Câu chuyện về Tổng Đốc Phương – Đại nhị phú hào của Sài Gòn xưa chắc ít ai biết

Đỗ Hữu Phương là một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy ở Nam Kỳ, ông là một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp, người ta vẫn hay gọi ông là Tổng đốc Phương vì Pháp coi ông là người có công đóng góp lớn trong lịch sử “chiếm đóng” của họ. Đỗ Hữu Phương sinh ra ở Chợ Đũi (Sài Gòn) năm 1841, là người gốc Minh Hương, biết chữ Hán và biết một ít tiếng Pháp. Ở thời điểm Pháp xâm lược, trong dân gian truyền tai nhau câu nói: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” – Lần lượt theo thứ tự sắp xếp mức độ giàu có của các phú hào thuở đó thì: Nhất là Huyện Sỹ (ông Lê Phát Đạt, ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu), thứ hai là Đỗ Hữu Phương, thứ ba là Bá hộ Xường, cuối cùng là Bá hộ Định. Giữa bối cảnh cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, hầu hết tầng lớp thượng lưu Hoa – Việt ở miền Nam đều chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Pháp thì Tổng đốc Phương lại là một trường hợp đặc biệt khi ông đặc biệt thích văn hóa Pháp hơn ai cả.

Bên phải là ông Tổng đốc Phương khi còn trẻ

Có một nguồn tư liệu dẫn nói rằng: “Đỗ Hữu Phương liên tục phục vụ trong nền hành chánh thuộc địa cả văn lẫn võ, và có đôi lúc làm trung gian áp phe trong các dịch vụ đấu thầu, mua bán giữa Pháp và Hoa Kiều”. Phần lớn về cuộc đời của Đỗ Hữu Phương được lưu giữ trong tập hồ sơ cá nhân của Luro, có nơi Phương làm Đốc Phủ Sứ hàm Tổng Đốc. Khi Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ, ông đã từ chức bá hộ mà lên làm Hộ trưởng ở khu Chợ Lớn. Thời điểm đó, Sài Gòn – Chợ Lớn chia làm 20 hộ, địa vị bá hộ của ngày trước thêm chức hộ trưởng đường thời khiến ông làm giàu lên một cách nhanh chóng.

Đốc phủ Phương, hạt Chợ Lớn

Đầu quân cho Pháp để….bảo vệ tiền tài và gia thế của bản thân

Theo luật phong kiến của Việt Nam thời xưa, tất cả đất đai và tài sản đều thuộc quyền tối thượng của Vua nên Đỗ Hữu Phương quyết định hợp tác cùng Pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. Ông đã thể hiện sự khôn ngoan của mình khi đầu quân cho Pháp và tham gia thêm vài trận đánh để tạo niềm tin.

Ngày 17 tháng 2 năm 1859, khi quân Pháp tiến đánh thành Gia Định, Đỗ Hữu Phương mang cả gia đình lên xã Bà Điểm thuộc quận Hóc Môn để lánh thân và chờ đợi thời cơ. Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ vào tháng 2 năm 1861, ông Phương đã nhờ cai tổng Đỗ Kiến Phước ở huyện Bình Điền dẫn về và giới thiệu với Francis Garnier – Tham biện hạt Chợ Lớn thời đó và được nhận làm cộng sự.

Tổng đốc Phương, một người bạn của nước Pháp

Trên nấc thang hoạn lộ, Phương tiến bước rất nhanh, bắt đầu từ năm 1865, ông Phương được chính quyền Pháp cho làm hộ trưởng Chợ Lớn, hai năm sau, tức là năm 1867 ông được cất nhắc lên vị trí Đốc phủ sứ hàm Tổng Đốc Vĩnh Long. Mãi đến năm 1872 qua sự đề nghị của Tham biện Chợ Lớn – Thống Đốc Le Myre de Villers đã bổ nhiệm Đỗ Hữu Phương  làm Hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn. Đến năm 1879, ông lại giữ vai trò là phụ tá cho Antony Landes (Xã Tây Chợ Lớn – như một chức Thị trưởng), ở vị trí này, ông làm trung gian ăn hối lộ giữa thương gia người Hoa với viên chức Pháp nên làm giàu nhanh chóng.

Trong suốt quá trình làm cộng sự với Pháp, Đỗ Hữu Phương đã xung phong ra trận và dẹp được nhiều cuộc khởi nghĩa, ví dụ như cuộc khởi nghĩa do con của Trương Công Định lãnh đạo ở Hóc Môn, xuống Rạch Giá dẹp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, góp phần truy nã nghĩa quân khi viên phó tổng ở Vũng Liêm bị giết,….

