Cảm nhận về ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” của Trầm Tử Thiêng

Bài hát “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” được Trầm Tử Thiêng sáng tác trong thời gian ông làm việc tại Cục Tâm lý chiến của quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Chỉ nhập ngũ trong thời gian ngắn nhưng ông đã để lại cho đồng đội, những người lính, những người yêu quý nhạc của ông một số ca khúc, tiêu biểu là bài hát “Chuyện một chiếc cầu đã gãy”. Bài hát lấy chủ đề là một sự kiện mang tên “Tết Mậu Thân Huế, 1968” một thành phố gần quê hương Quảng Nam của Trầm Tử Thiêng, một thành phố mộng mơ đã mang đến cho ông cảm hứng viết lên bài hát “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” sau khi cầu Trường Tiền bị giật sập.

Cầu Trường Tiền – Sông Hương

Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, ông sinh năm 1937 nhưng trên giấy tờ khai sinh năm 1940 và mất năm 2000. Là một nhạc sĩ có sự đa dạng về các tác phẩm, là một tài năng của âm nhạc miền Nam lúc bấy giờ. Sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu từ năm 1958, khi ông vừa tốt nghiệp trường sư phạm và trở thành một thầy giáo, chăm sóc đàn trẻ thơ. Một trong những bài hát đưa tên tuổi của Trầm Tử Thiêng đến gần hơn với người yêu nhạc là bài “Bài hương ca vô tận”.

Về ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gãy”, một bài hát được sáng tác đã hơn 50 năm về trước, khi nghe bài hát, dù cách biệt về thời gian và không gian vẫn khiến cho khán thính giả bùi ngùi. Tạo cho người nghe một khoảng lặng trong tâm hồn dù không có một chút ấn tượng, không biết về câu chuyện đau lòng của thành phố mộng mơ.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hoàng Oanh trình bày.

“Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh

Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh

Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời

Khắp cố đô dân lành an vui ca thành điệu Nam Bình

Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ

Thỏa lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ

……

Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui

Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.

Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi

Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài

Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu

Mối thù chờ sang ngày nào nối lại nhịp cầu rửa hờn cho nhau”

https://www.youtube.com/watch?v=jioJbqK23S4

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Chuyện một chiếc cầu đã gãy do Hoàng Oanh và Tứ Ca Nhật Trường trình bày.

Trầm Tử Thiêng đã mượn âm nhạc để kể cho chúng ta một câu chuyện qua ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gãy”. Mở đầu ca khúc là sự hoài niệm về quá khứ, quá trình hình thành nên chiếc cầu “Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh/ Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh”. Chiếc cầu ấy không chỉ là một công trình xây dựng bình thường mà còn là một niềm vui cho cả thành phố Huế. “Điệu Nam Bình” là một điệu ca Huế có tính chất dịu dàng, trìu mến, Trầm Tử Thiêng đã mượn giai điệu của điệu hát nổi tiếng tại nơi này để khẳng định rằng họ quý mến chiếc cầu biết bao nhiêu. Chiếc cầu xuất hiện trong đời sống sinh hoạt của con người, là biểu tượng mới của thành phố và còn là nơi tạo ra niềm vui và kỷ niệm cho con người sinh sống ở Huế.

Chiếc cầu đơn sơ ấy còn xuất hiện trong cả tình yêu đôi lứa:

“Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em

Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau

Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu

Nước dưới cầu vẫn trong veo

Như cuộc tình duyên nghèo

Tình yêu ta như nước trong

Dù qua mấy sông vẫn một lòng

Thương người nhìn qua đầu cầu

Hứa hẹn ngọt ngào tình bền duyên lâu”

Chiếc cầu ấy đã chứng giám cho biết bao nhiêu cặp tình nhân, là hoài niệm về những chuyện tình của vô vàn thế hệ. Chiếc cầu như là vật gắn kết tình yêu của đôi lứa, dù là đầu nào của cầu thì vẫn như vậy, trước sau không đổi thay, giữ mãi một lòng thủy chung.

Chiếc cầu quan trọng với người dân xứ Huế là thế, không chỉ mang lại lợi ích về vật chất mà còn là một vật báu nếu xét về khía cạnh tinh thần. Tiếc thay, chưa tồn tại được bao lâu, chiếc cầu quý báu ấy đã không còn nữa bởi sự tàn phá do chiến tranh. Chiếc cầu xưa kia với tác dụng là giúp cho nhân dân xứ Huế, giờ đây lại vô tình trở thành công cụ trong thời chiến gây đau thương cho mọi người “Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi”. Vào một đêm xuân ngày Tết, con người đang đoàn tụ đón phúc lộc đầu năm, gia đình đoàn tụ bên nhau. Niềm vui ngày Tết trở thành nỗi đau khi rơi vào thời bom rơi đạn lạc. Đáng tiếc thay, niềm đau ấy lại gián tiếp truyền qua chiếc cầu quê hương. Chiến tranh khiến cho nhân dân đau khổ, cướp đi niềm vui của con người. Trong đêm tết Mậu Thân năm đó, không có tiếng pháo hoa ngày Tết mà chỉ có thể nghe được tiếng khóc thét của người dân.

https://www.youtube.com/watch?v=5wnII3_oMXQ

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan & Duy Khánh trình bày

Trầm Tử Thiêng đã gửi gắm vào bài hát “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” một câu chuyện buồn. Khi nhắc về bài hát, nhắc về quá khứ, không có một người con xứ Huế nào có thể quên quá khứ năm xưa, không nhói một ít trong lòng. Bài hát mang lại nỗi buồn to lớn là thế, nhưng là một con người của đất nước Việt Nam đang một ngày phát triển, không thể nào ôm nỗi đau ấy đến hiện tại. Bài hát mang cho chúng ta hoài niệm và hoài niệm thì chỉ để ta tưởng nhớ, không phải để cho ta tiếc thương trọn đời.

Trích lời bài hát Chuyện một chiếc cầu đã gãy

Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp cố đô dân lành an vui ca thành điệu Nam Bình
Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ
Thỏa lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ

Ngày ngày cầu đã đưa em qua nhóm chợ khuya
Cầu đã đưa anh qua xới ruộng nâu
Giờ êm ái quen nghe tiếng hò Ngự Bình
Nước dưới cầu nước vẫn trong xanh như lòng người dân lành
Cầu đưa ta đi sớm trưa tìm trong nắng mưa niềm vui ngày mùa
Hết lòng gìn giữ nhịp cầu nối liền tình người đẹp đời mai sau

Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa
Dập dìu trong tay chan chứa tình thương
Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường
Áo trắng về trắng cầu quê hương
Mỗi lần chiều tan trường
Cầu quen đưa bao chuyến xe
Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề
Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề
ngoài miền sơn khê

Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em
Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau
Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu
Nước dưới cầu vẫn trong veo
Như cuộc tình duyên nghèo
Tình yêu ta như nước trong
Dù qua mấy sông vẫn một lòng
Thương người nhìn qua đầu cầu
Hứa hẹn ngọt ngào tình bền duyên lâu

Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui
Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu
Mối thù chờ sang ngày nào nối lại nhịp cầu rửa hờn cho nhau

Viết một bình luận