Cảnh phố phường Sài Gòn giai đoạn 1965 – 1966 thật tuyệt đẹp (Phần 2)

Có bao nhiêu người, sống chậm lại để thưởng thức cái sự xa hoa và lộng lẫy của Sài Gòn? Có ai mà không tò mò, tìm hiểu một chút ít về những câu chuyện trăm năm, hai trăm năm,…về những góc phố sang trọng bậc nhất Sài Thành? 

Không rêu phong cổ kính hay u buồn thâm trầm như Hà Nội ngàn tuổi, Sài Gòn khoác lên mình chiếc áo phong cách châu Âu tinh xảo và tinh tế nhưng cũng không kém phần thanh nhã, vẫn toát lên vẻ đẹp quyền quý và quyến rũ như một quý cô quý phái. 

Từ việc hình thành nên những đại lộ sầm uất đến những công trình kiến trúc cổ kính, pha lẫn giữa Á – Âu….cho đến xây dựng nên tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, dời trạm dừng từ đầu đường Hàm Nghi đến quảng trường Cuniac – quảng trường Quách Thị Trang…..Hay sự phát triển của “Con đường thương mại” Lê Lợi với nhiều cửa tiệm, nhà hàng, khách sạn mang thương hiệu lớn như: Nhà hát Thành phố, Khách sạn REX, Thương xá EDEN,….đều là minh chứng cho thấy sự phồn hoa một thời của “Hòn ngọc Viễn Đông”. 

Mặt chính diện của Bưu điện Trung tâm Sài Gòn – Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố, được người Pháp xây dựng năm 1886 – 1891 với phong cách xen lẫn giữa Á – Âu.

Ngã tư Công Lý – Hiền Vương (nay là ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Thị Sáu) – Bên phải là Phủ Phó tổng Thống, sau năm 1975 là Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh.

Xe bò di chuyển trên đường Nguyễn Văn Thinh, nay là đường Mạc thị Bưởi – Quận 1

Đường Tự Do, phía trước là ngã tư Tự Do – Nguyễn Văn Thinh. Dưới thời Pháp thuộc có tên là Rue Catinat, đến thời kỳ Việt Nam Cộng hòa thì chính quyền đổi tên thành đường Tự Do. Mãi đến sau năm 1975 thì lần nữa đổi thành tên Đồng Khởi và giữ nguyên cho đến hiện tại.

Đường Nguyễn Văn Thinh (sau này được chính quyền đổi tên thành đường Mạc Thị Bưởi), ngã ba Nguyễn Văn Thịnh – Phan Văn Đạt

Tòa nhà tại góc Nguyễn Văn Thinh – Phan Văn Đạt

Dãy cửa tiệm góc Nguyễn Văn Thinh – Phan Văn Đạt

Hai cô gái ở góc của Công trường Mê Linh – Ở thời điểm năm 1965, ở chính giữa công trường đã không còn tượng Hai Bà Trưng nữa, do đã bị giựt đổ trong buổi đảo chánh năm 1963 vì nghĩ là thiết kế dựa trên hình tượng của hai mẹ con Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Lệ Thủy. Bệ đá chính giữa vẫn được để trống đến tận năm 1967 thì tượng Trần Hưng Đạo mới được đặt lên.

Chợ Bà Chiểu – Khu vực chợ có từ đầu thế kỷ XIX, gồm các phường 1, 2, 14 của Quận Bình Thạnh hiện nay. Sơ khai của khu chợ là Chợ Xỏm, xây dựng năm 1942. Theo như quyển sách “Từ Bến Nghé đến Sài Gòn” của tác giả Trần Nhật Vy, trước đây ở mặt tiền chợ Bà Chiểu có một con rạch nhỏ ăn từ kênh Nhiêu Lộc trở vào. Nhưng sau này đã được lấp một đoạn, còn khi chợ được xây cất lại thì mặt tiền cũng được chuyển về hướng đường Phan Đăng Lưu – Lê Quang Định.

Góc đường Lê Văn Duyệt – Chi Lăng, thuộc tỉnh Gia Định (đối diện khu vực Lăng Ông ở phía bên trái hình), nay là góc đường Đinh Tiên Hoàng – Phan Đăng Lưu.

Đường Nguyễn Văn Thinh (sau năm 1975 thì chính quyền đổi tên thành đường Mạc Thị Bưởi), phía xa là Tòa Hòa Giải trên đường Nguyễn Huệ. Nơi anh gác cửa trong bộ đồ trắng lịch lãm là nhà hàng Con Công – Nhà hàng này nấu vừa món Tàu vừa món Tây khá ngon, thêm máy lạnh chạy lạnh ngắt mà không mắc lắm. Ông già thỉnh thoảng nổi hứng dắt cả nhà vô đây ăn.