Năm 1881, Đỗ Hữu Phương đã gia tăng thêm niềm tin và củng cố uy tín trước quân Pháp bằng việc cải đạo Thiên Chúa (trước đó ông Phương luôn là người ngoại đạo) và gia nhập quốc tịch Pháp đầu tiên ở Nam Kỳ.

Nhiệm vụ chính của Đỗ Hữu Phương trong chính quyền thực dân Pháp là do thám những hoạt động chống đối Pháp ở các vùng Chợ Lớn, Cần Giuộc và Tân An. Nhưng khác với người khác, trong lúc đi dò xét, ông Phương đã tỏ ra vô cùng khéo léo, rất biết cách giữ mình, tránh gây thù oán công khai, nhờ đó mà bề ngoài thấy ông Phương hiền lành, cứu người này, bảo lãnh người kia. Nếu xét ra, ông Phương vẫn còn có chút lương tâm đối với đồng bào, bởi có lần ông đã bảo lãnh cho Thủ Khoa Huân, còn đem về nhà nuôi ăn ở mặc dù đó là dưới hình thức quản thức khép kín.

Ở thời điểm bấy giờ, nhóm người Hoa Kiều bắt đầu những chuyến hàng và buôn bán, họ làm ăn và giao dịch với người Pháp rất nhiều, thấy ông Phương có thế lực lại quen biết nhiều với những người tri thức và quan chức then chốt nên nhiều người Hoa đã tiến đến cậy nhờ ông làm trung gian, sau đó lại dùng tiền đền ơn hậu hĩnh, nói trắng ra là “hối lộ’ cả thôi. Ông Đỗ Hữu Phương trong giao dịch này đóng vai trò như một áp-phe, quan trọng lại nhanh làm giàu, bởi chỉ việc một chỗ, cứ dựa vào quan hệ mà thu tiền vào tay.

Trong cùng lúc đó, bên Phật Giáo Tứ Ấn có một lãnh tụ, xuất hiện trong dân chúng miền Nam, người ta gọi ông là ông Năm Thiếp, khiến cho phía Pháp phải điên đầu nhức óc. Theo lời kể của một vị cao niên thì có một ngôi chùa Phật Giáo Tứ Ấn ở núi Tượng (có lẽ là chùa An Định?) là trung tâm khởi nguồn cho các cuộc mưu toan khởi nghĩa, tấn công đồn bót, để “phục hưng cho dân An Nam”. Trong công cuộc để nỗ lực tìm ra cách phủ dụ hoặc bắt bớ lãnh tụ Năm Thiếp, ông Phương và Trần Bá Lộc đều ráo riết lập công. Trần Bá Lộc cũng là một cộng sự của Pháp như Đỗ Hữu Phương, ông cũng giúp ích cho Pháp rất nhiều trong công cuộc đàn áp khởi nghĩa của nông dân miền Nam. Có thể nói cùng lãnh chức đội trưởng mã-tà một lượt, Đỗ Hữu Phương và Trần Bá Lộc cùng chạy đua để lập công với chủ mới.

Trong thời gian từ 1865 đến 1875, ông Năm Thiếp dường như không hề định cư ở bất kỳ chỗ nào, hôm nay chỗ này, ngày mai lại di chuyển đến chỗ khác, thêm việc được người dân tận tình giúp đỡ và che giấu nơi ẩn thân, lúc nào cũng ẩn hiện bất thường làm cho quân Pháp phải bối rối vì không biết làm sao để bắt được ông. Và chính ông Phương là người đã hiến kế, nghĩ ra cách mềm dẻo bằng việc sai một tay chân thân tính của mình, có tên là Bửu, cũng người gốc Minh Hương mua 3000 xâu chuỗi bồ đề ở Chợ Lớn. Bắt hắn giả làm một tín đồ sùng đạo, sau đó thì len lỏi vào tận núi Tượng ở Châu Đốc để cúng phát cho đồng bào. Sẵn dịp này tên Bửu cũng được dịp mà dò la thêm tin tức về ông Năm Thiếp nhưng nhận lại là không có gì. Còn bên phía của ông Lộc lại có chút khôi hài, khi ông ta sai bộ hạ của mình là ông Hai Thép đi dò la tin tức của ông Năm Thiếp ở Thất Sơn. Ông Hia Thép sau khi gặp được ông Năm Thiếp, từ địch lại bị cảm hóa trở thành tín đồ mà ngoan ngoãn đi theo không về lại với chủ cũ nữa. Nếu tính ra, thì cả hai vì muốn nhanh chóng lập công mà lập ra nhiều kế sách để rồi toàn thất bại.

