Cây cầu Long Biên huyền thoại từng bị coi là ý tưởng điên rồ của toàn quyền Đông Dương vì những lý do bất ngờ

Ý tưởng xây một cây cầu bắc qua sông Hồng dài 1.600m vấp phải sự phản đối bởi sự “điên rồ”. Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, cầu Long Biên được xây dựng trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội. Cây cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898- 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer.
Cầu Long Biên còn được gọi là cầu Doumer- tên vị toàn quyền, người đã có công đầu trong việc vận động và quyết định xây cầu.
Ở đầu thế kỷ thứ 20, ở nước Việt Nam, cầu Long Biên là cầu thép có kiến trúc đẹp và dài nhất, đồng thời cũng sớm nhất ở xứ Ðông Dương.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ý tưởng xây cầu Long Biên từng được coi là điên rồ.
Thời đó, ngay sau khi nhậm chức, Toàn quyền Paul Doumer đã đưa ra ý tưởng xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng dài 1.600m nhưng vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Họ phân tích sông Hồng rộng như một eo biển, sâu hơn 20 m và dâng thêm 8 m vào mùa lũ. Lòng sông luôn thay đổi, khi bồi chỗ này, lúc lở chỗ kia. Một con sông không thể chế ngự bằng một cây cầu đặt trụ trong lòng sông đầy sóng dữ và không gì chống đỡ nổi.
Ngoài ra, sông quá rộng, không cây cầu nào có thể chịu được, và việc xây cầu giống như việc chồng núi lên núi để làm đường lên trời. Thậm chí ngay cả những người thân cận với Toàn quyền, như kỹ sư trưởng cầu đường, cũng tỏ ra quan ngại.
Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, mỉa mai và khuyến cáo của các quan chức, Doumer vẫn quyết tâm xây cầu. Ngày 12/9/1898, viên đá đầu tiên chính thức được đặt với nghi lễ vô cùng long trọng.
Toàn bộ vật liệu sắt, thép, bu-lông, đinh ốc, xi-măng… đều được chở từ Pháp qua. Công nhân Việt Nam chịu trách nhiệm thi công dưới sự giám sát rất chặt chẽ của các kỹ thuật viên và kỹ sư người Pháp. Họ phải làm việc suốt ngày đêm.
Để kịp tiến độ, hơn 2.000 người, có lúc lên tới 3.000 người được huy động tại công trường.
Có một chi tiết khá thú vị là mẫu thiết kế khác biệt với kiểu dầm chìa đỡ hai bên, các thanh đỡ hình răng cưa, đỉnh cao nhất là 17 m tính từ trụ cầu. Tuy nhiên nhiều người tỏ ra nghi ngại với thiết kế này.
Nhưng các nhà thiết kế đã chứng minh chính 20 trụ cầu, mỗi trụ cao 44 m, trong đó 30 m nằm dưới mực nước, sẽ đỡ cho cây cầu dài 1.682 m, cao 17 m so với mặt trụ và 61 m so với các móng. Cũng nhờ các trụ đó, cây cầu được nối thành khớp.
Năm 1902, cầu chính thức được khánh thành với 30.000 m3 đá và 5.300 tấn thép. Chi phí lên tới 6.200.000 fr, xấp xỉ bằng dự toán.
Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn. Cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cây cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.
Ngày nay, vượt ra khỏi khuôn khổ của một công trình kiến trúc xây dựng thông thường, cầu Long Biên được coi là một trong những biểu tượng của Hà Nội bên cạnh Hồ Gươm, Hồ Tây, Nhà Hát Lớn….

Viết một bình luận