Câu chuyện tình buồn từ lúc chớm nở cho tới lúc úa tàn trong nhạc khúc “Chuyện Ba Mùa Mưa”

Đã bao giờ bạn ngồi một mình nơi mái hiên nhà hay ngồi một góc nơi quán cà phê quen thuộc chỉ để ngắm nhìn những cơn mưa? Lúc thì tí tách vô cùng nhẹ nhàng, khi thì ồ ạt như thác đổ, giây phút ấy có khi là bình yên đến bình dị nhưng cũng có người ngổn ngang thứ cảm xúc không tên. Nếu thời gian không cho phép bản thân được ngắm những cơn mưa thật sự thì hãy thử lắng đọng lòng mình cùng với nhạc khúc tình ca mùa mưa của nhạc sĩ Mình Kỳ cùng với nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng qua nhạc phẩm “CHUYỆN BA MÙA MƯA” để tìm lại chút bình yên cho lòng mình.

Đây là ca khúc nổi tiếng của nhóm nhạc sĩ với nhiều bút danh nhất Việt Nam từ trước đến nay, với giai điệu trữ tình nhè nhẹ hòa với lời ca đầy tâm sự, êm dịu mang theo một nỗi sầu miên man. Ca khúc ngay từ lúc ra mắt đã được nhiều giọng ca vàng của nền âm nhạc Việt Nam từ trong nước lẫn hải ngoại đều yêu thích thể hiện và nhận được nhiều sự cổ vũ từ phía khán giả nghe nhạc. Được biết đến bởi nhiều bút danh khác nhau và ca khúc này được ký dưới tên của nhạc sĩ Minh Kỳ và bút danh nhỏ của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng – Dạ Cầm. Sẽ có nhiều người thắc mắc, tại sao đối với một nhạc sĩ tạo dựng tên tuổi là điều rất khó mà nhóm tác giả này lại dùng nhiều bút danh như vậy? Đó là bởi từ thời điểm thành lập nhóm, mục tiêu của các ông là muốn mang đến cho người nghe dòng nhạc thích hợp nhất: giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thuộc….

“CHUYỆN BA MÙA MƯA” là bài hát vô cùng quen thuộc với khán giả yêu nhạc, dù trước hay sau năm 1975, thì nó đều được đón nhận một cách nồng nhiệt. Trước năm 1975, được ca sĩ Trang Mỹ Dung thu thanh lần đầu tiên và góp phần vào việc đưa tên tuổi của nữ ca sĩ lên hàng ngôi sao nhạc vàng thập niên 1970. Sau đó cũng được nhiều ca sĩ tên tuổi khác trình diễn như Quang Lê, Trường Vũ, Tuấn Vũ, Hương Lan…..Nhưng được biết thì duy chỉ có bản thu thanh của ca sĩ Trang Mỹ Dung mới có phần lời đúng 100% do với bản in gốc của nhóm nhạc sĩ. Bài hát “CHUYỆN BA MÙA MƯA” kể về một câu chuyện tình buồn trải qua ba mùa mưa, năm thứ nhất trải qua một câu chuyện cổ tích đẹp như mơ – nàng là công chúa – chàng là hoàng tử; năm thứ hai cuộc tình dần nhạt phai, tình không còn nồng, ý cũng chẳng còn mặn; rồi cuối cùng sức chịu đựng của cả hai rơi vào kết cục chia tay ở năm thứ ba của mùa mưa đến. Câu chuyện tình yêu như hoa nở rực rỡ, nhưng lại trải qua vô cùng nhanh chóng sớm nở tối tàn, hai người rồi cũng lặng lẽ bước qua nhau như hàng triệu con người xa lạ trên thế gian này. Bối cảnh ca khúc cũng là những ngày mưa, dễ mang đến một trái tim mong manh, gợi nên bao nỗi buồn cho những người cùng tâm trạng.

“Đời từ muôn thuở, tiếng mưa có vui bao giờ!
Chuyện lòng tôi kể, cách nay đã ba mùa mưa.
Tôi đem tất cả tim nồng trao đến một người,
nguyện tròn thương tròn nhớ…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày.

Từ trước đến nay, những cơn mưa luôn báo hiệu cho chúng ta về một nỗi buồn cất giấu, tiếng mưa của muôn thuở luôn là âm thanh của trái tim tan vỡ, khơi lên trong lòng bao nỗi nhớ thương về những đoạn ký ức khó quên trong cuộc đời. Tiếng mưa hôm nay đã gợi lên một câu chuyện buồn trong tâm trí người nhạc sĩ, đó là vào một ngày mưa của ba năm về trước. Thời điểm ấy có một người con trai vô cùng si tình, nguyện “đem tất cả tim nồng trao đến một người, nguyện tròn thương trong nhớ”. Chàng đã gửi trao hết tất cả tin yêu của đời mình cho một người con gái, chàng nguyện rằng đời này sẽ mãi yêu thương, mãi cất giữ hình bóng nàng trong trái tim này.

“…..Nàng là trinh nữ tóc buông kín đôi vai gầy.
Một làn môi đỏ, mắt chưa vướng đau vì ai.
Chân son, gót nhỏ đi tìm hương phấn cho đời.
Trời xanh đã an bài….”

