cách xử lý những vấn đề phát sinh của “tiểu quốc” Hoa Kiều ở Chợ Lớn của nền Đệ Nhất Cộng hòa

Vốn ban đầu, Chợ Lớn là một thành phố riêng biệt với Sài Gòn và có tên là Thành phố Chợ Lớn, nhưng sau đó trải qua nhiều biến cố đã được gộp chung với Sài Gòn tạo thành Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1951 và sau đó lại được đổi tên thành Đô thành Sài Gòn năm 1956. Đây không phải là điều ngẫu nhiên và cũng không ngẫu nhiên mà một khu vực tách biệt Chợ Lớn – nơi được gọi là khu phố Tàu rộng nhất thế giới – đột nhiên biến mất sau Sắc lệnh 143/VN dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm VNCH. Việc này bắt nguồn từ việc nền Đệ nhất Cộng hòa muốn giải quyết một cách triệt để vấn đề “bang hội tự trị” – t”tiểu quốc” Hoa Kiều ở Chợ Lớn vào 2 tháng trước đó….

Cuộc di dân người Tàu đến Việt Nam

Vùng đất Giao Chỉ xưa đã từng có một thời gian thuộc địa phận Trung Quốc nên đã ngàn năm nay, việc người Tàu đến đây sinh sống trở thành chuyện bình thường. Trước đó, họ sẽ thi thoảng di cư đến đây chỉ vì sự “thay triều đổi đại”, đại khái là họ muốn chống đối triều đại bấy giờ nên mới quyết định tiến hành cuộc di tản xem như biểu tình. Nhưng cuộc di dân ồ ạt đông đúc nhất kéo xuống vùng đất phía Nam bắt đầu từ giữa thế kỷ XVII, họ là những người bất mãn và không chịu thuần phục nhà Thanh nên quyết định rời bỏ Trung Quốc sang định cư tại Đàng Trong với ước muốn gìn giữ nề nếp phong tục của người Hán. Họ tụ tập với nhau tạo thành một ngôi làng, gọi là làng Minh Hương (được hiểu là “làng của người Minh”) và đặt tên cho vùng đất mới ấy là Đề Ngạn. Tuy nhiên, vùng đất này chỉ trở nên thật sự đông đúc kể từ khi người Hoa ở khu Cù lao Phố (tức vùng đất Biên Hòa ngày nay) chạy nạn khi bị quân Tây Sơn tàn phá năm 1776. Vậy nên để phân biệt đôi chút, chúng ta sẽ gọi người Minh Hương là những di dân chính trị, còn những người “Hoa Kiều” từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX là những di dân kinh tế. 

Theo nhiều ghi chép ghi nhận lại, thì chẳng có dân tộc nào tôn thờ chữ viết như người Tàu, với họ, nghệ thuật viết chữ đã được luyện thành thư pháp, nó như một loại tôn giáo dùng để di dưỡng tâm hồn. Và hiển nhiên, văn tự trở thành chiếc cầu nối giữa người phàm với thần linh. Dù lưu lạc đến bất kỳ đâu thì việc đầu tiên họ bắt tay vào thực hiện chính là lập nên những hội quán, để tập hợp thành một cộng đồng nhỏ tương trợ lẫn nhau; kế đó sẽ là xây dựng trường học, dạy chữ để duy trì và bảo tồn chữ Hán. 

Dưới thời Hậu Lê, người Tàu được hưởng quy chế ngoại kiều – tức là họ có thể sinh sống và làm việc trên lãnh thổ nước ta một cách tự do mà không cần nhập tịch. Ở thời bấy giờ, người Việt ta vốn chuộng hư danh phù phiếm nên rất xem thường việc kinh thương, đất nước lại thường xảy ra nội chiến nên ngay đợt hai dòng Trịnh – Nguyễn phân tranh, người Tàu đã gần như độc quyền về nhiều loại ngành nghề: từ khai thác khoáng sản, buôn bán gạo muối,…cho đến kinh doanh vận tải,…Giang sơn Đại Việt gần như bị người Tàu ở hai đàng (Trong – Ngoài) chi phối, hiệp lực để thao túng toàn bộ nền kinh tế Đại Việt. Người Tàu rất chí thú làm ăn và có gian trong việc buôn bán, khi hai phe đồng chủng Tiên Rồng đánh nhau, họ ở giữa làm trung gian cung cấp lương thực và hàng hóa, trở thành “ngư ông đắc lợi” – ngồi không mà trở nên giàu có. 

