Cho tôi xin một vé để ngược dòng về với Tết

Tết trong Nam tuy có mộc mạc, nhưng không sơ sài….

Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai

Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay

Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này

Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi….”

Từ giai điệu cho đến ca từ của bài hát, Y Vân như muốn truyền tải đến một thông điệp tích cực, khiến cho người ta khi nghe thấy càng quyến luyến và yêu thương Sài Gòn hơn. Vậy cái Tết ở Sài Gòn có độc đáo không, có khiến người ta hoài niệm mỗi khi nhớ đến không? 

Vùng đất phương Nam mang theo cái nắng chói chang nhưng tràn đầy hơi ấm, và Sài Gòn chính là nơi “đất lành chim đầu” trong buổi đầu khai khẩn đất hoang đối với nhiều lớp người trong đó có lưu dân từ miền ngoài như Bắc và Trung. Văn hóa Sài Gòn cũng từ đó mà được hòa trộn – giao thoa, tạo nên một nét riêng biệt để thích ứng với nhịp sống mới, phong thổ mới. 

Khác vùng miền nên cách thức đón chào năm mới của ba miền Việt Nam cũng khác nhau, nhà nghiên cứu – học giả Vương Hồng Sển cũng có nhắc đến Tết trong Nam trong “Đặc san Sử Địa” xuất bản năm 1967 như sau: “Tuy cùng một gốc nhưng nước Việt Nam ta, Bắc – Nam – Trung vẫn thưởng Tết không đâu giống với đâu: Tết trong Nam mộc mạc sơ sài, không như Tết miền Trung và ngoài Bắc, trước đây giữ nhiều lễ phép và kiêng cữ… Nhưng đã là “ăn Tết” đúng ý nghĩa tục lệ ông bà để lại thì đâu cũng như nhau, dùng dịp Tết nhứt để mừng đoàn tụ gia đình, tưởng niệm cúng vái tổ tiên đã khuất.”

Với người Sài Gòn xưa, học lựa chọn chùa chiền để làm nơi đón giao thừa và cầu những điều may mắn. Ngoài Lăng Ông Bà Chiểu thì các chùa như Chùa Ông, Chùa Bà,…đều rất đông đúc người dân, họ tìm đến đây để khấn vái những điều tốt lành cho năm mới, cầu cho gia đạo bình an, cầu cho một năm suôn sẻ, cầu tình yêu thuận lợi và sáng tươi…..Trong suốt một năm dài dai dẳng, dù có ghét nhau, dù có giận hờn hay bực bội thì ngày đầu năm nếu có lỡ gặp nhau thì vẫn phải nhoẻn miệng cười tươi rói, “tay bắt mặt mừng” làm lành cùng nhau. Đây chính là minh chứng cho việc người Sài Gòn chẳng thể giận lâu, chẳng để bụng chuyện gì. 

Không những ở mấy khu chợ, mà hầu hết người miền Nam đều tếu táo bảo nhau rằng: Chơi Tết à chơi “hết mùng rồi đến mền”, tức là còn mùng thì còn Tết, từ mùng Một đến mùng Mười. Nhưng đến rằm tháng Giêng, mọi người lại tiếp tục rủ nhau mở ra cuộc hành hương đến chùa chiền cầu may mắn đầu năm. Nói là nói vậy, chứ thật ra là qua đến mùng Hai, nhiều quán xá ở Sài Gòn đã bán buôn lại rồi, để đáp ứng nhu cầu ăn uống “nhanh – gọn – lẹ” của người dân. Đây chính là nét đặc trưng trong tính cách của người Sài Thành, khiến người ta chẳng thể nào ghét được. 

“Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy” là câu nói dân gian được lưu truyền hết đời này sang đời khác, và người Sài Gòn cũng áp dụng câu này cho ngày Tết của mình. Đó không chỉ là lịch trình để mọi người đi lại hỏi thăm nhau vào ba ngày Tết, mà còn là cách mà người Việt thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”. 

Kế đó là việc xem bói đầu năm, bói nào mà chẳng là bói nhưng bói ngày Tết thì lại khác. Trong Nam có bói tuồng, cái này được Lê Văn Đức diễn giải trong “Việt Nam tự điển” chính là: “Xem hát ngày đầu năm để biết năm ấy hên, xui thế nào. Bói tuồng phải vào rạp giữa khi hát”. Ta vẫn có thể biết được đó chỉ là ngẫu nhiên, căn cứ vào những tuồng tích, những tình huống đang diễn ra ở thực tại mà đoán vận cho tương lai sắp tới nhưng vẫn có rất nhiều người tin vào nó. Đây cũng là dễ hiểu, bởi so với nhiều tỉnh thành thì Sài Gòn quy tụ nhiều gánh hát và rạp hát nhất. Ngoài ra còn có bói điềm vận qua hoa mai, chẳng hạn như việc nhìn độ nở – héo rụng của hoa mau trong ngày Tết để đoán vận hạn trong năm….