Theo lời nhận xét của nhiều bạn bè, ông Phương đã bị “Pháp hóa hơn cả những người Pháp”. Ông có tất cả 6 người con, 3 nam và 3 nữ, 3 con trai của ông lần lượt là Đỗ Hữu Chẩn, Đỗ Hữu Vị, Đỗ Hữu Trí đều đầu quân và phục vụ cho Pháp nối nghiệp cha. Đỗ Hữu Chẩn và Đỗ Hữu Vị sau nhiều năm học tập và hoạt động thì đều trở thành Trung tướng, chỉ có Đỗ Hữu Trí là vẫn hoạt động trong hành chính của Pháp nhưng lại không rõ chức vị là gì. Trong 3 người con gái, có một người gả cho con trai Tổng Đốc Hoàng Cao Khải ngoài Bắc.

Suốt hai thập niên của cuối thế kỷ 19, người Pháp nhận xét về An Nam là: “Nam Kỳ ổn định về mọi mặt như mặt nước hồ thu. Sự giao thiệp giữa các viên chức ra hợp tác với tân triều và quan lại người Pháp, có thể nói là thân mật, mở ra một thời kỳ huy hoàng ở Nam Kỳ”. Trong số nhiều người Nam Kỳ thì Đỗ Hữu Phương, Trần Bá Lộc và Lê Phát Đạt (Huyện Sỹ – Ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu) là nổi bật nhất, bởi đây đều là những người xung phong đầu quân cộng tác với Pháp, được quân Pháp tin dùng và giao chức vụ, cuộc sống của những người này vẫn nửa Tây nửa ta. Ông Phương lựa chọn trung thành và tận tụy với chủ mới, coi đó là bổn phận để giúp ông gìn giữ địa vị giàu sang và có được sự tin cậy để dễ dàng thăng quan tiến chức trong chính quyền Pháp. Trong vấn đề cai trị, ông Phương luôn chú trọng đến vấn đề trị an của Sài Gòn – Chợ Lớn.

Năm 1895, trong một bài báo cáo về tình hình an ninh của Sài Gòn còn lưu lại: “Khắp Sài Gòn, du đảng càng ngày càng lộng hành. Chúng liên kết với nhóm Thiên Địa Hội để ăn hiếp dân chúng, làm tiền những người giàu có. Ai giận ghét người nào cho tiền, mướn chúng đánh phá. Những ai muốn ứng cử hội đồng mướn du côn canh chừng, nếu không bỏ thăm cho mình bị chúng chặn đánh. Thậm chí chúng còn giả bộ mượn tiền nhà giàu từ năm ba chục trở lên, ai không cho mượn, chúng đốt nhà trả thù”. Đối với ba đứa con gái, Đỗ Hữu Phương lựa chọn giáo dục con theo truyền thống Nho giáo. Ông đã được tưởng thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh suốt nhiều năm: 1874, 1884, 1889.

Sau một thời gian dài hoạt động chính trị cùng Pháp và cạnh tranh làm giàu, đến năm 1899, ông Phương quyết định về hưu, không tham gia nhiều như trước và dùng toàn thời gian còn lại của mình để làm những công tác từ thiện. Ông lập trường Nữ trung học Sài Gòn. Sau khi về hưu, nhà Toàn quyền Paul Doumer đã cất nhắc ông Phương lên vị trí “Hội Đồng Tư Vấn Tối Cao Đông Dương” ngang hàng phải vế với Trần Bá Lộc. Trước đó, ông Tổng Đốc Phương còn là Phó chủ tịch của “Hội Nghiên Cứu Đông Dương” năm 1883. Đây được xem là một nội tập hợp những người Pháp quan tâm đến Nam Kỳ, trong đó còn có những người Việt giàu có, họ đều giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền thuộc địa hoặc là những dân trí cao.