Mãi đến sau này, sự giàu có của họ bị nhà Tây Sơn dòm ngó, được đưa vào diện “quan tâm đặc biệt”, xuất hiện nên nhiều cuộc chém giết để cướp tài sản của người Tàu. Tỷ như việc san bằng Cù lao Phố, hay hủy diệt đi Mỹ Tho,…cuối cùng, đẩy người Tàu rơi vào thế đâu lưng với Nguyễn Ánh để chung sức tiêu diệt quân Tây Sơn. Chính vì điều này mà sau khi lên ngôi, vua Gia Long (chính là Nguyễn Ánh) đã dành cho người Hoa rất nhiều đặc ân: miễn lao dịch, nhẹ thuế khóa, miễn thuế thân,…Thậm chí, nhà Nguyễn còn ban hành quy chế thành lập các bang Hoa Kiều, với tất cả 7 đại bang: Quảng Triệu (còn gọi là Bang Quảng Đông), Khách gia, Triều Châu, Phước Kiến, Phước Châu, Hải Nam và Quỳnh Châu. Trụ sở của 7 Bang (giống như Văn phòng Đại diện) thường được gọi là “Thất Phủ công sở” hoặc “Thất Phủ hội quán”. Sau đời Minh Mạng, người Hoa Kiều có đôi lúc bị siết chặt để ngăn ngừa họ phóng túng, nhưng chung quy đây vẫn là cộng đồng được ưu ái nhất tại Việt Nam.  

Đến thế kỷ XIX, khi người Pháp nắm quyền cai trị, cũng không ít lần tạo điều kiện cho người Hoa định cư ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Thời kì này người Hoa sang Việt Nam theo các đợt tuyển mộ phu đồn điền của người Pháp. Dù thay đổi chính quyền cai trị, nhưng những quy chế cùng ưu đãi dành cho Hoa Kiều vẫn được duy trì, vậy nên, thế lực của người Hoa Kiều không có giảm đi mà ngày một lớn mạnh. 

Kể từ sau Hiệp định Genève 1954, khi Việt nam được chia thành hai miền Nam – Bắc thì tình hình kinh doanh của “tiểu quốc” Hoa Kiều đã không còn được thuận lợi hanh thông như trước. Ở miền Bắc, dưới chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều bang hội của người Tàu bị giải tán, những trường học Tàu cũng liên tiếp bị đóng cửa. Văn tự và bang hội đều không giữ được nên người Tàu đất Bắc nhanh chóng bị đồng hóa với dân bản địa. Trong khi đó ở miền Nam, chính quyền không mạnh tay nên việc đưa cộng đồng người Hoa hòa nhập với dân bản địa trở nên chật vật hơn nhiều. Họ vẫn giữ vững được bản sắc dân tộc và cũng phát huy được sở trường kinh thương của mình nơi đất khách. 

Công cuộc buộc người Hoa “nhập tịch” 

