Câu chuyện ly kỳ về lăng mộ bị yểm danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức và lý giải lối kiến núm mả hình trâu nằm của giới quý tộc Nam Kỳ khi xưa

Đã từ lâu, danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức là một trong những niềm tự hào của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Ông là người sáng lập viên Bình Dương thi xã, nhóm Sơn Hội. Đây là một trong hai thi xã nổi tiếng và bề thế nhất ở lục tỉnh Nam kỳ. Thi xã này gồm: Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức, Nhữ Sơn Ngô Nhơn Tịnh, Hối Sơn Hoàng Ngọc Uẩn, Tri Chỉ Lê Quang Định và các ông Diệp Minh Phụng, Hoàng Ngọc Uẩn. Ngoài ra, ông cũng là một trong Gia Định tam gia gồm ; Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định và Trịnh Hoài Đức. Đặc biệt, quyển Gia Định thành thông chí của ông cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng nhất cho các nhà nghiên cứu sử học và địa lý của miền Nam Việt Nam.

Gia Định Thành của Trịnh Hoài Đức

Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825), còn có tên là An, tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai; là một công thần của triều Nguyễn, là một nhà thơ, nhà văn và là một sử gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 18-19. Sinh thời, ông từng được vua nhà Nguyễn ban tước An Toàn hầu.  Trịnh Hoài Đức sau 40 năm làm quan được xem như bậc khai quốc công thần, là một trong những trụ cột triều đình nhưng sống thanh bạch. Mùa xuân năm 1825, sau một thời gian lâm bệnh, Trịnh Hoài Đức  mất, thọ 61 tuổi. Linh cữu Trịnh Hoài Đức được đưa về  làng Bình Trước, Biên Hòa theo ý nguyện lúc ông còn sống.

Tượng Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức

Khu mộ Trịnh Hoài Đức ngày nay nằm ở KP.3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa. Căn cứ vào nội dung bia đá trong khu mộ cho thấy mộ của ông được xây dựng cùng với năm mất. Đặc biệt, lăng mộ Trịnh Hoài Đức là một quần thể rộng, gồm mộ của ông cùng với thê thiếp, các con cháu trong dòng tộc. Từ những năm 80 của thế kỷ 20 trở đi, có một giai đoạn quần thể mộ Trịnh Hoài Đức bị người dân địa phương lấn chiếm, thậm chí đập phá những ngôi mộ ở phía ngoài để xây dựng nhà cửa. Từ khi lăng mộ Trịnh Hoài Đức được Bộ Văn hóa – thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990, chính quyền địa phương có các biện pháp bảo vệ nên di tích không còn bị lấn chiếm, xâm phạm, nhưng cũng đã bị thu hẹp rất nhiều so với nguyên trạng. Hiện nay phần chính của khu mộ được giữ gìn, bảo vệ chỉ còn có mộ song táng của Trịnh Hoài Đức (gọi là mộ Ông) và phu nhân Lê Thị (mộ Bà).

Kiến trúc độc đáo

Mộ của ông và phu nhân có lối kiến trúc rất độc đáo, đạt đến trình độ mỹ thuật cao. Mộ được xây bằng đá ong tô vôi trộn với hợp chất, có thiết kế hình voi phục trên nền mộ hình chữ nhật, đầu voi hướng về phía bia đá. Theo các nhà nghiên cứu về lăng mộ ở Việt Nam, mộ kiến trúc hình voi phục hoặc ngưu miên (trâu nằm ngủ) có nguồn gốc từ văn hóa Hoa. Ở Cù lao Phố, Chợ Lớn, Thủ Đức, Hà Tiên – nơi có nhiều người Hoa sinh sống trong các đợt di dân lớn vào giữa cuối thế kỷ 17 đều có xuất hiện các mộ kiến trúc theo kiểu này.  Tuy nhiên, ở mộ Trịnh Hoài Đức bố cục mặt bằng của mộ với hệ thống tường bao, trụ biểu, bình phong, bia đá và hoa văn trang trí lại theo nghi cách của các quan đại thần triều Nguyễn. Có thể nói, văn hóa Hoa – Việt hòa quyện một cách rất tự nhiên, hài hòa ở khu mộ này.

Lăng mộ của Trịnh Hoài Đức và Phu nhân

Một điều kỳ thú khác, đó là vào tháng 10-2003 trong khi san ủi mặt đường để thi công công trình đường ven Công viên Biên Hùng (nay là khu vực chợ đêm Biên Hùng, thuộc phường Trung Dũng), đơn vị thi công phát hiện một ngôi mộ trong khu vực thi công, nghi vấn là mộ cổ.