Một câu hát đã mang đến cho người yêu nhạc tưởng tượng ra một nét đẹp dịu dàng của một thiếu nữ tuổi còn thanh xuân. Nét đẹp hút hồn bao chàng trai vốn còn ngây ngô trong chuyện tình yêu và người nhạc sĩ ấy cũng không ngoại lệ. “Nàng là trinh nữ” mang trên mình nét truyền thống người con gái Việt Nam với “tóc buông kín đôi vai gầy” cùng vẻ đẹp đôi môi đỏ mọng, thêm “chân son, gót nhỏ”. Nàng chỉ vừa bước chân vào đời, nàng vẫn còn mãi mê “đi tìm hương phấn cho đời”, tìm kiếm hướng đi cho cuộc đời này với bao mộng ước tuổi xuân, chờ nàng phía trước là bao hoài bão, bao mộng mơ. Nàng vẫn chưa một lần yêu thích một ai nên ánh mắt nàng trong suốt chưa hề lây nhiễm bất kỳ đau thương của mối tình không trọn vẹn, sự ngây thơ vì chưa hề luyến lưu tình ái “mắt chưa vướng đau vì ai”. Chính vẻ đẹp trong sáng ấy đã cướp đi trái tim của một người con trai cũng đang tuổi nhiệt huyết, khiến cho chàng nguyện một lòng vì nàng mà xây nên bao nhớ nhung.

“…..Yêu nhau như bướm say hoa.
Đẹp như ước mộng vừa qua hết năm đầu.
Năm sau, mưa gió nhìn nhau,
nàng đã quên dần xa tình năm thứ ba…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Chế Linh trình bày.

Chỉ với một câu hát ngắn, nhưng lại tóm gọn được một câu chuyện tình trải qua suốt ba năm của đôi tình nhân trẻ.

Năm đầu tiên tình cảm nồng cháy, mọi thứ xung quanh như được thêm nhiều cánh hoa hồng bay lơ lửng, bầu trời mưa đen cũng hóa thành màu đỏ của tình yêu. Đoạn tình cảm ấy tha thiết vô cùng, đôi tình nhân yêu nhau “như bướm say hoa”, tưởng chừng chẳng có gì trên thế gian có thể ngăn cách được đôi lứa. Tình của họ làm bao người ganh tị, “đẹp như ước mộng” như một câu chuyện cổ tích được tái hiện ngoài đời thực. Nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu và gần như chấm hết trong năm đầu tiên ấy. Năm thứ hai thì cuộc tình cũng dần nhạt phai, chẳng còn chở che nhau như lúc ban đầu, chẳng còn nồng thắm như lúc vừa yêu. Và sang năm thứ ba thì nàng thậm chí chẳng còn nhớ đến mình đã từng yêu. Từ đây một cuộc tình đẹp đã chấm dứt, đôi lứa đôi ngã chia ly.

“…..Nhìn trời mưa đổ, thấy đau buốt cơn u hoài.
Tình là hoa nở thắm tươi đó nhưng rồi phai.
Khi xưa nếu chẳng đem tình chôn đáy tâm hồn,
thì nay có đâu buồn!”

Đoạn cuối của bài hát, tác giả đã dành ra để nói lên phần tâm sự, đôi điều tiếc nuối của bản thân nhi nhớ về một mối tình không trọn vẹn. “Nhìn trời mưa đổ” mà trong lòng cứ hoài vấn vương nỗi buồn, buông chẳng được mà giữ cũng chẳng xong. Một cuộc tình như hoa đang nở thắm trên bầu trời xanh mơn, đẹp làm sao nhưng nhanh chóng tàn phai mang theo bao luyến tiếc khôn nguôi. Phải chi năm đó bản thân đừng quá nồng nàn, mang trọn trái tim tỉnh nguyên gửi gắm hết nơi người thương “xưa” thì giờ “có đâu buồn”! Nhưng nếu suy nghĩ trên một phương diện khác, nếu lúc đầu nhạc sĩ không mang trái tim mình, không yêu thương người con gái ấy, thì liệu rằng giờ đây chúng ta có được thưởng thức một tuyệt tác tình yêu trong khung cảnh mưa buồn này không?

“CHUYỆN BA MÙA MƯA” là một trong những ca khúc bị hát sai lời nhiều nhất, có thể do bản in trước năm 1975 thất lạc nên khi được in xuất bản lại không còn giữ được nguyên bản nên gây ra nhiều hiểu lầm trong lời ca. Tuy những ca từ bị hát sai trong bài hát cũng không làm sai lệch nhiều ý nghĩa của toàn ca khúc, nhưng việc hát sai lời lại là một cách thiếu tôn trọng đối với người nhạc sĩ viết nhạc. Họ mong muốn các ca sĩ khi cất tiếng ca trên những nhạc phẩm của họ sẽ truyền tải được chính xác ý nghĩa của từng ca từ, mang những cung bậc cảm xúc ấy đến với khán giả. Nên việc hát đúng lời bài hát cũng là một cách mà người ca sĩ thể hiện lòng tôn trọng và sự quan tâm của mình đến với ca khúc mình trình bày cũng như “cha đẻ” của nó.

Trích lời bài hát Chuyện Ba Mùa Mưa:

Đời từ muôn thuở, tiếng mưa có vui bao giờ!
Chuyện lòng tôi kể, cách nay đã ba mùa mưa.
Tôi đem tất cả tim nồng trao đến một người,
nguyện tròn thương tròn nhớ.

Nàng là trinh nữ tóc buông kín đôi vai gầy.
Một làn môi đỏ, mắt chưa vướng đau vì ai.
Chân son, gót nhỏ đi tìm hương phấn cho đời.
Trời xanh đã an bài.

Yêu nhau như bướm say hoa.
Đẹp như ước mộng vừa qua hết năm đầu.
Năm sau, mưa gió nhìn nhau,
nàng đã quên dần xa tình năm thứ ba.

Nhìn trời mưa đổ, thấy đau buốt cơn u hoài.
Tình là hoa nở thắm tươi đó nhưng rồi phai.
Khi xưa nếu chẳng đem tình chôn đáy tâm hồn,
thì nay có đâu buồn!

Viết một bình luận