Cảm nhận ca khúc “Đường xưa lối cũ” – Khi lối cũ không còn bóng dáng người thân yêu

Cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975 với các sáng tác ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt. Ông là một trong những nhạc sĩ có số lượng sáng tác khá đồ sộ với hơn 500 ca khúc từ tình ca đến nhạc quê hương, dân ca, trường ca, nhạc cảnh, nhạc kịch. Tuy nhiên do thời cuộc, sau năm 1975 các ca khúc của ông bị cấm hoàn toàn. Mãi đến năm 2009, Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới cấp phép phổ biến sáu ca khúc sáng tác trước năm 1975 của ông, trong đó nổi bật có nhạc phẩm “ Đường xưa lối cũ”. Một nhạc phẩm với những giai điệu và ca từ nhẹ nhàng thể hiện nỗi buồn thương, tiếc nhớ về hình bóng của những người thân yêu đã không còn nữa trên lối cũ về làng xưa.

Có thể nói nguồn cảm hứng để viết nên ca khúc để đời “Đường xưa lối cũ” là từ cảm xúc thật của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, khi ông có dịp trở về làng Bích Khê ở Quảng Trị sau nhiều năm xa cách vì đất nước loạn lạc. Sau bao năm rời xa quê hương nơi “chôn nhau cắt rốn”, ông được trở về đứng trên mảnh đất nơi mình sinh ra, nơi có mẹ già và cô em gái nhỏ. Lòng thầm vui cho ngày trở về, bước đi trên con đường làng ngày nào, vẫn là trên con đường xưa lối cũ ấy, mọi thứ vẫn vẹn nguyên, chỉ có hình bóng cũ của những người thân yêu là không còn nữa. Cảm giác tiếc thương, hụt hẫng khi tất mọi thứ vẫn còn đây nhưng người xưa sao mãi chẳng thấy.

“Đường xưa lối cũ,
có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo
Đường xưa lối cũ,
có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi

Đường xưa lối cũ,
có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài
Đường xưa lối cũ,
có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai”

Nơi đường xưa lối cũ ấy có tất cả những gì thân thương nhất của người trai trẻ ngày nào. Hình ảnh một làng quê thanh bình được hiện ra theo từng bước chân khi bước đi trên con đường làng quê ngày xưa cũ của người con xa xứ. Đầu tiên là bóng dáng của những lũy tre làng. Có lẽ, đứa trẻ nào được sinh ra ở làng quê cũng đều gắn bó với những lũy tre xanh, những lũy tre cong cong, mềm mại nhưng vô cùng mạnh mẽ và bền bỉ giúp bao bọc, che mát cả một thôn nghèo. Khi ánh hoàng hôn vừa buông xuống, thiếu sao được ánh trăng lấp ló thấp thoáng sau lũy tre làng, ánh trăng soi sáng đường đi trong những đêm thanh, gió mát đầy thơ mộng. Những đêm trăng sáng ở những thôn nghèo bên cạnh dòng sông thường có tiếng tiêu trỗi lên, như nỗi lòng của một chàng “Trương Chi” nào đó cám cảm trước đêm trăng thanh, nên đã gửi tâm sự theo tiếng tiêu vọng buồn khắp thôn quê.

“Đường xưa lối cũ,
có em tôi tóc xanh bay mơ màng
Đường chiều dịu nắng,
bóng em đi áo nâu in đường trăng”

Đường xưa lối cũ ấy, có “em tôi tóc xanh bay mơ màng”. Trên con đường chiều dịu nắng, bóng dáng người em gái nhỏ bước đi trên con đường làng sau ngày làm việc ngoài đồng vất vả, tà áo nâu phảng phất trong gió theo từng bước chân em đến lúc trăng lên, in hằng bóng dáng trên đường làng. Hình ảnh người con gái quê với nét đẹp đơn sơ giản dị và không kém phần nên thơ, đã in trên đường trăng và in trong ký ức của người anh trai, dù đi xa bao năm vẫn không thể nào quên được hình bóng thân thương ấy.

