Chàng đạo diện Lê Hoàng Hoa nổi tiếng của một thời xa vắng

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa nổi tiếng với số phim còn nhiều hơn số tuổi vẫn còn nhiều điều canh cánh trong nền điện ảnh nước nhà? Có lẽ, ông được biết đến nhiều nhất qua bộ phim nổi tiếng “Ván bài lật ngửa” được khởi quay cách đây hơn 40 năm. Khán giả tuổi trung niên khó lòng mà quên được những chi tiết đặc sắc và vô cùng đắt giá được Lê Hoàng Hoa đưa vào phim, từ nhân vật đến tình tiết diễn ra đều in đậm trong trí nhớ của những người mộ điệu. Với đạo diễn Lê Hoàng Hoa, có hai câu chuyện không bao giờ nhàm chán với người khác chính là điện ảnh và đàn bà….Một con người đã bước qua cái tuổi “cổ lai hy” nhưng tên tuổi của ông chưa bao giờ bị lãng quên trong ký ức của mọi người và cái tình trong ông vẫn còn lai láng lắm….

Lê Hoàng Hoa tên thật là Đoàn Lê Hoa, sinh năm 1933 tại Nha Trang (có nhiều tài liệu lại nói ông sinh ra tại Huế) – Ông từng là một trong những đạo diễn nổi tiếng của nền điện ảnh miền Nam trước năm 1975. Ngoài ra, trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, ông vẫn còn được biết đến với nghệ danh khác là Khôi Nguyên. 

Người ta vẫn nói, người đi đường dài ít khi nào thành công nếu chỉ nhờ vào sự may mắn của số phận, mà họ buộc bản thân bước trên những chông gai, học hỏi và rèn luyện không ngừng đến khi thành công được hé mở. Và Lê Hoàng Hoa là một trường học như thế. Thuở còn thiếu thời, ông đã từng học tại trường Saint Pierre, lớn lên chút thì chuyển sang học tại trường Khải Định – Huế. Sau này, nhờ thi đậu học bổng của trường International Cooperation Administration (ICA) nên ông quyết định lựa chọn du học sang Mỹ để chăm lo cho ước mơ điện ảnh của mình tại thành phố Clarkesville, tiểu bang Georgia. Ông tu nghiệp ở nước ngoài đến khi 25 tuổi thì quyết định về nước, ban đầu ông đã ký hợp đồng làm việc cho ICA và đảm nhận vai trò đạo diễn cho những bộ phim thời sự tư liệu ở ngoài Trung. Sau khi hoàn thành hợp đồng hai năm làm việc, vào năm 1960, ông rời Huế để đi vào Sài Gòn lập nghiệp, lựa chọn cộng tác cùng Trung tâm điện ảnh vừa thành lập thời bấy giờ. 

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (trái) trong một lần chỉ đạo diễn xuất

Bộ phim tài liệu đầu tiên của ông có tên là “Cảnh đẹp miền Nam” được chiếu trên màn hình đại vĩ tuyến, dài tận 32 phút. Tiếp đó là bộ “11 giờ 30”, đến bộ phim “Chân trời tím” sản xuất năm 1971 mang về giải nhất trong lĩnh vực nghệ thuật tại Liên hoan phim Á châu đã đưa tài năng và danh tiếng của đạo diễn Lê Hoàng Hoa vượt lên hàng đầu trong giới những đạo diễn trẻ đương thời. Ngoài ra, vẫn còn nhiều dự án phim khác vô cùng nổi tiếng được xuất phẩm trước năm 1975, bao gồm: “Gác chuông nhà thờ”, “Điệu ru nước mắt”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, “Con ma nhà họ Hứa” (1973)…

Sau năm 1975, ông cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác đều đứng trước lựa chọn ra đi hay ở lại cống hiến cho đời sống mới. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa chia sẻ rằng: “Tôi buộc phải ra đi khi chung quanh mình chẳng còn ai. Vợ (ca sĩ Phương Hồng Loan) và hai con trai Khôi – Nguyên mất tích sau chuyến đi định mệnh tìm vùng đất mới. Số phận không chiều theo ý muốn. Tôi bị bắt năm 1979 vì tội vượt biên, bị giam tại Bến Tranh thuộc tỉnh Bến Tre. Sau này khi làm phim Ván bài lật ngửa, tôi lấy nghệ danh Khôi Nguyên để nhớ đến 2 con trai của mình”. Những tưởng, cánh cửa cuộc đời đã hoàn toàn khép lại thì đạo diễn của “chế độ cũ” đã vụt sáng hơn bao giờ hết. Thành công vẫn liên tiếp được gặt hái, khi tên tuổi của ông được gắn liền với tác phẩm “Ván bài lật ngửa” – Đây được xem là một trong những tác phẩm phim điện ảnh kinh điển của miền Nam Việt Nam, sản xuất năm 1982 – 1987 và được khán giả lẫn báo giới đón nhận một cách nhiệt tình. Nguyên tác kịch bản phim đã được Lê Hoàng Hoa chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết nổi tiếng “Giữa biển giáo rừng gươm” của nhà văn Trần Bạch Đằng. Dù vậy, đạo diễn cũng lựa chọn sửa đổi khá nhiều tình tiết so với nguyên tác tiểu thuyết và đặt cái tên chính thức là “Ván bài lật ngửa”. 