Đến năm 1908, số hội viên của hội đã lên đến 260 người, trong đó chỉ có khoảng 33 người là người Việt, bao gồm ông Hội Đồng Quản Hạt, nhân viên hành chánh cao cấp, trong đó có Trần Bá Thọ. Đặc biệt, trong số những hội viên đó có hai người là hội viên vĩnh viễn là Pétrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của, thêm một hội viên xuất sắc sau hai người này chính là ông Lê Văn Phát. Được biết: “Lê Văn Phát thuộc dòng dõi quý tộc, ra làm quan và hợp tác với Pháp rất sớm ở Nam Kỳ. Tài liệu không nói rõ ông quê quán ở đâu nhưng cho biết ông nội làm quan ở triều đình Huế lúc Pháp mới xâm lăng Nam Kỳ. Nhưng cha mẹ ông không ngăn cấm ông ra hợp tác với người Pháp. Ông sống đồng thời với Trương Minh Ký, Trương Vĩnh Ký, Hùynh Tịnh Của, có sức học uyên thâm, nhưng rất tiếc không thấy còn để lại tác phẩm nào.” Ông chính là một cây bút thường của “Hội Nghiên Cứu Đông Dương”, mục đích của ông là làm cho người Pháp hiểu thêm về Đông Dương, hiểu thêm về Việt Nam.

Cùng thời điểm năm 1908, hội có thêm một thành viên mới có tên là Bùi Quang Chiêu, về sau chính là lãnh tụ của Đảng Lập Hiến. Ông nội và cha của ông Bùi Quang Chiêu đều giữ chức quan trong triều đình Huế, với ý muốn chống lại thực dân Pháp. Chiêu lại lựa chọn đi du học ở Algérie, và sau đó qua Pháp tiếp tục, đổ kỹ sư năm 1897.

Đỗ Hữu Phương (1841-1914) bức ảnh được chụp vào những năm 1880s

Lối sống xa hoa của một đại phú hào Sài Thành

Ông Phương được xem là một người có tiếng hiếu khách, ông tiếp đãi rất nồng hậu những người nước ngoài đến viếng thăm tư gia. Ông Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, khi có dịp vào Sài Gòn công tác hay du lịch đều đến thăm tư gia của ông Đỗ Hữu Phương.

Đỗ Hữu Phương có mối quan hệ giao lưu rất rộng rãi và được biết đến bởi nhiều quan chức Pháp ở Sài Gòn. Theo Hứa Hoành (trong “Các giai thoại Nam kỳ Lục tỉnh”), ông Phương thường hay đến nhà hàng khách sạn Continental ở Sài Gòn và Café de la Paix, đây là nơi gặp gỡ của các bạn bè Pháp – Việt thượng lưu trí thức.

Ông Phương thường đãi khách bằng rượu sâm banh, bánh petits beurres de Nantes, ca phê De la Paix,…Café de la Paix là một thương hiệu cafe nổi tiếng ở Paris, đây cũng là quán cafe thân thuộc của ông Phương mỗi lần có chuyến du lịch Pháp.

Nhà ông Tổng Đốc Phương ở Chợ Lớn

Có một bài ca dao được Trương Minh Ký dịch ra Pháp Văn, nói về ông Đỗ Hữu Phương hay đến một cửa hàng cafe De la Paix, đại khái nội dung như sau:

“Các quan lại Pháp thường hay đến “Cà phê de la Paix”… để gặp quan tổng đốc Đỗ Hữu Phương và quan Bonnet đang ngồi tán dóc ở đó Bạn sẽ gặp ngài Paul Blanchy (Chủ tịch Hội đồng quản hạt), cùng với ngài Morin ở đó nữa…”

Bài ca dao này đã có một thời rất nổi ở đầu thế kỷ 20, nhưng sau đó lại biến mất không để lại dấu tích. Dịch giả cũng đã từng cùng vài người bạn Pháp đến viếng thăm dinh thự của ông Phương. Những người bạn Pháp – Việt luôn nhớ lại cái không gian nhà ấm cúng của ông Phương, nó khác hoàn toàn với bầu trời lạnh lẽo của Paris.

Nội thất dinh Đốc Phủ Đỗ Hữu Phương ở Chợ Lớn. Ăn tối trong dinh thự sang trọng của ông ở Chợ Lớn, trong bức ảnh này, là một trong những lời mời được săn lùng nhiều nhất từ ​​xã hội tốt đẹp của Sài Gòn.