“Đường xưa lối cũ,
có mẹ tôi run run trong hôn hoàng
Lòng già thương nhớ,
nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con”

Và làm sao quên được ,trên lối cũ ngày nào có người mẹ già chân “run run“, lưng “khom khom” bước đi trong hoàng hôn nhạt nắng, vì thương nhớ con nên rảo bước đi tìm. Hình ảnh người mẹ già ở thôn quê nghèo thương nhớ, chờ đợi và đi tìm con vào mỗi buổi chiều tà trên con đường đất, sau lũy tre làng làm người nghe bỗng thấy chạnh lòng thay, rưng rung xúc động trước tình mẫu tử ấy. Mẹ luôn là người chở che, nâng đỡ cho con từ những ngày đầu chập chững bước đi, đến khi con trưởng thành và đi xa mẹ vẫn dành cả cuộc đời để lo lắng và mong ngóng con quay trở về trong vòng tay mẹ vì ngoài kia biết bao sóng gió, biết con có thể vượt qua được không. Nỗi lòng của những người mẹ luôn luôn là vậy, tình mẫu tử khi nào cũng thiêng liêng như thế. Mẹ đã già, chân bước đi không còn vững nữa, nhưng vẫn muốn dõi theo từng bước chân con đi, luôn hướng về con, muốn được che chở bảo vệ con trong vòng tay của mẹ.

“Khi tôi về, bồi hồi trong nắng
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng

Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ”

Nhưng than ôi! Những bóng dáng thân thương ngày xưa đâu rồi. Khi trở về quê hương, sau bao ngày cách trở những tưởng rằng khi trở về sẽ được gặp lại người em gái nhỏ“ hân hoan đứng đón anh về”, nhưng ngờ đâu, người em gái nhỏ đã sang ngang khi tuổi hẵng còn xuân. Bây giờ đường xưa vẫn còn đó, mà bóng dáng em đã chẳng thấy đâu. Và còn buồn đau nào hơn, khi trở về không còn thấy bóng dáng mẹ già “đứng đón con về”. Mẹ đã ra đi mãi mãi, qua bên kia cuộc đời mà không một lời biệt ly “trước khi phân kỳ”. Cảm giác nghẹn ngào, đau xót nhói lòng đứa con trai xa nhà không hay tin để về tiễn đưa mẹ lần cuối cùng. Những câu từ trầm lắng nhưng gây xúc động mạnh cho người nghe, dấy lên cảm giác thương cảm, day dứt cho một người con xa xứ thời loạn lạc.

“Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi”

Đường xưa lối cũ, giờ đây đã không còn những người thân yêu nữa, chỉ còn lại đau thương, nỗi chạnh lòng thương nhớ hồi tưởng về những hình bóng xưa, in sâu trong lòng. Càng thêm nhớ, càng thêm thương đến quặng thắt lòng vì  những bóng dáng xưa bây giờ đã trở thành dĩ vãng, chỉ còn lại những hoài niệm không bao giờ phai mờ. Giai điệu chùng xuống như nỗi lòng tiếc nhớ không nguôi.

Đường xưa vẫn còn đó, nắng vẫn lên, trăng vẫn treo trên ven đồi. Mà hình bóng cũ, người thương năm nào nay đã không còn nữa, thì cảnh vật có êm đềm, yên ả đẹp đẽ đến đâu cũng chỉ gợi nhắc, tô điểm thêm cho nỗi buồn của người trở về một nỗi trống trải hoang tàn.

Ca khúc đã để lại cho người nghe nhiều thương cảm, hồi tưởng về một giai đoạn đất nước binh biến, tiếc thương cho những thân phận xa xứ, đến lúc được trở về quê hương thì những người thương xưa đã chẳng còn. Cho đến nay ca khúc “ Đường xưa lối cũ” vẫn được rất nhiều khán thính giả đặc biệt yêu thích nhờ vào những ca từ dễ đi vào lòng người của nhạc phẩm.

Đường xưa lối cũ,
có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo
Đường xưa lối cũ,
có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi

Đường xưa lối cũ,
có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài
Đường xưa lối cũ,
có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai

Đường xưa lối cũ,
có em tôi tóc xanh bay mơ màng
Đường chiều dịu nắng,
bóng em đi áo nâu in đường trăng

Đường xưa lối cũ,
có mẹ tôi run run trong hôn hoàng
Lòng già thương nhớ,
nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con

Khi tôi về, bồi hồi trong nắng
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng

Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ

Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi

Viết một bình luận