Mộ kiến trúc hình voi phục hoặc ngưu miên (trâu nằm ngủ)

Những kết luận khảo cổ

Ông Đỗ Đình Truật (nguyên chuyên viên của Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học TP.Hồ Chí Minh) nhận định việc phát hiện mộ yểm của quần thể mộ Trịnh Hoài Đức tại khu vực Công viên Biên Hùng khẳng định thêm rằng những tập tục tâm linh văn hóa của người xưa tại vùng đất Biên Hòa là có, và kết quả cuộc khai quật cùng với những hiện vật tìm được là vô cùng quý giá cho các ngành nghiên cứu khoa học về nền văn hóa mộ táng đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn.

Ngôi mộ theo lối kiến trúc độc đáo

Thông tin này được báo về UBND tỉnh và Sở Văn hóa – thông tin (nay là Sở Văn hóa – thể thao và du lịch). Chính quyền địa phương đã cho ngưng thi công công trình để xem xét. Các chuyên viên khảo cổ của Bảo tàng Đồng Nai được cử ngay đến hiện trường, bước đầu xác định ngôi mộ nói trên là mộ hợp chất (một trong những đặc trưng của mộ cổ ở Đồng Nai), có vị trí nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia mộ Trịnh Hoài Đức. Ngày 3-12-2003, Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội TP.Hồ Chí Minh tiến hành đào thám sát, khai quật và xử lý.

Kết quả thám sát cho thấy, ngôi mộ này nằm theo hướng Bắc – Nam, cách di tích mộ Trịnh Hoài Đức khoảng 50m về hướng Bắc. Lúc phát hiện, phần trên của mộ (phần dương, tức phần nổi trên đất theo quy cách chôn ngày xưa) và bia mộ đã bị hư hại nên rất khó xác định nguồn gốc, niên đại cũng như chủ nhân ngôi mộ. Sau khi chụp ảnh, đo vẽ hiện trạng di chỉ, các nhà chuyên môn đã cho bóc hết lớp đất bề mặt với diện rộng 6x5m, sau đó đào sâu xuống từng lớp đất một, đến độ sâu khoảng 0,5m thì gặp phần âm của mộ với các dấu vết hợp chất.

Lớp hợp chất này có độ dày 0,6m, cấu tạo bằng vôi, cát, mật mía và một ít than hoạt tính. Đặc biệt, trong phạm vi huyệt mộ ở phía tây phát hiện được một ít than tro, một ít tóc cùng 2 miếng kim loại (thiết khí) tròn có đường kính 2,5cm, đồng tiền đồng có hình bàn tay và dòng chữ “Đại Gia Bảo”. Tuy nhiên, ngoài những hiện vật nói trên, trong mộ không tìm thấy quan tài hay di cốt như dự đoán ban đầu. Đào sâu xuống thêm gần 2m, các nhà khảo cổ vẫn không tìm thấy gì khác.

Cổng vào khu mộ Trịnh Hoài Đức

Từ những hiện vật thu được tại di chỉ, ông Đỗ Đình Truật (đã mất năm 2013) lúc ấy là chuyên viên của Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học TP.Hồ Chí Minh – một trong những nhà khảo cổ kỳ cựu hàng đầu của Việt Nam và là người trực tiếp tham gia thám sát và khai quật, kết luận đây chính là ngôi mộ yểm, được xây dựng để bảo vệ lăng mộ Trịnh Hoài Đức.

Chuyện kỳ bí về ngôi mộ yểm

Ông Đỗ Đình Truật giải thích, ngày xưa các vị vua chúa, quý tộc, công hầu khi xây dựng mồ mả rất chú trọng đến việc chọn thế phong thủy, quá trình chôn cất cũng phải theo đúng quy cách. Không nằm ngoài tập quán này, lăng mộ Trịnh Hoài Đức đã được xây cất đúng phong thủy cùng với tập quán tâm linh thời đó – điều mà ngày nay các nhà nghiên cứu gọi là “văn hóa mộ táng”, nhưng ở lăng mộ Trịnh Hoài Đức mang ý nghĩa là cầu an, cầu tài (là sự giỏi giang, không phải tiền tài), cầu hiền chứ không mang ý nghĩa mê tín dị đoan.

Theo phép phong thủy, mộ Trịnh Hoài Đức được chọn ở địa cuộc “tàng phong ẩn khí” (nghĩa là nơi gió quần mây tụ), đầu gối thiên sơn (đầu quay về núi, gò cao), chân đạp vạn thủy (chân hướng về hồ nước, đầm hoặc sông, biển). Địa thế này là nơi kết nối khí âm và khí dương tương ngộ, tương hòa. “Con sông Đồng Nai đã tạo ra một địa cuộc phong thủy tuyệt vời cho vùng đất này, không những thu được thiên khí qua các núi non trong vùng (núi Bửu Phong, núi Châu Thới) mà còn chuyển giao thủy khí cho hồ Linh Thủy (hồ trong khu vực Công viên Biên Hùng). Sông Đồng Nai trước khi từ giã vùng này còn lượn một vòng quanh Cù lao Phố rồi mới đổ về Gia Định (TP.Hồ Chí Minh). Địa cuộc như vậy sẽ là một vùng đất giàu có, an lành và phát triển lâu dài” – ông Đỗ Đình Truật nhận xét.