Góc chợ Bà Chiểu với rất đông tiểu thương cùng khách hàng qua lại mua sắm

Đường Chi Lăng – Gia Định. Dưới thời Pháp thuộc, con đường này có tên là Avenue de I’Inspection, rồi vào thập niên 1930 thì được đổi thành liên tỉnh 22, mãi đến sau này mới có cái tên chính thức là Chi Lăng (năm 1955) rồi thành Phan Đăng Lưu năm 1975.

Đường phố ở khu vực phụ cân Sài Gòn, ở thời điểm đó, khung cảnh gần giống với miền nông thôn ngày nay với hình ảnh nhà cửa thưa thớt.

Đường Hai Bà Trưng – Đằng xa là Ty Điện Lực

Đường phố ở vùng Sài Gòn – Gia Định, ngôi nhà ở phía xa là Lăng Cha Cả – Ngày trước là ngôi mộ của Giám mục Bá Đa Lộc, sau này ngôi mộ được giải tỏa, nơi đây trở thành nút giao thông cùng mức dưới hình thức của một vòng xoay (bùng binh trên đường Hoàng Văn Thụ ngày nay). Di hài của Bá Đa Lộc cũng được giao lại cho người Pháp đem về Pháp.

Đường Tự Do, phía trước là góc dường Thái Lập Thành – Tự Do (chính là góc đường Đông Du – Đồng Khởi ngày nay)

Giao thông trên đường phố Sài Gòn – Thời điểm này, trên đường phô vẫn còn sự xuất hiện của những chiếc xe taxi con cóc màu xanh dương và màu vàng kem – Từng là biểu tượng giao thông một thời của Sài Gòn.

Người phụ nữ Việt Nam trong tà áo và chiếc xe Velo Solex – Nét đẹp duyên dáng một thời

Khách sạn Continental nằm trên đường Tự Do – Là một khách sạn nổi tiếng có lịch sử của thành phố. Nơi đây từng tiếp đón nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (Giải Nobel văn chương 1913), văn hào Pháp André Malraux, văn hào Anh Graham Greene (tác giả truyện Người Mỹ trầm lặng)….Ngoài ra còn là nơi mà các nhà báo, ký giả, chánh khách,…và thương gia ngoại quốc hoạt động ở Sài Gòn tụ tập.

Dãy nhà lớn ở trong hình chính là thương xá TAX – Từng là một trong những trung tâm thương mại lớn và lâu đời của thành phố. Tiền thân của công trình là cửa hàng Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là SGMC) được xây dựng năm 1914, trước đó cũng từng có một công trình khác ở vị trí đó được hoàn thiện năm 1880 thời Pháp thuộc.

Hai khách sạn lớn một thời trong cùng một khung ảnh – Khách sạn Continental (bên trái) và khách sạn Caravelle (tòa nhà trắng chính giữa hình)

Một đoạn của đường Tự Do với hai bên đường là hàng cây xanh rợp bóng

Rạp chiếu phim Roof of Eden

Khách sạn Saigon Palace ở bên trái, ngày nay được gọi là Khách sạn Grand – Chỗ xe hơi màu xanh là góc đường Tự Do và Ngô Đức Kế, phía trước Grand Hotel.

Những chiếc xe đổ trên đường Hồ Huấn Nghiệp, đoạn nối từ đường Tự Do tới Công trường Mê Linh. Chỗ cái bảng cấm, trước đây có một chiếc xe phở của người bác độc thân ngon tuyệt vời, do xe không tên nên người ta gọi nó là phở “Tuyệt” – đọc trại từ chữ Turc của người Pháp. Nhưng bao nhiêu tiền bán phở cũng bị ông đưa vào trường đua Phú Thọ, đến nỗi phải dẹp tiệm. Hên là có người bán nước bên cạnh “học lỏm” được bí kiếp “gia truyền”, họ mở hàng bán ngon y chang nên nhanh chóng đông vụt khách. Từ một quán vỉa hè, đã chueyenr về mặt bằng đường Hai Bà Trưng với cái tên tiệm là An Lợi.

Con đường sầm uất Tự Do (sau này là đường Đồng Khởi) với dọc những cửa hàng, nhà hàng, quán bar,…..

Bến Bạch Đằng – Trước năm 1975, đây chỉ là con đường nằm dọc theo bờ sông Sài Gòn, tính từ nhà máy Ba Son đến đầu đường Hàm Nghi và nối liền với Bến Chương Dương. Sau này, chính quyền nói thêm cho con đường này một đoạn của đường Lê Duẩn và đổi tên thành đường Tôn Đức Thắng.