Người Hoa Kiều ở Việt Nam được hưởng thụ rất nhiều lợi lộc khổng lồ nhưng lại chẳng cần thực thi bất kỳ nghĩa vụ nào đối với quốc gia. Quy chế ngoại kiều ở Việt Nam đã giúp họ chẳng phải mất một đồng phí thuế kinh doanh nào, những thế chế về bang hội tự trị càng khiến họ trở thành những “tiểu quốc” trong một quốc gia. Người Hoa sống tập trung lại với nhau thành từng khu (như là khu Chợ Lớn), họ không chịu bất kỳ sự tài phán nào của tòa án, cũng chẳng đến sự giúp đỡ hay bảo vệ của cảnh sát. Ở mỗi khu vực mỗi địa phương mỗi địa phương nơi họ sinh sống đều có bang trưởng – Người này được cử ra trong số người giàu có, thạo việc làm ăn để thay mặt cộng đồng giao thiệp với bên ngoài, hoặc giải quyết tranh chấp không qua sự can thiệp của chính quyền sở tại. Sự khép kín của cộng đồng Hoa Kiều được cho là hành vi ích kỷ và bội bạc với quốc gia đã cưu mang họ. 

Vì thế, để kiến thiết cũng như tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì việc đưa Hoa Kiều vào hội nhập là điều vô cùng cần thiết. Bắt đầu từ năm 1956, chính phủ Ngô Đình Diệm đề ra chính sách buộc tất cả người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc bị trục xuất. Người Tàu từ trước giờ vẫn luôn hưởng thụ những đặc quyền đặc lợi, nay bỗng dưng bị “thất sủng” nên kiên quyết bất hợp tác với chính quyền. Hơn 800.000 thần tử Hoa kiều ở miền Nam đã chăm chú hướng về Đài Loan, trông chờ sự can thiệp của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Và họ vẫn đinh ninh rằng Tưởng Giới Thạch sẽ “trị” được Thủ tướng Diệm nên người Hoa Kiều xem những sắc dụ ban hành như “gió thoảng bên tai”. Trước sự khinh thường đó, chính quyền ban hành Dụ số 48 vào ngày 21 tháng 8 năm 1956, sửa đổi Bộ Luật Quốc tịch Việt Nam, điều 16 có quy định rõ ràng rằng: 

“Hoa kiều thổ sanh (sinh trưởng tại Việt Nam) sẽ là người Việt Nam, bắt buộc phải nhập và khai nhận quốc tịch Việt Nam, hoặc nếu không chịu nhập tịch thì có thể xin hồi hương (về Đài Loan) trước ngày 31-8-1957. Thời hạn ấn định cho những Hoa kiều sinh tại Việt Nam phải làm khai sinh để được cấp thẻ căn cước sẽ kết thúc ngày 08-4-1957, việc kiểm tra sẽ hoàn tất vào ngày 22-6-1957.”

Bằng Dụ lệnh mới, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thấy sự kiên quyết của mình để buộc người Hoa đi vào khuôn phép.

Tiếp đó, một sắc luật bổ túc (Số 52) ban hành ngày 29 tháng 8 năm 1956, yêu cầu tất cả người Hoa ở Việt Nam phải lấy tên tiếng Việt trong vòng 6 tháng, nếu không sẽ bị phạt nặng. Ngày 6/9/1956, một sắc luật số 53 lại tiếp tục được ban hành, nghiêm cấm người nước ngoài hoạt động trong 11 ngành nghề, bao gồm cả buôn gạo và tạp hóa (đây đều là những ngành mà người Hoa chiếm nhiều ưu thế). Vậy nên, những người Hoa hiện đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh này có thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để bán hoặc chuyển nhượng thương hiệu lại cho công dân Việt Nam, nếu không sẽ bị trục xuất và mức phạt lên đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, chính phủ Ngô Đình Diệm còn buộc các trường người Hoa trong vùng Sài Gòn – Chợ Lớn phải dùng tiếng Việt trong giảng dạy và hiệu trưởng phải là người Việt Nam. Tuy Sắc lệnh được ban ra chỉ đề cập chung chung “ngoại kiều”, nhưng thực chất những chính sách này đang nhắm thẳng vào khối người Hoa sinh sống tại miền Nam. 

