Cảm xúc “Thu Ca” (Phạm Mạnh Cương) – Bản Tango hay nhất mọi thời đại Việt Nam

Theo Phạm Mạnh Cương, ẩn sau mỗi bài hát mỗi nhạc phẩm đều ghi dấu của một kỷ niệm khó phai tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác cho nhạc sĩ. Ông đã liên tiếp tung ra thị trường nhiều nhạc phẩm nổi tiếng và được người nghe ưa chuộng như Thung Lũng Hồng, Mắt Lệ Cho Người Tình, Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè, Loài Hoa Không Vỡ,…..Nhưng tác phẩm mà ông yêu thích nhất và được người người công nhận là bản tango hay nhất mọi thời đại của nền âm nhạc Việt Nam chính là “Thu Ca”.

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương

Phạm Mạnh Cương đã từng chia sẻ về sự ra đời của ca khúc “Thu Ca” với công chúng. Được biết, sau khi đổ tú tài 2 năm 1953 tại Huế, sau đó ông ra Hà Nội theo học ở trường Cao đẳng Sư phạm và Văn khoa. Tháng 8 khi đáp chuyến bay ra Bắc, ông bắt chuyến xe về nơi trọ học, chuyến xe ấy chạy ngang qua trường học Trưng Vương của phố Hàng Bài. Một chiều thu trời buồn man mác, không khí lại se se cái lạnh đặc trưng của Hà Nội, Phạm Mạnh Cương lại vô tình bắt gặp hình ảnh tan trường rất đẹp ở trước cổng trường nữ sinh. Tà áo dài phấp phới tung bay trong gió thoảng, khăn voan nhẹ nhàng khoan thai lúc ẩn lúc hiện, trong đầu nhạc sĩ đa cảm bỗng bật thốt lên giai điệu:

“Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây…”

Bấm vào hình để nghe ca khúc do danh ca Kim Tước trình trình bày.

Năm 1953, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cho ra mắt công chúng bài hát “Thu Ca”, ngay lập tức ca khúc trở thành “bão” trong thị trường âm nhạc lúc bấy giờ. Có thể nói, “Thu Ca” chính là ca khúc gắn liền với tên tuổi và mang danh tiếng của Phạm Mạnh Cương vang xa như bây giờ. Bài hát “Thu Ca” chính là nỗi niềm cũng như tâm sự của chàng sinh viên lần đầu xa quê nhà, rời xa nơi mình đã sinh ra và lớn lên, nơi chất chứa biết bao kỷ niệm vui buồn của tuổi thơ. Bước chân ra đi, lòng chợt cảm thấy bơ vơ trước khung cảnh mùa thu buồn với những chiếc lá vàng rụng xác xơ trong một chiều lạnh lẽo. Sự hiu quạnh lan tràn trong không khí, lan vào tận trái tim người học trò ấy…cô đơn nơi xứ lạ…bỡ ngỡ nơi đất khách….tất cả cảm xúc như đang vỡ òa trong lòng.

“Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây
Ngày đi chiều mang sầu tới
Làn sương chiều thu lả lơi
Tiếng mưa rơi đều trên lối….”

Chàng sinh viên ngơ ngác khi ngắm nhìn khoảng trời xa lạ, nhìn từng cánh chim bay như bản thân đang lạc loài nơi mây trời không người thân quen. Từng đợt sương rơi lạnh lùng như thấm vào từng thớt thịt, nhưng lúc này đây chẳng phải lạnh bên ngoài mà lạnh ở trong tim. Lạnh khi không còn hơi ấm của gia đình bên bếp lửa bập bùng chiều hôm, lạnh khi mưa đêm rơi xuống chẳng ai bên cạnh mà chia sẻ những nỗi ưu tư phiền muộn.

“…..Chiều về gieo thương với nhớ
Lòng người lữ thứ bơ vơ
Nghe lá hoa rụng xác xơ
Chiều thu về đây lạnh lẽo
Mà sương chiều rơi hắt hiu
Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu….”

Nhìn những cánh hoa rơi rơi mang theo tiếng xào xạc trong khung cảnh xác xơ và hiu quạnh, làm cho lòng người lữ thứ thêm phần bơ vơ. Bơ vơ vì nơi đây lạnh lẽo không như ở nhà có mẹ hiền ôm ấp, hắt hiu vì những chiều sương lạnh chẳng nghe thấy tiếng nhắc mình thêm áo ấm,….Lại được bồi thêm tiếng tiêu theo gió mà nhẹ nhẹ tiến vào lòng người, vừa buồn, vừa tủi, lại thêm nhiều sự nhớ nhung.

“…..Nhớ ai chiều thu
Nhìn bao lá úa rơi đầy lối
Nhẹ rung tà áo
Làn môi cười thắm như cánh hoa đào
Cách xa vì đâu!
Dù bao lần lá hoa phai màu
Rung chi cành hoa lá
Khi tà dương đã khuất non xa….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày

Bước chân phiêu lãng trên vùng đất khách quê người, người sinh viên ấy chợt thấy lòng bâng khuâng. Một chiều thu lá vàng rơi rụng đầy cung đường như đọng lại nỗi buồn của người lữ khách nơi xa xứ. Lặng thầm ngắm nhìn những tà áo dài trắng nhẹ nhẹ tung bay trong từng đợt gió thoảng, những nụ cười luôn thường trực trên môi người thiếu nữ như cánh hoa đào, đâm vào tim chàng trai. Chạnh lòng nhớ quê khi những hình bóng xưa cũ bỗng rõ ràng sau bao ngày mờ nhạt với thời gian.