Giao thông ở đoạn Công trường Mê Linh – Bến Bạch Đằng, đằng sau của xe xích lô máy chính là vị trí của bệ đá từng dựng tượng đài Hai Bà Trưng và sau này là tượng Trần Hưng Đạo.

Cảnh người người đang khấn vái bên trong của Lăng Lê Văn Duyệt

Con đường Lê Lợi nằm hướng bên trái của Nhà hát Thành phố (nhìn từ hướng Nhà hát về vòng xoay Bồn Kèn)

Trụ điều khiển giao thông ở ngã tư đường Lê Lợi – Pasteur

Xe chở sữa Foremost, đến đầu thập niên 1970 thì hãng sữa Foremost đã thiết lập nhà máy sản xuất chính thức tại Việt Nam ở Thủ Đức. Nhưng không còn dùng cái tên Foremost, mà thay vào đó là hình ảnh đại diện là một viên hột xoàn kích cỡ khoảng 5×3 cm, người dân Việt Nam thời đó gọi là “sữa kim cương”.

Thương xá TAX ở ngay vị trí giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ, nhưng đến năm 2016 thì đã bị giải thể. Không còn khu trung tâm thương mại sầm uất ngày trước, mà thay vào đó là không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị doanh nghiệp quốc doanh thành phố tổ chức.

Thương xá EDEN – cũng như nhiều thương xá khác, chẳng tồn tại được lâu, sau năm 1975 cũng bị đập bỏ sau nhiều ý kiến tranh cãi.

Trụ sở Quốc hội nằm ở đường Tự Do – Từng có một thời gian là Nhà Văn Hóa, rồi thành Trụ sở Hạ Nghị viên dưới thời Đệ nhị Cộng hòa. Và sau năm 1975 mới được trả về đúng công năng Nhà hát, phục vụ nhu cầu nghệ thuật như mục đích ban đầu.

Công trường Lam Sơn sau một trận mưa lớn – Chính giữa hình là thương xá TAX trong ký ức một thời của nhiều người dân Sài Gòn.

Những quầy hàng được bày bán trên vỉa hè ở Công trường Lam Sơn, phía trước Thương xá EDEN

Rạp Nguyễn Văn Hảo nằm trên đường Trần Hưng Đạo A, nhìn từ phía trước Plaza hotel tọa lạc ở số 135 đường Trần Hưng Đạo. Trước năm 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo chính là thánh đường để những người làm cải lương có thể thỏa sức sáng tạo để cạnh tranh cùng với những phim ảnh đại vĩ tuyến  của các nước thập niên 1950 – 1960. Theo nhiều nguồn tư liệu cho biết, rạp này được xây dựng năm 1940 với hai lầu và một trệt, được ví như “hàng không mẫu hạm” của cải lương Sài Gòn.

Góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Cư Trinh, bên trái là rạp Lê Ngọc

Rạp Nguyễn Văn Hảo nằm trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn gần góc đường Trần Hưng Đạo – Đề Thám

Café Brodard ở góc đường Tự Do – Nguyễn Thiệp

Công trường John F. Kennedy trước nhà thờ Đức Bà, sau này con đường này được đổi tên thành Công trường Công xã Paris và được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Đường Đoàn Thị Điểm, cạnh ngã tư Đoàn Thị Điểm – Phan Đình Phùng chính là tòa nhà Naval Support Activity, Saigon (viết tắt là NSA, Saigon) tọa lạc ở số 218 đường Phan Đình Phùng. Ở mép phải ảnh nhìn thấy một cửa sổ mái của tòa nhà Bộ Tư lệnh Hải Quân Mỹ tọa lạc tại góc đường Phan Đình Phùng – Đoàn Thị Điểm (sau năm 1975 nơi đây trở thành vị trí của khách sạn Hoàng Đế)

Đường Đoàn Thị Điểm, trước năm 1954 con đường có tên là Larégnère dưới thời Pháp thuộc, sau năm 1975, con đường này gộp chung với đường Trương Công Định ở Quận 1, đổi tên thành đường Trương Định.

Tình trạng xe cộ đông đúc ở Công trường Lam Sơn

Một vị thầy tu đang trên đường khất thực, băng ngang qua Công trường Lam Sơn – Tòa nhà trắng ở chính giữa hình là Nhà hát Thành phố được xây dựng thời Pháp thuộc năm 1900 với mức ngân sách khá đắt đỏ thời đó.

Giao thông ở đoạn vòng xoay Nguyễn Huệ – Lê Lợi, Công trường Lam Sơn.

Cô bé bán mía ghim ở Bến Bạch Đằng – Thức ăn vặt đầy ký ức một thời của dân Sài Thành xưa

Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt

Viết một bình luận