Tuy nhiên, đến tận tháng 11 năm 1956 thì vẫn rất ít người Hoa Kiều đến khai nhận Việt tịch, điều này cho thấy, Dự lệnh số 48 chẳng hề đem lại kết quả khả quan. Sau đó, ông Nguyễn Ngọc Thơ – Bộ trưởng quốc gia đặc trách kinh tế – đã cho mời tất cả đại diện nghề nghiệp Hoa Kiều đến để đưa ra lời cảnh cáo:

“Những người ngoại quốc nào còn muốn tiếp tục hoạt động kinh thương, vấn đề chính yếu là phải giải quyết cho xong vấn đề quốc tịch. Đừng nghĩ rằng chính phủ sẽ không có biện pháp đối với những ai không muốn tiếp tục hành nghề và chịu thất nghiệp. Giải pháp đã có sẵn, nó nằm trong tầm tay của mỗi quí vị, và quý vị hãy tự quyết định lấy”.

Phản ứng dữ dội với những chính sách của chính quyền, người Tàu thành lập nên Hội Hoa kiều tẩy chay hàng hóa Mỹ tại Việt Nam, nhằm tạo áp lực buộc Hoa Kỳ can thiệp việc thu hồi Sắc lệnh. Chính quyền một mặt thì xoa dịu, một mặt lại giữ nguyên hiệu lực của Dụ lệnh. Cảnh sát có quyền bắt giữ và tịch thu thẻ căn cước Đài Loan của người Hoa kiều để cấp lại căn cước Việt Nam. 

Vì để chống đối lại chính quyền mà người Hoa đóng cửa gần hết trường học, những hoạt động thương mại cũng đình chỉ và tiền trong ngân hàng cũng bị rút sạch. Khoảng 17% tiền tệ đang lưu hành ở miền Nam chợt biến mất khỏi thị trường, thương mại cũng hoàn toàn ngưng trệ. Họ ngừng vận tải hàng hóa, các chủ ngân hàng Hoa Kiều ở Đông Nam Á và chính quyền Đài Loan cũng nhất loạt ngừng hoạt động, nông sản ở vùng quê hoàn toàn bị ứ đọng. Kết quả cuối cùng là nền kinh tế miền Nam Việt Nam thời điểm đó gần như sụp đổ. 

Nhận thấy được sức ảnh hưởng không nhỏ của người Hoa trong nền kinh tế miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm chỉ có thể nhượng bộ. Quyết định cuối cùng trong chính sách mới vào tháng 7 năm 1957, người Hoa được quyền ghi danh cửa hàng bằng tên bà con sinh ở Việt Nam hoặc tiến hành thủ tục nhập tịch đơn giản. Hiệu trưởng trường chỉ cần là người Hoa sinh ra tại Việt Nam, tiếng Hoa vẫn được sử dụng nhưng trừ các môn lịch sử, địa lý và văn học. 

Thật ra, người Tàu cũng nhận ra nhiều bất cập trong việc kinh doanh miễn thuế của mình, thật hổ thẹn nếu chỉ hưởng lợi mà không có bất kỳ đóng góp gì trên quốc gia đang cưu mang mình. Nhưng, vấn đề khiến họ không muốn nhập tịch chính là việc thi hành quân dịch. 

Người Tàu ngày trước sẽ “xả thân” chiến trường để đền ơn chúa Nguyễn, nhưng lớp người Tàu sau này có thiên phú về kinh doanh nên họ không muốn tham gia vào cuộc chơi giao tranh chiến sự của người Việt. Tài sản mất có thể dễ dàng gầy dựng lại, nhưng mang không còn thì lấy gì để thu hồi! 

Họ đứng trước hai sự lựa chọn khó khăn: một là tiếp tục kinh doanh với điều kiện con em mình phải tham gia chiến tranh và một là rời bỏ mảnh đất gắn bó mấy đời. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn đang bày tỏ thái tỏ ủng hộ đối với chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cơ hội phát triển rộng mở. Vậy nên, cuối năm đó, hầu hết người Hoa đều tiến hành nhập tịch, chỉ có khoảng 400.000 người hồi hương Đài Loan. Từ đó, máu của người tàu đã hội nhập với máu của người Việt, cùng chung tay giữ gìn nền Cộng hòa của đất nước.

Viết một bình luận