Không biết ngày nay còn không, nhưng du xuân Tết xưa là không thể thiếu mấy cái trò đánh đu. Trong quyển “Gia Định thành thông chí” của tác giả Trịnh Hoài Đức, ông cho biết: “Tết Nguyên đán ở Gia Định có trò chơi đánh đu, nhưng khác với thể thức đu ở Trung Quốc… Có người hiếu sự, treo những khăn, quạt, tiền bạc để làm vật thưởng, ai đu lên cao đến chỗ treo vật thưởng ấy, nhanh tay chộp lấy, được tiếng là xuất chúng, nếu rủi tuột tay ngã xuống thì bị thương, có khi rất nặng. Cho nên việc treo thưởng ấy không nên làm nữa. Có khi hai người hoặc ba, bốn người cùng đu một lượt nhưng trai cùng đu với trai, gái cùng đu với gái, trai gái không đu chung với nhau”.

Nếu ngoài Bắc, bọn trẻ đi hát “xúc xắc xúc xẻ” vào đêm đón giao thừa thì ở Sài Gòn cũng có một hình thức chúc Tết tương tự thế. Trong “Gia Định thành thông chí” ta sẽ thấy được một đoạn thông tin sau: “Đêm 28 tháng Chạp, Na nhân (tục gọi là Nậu sắc bùa) đánh trống mọi, gõ phách, một đoàn năm, mười người đi theo dọc đường, thấy nhà hào phú thì đẩy cửa ngõ vào dán lá bùa nơi cửa, niệm thần chú, rồi nổi trống phách lên, hát những lời chúc mừng, chủ nhà dùng cỗ bàn chè rượu khoản đãi và gói tiền thưởng tạ, xong nhà này lại qua nhà khác, cũng làm như vậy, cho đến trừ tịch mới thôi, ấy là có ý đuổi tà ma, tiễn cũ rước mới”.

Tết luôn gắn liền với mùa Xuân, mà mùa Xuân thì làm sao thiếu vắng đi sắc màu của hoa lá – Còn nhớ thời đó, những nhà vườn ở Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức….thêm mấy nhà vườn ở khu vực tỉnh miền Tây đều cung cấp những chậu hoa kiểng với đa dạng kiểu dáng, phong phú sắc màu, vô cùng rực rỡ và bắt mắt. Mấy cây kiểng như tắc, mai, vạn thọ, cúc, si,…luôn luôn chiếm được ánh nhìn của những du khách thưởng Xuân. Dọc ở hai bên của bến Bình Đông trước, cứ mỗi độ cuối năm là hình ảnh tàu bè chở hoa Tết bán tấp nập ở con kênh Tàu Hủ. Rồi sau này, con đường Nguyễn Huệ với đầy đủ loại hoa, cây cảnh trải dọc con đường thì người Sài Gòn tha hồ mà ngắm hoa dịp Tết. Cũng từ đó, đường hoa Nguyễn Huệ trở thành đường hoa truyền thống, được tổ chức hằng năm – Là một trong những dấu ấn khó phai khiến người Sài Gòn xưa yêu thích. 

Còn bàn về trái cây chưng Tết là thôi rồi! Người miền Nam nói chung luôn chuộng các loại quả mà khi ghép chúng lại có âm đọc thành “cầu vừa đủ xài” – Tức là mâm ngũ quả phải có đủ các trái mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài… với nguyện ước cả năm được đủ đầy và ấm no. Thời trước năm 1975, chợ Sài Gòn có một loại trái cây gọi là bom Mỹ (Táo Tây) du nhập vào nhưng chẳng có người nào thèm mua về chưng ba ngày Tết, bởi cách phát âm của nó trùng với từ nghĩa bom đạn – xúi quẩy. Thậm chí, có nhà còn bỏ luôn quả sung, quả tắc,…dù nó chẳng có tội tình gì chỉ vì khi đọc sẽ gợi nhớ đến từ…xung khắc, xung đột, bế tắc hoặc tắc tị. Nhưng dù thế thì cũng có nhiều nhà chọn chưng quả sung, bởi theo họ sung mang hàm nghĩa của sung túc, một điềm lành cho năm mới. 

Hồi đó còn có một nét đẹp trong văn hóa Tết Sài Gòn mà ngày nay ít thấy chính là báo xuân. Hình thức báo in đẹp hơn, số trang sẽ nhiều hơn, còn in tặng kèm hình nghệ sĩ – diễn viên mà công chúng ái mộ, xem như quà nhỏ chúc Tết. Đặc biệt, báo này còn xuất hiện trong mục Sớ Táo Quân để trình bày những chuyện quan trọng đã diễn ra trong năm cũ một cách khôi hài và tinh tế. 

Cuối cùng khiến người ta nhớ nhất trong nét đẹp Sài Gòn chính là một loại trái cây đi vào câu đố: 

“Vỏ xanh ruột đỏ hột đen

Hoa vàng lá biếc, đố em trái gì?”

Không sai, chính là quả dưa hấu – Sở dĩ nó không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết, chính bởi sự tích dưa hấu Mai An Tiêm. Dưa hấu mang hàm ý tự lực cánh sinh, kiên cường, xanh vỏ mà đỏ lòng như ông cha ta ngày xưa. Đồng thời, đây là thức quả quý dâng vua nên khi được chưng dịp Tết sẽ thể hiện được lòng tôn kính của con cháu đối với ông bà. Bên cạnh đó, dưa hấu còn mang ý nghĩa của đoàn viên, ẩn chứa tình cảm của người thân – gia đình trong từng hương vị ngọt thanh. 

Nhìn chung, hương vị Tết Sài Gòn xưa vẫn còn đó, ít nhất là nó được giữ nguyên trong ký ức của những người đã từng trải qua.

Viết một bình luận