Bộ phim đã thành công đến mức nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề này đặt tên cho tiểu thuyết của mình. Bộ phim này Lê Hoàng Hoa đứng tên Khôi Nguyên và đạt giải đặc biệt trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983 và giải Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985. Tên tuổi của đạo diễn Lê Hoàng Hoa cùng diễn viên chính của bộ phim Nguyễn Chánh Tín đã hoàn toàn chinh phục nhiều thế hệ khán giả. 

Đạo diễn Lê Phong Lan – Một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng, đã nói rằng: “Sở dĩ Ván bài lật ngửa thành công một phần bởi đạo diễn là người miền Nam. Lê Hoàng Hoa hiểu câu chuyện của người miền Nam, dù người bên này hay người bên kia. Nếu câu chuyện ấy mà giao cho người nơi khác làm thì sẽ khó thành công được như vậy”.

Sau đó là sự ra đời của hàng loạt sản phẩm phim nổi bật khác như: “Đằng sau một số phận”, “Vĩnh biệt mùa hè”, “Tình nhỏ làm sao quên”, “Vĩnh biệt Cali”, “Lệnh truy nã”, “Tây Sơn hiệp khách”….

Đài truyền hình VNCH – Đạo diễn Lê Hoàng Hoa

Đã có lần đạo diễn Lê Hoàng Hoa tâm sự rằng: “Lúc nhỏ, tôi không được ở gần bố mẹ. Nhà bên ngoại có nhiều người cậu nên khi mẹ tôi đi làm xa, cứ gửi tôi cho các cậu nuôi. Do vậy, khi xem chị Kim Cương diễn Lá sầu riêng, đoạn ru bé Sang ngủ: “Ầu ơi, trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai”, tôi đã nhớ đến tuổi thơ mình vì tôi thèm hơi của mẹ tôi lắm. Mười mấy tuổi, tôi mới được về ở với bố mẹ. Ông bà xưa nói hễ cái gì thiếu thì đời thường cho ta mơ. Không biết có phải lúc ấu thơ tôi thiếu thốn tình thương nên tim tôi đầy lãng mạn, yêu nhiều và chưa bao giờ tôi mất đi nguồn sáng của sự lạc quan, dù có khi trước mắt là cuối đường hầm tăm tối mỗi khi thất bại về kinh tế, về gia cảnh”.

Ông nói rằng, nguồn động lực cho sự lạc quan của ông chính là tình yêu, bởi ông yêu nhiều nên từng trải cũng nhiều và cũng thú nhận bản thân chính là một “kẻ hư hỏng” khi để trái tim mình liên tục thổn thức vì phụ nữ. Ông cũng tự nhận thấy bản thân có quá nhiều tội lỗi, vậy nên suốt cuộc đời của Lê Hoàng Hoa chỉ bị “đàn bà bỏ” mà thôi. Người phụ nữ nào khi đến với ông đều được đặt ra một câu hỏi: “Thương anh hay đóng phim?” và họ chỉ được lựa chọn một trong hai, vì bản thân ông cũng có nguyên tắc riêng của mình, ông không chấp nhận phá hủy đi tâm huyết làm phim của mình chỉ vì một “người tình”. Trong bức tranh sẽ có nhiều nét chấm phá để tạo thêm sự đặc sắc và tô thêm sự hoàn hảo và với Lê Hoàng Hoa, “đàn bà” cũng chỉ là những nét chấm phá trong cuộc đời ông mà thôi, ông cần tình cảm để khởi nguồn cảm hứng sống và làm việc. Nhưng không thể vì thế mà nói đạo diễn lừa gạt tình cảm, bởi trong người ông luôn có hình ảnh gia đình và họ đến với ông cũng biết trước một điều là “bản thân không hề có bất kỳ danh phận nào”. 

Ông kết hôn lần hai cùng nữ ca sĩ Trúc Quỳnh – người thể hiện thành công ca khúc “Đêm đông” trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” và có thêm một người con gái tên là Michelle Quỳnh Anh. Năm 1995, ông cùng với gia đình sang Ba Lan định cư, mở nhà hàng nhưng cuối cùng không gắn bó lâu dài mà quyết định sang lại quán. Theo thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo – một người bạn của đạo diễn, đã ghi trên blog của mình đôi dòng suy nghĩ như sau: “Tôi quen anh dịp gặp ở Ba Lan năm 2006, anh cùng vợ con sống ở đó, nhưng anh luôn nghĩ về Việt Nam, phim Việt Nam. Anh là đạo diễn đầu tiên được đào tạo bài bản ở Mỹ từ đầu những năm 50 thế kỷ trước”. Hơn 15 năm sống cùng vợ, ông đã trở về Việt Nam sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và lấy lại nguồn cảm hứng với nhiều lời rủ rê làm phim từ bạn bè dù đã ở lứa tuổi bát tuần. Hơn 100 phim trong suốt 40 năm sự nghiệp cũng chẳng thể nào khiến ông mệt mỏi, nhưng chừng ấy lại quá đủ để ông có thể an nhiên đi về với cõi vĩnh hằng vào năm 2021, hưởng thọ 79 tuổi.

Viết một bình luận