Mont de piété) trong Nam Kỳ. Hiện nay phố xá Sài Gòn một phần lớn là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ. Nhưng công ty này được tiếng là “rất biết điều và không yêu sách, làm khó người mướn phố”.

Không chỉ xây các dinh thự hoành tráng cho gia đình mình, chú Hỏa còn xây những dãy phố, cùng hàng loạt các công trình dân dụng dành cho cộng đồng như bệnh viện, chùa chiền… Trong số các công trình tiêu biểu vẫn được sử dụng cho đến ngày nay có Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Nhà khách Chính phủ, chùa Kỳ Viên, khách sạn Palace – Long Hải, Trường THCS Minh Đức (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)… Phần lớn các công trình đều có góp sức của các con Chú Hỏa nhưng người ta đã quen gộp chung dưới tên Chú Hỏa.

Ba người con trai của Chú Hỏa, từ trái qua: Trọng Tán, Trọng Huấn, Trọng Bình.

Đáng kể có khách sạn Majestic xây dựng năm 1925, gồm ba tầng với 44 phòng, trang bị máy điều hòa không khí đầu tiên ở Đông Dương. Và những dãy nhà phố nằm dọc theo mặt tiền các con đường trung tâm quận 1; mà nay là các đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi…

Khách sạn Majestic, 1930

Khách sạn Majestic là khách sạn đồ sộ bậc nhất thời ấy, được thiết kế theo đồ án của một kiến trúc sư người Pháp. Cũng như Bảo tàng Mỹ thuật hay Nhà khách Chính phủ, Majestic xây dựng theo phong cách Baroque rất được ưa chuộng thời bấy giờ và ngay cả hiện nay, nó mang dáng vẻ kiến trúc cổ châu Âu thời phục hưng, cổ kính và sang trọng bậc nhất Sài Gòn ngay khi xây xong vào năm 1925.

Khách sạn Majestic
Khách sạn Majestic

Dinh thự có 99 cửa nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Nằm ở khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn là Phó Đức Chính – Lê Thị Hồng Gấm – Calmette – Nguyễn Thái Bình, hiện tòa nhà được dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố.

Tòa nhà vốn này là dinh thự chính của chú Hỏa, được thiết kế rất đẹp và độc đáo theo phong cách Art – déco, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á-Âu, tường nhà được đúc kiên cố, dày từ 40-60cm. Tòa nhà được xây dựng nền diện tích hơn 3.000 m2 mang đậm phong cách kiến trúc Baroque nổi tiếng Pháp. Mái nhà lợp ngói âm dương màu đỏ, những viên ngói diềm mái được tráng men viền màu xanh lục. Các ô cửa sổ của tòa nhà lắp kính màu có hoa văn mang đậm phong cách nghệ thuật châu Âu. Sàn nhà lát gạch bông với kiểu dáng, hoa văn đa dạng, riêng cầu thang lát đá cẩm thạch.

Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Ngôi nhà hiện đã trên trăm tuổi, được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ trước. Tương truyền khi thiết kế, dinh thự này có một trăm cửa lớn, cửa nhỏ và cửa sổ. Thế nhưng, Toàn quyền Đông Dương khi duyệt thiết kế đã bắt chủ nhân bỏ đi một cửa và không được mở cổng chính với lý do cổng này to hơn cổng Dinh toàn quyền, vậy nên hiện nay dinh thự chỉ có chín mươi chín cửa.

Mặt bằng tổng thể khối nhà hình chữ U, cấu trúc bên trong tòa nhà hiện bao gồm: tầng hầm dành cho khối văn phòng làm việc; tầng trệt dành cho các gallery hoạt động triển lãm và kinh doanh tranh như Không Gian Xanh, Lạc Hồng, Nhật Lệ, Spring…;tại đây còn có thang máy đầu tiên được lắp đặt tại Sài Gòn. Buồng thang máy được làm bằng gỗ, trang trí và chạm trổ như một chiếc kiệu cổ của Trung Quốc.

Năm 1987, tòa nhà được lập thành Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì thiếu hiện vật nên đến năm 1992 mới đi vào hoạt động. Đến nay,  số hiện vật được trưng bày tại

Bảo tàng Mỹ thuật TP đã lên đến gần 20.000, trên diện tích hơn 4.000m2, đây là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động triển lãm, trở thành một trung tâm mỹ thuật lớn của Việt Nam, lưu trữ rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc và cổ vật mỹ thuật trong lịch sử đất nước và nhân loại, gồm cả những tác phẩm có giá trị cao như bức tranh sơn mài Vườn xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí và là nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật

Năm 1901, trong lúc cùng vợ về thăm Trung Quốc, Chú Hỏa đột ngột qua đời và được chôn cất ngay tại Tuyền Châu, hưởng dương 56 tuổi. Lúc đó, sử sách ghi chép là vào cuối đời Mãn Thanh, ông được truy phong hàm Nhất phẩm, có quyền “nộp thóc ghi tên Thái học”, vợ ông được tôn xưng Nhất phẩm phu nhân.

Tại xã Nessa (Pháp) thuộc đảo Corse có một con đường mang tên Hui Bon Hoa, để ghi nhớ công lao ông đã đóng góp 25 ngàn franc cho làng giúp cải tạo vỉa hè vào năm 1930, thông qua hai gia đình Massari và Luciani ở làng từng quen biết ông.

Sau năm 1975, toàn bộ gia tộc Hui Bon Hoa đã chuyển sang Pháp và Mỹ sinh sống. Gia sản họ để lại cho Sài Gòn – TP.HCM rất nhiều. Ghi nhớ công ơn của chú Hỏa và gia đình, nhiều công trình bệnh viện gia đình hiện nay vẫn hoạt động tốt và hiệu quả, nhiều dãy phố xưa của gia đình vẫn còn giữ nguyên diện mạo để nhớ về một thời “Sài Gòn khởi nghiệp”.

Viết một bình luận