Thêm một nhận xét khác về ông Đỗ Hữu Phương trong “En Indochine 1894 – 1895” của Pierre Barthélemy có nói: “Khi viếng Chợ Lớn, đừng quên ghé thăm một ông Phủ giàu có danh tiếng của thành phố này. Quan Phủ bắt chước lối sống cực kỳ xa hoa của chúng ta. Ông là dân An-Nam, tuổi độ 50, tướng phốp pháp, có râu ngạnh trê, luôn luôn tự phụ. Ông không do dự trong việc cho con qua Pháp du học. Nhà ông nửa Tây, nửa ta. Căn nhà ngói 5 gian rộng lớn của ông ở ngay vị trí khách sạn Thủ Ðô, Chợ Lớn lúc trước nằm trên đại lộ mang tên ông. Toàn Quyền Paul Doumer mỗi lần vào Nam đều ghé nhà ông ăn nhậu….Người ông giống hệt nhà ông, bên ngoài trang trí theo lối Pháp, nhưng bên trong trang trí giữ phong tục bản xứ”. (Được trích từ lời nhận xét của Paul Doumer)

Cũng trong những lần ấy, không biết Ðỗ Hữu Phương khéo léo thế nào mà xin được Toàn Quyền Paul Doumer cấp không cho 2223 mẫu ruộng ở làng Hoả Lựu (Chương Thiện  là một tỉnh cũ của Tây Nam Bộ thời VNCH, tỉnh này chỉ tồn tại được vài năm từ 1961 – 1975).

Lối sống xa hoa của ông Đỗ Hữu Phương đối với những người bạn Pháp được vị Bá tước P.Barthelémy nói thêm khi ông cùng bạn có chuyến viếng thăm tư gia: “Nhà ông là một sự pha trộn lạ kỳ giữa Âu và Á. Sân trong thiết kế theo kiểu Trung Hoa, chung quanh sân là các phòng kiểu An Nam mà một phòng salon ở tận trong rất đáng chú ý. Đối diện với salon này là một biệt thự kiểu Âu. Bàn thờ trong phòng salon An Nam này là một công trình tuyệt diệu nổi tiếng, bàn thờ được cẩn xà cừ. Những cột nhà làm bằng gỗ teak rất quý, trụ mái nhà của phòng salon này trông rất thanh tao và trên một bàn làm bằng gỗ quý là những chai rượu absinthe, amer Picon và những sản phẩm của Pháp khác. Ông phủ thích đãi khách các đồ ăn đặc biệt, và ông ta cũng biết thưởng thức các loại rượu của chúng ta. Nếu phải diễn tả hết tất cả sự giàu sang của nội thất An Nam này, thì phải viết rất nhiều trang giấy…”

Nhà ông Tổng đốc Phương trên đường Tổng Đốc Phương, nay là đường Châu Văn Liêm

Xây dựng nhà hát riêng trong dinh thự

Tính cách rộng rãi của ông Phương đã lan truyền rộng rãi trong giới thượng lưu và giới nghệ sĩ ở Paris. Charles Lemire là một người bạn Pháp của ông, có mối giao thiệp rộng rãi trong giới nghệ sĩ, nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật sân khấu, kịch và opera ở Paris. Ông đã chi một số tiền lớn để xây dựng một nhà hát ngay trong dinh thự riêng, thi thoảng lại tổ chức các buổi diễn ca hát bội. Ngày trước, nhà ông ở đường Châu Văn Liêm (trước đó đường này được đặt hẳn bằng tên ông – Tổng Đốc Phương, sau năm 1975, thì được đổi thành đường Châu Văn Liêm cho đến ngày nay), qua những hình ảnh để lại, ta có thể dễ dàng nhận ra sự bề thế của dinh thự. Một kiến trúc kiểu Tây nhìn từ phía ngoài nhưng bên trong là phong cách Á Đông.

Bản đồ CHOLON 1893 – Số 9 là vị trí nhà ông Tổng đốc Đỗ Hữu Phương
Căn cứ theo bản đồ CHOLON 1893 thì nhà của ông Tổng Đốc Phương nằm ở khoảng vị trí rạp Đại Quang trên đường TĐP trước 1975 (nay là đường Châu Văn Liêm). Không ảnh bên trái chụp sớm hơn hình bên phải nên rất có thể còn sót lại hình ảnh khu nhà của Tổng đốc Phương. Nơi đánh dấu chữ X màu vàng có thể là tòa nhà của ông TĐP (với hành lang bên hông có những vòm cong nhìn giống hình vẽ ngôi nhà của ông trong hình dưới). Trong không ảnh bên phải ngôi nhà đó không còn nữa, đã thay thế bằng những ngôi nhà khác. Chấm tròn màu xanh là giao lộ đường Đồng Khánh và đường Tổng Đốc Phương.
Nhà ông Tổng Đốc Phương (tại vị trí rạp Đại Quang trên đường TĐP, nay là đường Châu Văn Liêm)
Nhà ông Tổng đốc Phương (số 9 trên bản đồ SAIGON 1893)

Viết một bình luận