“Cách xa vì đâu!” – Tại sao lại cách xa, tại sao phải đến nơi đây – nơi đất khách, để rồi đếm từng cánh hoa phai màu theo thời gian, nhìn ngắm ánh tà dương khuất dần ở non xa mà chẳng được vui vẻ nơi quê nhà…

“……Mầu chiều thu reo lá úa
Buồn se sắt nhớ Thu xưa
Tôi biết em chiều gió mưa
Người đi về đâu ngàn lối
Màu hoa chiều thu úa phai
Xót xa cho lòng tê tái……”

Từng mùa thu trôi qua cũng như từng nỗi nhớ thêm chồng chất. Hình ảnh của những bông hoa mùa thu dần úa màu, tạm biệt nhành cây mà hòa vào những cơn gió nhẹ, chợt làm người lữ thứ dấy lên sự xót xa và tê tái. Không biết đến bao giờ người trai ấy mới có thể quay trở lại quê nhà, hoài niệm lại những ký ức xưa cũ vẫn luôn ngự trị đáy tim.

“……..Ngập ngừng sương rơi non xa
Chiều thu giăng lối cô đơn
Nghe tiếng mưa sầu chứa chan
Mà bóng chiều phai vàng úa
Mưa xóa tình quen biết nhau
Trách chi cho lòng đớn đau”

Hình ảnh làm sương rơi ngập ngừng trong từng chiều thu cô đơn như chính tâm tình của người lữ thứ. Sự âu sầu trong những chiều lang thang khi lê từng bước chân nặng trĩu, ngắm nhìn màn sương nơi non xa, như mờ ảo, như hiu quạnh…lại chứa chan biết bao nỗi niềm. Muốn được ngay lập tức trở về quê hương, được bên gia đình quây quần lửa ấm, được ăn những món ăn mẹ nấu, được ngắm nhìn non nước bằng mắt mình chứ không phải dựa vào hình ảnh nơi đất khách mà gợi nhớ hình bóng xưa.

Sau khi viết xong tác phẩm “Thu Ca”, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã gửi nó đến đài phát thanh Hirondelle để sau đó được ca sĩ Thanh Hằng phổ biến trên làn sóng điện. Qua một thời gian sau này, ca khúc “Thu Ca” được nhiều nghệ sĩ trình bày từ trong nước đến hải ngoại và được tác giả sử dụng làm nhạc hiểu cho các chương trình ca nhạc của Phạm Mạnh Cương. Nhịp điệu dìu dặt của bài hát hoàn toàn phù hợp với tâm trạng khoắc khoải đến mơ hồ của người trai, từ đó dễ nhận được sự đồng điệu và đồng cảm của người nghe. Thành công của ca khúc trong gần 70 năm là điều không thể chối bỏ, sự thành công ấy có thể là do những mô tả cảm xúc và tâm trạng của một con người cô đơn khi tha hương nơi miền đất khách. Ai mà chưa từng một lần trải qua sự trống trải này trong đời! Và đặc biệt là những nét khắc họa mùa thu vô cùng đặc sắc bằng chính lời ca và âm nhạc của người nghệ sĩ tài hoa: Buồn nhưng lại lung linh, u sầu nhưng thật xinh đẹp. Một cảnh quan với nét đẹp thuần túy và mộc mạc kết hợp cùng tâm tình khó nói của người trai, đã làm rung động biết bao trái tim nghe nhạc.

Lời bài hát Thu Ca – Phạm Mạnh Cương

Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây
Ngày đi chiều mang sầu tới
Làn sương chiều thu lả lơi
Tiếng mưa rơi đều trên lối

Chiều về gieo thương với nhớ
Lòng người lữ thứ bơ vơ
Nghe lá hoa rụng xác xơ
Chiều thu về đây lạnh lẽo
Mà sương chiều rơi hắt hiu
Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu

Nhớ ai chiều thu
Nhìn bao lá úa rơi đầy lối
Nhẹ rung tà áo
Làn môi cười thắm như cánh hoa đào
Cách xa vì đâu!
Dù bao lần lá hoa phai màu
Rung chi cành hoa lá
Khi tà dương đã khuất non xa

Mầu chiều thu reo lá úa (1)
Buồn se sắt nhớ Thu xưa
Tôi biết em chiều gió mưa (2)
Người đi về đâu ngàn lối
Màu hoa chiều thu úa phai
Xót xa cho lòng tê tái

Ngập ngừng sương rơi non xa
Chiều thu giăng lối cô đơn
Nghe tiếng mưa sầu chứa chan
Mà bóng chiều phai vàng úa
Mưa xóa tình quen biết nhau
Trách chi cho lòng đớn đau

Viết một bình luận