Về mặt tâm linh, các bậc vua chúa, quan lại, quý tộc ngày xưa trong cuộc sống có thể có gây thù oán nên khi xây mồ mả thường dụng phép trù yểm để ngăn việc phá phách, đào bới, xâm phạm. Ở ngôi mộ yểm này, phần trên được ngụy tạo như một ngôi mộ thật, đắp theo kiến trúc hình trái xoài nhô cao hơn đế mộ khoảng 30cm, nhưng bên trong chỉ có những vật dùng trong trù yểm. Đáng chú ý là 2 vật thiết khí được tìm thấy trong mộ. Ông Đỗ Đình Truật phỏng đoán, rất có thể đây là tiền đúc của một nhà giàu có nào đó trong vùng Biên Hoà xưa, đã tự đúc tiền để lưu hành ở trong vùng – một tập quán của các nhà giàu xưa ở khu vực Nam bộ. Còn miếng kim loại tròn màu trắng có thể là bạc trắng, đặc biệt là có đến 5 lỗ nhỏ đục xuyên thủng và kết nối các lỗ này với nhau bằng sợi chỉ trắng luồn qua luồn lại nhiều lần trong các lỗ. Ông Truật cho biết, thời xưa giới pháp sư, phù thủy thường dùng những thiết khí này để thu khí, thu hồn của người dám động đến mồ mả của người chết, thu được rồi hồn khí này sẽ buộc vào các dây chỉ để đời đời kiếp kiếp không thoát được, bởi các lưới chỉ đó tượng trưng cho lưới trời theo câu yểm “bồ chiếc bất năng thoát dã”. Những sợi tóc yểm trong mộ cùng với 2 thiết khí sẽ tạo thành thế yểm “đồng nhục dã” trấn áp những kẻ đến phá mộ. Những hiện vật này được đánh giá là có giá trị nghiên cứu về mặt lịch sử và văn hóa, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai.

Đáng chú ý, trước đó vào năm 1986 trong khu vực này cũng có một ngôi mộ yểm tương tự nằm ở vị trí Đông – Bắc của mộ Trịnh Hoài Đức bị người dân phá hủy để xây dựng nhà cửa. Ông Truật phỏng đoán, trong khu vực quần thể mộ Trịnh Hoài Đức có khả năng còn 2 ngôi mộ yểm nữa theo phép tự yểm 4 góc của người xưa, đồng thời khẳng định hồ Linh Thủy nằm trong tổng thể của khu mộ Trịnh Hoài Đức chứ không tách rời như hiện nay.

Tích xưa về lối kiến trúc “núm mã hình trâu nằm”

Tuy nhiên, lý giải về lối kiến trúc độc đáo của ngôi mộ cổ Trịnh Hoài Đức, cũng như của các bậc quý tộc Nam kỳ khi xưa, người dân thường truyền nhau câu chuyện về phong thủy, ngũ hành âm dương như sau:

Tích xưa Tấn thư, Chu Phỏng truyện ghi:

“Hồi Đào Khản còn nhỏ, Đinh Gian chết, sắp mai táng, nhà có con trâu bỗng dưng bỏ đi đâu không biết.

Gặp một ông già nói:

– Ở cái gò phía trước lão thấy có con trâu nằm ngủ, nếu mai táng ở đó, sẽ được làm quan to.

Ông già lại chỉ tay về phía một ngọn núi mà nói, chôn ở đấy cũng tốt, đời này sẽ có người làm quan hưởng lương hai ngàn thạch, nói đoạn biến đi luôn.

Khản tìm thấy trâu, nhân đó đem mai táng ở chổ ấy”, về sau người ta bèn dùng hai chữ ngưu miên (trâu ngủ) để chỉ đất huyệt mộ.

Trâu là giống hiền lành, phúc tinh của nhà nông, ông bà mình cho rằng trâu nằm ngủ ở đâu thì đất đó mát rượi, đất lành, cây cỏ tốt tươi.

Huyệt tốt và ông bà mình xây núm mả hình cái lưng trâu đang nằm luôn.

Mục đích mong con cháu phát triển.

Nhơn tiện kể luôn…

Vua Dục Đức (1852 – 1883) là ông vua sau thời Tự Đức.

Nhưng ông làm vua 3 ngày là bị Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế truất, bỏ đói chết trong nhà Dục đức.

Nữa đêm hai ông đội bó chiếu gánh xác vua đi chôn.

Đi ngang một cái vũng trâu nằm thì dây mây đứt, xác vua rớt xuống, cho là ý Trời nên hai ông đội chôn luôn vua ở đó.

Vua Thành Thái sau nầy xây An Lăng ngay khu đó.

Trâu nằm cũng là huyệt tốt vậy!

Viết một bình luận